PGS TS Sử học Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên giảng dạy bộ môn Việt Nam học tại Đại học ngoại ngữ Osaka Nhật Bản, nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Bàng, người được biết đến trong việc góp phần khởi đầu xây dựng hệ thống trường ĐH tư thục tại Việt Nam từ những năm 1986. Thế nhưng ít ai biết ông còn có đam mê với những tư liệu cổ xưa về “Hòn Ngọc Viễn Đông”.
Nói về đam mê đặc biệt này của mình, thầy Hùng kể về mối liên hệ của mình với những năm tháng tuổi thơ. Đó là thời gian đặc biệt khó khăn. Lúc mới 3 tuổi, thầy đã mồ côi cha. Mẹ thầy một mình vượt qua sóng gió trong suốt những năm tháng chiến tranh để nuôi con ăn học. Thậm chí, khi quân Pháp bắt cha của thầy, đốt nhà, chúng còn có ý định bắt cả mẹ thầy. Thật may, bà đã tìm được đường lánh nạn vào Sài Gòn. Lúc bấy giờ, cậu bé Hùng được gửi vào một trường dòng để tiếp tục việc học. Do chưa có nơi cư trú ổn định, nhiều đêm thầy phải ẩn nấp trong Thư viện Khảo cổ Sài Gòndưới sự che chở của người Quản thủ thư viện. Đây chính là khoảng thời gian đặc biệt đã dẫn dắt PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng đến với những tư liệu quý về thủ phủ của vùng đất phía Nam. Đó là trong một lần khám phá thư viện vào những năm 1961, thầy Hùng phát hiện được một Bộ tư liệu quý mang tên “Kỹ thuật của người An Nam – Technique du Peuple Annamite” của Henri Oger .
Bộ tư liệu được chú giải bằng tiếng Pháp, các nhà nho Việt Nam thực hiện bằng bút pháp theo kiểu tranh Đông Hồ, Hàng Trống và đã trú giải Hán Nôm trên từng bản vẽ. Thế nhưng công trình quý hiếm này đã bị lãng quên trong một đống sách của thư viện gần một thế kỷ. Chàng trai trẻ ham học đã phát hiện và báo cáo thủ thư.
Tháng 4/1984, trong tâm trạng hào hứng đã mạnh dạn đăng ký thành đề tài nghiên cứu khoa học trên nền bộ tư liệu nghiên cứu về ngươi An Nam, dưới sự hướng dẫn của khoa Ngữ văn thuộc ĐH Tổng hợp và sự giúp đỡ của Hội Văn nghệ dân gian, Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam.
Trong những năm sau đó, chàng sinh viên tiếp tục giới thiệu Bộ tư liệu trong các cuộc hội thảo tại Thư viện quốc gia Hà Nội và Viện Hán-Nôm, Hội Trí thức yêu nước và tại Hội nghị ngôn ngữ phương Đông lần thứ 4 các nước xã hội chủ nghĩa vào ngày 22/11/1986.
Trong những năm sau đó, thầy Hùng tiếp tục có cơ hội giới thiệu về ký họa Việt Nam tại ĐH California State University Fullerton và các trường ĐH có ngành Việt Nam học tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan,…
Những đam mê trong nghiên cứu của thầy Hùng đã được đúc kết trong một ấn phẩm với tựa đề “Ký họa Việt Nam đầu thế kỷ XX” được xuất bản vào năm 1988.
Bật mí về những khám phá thú vị trong các nghiên cứu Việt Nam học của mình, thầy Hùng kể về những kỷ niệm khi tìm hiểu về xuất xứ của cụm từ mà hiện nay trong giới nghiên cứu hay sử dụng phổ biến là “Hòn ngọc Viễn Đông”.
Theo PGS TS Nguyễn Mạnh Hùng, Sài Gòn theo cách hiểu trước đây là “phiêu bạt giang hồ”, trong đó từ “Sài” chỉ một tên loại “củi”, còn “Gòn” là loại cây thân gỗ xốp có trái dài, bọc trong lớp sợi dày, được đánh ra để làm gối đầu giường.
“Hãy tạm quên đi các bằng chứng hàng trăm, hàng nghìn năm mà các nhà nghiên cứu để lại trong sử sách, văn chương thì Sài Gòn cứ cho là có tên gọi một loại “củi” mà trong dân gian có câu “Củi mục bà để trong rương – Ai mà sờ đến trầm hương của bà”, thầy Hùng hóm hỉnh và nhìn nhận, loại “củi” ấy đã bị chôn vùi trong lớp đất, nay được dò tìm, đã hóa đá thành những cuỗi “ngọc” được xác định địa giới thuộc miền Viễn Đông nằm trong khu vực Đông Nam Á.
Theo thầy Hùng, việc hiểu đúng, hiểu đủ nguồn gốc của ngôn ngữ, của lịch sử Sài Gòn, cũng giống như gieo trồng một giống cây tốt cho đời sau không bị “lai căng”.
Giống như các nhà sử học phương Tây bước vào phương Đông qua đường chỉ may của bộ quần áo, PGS TS Nguyễn Mạnh Hùng muốn các nghiên cứu của mình góp phần giải nghĩa Sài Gòn qua những bộ tư liệu đồ sộ của vùng đất này đã chảy theo dòng lịch sử đã 300 năm qua.
Thành Luân
Bài viết đã được đăng trên daidoanket.vn, 09:15:00 – Thứ hai, 20/11/2017:
http://daidoanket.vn/xa-hoi/nguoi-thay-me-nghien-cuu-ve-sai-gon-tintuc386370
Sài Gòn – Hòn Ngọc Viễn Đông (Tập 1: Những bước chân hóa thạch):
https://drive.google.com/file/d/16MJ3WIAEEQNBb09hMDebM2tcXqWSJU5N/view