NGƯỜI GỎ CỬA hoàng hôn (Phần 1)

LTS: Tác phẩm “Con kền kền và thằng bé” của nhà văn tập sự Lê Phong đã gây cảm xúc mãnh liệt cho nhiều người khi nghe nói đến nạn đói kém ở Phi Châu, để từ đó hồi tưởng đến nạn đói năm Ất Dậu (năm 1945) tại nhiều vùng đất ở miền Bắc nước ta.

      Một ngày cuối tháng 4 năm 2013, ông gửi cho Tạp chí Thanh Niên một tập truyện mang tựa đề “Người gõ cửa hoàng hôn”, truyện do ông viết mà cốt truyện ông nói đến người đàn bà trong cuộc chiến tranh và hòa bình ở Việt Nam.

       Cái tên Lê Phong có lẽ nhiều người còn xa lạ, nhưng đó là bút danh của Phó giáo sư, Tiến sĩ sử học Nguyễn Mạnh Hùng – Hiệu trưởng trường Đại học quốc tế Hổng Bàng, một người có thể tìm thấy trên diễn đàn giáo dục của một hiệu trưởng dám tự xưng mình là “Con ngựa thồ trong làng đại học”. Tạp chí Thanh Niên trân trọng gửi tới bạn đọc nội dung tập truyện này.

x
x x

      Đó là một buổi chiều, một buổi chiều ngày thứ ba đến sau 2 buổi chiều vừa mới trải qua trước đó – Kề từ ngày ba mươi tháng tư, bảy mươi lăm.

      Lúc bấy giờ, trời đã bắt dầu chạng vạng. Bà quản gia đã khóa chặt cổng, nhưng con Lắc Ki vẫn cứ nguếch mỏ lên hục hặc. Có tiếng chân người sột soạt ngoài cổng. Bà quản gia rón rén bước ra, nhìn qua khe hở. Một bóng người phụ nữ.

– Xin lỗi! Ai đấy?

      Bên ngoài, giọng nói vọng vào:

-Thưa bà, cháu…

– Cháu là ai? Đến có việc gì?

– Dạ không. Cháu chỉ đến để xin khám bệnh.

     Bà quản gia cao giọng:

– Thời buổi này còn có ai bệnh mà đi khám – Tối rồi! Sáng mai xin mời cô.

     Bên ngoài, giọng khẩn khoản:

– Thưa bà, cháu cần gặp bác sĩ!

     Bà quản gia lại nhìn qua khe hở:

– Cô quen với ông ấy à!

– Thưa không, cháu có bệnh cần cấp cứu!

– Bệnh viện đã được quân quản rồi! Sao không đến!

– Cháu mang bệnh đã mấy hôm! Bệnh cháu chi có bác sĩ mới khám được! Xin bà giúp cháu.

Mới giải phóng có 3 ngày mà đã hoá bệnh.

      Bà quản gia im lặng rồi để tay vào cái khóa cửa, bật chốt.

Người đàn bà khép nép bước vào – trông như một tiểu thư đài các.

– Cháu xin cám ơn bà!

     Bà quản gia sa sầm nét mặt, lầm bầm trong mồm vừa đủ để người khách lạ thoáng nghe được giọng nhề nhệ chua chát!

– “Lúc này mà còn đài các thế à!”

     Xong, bà ta ra oai:

– Chờ đây! Để tôi báo lại xem sao!

       Bà xoay đầu vào trong. Bất chợt, bà nhận ra “ông chủ hết thời” đã đứng bên cánh cửa sổ trên lầu nhìn ra (hình 1).

      Ông ta quan sát người khách lạ qua ánh sáng chiều còn sót chút nắng vàng. Người khách ngước đầu lên cúi chào. Bà quản gia hướng mắt về ông bác sĩ. Bà tỏ ra lúng túng. Lần đầu tiên, khách đã vào tận bên trong mà bà chưa kịp báo! Hơn nữa, đây là người chưa rõ tung tích!

– Bà cứ cho vào!

     Người đàn ông lên tiếng – bà quản gia cúi đầu vâng lệnh!

– Vậy! Xin mời cô.

       Người phụ nữ rón rén bước đi. Bà quản gia nhìn theo từng nhịp chân.

       Cô ta có thân hình dong dỏng cao – với đôi chân dài hơn các cô gái bình thường. Dưới chân lại thêm đôi guốc kiểu trông cô ta như đang bước trên sàn diễn thời trang ở mấy hộp đêm Sài Gòn! Còn ông, ông để đôi mắt tập trung vào cái nền đất đã cạy hết gạch màu xanh đen từ đêm ba mươi tháng tư – nơi có bàn chân người đàn bà vừa đi qua. Khi càng đến gần phòng khách, cô ta càng đi nhịp nhàng, thong thả hơn theo mệnh lệnh của bà quản gia. Cô ta cố thể hiện vóc dáng bề ngoài thật uyển chuyển trong hơn mười bước chân vừa đủ để khêu gợi tầm nhìn của người đàn ông đứng tuổi mà không uổng công chút nào. Chỉ có một điều là – trong tình thế lúc này lấy đâu ra cái sàn diễn đề cô ta được phô bày cái sản phẩm “chướng tai gai mắt” đó. Rõ là bà quản gia nhìn bằng đôi mắt trừng trừng. Bà muốn phá tung cái trò chơi giải trí của giới trưởng giả, trong giờ phút nguy kịch này. Còn người đàn ông thì ra vẻ vô tư như thầm nhắn nhủ: “Cứ tự nhiên đi nào! Đừng vội bôi lem nó như mấy cô gái hoảng loạn đã cắt vội móng tay, xén bớt mái tóc dài, trét tro bôi trấu lên mặt, lên cổ hay cởi bỏ mấy bộ đồ dạo phố để mặc nhanh cái áo sờn rách màu nâu bẩn, cũ kỹ của mấy cô đầy tớ loanh quanh xó bếp.

      Để chận đứng hành vi thô bạo của bà quản gia có thể gây ra xung đột làm mất giá trị hồn nhiên! Người đàn ông tằng hắng một tiếng tuy thô bỉ nhưng đủ nhỏ nhẹ để cảnh báo bà quản gia để không làm động bước chân rón rén của con mèo hoang (hình.2).

       Bây giờ, người phụ nữ với chiếc áo bà ba đang từ tốn bước vào trong phòng khách như con vạc ăn đêm mà không để ý đến sự dao động chung quanh. Người đàn ông lên tiếng:

– Thôi!Bà đi lo nước cho khách.

       Bà quản gia hiểu ý. Cái ông này muốn đuổi mình đi để khỏi phải động đến “con mồi”. Cái vóc dáng đài các, phong lưu chắc hẳn đã đi đến từ đống đồ cổ đã quá thời của chế độ. Bà làm bầm trông như người ghen tuông trong truyện tấm cám. Giờ này, có còn “tiểu thư’ nào dám đi lại ngang nhiên mà không có tên trong danh sách đào kênh đắp đất…

      Ba trợn tròn đôi mắt, còn đôi môi mấp máy lời nguyền rủa:

– “Quái lạ! Một cuộc tình lãng mạn!”còn sót lại – Nước rặc mới biết cỏ thối!

      Người phụ nữ do dự bước vào phòng khách.

      Người đàn ông chỉ tay vào chiếc ghế. Người phụ nữ khẽ cúi đầu khép nép để ngồi vào chỗ đã được chỉ định.

-Xin mời bà ngồi.

     Ông lên giọng

– Thưa bà, bà cần gì?

       Ông bác sĩ bây giờ mới nhìn được thẳng vào đôi mắt của cô ta. Đôi mắt bị che lấp một phần mắi tóc thề đượm vẻ u buồn ẩn kín trong gương mặt bình thản nhưng đầy quyến rũ! Và lại thêm chút từng trải có trau chuốt qua lớp son phấn.

– Thưa bác sĩ, tôi xin được khám bệnh.

     Ông bác sĩ hỏi giọng nhát gừng.

– Bà bệnh gì?

– Thưa bác sĩ, cả mấy ngày nay tôi ăn ngủ không yên.

– Bà có đau ốm gì không?

– Thưa không!

– Bà có phiền muộn gì không?

– Thưa không!

       Một luồng gió nhẹ thổi qua. Bác sĩ bất chợt nhận ra một mùi nước hoa quý tộc làm ông ngợp ngụa một nỗi nhớ nhung những buổi dạ hội trong những ngày Sài Gòn về đêm êm ả, văng vẳng tiếng súng bâng quơ như tiếng mõ đánh nhịp của nhà chùa vào cõi không tĩnh mịch. Trong giây phút ngắn ngủi ấy, ông cúi khẽ đầu xuống nhắm mắt, vuốt lại mái tóc để chấn chỉnh gương mặt hốc hác đã ba ngày qua.

– Không sao bà ạ! Chính tôi cũng như bà, đều đang có cảm giác bế tắc trong biến cố lịch sử này. Chúng ta đã ở lại nên phải nhận chịu sự bất ổn.

       Rồi, ông ngẩng đầu lên, vẻ mặt nghiêm nghị và lấy từ trong hộc tủ 1 lọ thuốc dốc ra mấy viên màu đỏ cho vào lòng bàn tay. Bất chợt, ông nhìn thẳng vào bà ta, đặt câu hỏi:

– Bà có tin là bên kia sẽ tuốt móng tay, cạo da mặt và bắt phải lấy cán binh thương tật của họ

     Người đàn bà khẽ mỉm cười! Thay vì trả lời bà ta lại đặt ra câu hỏi:

– Thế ông có nghĩ điều ấy là sự thật không?

     Ông bác sĩ liền trả lời theo cách riêng của nghề nghiệp:

– Nếu đó là sự thật thì bà cần uống thuốc giảm đau dài ngày! Còn nếu là sự giả dối thì cần 3 ngày thuốc, nhưng tôi vẫn đề phòng 4 ngày cho thuốc đủ ngấm.Tất cả chỉ trong bảy ngày.

      Ông bác sĩ đã xuất thần nói ra một hơi dài như ông đồng bà cốt. Ông tin rằng ông đã định được bệnh. Rồi ông gật gù cái đầu tóc luôn có chút sáp làm cho trơn bóng như những ngày trước đó.

-Nếu bệnh cứ dai dẳng! Xin bà hãy trở lại.

       Rồi ông đứng phắt dậy để chia tay người đàn bà và đích thân tiễn bà ta ra tận cổng với những bước đạo mạo như vị linh mục tiễn con chiên sau khi đã xưng tội. Mặc cho bà quản gia đứng lấp ló rình mò, lẩm bẩm: “cái cặp đôi trông như mèo mả gà đồng”.

     Đúng ngày thứ 8, người đàn bà trở lại. Ông bác sĩ nhìn thẳng vào gương mặt phiền muộn của người phụ nữ, khá lâu!

– Thưa bà, tôi nghĩ rằng bà chưa khai đúng bệnh.

     Người đàn bà trầm tư, nhắm nghiền đôi mắt.

– Thưa bác sĩ, gia đình tôi có biến động.

Tôi hiểu rõ điều đó trong lúc này, xin bà cứ nói.

Chồng tôi đã đi học tập cải tạo!

     Ông gật gù cái đầu có mái tóc sờn mấy cọng bạc:

– Như vậy, trường hợp của bà có khác đấy. Bà nên nhớ rằng chiến tranh đã chấm dứt, người bên kia không cần đổ thêm máu.

     Người đàn bà im lặng, ông bác sĩ lại lấy lọ thuốc ra.

– Đây cũng chỉ là mấy viên thuốc bổ và an thần như lần trưởc. Xin bà hãy uống đều đặn và đi thăm viếng ông chu đáo để gây niềm tin cho ông trong lúc cơn biến động lịch sử này! Vì đó là tình nghĩa vợ chồng, lòng chung thủy là cái quý giá nhất trong đời người! Nếu không hết bệnh xin bà cứ trở lại.

      Ông gật gù căn dặn lời vừa nói sau cùng. Ông tin chắc hơn vào cái toa thuốc thứ hai của mình qua lời bổ sung thêm bệnh tật. Ông mỉm cười rồi lại tiễn chân người đàn bà ra tận cánh cổng sắt.

… (Còn tiếp) …

Xin xem tiếp: Người gõ cửa hoàng hôn (Phần 2)Tia chớp ái tình

Truyện của LÊ PHONG
(NGUYỄN MẠNH HÙNG 1)

____________
1. PGS, tiến sĩ sử học.

◊  Minh họaHọa sĩ Nguyễn Minh Trúc Sơn – Phó Khoa Mỹ thuật Công nghiệp, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (năm 2013). (Ảnh minh họa: Ban Tu Thư đã chỉnh sửa lại tone màu theo yêu cầu của tác giả).

◊  Truyện ngắn đã được đăng trên Tạp chí Thanh Niên, số 16, kỳ 4, tháng 4-2013.

(Visited 28 times, 1 visits today)