Nguồn gốc NGƯỜI VIỆT: Hướng tiếp cận từ NGÔN NGỮ

Nguồn gốc NGƯỜI VIỆT: Hướng tiếp cận từ NGÔN NGỮ

Hồ Trung Tú 1

    Tiếng Việt, nhiều người vẫn tin chắc rằng nó đã có từ thời Hùng Vương, Hai Bà Trưng, có thể khác với ta hôm nay chút ít nào đó nhưng chắc chắn nó cũng phải là thứ tiếng Việt ta có thể nhận ra và nghe hiểu được. Thế nhưng có điều lạ, mặc dù nó đã được các nhà ngôn ngữ nói đến từ lâu, rằng tiếng Việt ta dùng hôm nay có đến 70% là tiếng Hán, 30% còn lại thì phần lớn là Môn-Khơmer, phần còn lại là Tày – Thái. Vài ví dụ nhỏ như: chó má thì chó là Môn-Khơmer còn má là Tày Thái; chợ búa cũng vậy, chim chóc, rừng rú, đẹp đẽ, mặn mà… cũng đều vậy. Vậy tiếng Việt ở đâu? Đâu là tiếng Việt mà ta hay tự hào là đã có từ thời Hùng Vương? Và Hai Bà Trưng nói thứ tiếng Việt nào? Liệu lúc đó Hai Bà Trưng chỉ nói tiếng Hán hay chỉ nói tiếng Tày Thái, tiếng Môn-Khơmer và chưa có sự hòa nhập cả 3 thành một như hiện nay? Và quan trọng hơn, nếu không nói là quan trọng nhất là sự hòa hợp đó đã xảy ra ở đâu, bao giờ và như thế nào vì qua đó sẽ giúp ta giải mã được một cách rốt ráo nguồn gốc người Việt hiện nay.

Hồ Động Đình - vietnamhoc.net
Hồ Động Đình – thời Hai Bà Trưng (Nguồn: wikipedia.org)

  Có ý kiến cho rằng người Việt từ Hồ Động Đình2 xuống nên 70% tiếng Hán đó chính là Việt cốt lõi rồi các tộc người khác mới hòa nhập vào tạo nên tiếng Việt nay. Luận điểm này thoạt nghĩ thấy đúng, thế nhưng trong cấu trúc ngôn ngữ thì ta lại thấy tiếng Hán chỉ chiếm phần thượng tầng (những từ thể hiện trình độ phát triển của xã hội), tức những vốn từ có tính trừu tượng cao thuộc về chính trị, văn hóa, tôn giáo, triết học; còn những từ thuộc sinh hoạt đời sống hàng ngày thì lại thuộc về Môn-KhơmerTày Thái… Lẽ nào tiếng Hán không có những từ cơ bản như mắt, tai, lưỡi, ruộng, đồng, gò, bãi, lúa, gạo, chó, mẹ…? Các nhà ngôn ngữ đã thống nhất từ lâu rằng chính lượng vốn từ cơ bản này mới quyết định một ngôn ngữ thuộc về ngữ hệ nào, dân tộc nào, những từ thượng tầng thường là vay mượn. Như trường hợp Thái Lan, Lào, Campuchia cũng vậy, những vốn từ thượng tầng đều vay mượn từ Ấn Độ khi họ du nhập chữ viết và tôn giáo. Cả Châu Âu cũng vậy, vốn từ thượng tầng cũng đều vay mượn từ ngôn ngữ Latin cổ.

    Chính vì lý do này mà ban đầu, vào đầu thế kỷ XX, HENRY MASPERO3 đề xuất xếp tiếng Việt vào ngữ hệ Tày-Thái, và sau đó, vào năm 1953, qua hai bài báo A.G. HADRICOURT4 khẳng định lại, và được công nhận cho đến ngày nay, là tiếng Việt thuộc về ngữ hệ Môn-Khơmer.

    Kết luận của HADRICOURT xuất phát từ việc so sánh những từ cơ bản ông thấy nó hoàn toàn thuộc ngữ hệ Môn-Khơmer, hơn nữa những đặc điểm Tày-Thái – Thái trong tiếng Việt như thanh điệu ông cũng chứng minh được nó là sự biến đổi từ nguyên gốc Môn-Khơmer.

    Thế nhưng có điều lạ là ngữ pháp tiếng Việt thì lại thuộc về Tày-Thái. Xác định một ngữ pháp thuộc hệ nào, các nhà ngôn ngữ lấy phương pháp tạo từ mới làm chuẩn trước hết. Nếu tiếng Việt tạo từ mới bằng cách ghép, láy (ví dụ như rừng khi thêm rú thì sẽ có nghĩa khác, đỏ nhưng láy đo đỏ thì sẽ có màu sắc khác), trong khi đó thì người hệ Môn-Khơmer (ở Việt Nam gồm các nhóm dân tộc như nhóm Khmer, nhóm Bahnar, nhóm Katu, nhóm Việt Mường,…) thì phương pháp tạo từ của họ là thêm các phụ tố (như tiếng Anh thêm các tiếp đầu ngữ, tiếp vị ngữ). Ví dụ ở tiếng Katu: cha là ăn, thì chna: thức ăn; trcha: ăn qua ăn lại; prcha: ăn tiệc; pacha: cho ăn.

     Rõ ràng sự hòa nhập của các tộc người, của các cộng đồng dân cư trên vùng đất hình chữ S này là sâu sắc, đến độ nó đã tạo ra một thứ hoàn toàn mới so với những gì nguyên mẫu trước đó. “Việc đi tìm một nguồn gốc người Việt từ xa xưa, bất biến, thống nhất xuyên suốt từ nhiều ngàn năm qua rõ ràng là một hướng tìm kiếm thiếu khôn ngoan, nếu không nói là lạc hậu so với sự phát triển thế giới trong nghiên cứu lịch sử.” – Giáo sư sử học LIAM KELLEY5 không phải không có lý khi đọc tham luận về “một nền sử học đã chết” trong hội thảo Việt Nam Học lần thứ tư.

     Vấn đề quan trọng không phải ở chỗ ta trả lời được nguồn gốc tiếng Việt hiện nay đang dùng mà phải trả lời cho được câu hỏi sự hòa nhập đó đã diễn ra như thế nào và bao giờ. Và đó mới là điều quan trọng nhất để có thể hiểu được nguồn gốc người Việt.

     Đi tìm nguồn gốc người Việt luôn là niềm cảm hứng bất tận và thực tế cũng đã có rất nhiều người “đâm đầu” vào cuộc tìm kiếm như khó có kết thúc này. Nguồn sử liệu gần như đã được khai thác cạn kiệt và nhiều người đang tìm hướng mới ở truyền thuyết, huyền thoại, thần tích, thần phả. Tất cả gần như không có gì mới nữa, dường như các mảnh ghép đã có đủ nhưng bức tranh đâu là nguồn gốc người Việt vẫn chưa hiện lên rõ ràng.

CHÚ THÍCH:
1 :  Nhà văn, nhà báo Hồ Trung Tú sinh năm 1958, quê Đại Lộc, Quảng Nam. Ông tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 3. HỒ TRUNG TÚ là tác giả của nhiều bài báo, đã từng xuất bản tập truyện ngắn “Búp bê cho người lớn” vào năm 1987. Cuốn sách “Có 500 năm như thế” của ông xuất bản năm 2011 – và “Dấu vết Chăm pa trong tâm hồn Quảng Nam” – là một tác phẩm khảo cứu lịch sử đắt giá về vùng đất và con người Quảng Nam. Đây là một công trình nghiên cứu tỉ mỉ về bản sắc văn hoá của người Quảng Nam và đất Quảng Nam trong mối tương quan chặt chẽ với văn hóa và con người Chăm Pa. (Nguồn: facebook.com/gofishstudiohoian)

2 :  Hồ Động Đình (洞庭湖) là một hồ lớn ở phía Đông Bắc tỉnh Hồ NamTrung Quốc (29°18′38″B 112°57′5″Đ) – Tên của hai tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam được đặt căn cứ theo vị trí của 2 tỉnh này so với hồ. Hồ Bắc nghĩa là phía bắc hồ và Hồ Nam nghĩa là phía nam hồ. Đây là hồ điều hòa của sông Dương Tử (Trường Giang) và chủ yếu do các hồ Đông Động Đình, Vạn Tử, Mục Bình, Đại Thông, Hoành Lĩnh, Lộc tạo thành. Hồ là một trong số bốn hồ nước ngọt có diện tích bề mặt lớn nhất tại Trung Quốc, cùng các hồ như Bà Dương, Hô Luân và Thái Hồ. Do kích thước của hồ, hồ đã có tên Bát bách lý Động Đình (八百里洞庭 – Hồ Động Đình tám trăm dặm). Ngày nay, Động Đình là hồ lớn thứ hai sau hồ Bà Dương (鄱陽湖), do nhiều phần đã bị biến thành đất trồng trọt. Theo nhà nghiên cứu Yên tử cư sỹ TRẦN ĐẠI SỸ (Biên cương nước Việt) thì hồ Động Đình chính là nguồn cội của tộc Việt /Bách Việt. Nước Văn-lang phía Bắc giáp hồ Động-đình, phía Nam giáp nước Hồ-tôn, phía Tây giáp Ba-thục, phía Đông giáp biển Đông-hải. (Nguồn: wikipedia.org)

3 Henri Paul Gaston Maspero (15/12/1883 Paris – 17/3/1945 Buchenwald) hay MÃ BÁ LẠC là giáo sư, học giả người Pháp chuyên nghiên cứu về phương Đông. Ông là một trong những người phương Tây tiên phong nghiên cứu về Đạo giáo. Từ nhỏ ông đã theo học lịch sử, văn học và tiếng Hoa tại Học viện Ngôn ngữ và Văn minh phương ĐôngParis. Năm 1908, ông đến Hà Nội theo học tại Viện Viễn Đông Bác cổ. Trong thời gian này ông đã có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử, ngôn ngữ Việt Nam. Sau đó, ông lần lượt giữ chức Trưởng bộ môn Trung Hoa học tại Trường Quốc học Pháp và Đại học Sorbonne. Năm 1944, do có gốc Do Thái, ông và vợ ông bị bắt giữ tại Paris bởi Đức Quốc xã. Ông bị đày và bị giam giữ ở trại tập trung Buchenwald và mất ở đó ngày 17 tháng 3 năm 1945. (Nguồn: wikipedia.org)

4André-Georges Haudricourt (17/1/1911 Paris – 20 tháng 8 năm 1996 Paris) là một nhà thực vật học, nhân chủng học và ngôn ngữ học người Pháp. Ông tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Quốc gia (Viện nông học quốc gia) năm 1931 và tham dự các bài giảng về địa lý, ngữ âm, dân tộc học và di truyền học ở Paris. MARCEL MAUSS tài trợ cho ông ta đến Leningrad trong một năm để theo đuổi nghiên cứu về di truyền học với NIKOLAI VAVILOV, người đã tham dự các bài giảng tại Học viện Nông nghiệp Quốc gia. Năm 1940, HAUDRICOURT đã được trao một vị trí trong Trung tâm khoa học quốc gia mới, trong khoa thực vật học. Vào tháng 8 năm 1940, nhà ngôn ngữ học MARCEL COHEN đã giao cho HAUDRICOURT thư viện sách về ngôn ngữ học của mình trước khi ông gia nhập Résistance, vì ông sợ rằng quân đội chiếm đóng của Đức sẽ tịch thu thư viện của ông. Điều đó cho phép HAUDRICOURT có thể đọc nhiều về ngôn ngữ học trong Thế chiến thứ hai. Và ông cũng đã học các ngôn ngữ châu Á tại École nationale des Langues directionales vivantes. HAUDRICOURT đã quyết định chuyển từ Khoa thực vật học của CNRS sang Khoa ngôn ngữ học vào năm 1945. Năm 1947, ông trình bày luận án tiến sĩ (được giám sát bởi André Martinet) về Ngôn ngữ lãng mạn. Luận án không phù hợp và đã không được hai nhà phê bình ALBERT DAUZAT và MARIO ROQUES chấp nhận, vì vậy HAUDRICOURT không được phép giảng dạy tại École pratique des Hautes études. HAUDRICOURT đã tình nguyện làm việc tại École française d’Extrême-OrientHà Nội từ 1948 đến 1949. Ở đó, ông có thể làm rõ các vấn đề về âm vị học lịch sử của ngôn ngữ Châu Á và phát triển các mô hình thay đổi ngôn ngữ chung. Ở Trung tâm quốc gia nghiên cứu về các nhà khoa học (CNRS), mà HAUDRICOURT đã đồng sáng lập vào năm 1976 – một trung tâm nghiên cứu với mục tiêu là điều tra các ngôn ngữ ít tài liệu trong môi trường văn hóa của họ, kết hợp công việc dân tộc học và ngôn ngữ học mang tên là Trung tâm nghiên cứu LACITO (Langues et Civilization à Tradition). (Nguồn: wikipedia.org)

5 Liam C. Kelley – Phó giáo sư nghiên cứu Đông Nam Á tại Viện nghiên cứu Châu Á. Từ năm 1993-2001: Thạc sĩ, tiến sĩ giảng dạy Lịch sử tại Đại học Hawaii, Hawaii, Mānoa, Trung QuốcĐông Nam Á. Từ năm 1985-1989: giảng dạy cao học ngôn ngữ và văn học Nga, tại Đại học Dartmouth. Hoạt động của ông gắn liền với lịch sử Việt Nam tiền hiện đại, nhưng ông lại đặc biệt quan tâm hơn đến quá khứ của người Việt Nam hiện đại để giải thích và tái định hướng kể từ đầu thế kỷ XX. Ngoài Việt Nam, giáo sư KELLEY đã giảng dạy nhiều khóa học về lịch sử Đông Nam Á hiện đại và quan tâm đến việc tái lập khái niệm hóa câu chuyện về lịch sử Đông Nam Á hiện đại. Ông đã rất hạnh phúc khi được đến Brunei vì ông rất quan tâm đến lịch sử hiện đại của Borneo, đặc biệt là các khu vực SarawakSabahBrunei. Giáo sư KELLEY cũng rất quan tâm đến cách mà Cách mạng kỹ thuật số đang thay đổi đến cách mà các học giả sản xuất và phổ biến ý tưởng của họ và ông đã luôn đi đầu trong nỗ lực sử dụng phương tiện kỹ thuật số mới cho mục đích học thuật. Ông đã cùng với giáo sư PHAN LÊ HÀ – Học viện Giáo dục Quốc vương Hassanal Bolkiah (SHBIE), tổ chức một hội nghị thường niên mang tên Tham gia với Việt Nam: Đối thoại liên ngành (engwithvietnam.org). (Nguồn: Viện Nghiên cứu người châu Á – Trường Đại học Darussalam, Brunei

GHI CHÚ:
◊  Nguồn bài viết: Tạp chí Xưa và Nay.
◊  Nguồn hình:  Semantic Scholar
◊  Chữ đậm, chữ nghiêng, nội dung ghi chú, hình ảnh sê-pia hoá do Ban Tu Thư – thanhdiavietnamhoc.com thiết lập.

BAN TU THƯ
02 /2020

(Visited 1.008 times, 1 visits today)