HỒ BÁCH KHOA1
Năm 1960, Khu di tích Đại thi hào NGUYỄN DU được thành lập tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh; tháng 4/1962, Bộ Văn hóa công nhận di tích quốc gia tại Quyết định số 313/QĐ; ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1419/QĐ-TTg công nhận Khu lưu niệm Đại thi hào NGUYỄN DU là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đây là quần thể di tích liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Đại thi hào NGUYỄN DU và họ Nguyễn -Tiên Điền, nơi lưu giữ giá trị lịch sử – văn hóa về một danh nhân một dòng tộc nổi tiểng trong lịch sử dân tộc Việt Nam và là một trong những trung tâm Văn hóa – Du lịch của cả nước.
Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn – Tiên Điền
Người họ Nguyễn đầu tiên vào lập nghiêp ở Tiên Điền là Nam Dương Hầu NGUYỄN NHIỆM, nguyên quán Canh Hoạch (Thanh Oai – Hà Tây), con trai thứ 3 của Phù Trung hầu NGUYỄN MIỆN và là cháu nội của Trạng nguyên khoa Nhâm Thìn (1532) NGUYÊN THIẾN, Nam Dương hầu theo cha phò MẠC KÍNH CUNG đánh TRỊNH TÙNG, bị thua trận vào tháng giêng năm 1601, ông bỏ trốn vào Nam, đến đất Phú Điền (địa danh làng Tiên Điền thời đó) mai danh ân tích, sinh cơ lập nghiệp, phát triển và đến Thi hào NGUYỄN DU thì họ Nguyễn -Tiên Điền đã trải qua 7 đời với:
+ Đời thứ 2: Tham đốc Khánh Trạch hầu – con thứ 2 của Nam Dương hầu.
+ Đời thứ 3: Đô đốc Phương Trạch hầu NGUYỄN ÔN – con trai Khánh Trạch hầu.
+ Đời thứ 4: Thiếu phó Phù Quận công, tức Bảo Lộc Phong công NGUYỄN THỂ – con trưởng Phương Trạch hầu.
+ Đời thứ 5: Thái tế Nhuận Trạch hầu NGUYỄN QUỲNH – con trưởng Phù Hưng hầu.
+ Đời thứ 6: Giới Hiên công NGUYỄN HUỆ.
Em trai Giới Hiên công là thân phụ Đại thi hào NGUYỄN DU, húy là Nghiễm, tên tục là Thiều, hiệu Nghi Hiên, biệt hiệu Hồng Ngư cư sĩ.
+ Đời thứ 7: Thuật hiên NGUYỄN KHẢN, Thạch Hiên NGUYỄN ĐIỀU, Tuấn Nhã công NGUYỄN TRỤ, Quế Hiên công NGUYỄN NỄ, v.v… là các con của Xuân Quận công NGUYỄN NGHIỄM.
Họ Nguyễn –Tiên Điền từ đời thứ 6 trở đi với việc hai anh em ruột NGUYỄN HUỆ và NGUYỄN NGHIỄM đỗ Tiến sĩ thì trở nên hưng thịnh, phát triển thành một dòng họ lớn, quý tộc, văn hiến và được mệnh danh là dòng họ “Trâm anh thế phiệt” trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam.
NGUYỄN DU (1765-1820) – Danh nhân tiêu biểu nhất của dòng họ Nguyễn – Tiên Điền, sinh tại kinh thành Thăng Long. Bố là Hoàng giáp NGUYỄN NGHIỄM (1708-1776) làm quan Tham Tụng (Tể tướng) dưới triều Lê, thân mẫu là bà TRẦN THỊ TẦN quê ở Kinh Bắc. Nét văn hoá của vùng xứ Nghệ – Thăng Long – Kinh Bắc cùng truyền thống của dòng họ, gia đình đã ảnh hưởng sâu sắc đến tài năng của ông.
Tộc phả ghi:
+ 3 tuổi NGUYỄN DU được phong Hoằng tín đại trung thành môn vệ uý xuất thân Thụ Nhạc Bá.
+ Năm Tân Mão (1771), NGUYỄN NGHIỄM thôi giữ chức Tể tướng, NGUYỄN DU theo cha về quê, năm 13 tuổi mồ côi cả cha lẫn mẹ. Có ý kiến cho rằng, thời gian nàỵ, NGUYỄN DU thường vượt truông Hống đò Cài vào Trường Lưu, đất Trường Lưu là nơi hát phường vải và là chỗ thông gia với họ NGUYỄN Tiên Điền, NGUYỄN HUY TỰ, tác giả Hoa Tiên Truyện – con rể NGUYỄN KHẢN, NGUYỄN THIỆN – cháu NGUYỄN DU là người nhuận sắc Truyện Hoa Tiên và họ NGUYỄN TRƯỜNG LƯU còn có “Phúc Giang Thư viện” nơi NGUYỄN DU thường đọc sách.
+ NGUYỄN DU đậu Tam Trường (1783), được tập ấm chức Chánh thư Hiệu hiệu quân hùng hậu của cha nuôi họ Hà (Hà Mỗ) ở Thái Nguyên.
+ Sau đó, NGUYỄN DU lấy vợ là bà ĐOÀN THỊ HUỆ, người làng An Hải, huyện Quỳnh Côi, trấn Sơn Nam (nay là tinh Thái Bình) con gái của tiến sỹ ĐOÀN NGUYỄN THỤC.
+ Năm Mậu Thân (1788), khi NGUYỄN HUỆ lên ngôi Hoàng đế lấy hiệu Quang Trung, NGUYỄN DU lánh nạn về nhà anh vợ là ĐOÀN NGUYỄN TUẤN tại Thái Bình.
+ Năm Tân Hợi (1791), NGUYỄN QUÝNH, anh thứ tư cùng cha khác mẹ chống lại Tây Sơn bị giết, dinh cơ họ NGUYỄN ở Tiên Điền bị xoá.
Mười năm ở quê vợ là quãng “Mười năm gió bụi’’, bao cảnh cơ hàn, bần cực đều đến với NGUYỄN DU. Bố vợ là ĐOÀN NGUYỄN THỤC mất, người con trai lớn mất, NGUYỄN DU cùng người con trai nhỏ NGUYỄN TỨ về quê ở Tiên Điền. Trở lại quê, dinh cơ của cha đã tan hoang, anh em đôi ngã, NGUYỄN DU thốt lên “Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tản” (trở về Hồng Lĩnh, gia đình không còn, anh em lưu tán). NGUYỄN DU được bà con họ tộc chia cho mảnh đất tại thôn Thuận Mỹ làm nhà ở và từ đây, NGUYỄN DU có biệt hiệu “Hồng Sơn liệp hộ “ (phường săn núi Hồng) và “Nam Hải điếu đồ” (nhà chài bể Nam).
+ Mùa Đông năm Bính Thìn (1796), NGUYỄN DU định trốn vào Gia Định theo NGUYỄN ÁNH, bị tướng Tây Sơn là NGUYỄN THẬN bắt giam và nhờ anh NGUYỄN NỄ nên được tha.
+ Năm Nhâm Tuất (1802), GIA LONG lên ngôi, NGUYỄN DU được bổ làm Tri huyện Phù Dung (phù Khoái Châu, trấn Sơn Nam); tháng 11 làm Tri phù Thường Tín, trấn Sơn Nam (tỉnh Hà Tây).
+ Năm Quý Hợi (1803), được cử cùng phái bộ nghênh tiếp sứ thần nhà Thanh sang sắc phong cho vua Gia Long.
+ Mùa thu năm Giáp Tý (1804), NGUYỄN DU cáo bệnh về quê.
+ Năm Ất Sửu (1805), được thăng Đông Các Đại học sĩ, tước Du Đức hầu (hàm ngũ phẩm).
+ Tháng 9 năm Đinh Mão (1807) giữ chức giám khảo Thi Hương ở Hải Dương, sau xin về quê.
+ Năm Kỷ Tỵ (1809), ông giữ chức Cai Bạ tỉnh Quảng Bình.
+ Tháng 9 năm Nhâm Tuất (1812), NGUYỄN DU xin nghỉ về quê 2 tháng để xây mộ cho anh là NGUYỄN NỄ, tháng 2 năm Quý Dậu (1813) có chỉ triệu về kinh, được thăng hàm Cần Chánh điện học sĩ, cử đi sứ Trung Quốc với tư cách là Tuế cống Chánh sứ.
+ Tháng 4 năm Giáp Tuất (1814), NGUYỄN DU trở về nước, có tập thơ “Bắc Hành tạp lục ” và được vua Gia Long thăng chức Hữu Tham tri Bộ Lễ (hàm Tam phẩm).
+ Mùa thu năm Kỷ Mão (1819), được cử làm Đồ Điệu trường thi Quảng Nam, ông dâng biểu từ chối, được chuẩn y.
+ Tháng 8 năm Canh Thìn (1820) vua Gia Long mất, Minh Mạng lên ngôi, NGUYỄN DU được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh báo tang và cầu phong.
Ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn (6/9/1820) NGUYỄN DU cảm bệnh và mất tại kinh thành Huế, thọ 55 tuổi.
NGUYỄN DU đã để lại cho nhân loại nhiều tác phẩm văn chương bằng chữ Hán và chữ Nôm, đặc biệt là tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh – Truyện Kiều – Tập thơ vĩ đại nhất đã đưa NGUYỄN DU đạt đến tầm cao và tên tuổi của NGUYỄN DU cùng tác phẩm Truyện Kiều bất hủ đỉnh cao của nền văn học nước nhà không những đã làm rạng danh cho dân tộc Việt Nam mà còn tôn vinh bản sắc, giá trị văn hóa Việt trên trường quốc tế.
… còn tiếp ở Phần 2…
MỜI XEM:
◊ NGUYỄN DU và Cuộc đời – Phần 2.
◊ TRUYỆN KIỀU của NGUYỄN DU – Giá trị vượt Không gian và Thời gian.
◊ TRUYỆN KIỀU trong Diễn văn của các Tổng thống Mỹ – Phần 1.
◊ TRUYỆN KIỀU trong Diễn văn của các Tổng thống Mỹ – Phần 2.
BAN TU THƯ
06 /2020
CHÚ THÍCH:
1 : Giám Đốc Khu Lưu niệm Nguyễn Du huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
GHI CHÚ:
◊ Nguồn: Đặc San “Kỷ niệm 250 năm Năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du”, NXB. Văn Học, 2017.
◊ Hình ảnh sê-pia hóa và chữ nghiêng do Ban Tu Thư – thanhdiavietnamhoc.com thiết lập.