Nhân cuộc tranh luận về THƠ CON CÓC góp ý về một số vấn đề trong PHÊ BÌNH VĂN HỌC – Phần 2

Nhân cuộc tranh luận về THƠ CON CÓC góp ý về một số vấn đề trong PHÊ BÌNH VĂN HỌC – Phần 2

THỤY KHÊ1

… tiếp theo cho Phần 1 :

Thơ Con cóc – Luận điểm 1

     Theo NGUYỄN HƯNG QUỐC, Thơ con cóc hay vì được người ta nhớ.

     Anh viết: “Một tác phẩm văn học đã trở thành điển hình và được mọi người, từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ thời đại này qua thời đại khác ghi nhớ thì không thể nào dở được” (Thơ, v.v… và v.v…, trang 41). Câu này chứng tỏ NGUYỄN HƯNG QUỐC có cùng một quan điểm với ĐỖ MINH TUẤN về quyền năng của ký ức cộng đồng, hay vô thức cộng đồng (chữ của ĐỖ MINH TUẤN). Nếu đã chấp nhận: tác phẩm nào được người ta nhớ thì tất phải hay, như vậy còn cần bàn cãi làm gì? Chứng minh bằng cả một quyển sách cũng là thừa. Cho nên, cái “trí nhớ cộng đồng” mà hai tác giả đưa ra, chính nó, cũng không phải là điều làm họ tin tưởng. Vì sao? Vì được nhớ chỉ là điều kiện cần, chứ chưa đủ để bảo đảm tính chất hay của một tác phẩm: Hay thì người ta nhớ, nhưng những gì mà người ta nhớ chưa chắc đã hay.

a–  Người ta có thể nhớ một câu thơ tầm thường hoặc dở vì phải học thuộc lòng. Thầy giáo bắt học một trích đoạn Kiều hay Lục Vân Tiên, bạn phải học cả câu hay lẫn câu dở. Đó là trường hợp bị nhớ. Trường hợp này trí nhớ bị huấn luyện, bị chỉ đạo mà không có “choix“.

b–  Nếu để tự nhiên lựa chọn, trí nhớ có vẻ rất sang, nó thích nhớ những gì ngoại hạng, ví dụ ác như Kiệt, Trụ, Ngọa Triều Lê Long Đĩnh. Đẹp như Tây Thi. Xấu như Quỷ Dạ Xoa, Hay như Truyện Kiều. Dở như Thơ Con cóc, v.v…

c–  Sau cùng, người ta cũng nhớ những gì có tính cách điển hình cho một thái độ, một phong cách. Người ta nhớ những câu thơ của NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU :

Khoan khoan ngồi đó chớ ra,
Nàng là phận gái ta là phận trai.

     Không phải vì hay mà vì nó ngây ngô, buồn cười, lập lại những điều dĩ nhiên: Khoan khoan thì tất phải ngồi (đứng) đó, mà ngồi đó thì chớ raNàng thì chắc chắn là gái rồi mà ta (chàng) thì không thể không là trai. Tiếng Pháp có thành ngữ “La vérité de La Palice” phát xuất từ việc đại úy LA PALICE hy sinh anh dũng ở mặt trận Parvie năm 1525. Vì thương tiếc, lính của ông làm một bài hát truy niệm trong có những câu thơ :

Un quart d’heure avant sa mort.
Il était encore en vie … (15 phút trước khi chết ông vẫn còn sống …)

     Hai câu thơ này chỉ có ý niệm vinh thăng hành động can đảm của người anh hùng, đã chiến đấu đến chết, nhưng vì làm dở, cho nên hình ảnh cao siêu bị mất đi, và người ta chỉ nhớ sự ngớ ngẩn của nó và sau đó tạo nên thành ngữ mang tên người anh hùng La Vérité de La Palice (sự thật kiểu La Palice) để chỉ những câu nói ngây ngô, biểu dương những điều hiển nhiên, ai cũng biết.

     Tóm lại, nhớ mới chỉ là điều kiện cần, chứ chưa đủ để bảo đảm tính chất “hay” hoặc “dở” của một tác phẩm.

Thơ Con cóc – Luận điểm 2

     So sánh Thơ Con cóc với Thị Nở của NAM CAO.

     NGUYỄN HƯNG QUỐC viết: “Trước hết và có lẽ cũng hiển nhiên hơn hết đó là bài thơ hay nhất trong tất cả những bài thơ miêu tả cái dở, cái kém nghệ thuật và kém thẩm mỹ. Ở mức độ nào đó có thể coi Thơ Con cóc cũng tương tự bức chân dung Thị Nở của NAM CAO. Nếu Thị Nở là điển hình của cái xấu, Thơ Con cóc sẽ là điển hình của cái dở. Chỉ riêng khía cạnh này, Thơ Con cóc đã là cái gì khác mới mẻ và đầy táo bạo, khác hẳn với mỹ học truyền thống vốn đồng nhất cái đẹp của tác phẩm nghệ thuật với cái đẹp của đối tượng được tác phẩm nghệ thuật miêu tả, từ đó, hình thành một lối đi độc đạo trong sáng tác: mọi người đều chăm chăm chọn những nhân vật đẹp, những khung cảnh đẹp. văn học dân gian và tiểu thuyết thoát ly ra khỏi quan điểm hẹp hòi này khá sớm, có lẽ do bản chất dân chủ của chúng. Thơ cứ đắm đuối mãi trong cõi mộng mơ, cái xấu, cái tầm thường bị gạt qua một bên trở thành lãnh địa dành riêng cho thơ trào phúng” (Thơ, v.v… và v.v…, trang 44)

    Trích đoạn trên đây có một câu chính xác: Nếu Thị Nở là điển hình của cái xấu, Thơ Con cóc sẽ là điển hình của cái dở. Nhưng tiếc rằng nó lại trộn trong rất nhiều khái niệm khác nhau bị hiểu sai hoặc bị chập làm một :

aTrước hết, thơ dở khác với thơ miêu tả cái dởXấu khác với dở. Con cóc nó xấu, chứ nó không dở. Nếu (Nguyễn Hưng Quốc) cho rằng bài thơ con cóc “miêu tả” được con cóc, thì đó là bài thơ miêu tả cái xấu, chứ không phải là bài thơ miêu tả cái dở. Và để miêu tả cái xấu, thì nó không đạt mục đích vì nó không cho biết gì về sự xấu xí của con cóc.

     Ngược lại, đoạn văn tả chân dung Thị Nở của NAM CAO, miêu tả một người đàn bà xấu với nghệ thuật cao: Không những nó miêu tả được dung nhan Thị Nở mà nó còn đi ra ngoài địa hạt mô tả để đạt tới trò chơi quái ác của con tạo đã đang tâm hình hài hóa định mệnh xui xẻo trên diện mạo con người.

     Do đó không thể so sánh Bài Thơ Con cóc và đoạn văn mô tả Thị Nở vì một đoạn văn hay và một bài thơ dở, dù cùng có mục đích để tả cái xấu, chúng không có gì giống nhau.

bTừ bao giờ “mỹ học truyền thống vốn đồng nhất cái đẹp của tác phẩm nghệ thuật với cái đẹp của đối tượng được tác phẩm nghệ thuật mô tả”? Người đọc không biết NGUYỄN HƯNG QUỐC muốn dùng chữ “mỹ học truyền thống” để chỉ người thưởng ngoạn hay người sáng tác theo quan điểm mỹ học truyền thống? Hiểu cách nào chăng nữa thì câu này cũng sai vì không ai lẫn lộn đối tượng miêu tả với nghệ thuật miêu tả cả. Nói như vậy không khác gì bảo người ta nhầm nghệ thuật tả nhan sắc của Nguyễn Du với Thúy Kiều, nghệ thuật tả những phường buôn thịt bán người của Nguyễn Du với Tú Bà, Mã Giám Sinh, Khuyển Ưng, Khuyển Phệ. Và thơ cổ điển cũng không hề “đắm đuối mãi trong cõi mộng mơ“. Vì từ HOMÈRE đến NGUYỄN DU, ĐẶNG TRẦN CÔN, VICTOR HUGO … thi ca cổ điển đã viết nên biết bao nhiêu trang bi tráng về những cảnh chiến tranh, lầm than, tang tóc, khốn nạn của con người?

     Trên đây chúng ta mới chỉ thử phân tích hai trích đoạn ngắn trong các bài viết của NGUYỄN HƯNG QUỐC và ĐỖ MINH TUẤN để thấy cách lập luận và cách dùng từ của hai tác giả. Ngoài ra cả hai đều có khuynh hướng đưa ra những nhận xét rất chủ quan về những địa hạt có vẻ họ chưa thực sự tham khảo. Ví dụ, NGUYỄN HƯNG QUỐC viết: “Theo tôi, một trong những nguyên nhân khiến ngành phê bình Việt Nam cứ ở mãi trong tình trạng ấu trĩ và què quặt là do rất thiếu tự giác. Chúng ta cứ nhắm hoài đến một mục tiêu không thể và không nên theo đuổi. Việc chọn nhầm mục tiêu ấy khiến cho phê bình tự động biến thành việc nghiên cứu lịch sử nếu tác giả thuộc một thời xa xưa; biến thành việc nghiên cứu xã hội nếu … “ (Thơ, v.v… và v.v…, trang 73)

     Phê bình Việt Nam có những tác giả viết yếu, thậm chí viết nhảm nhưng những tác giả đứng đắn không ít. Nếu ai có dịp đọc những Đỗ Đức Hiểu, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh, Văn Tâm, Lê Ngọc Trà, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn, Lê Hồng Sâm, Đặng Thị Hạnh, Đặng Anh Đào, Phạm Xuân Nguyên, Huỳnh Như Phương, … thì thấy dù họ đứng ở trên quan điểm phê bình nào đi chăng nữa (cũ hoặc mới), những bài viết của họ cũng không ở trong tình trạng ấu trĩ, què quặt, thiếu tự giác ... và họ cũng không chọn nhầm mục tiêu phê bình.

     Về những khuynh hướng phê bình cũ, mới, trước đây NGUYỄN VĂN TRUNG đã tổng lược tương đối khá đầy đủ trong Lược Khảo Văn Học (quyển 3), in năm 1968 tại Sàigòn, Xuân Thu tái bản tại California năm 1990.

     Năm 1994, ĐỖ ĐỨC HIỂU trong cuốn Đổi Mới Phê Bình Văn Học (NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố Hồ Chí Minh) cũng viết bài tóm lược tổng quát những khuynh hướng phê bình mới của Tây phương (đặc biệt Pháp và Nga), và đã áp dụng nguyên tắc phê bình mới để phê bình các tác phẩm văn thơ cổ điển lẫn hiện đại như Kiều, Xuân Hương, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Phạm Thị Hoài, v.v… Nếu NGUYỄN HƯNG QUỐC có dịp đọc sách của Đỗ Đức Hiểu thì chắc anh không dám chê phê bình Việt Nam ấu trĩ và què quặt.

     ĐỖ MINH TUẤN, ở trong nước, chẳng hay anh có dịp tìm đọc sách của ĐỖ ĐỨC HIỂU không? Và nếu đọc rồi, anh có thấy mảy may ý đồ “xâm lăng văn hóa”đem chuẩn mực văn hóa của cộng đồng này áp đặt lên cộng đồng khác trong tác phẩm của ĐỖ ĐỨC HIỂU? Người đọc không trách nhà văn viết sai. Cũng không trách nhà phê bình cảm nhận sai về một câu thơ, nhưng người đọc khó chấp nhận những lý luận sơ hở, những xác quyết không chính xác ở những ngòi bút lý luận phê bình.

III. Lý thuyết văn học của Nguyễn Hưng Quốc

Bây giờ đến phần trọng yếu là phần lý thuyết văn học của NGUYỄN HƯNG QUỐC. NGUYỄN HƯNG QUỐC giải thích mục đích của anh :

     “Bài thơ Con cóc hay thật hay không hay thật, với tôi, không phải là điều quan trọng. Đem bài con cóc ra để phân tích, tôi nhắm tới hai mục tiêu khác quan trọng hơn là việc bình luận bài thơ ấy nhiều: Thứ nhất, mượn nó để phê phán những quan niệm thẩm mỹ cũ kỹ cho đến giờ vẫn thống trị trong sinh hoạt thi ca Việt Nam. Thứ hai, mượn nó để chứng minh ý nghĩa của việc đọc, của người đọc, qua đó, đưa ra luận điểm cho rằng thơ là cái gì đong đưa giữa văn bản và người đọc chứ không phải là cái gì có sẵn, tự tại, nhất thành bất biến bên trong tác phẩm; bản chất của thơ là một cái gì “trống” để người đọc có thể nhập cuộc, nhập vui, làm đồng tác giả với tác giả; từ đó, hình dung con đường phát triển thơ như một quá trình hòa giải giữa nhà thơ và người đọc; chủ nghĩa hiện đại như một chủ nghĩa đặc tuyển; Thơ mới rất gần với văn xuôi ở tính chất tự sự của nó, v.v… Với tôi, mục tiêu thứ hai này quan trọng hơn hẳn: nó chiếm gần hết số trang của cuốn sách. Đó là lý do tại sao tôi xem Thơ, v.v… và v.v… trước hết là một cuốn sách về lý thuyết văn học chứ không phải là phê bình văn học” (Trả lời ĐỖ MINH TUẤN, Văn Học số 134, tháng 6/1997)

     Độc giả giật mình: Đọc xong cuốn sách mới được biết tác giả không cho điều mình muốn chứng minh là quan trọng. Vậy chúng ta thử tìm hiểu chỗ mà NGUYỄN HƯNG QUỐC cho là quan trọng là gì đây? Đó là: Lý thuyết văn học mới mà anh đưa ra, gồm hai phần :

–  Phê phán những quan điểm thẩm mỹ cũ; 
–  Nói lên sự quan trọng của việc đọc.

1. Để phê phán những quan điểm thẩm mỹ cũ kỹ

      Anh phát biểu :

     “Không thể dựa trên những quan điểm thẩm mỹ cũ, những cái tôi gọi là trường-phái-thơ-Đồ-Chiểu hay trường-phái-thơ-Thúy-Kiều để đánh giá cái hay, cái dở cuả Bài thơ Con cóc.”  (Trả lời ĐỖ MINH TUẤN, Văn Học số 134)

     Nếu Trường phái thơ Đồ Chiểu và Trường phái thơ Thúy Kiều là quan niệm thẩm mỹ của NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU và quan niệm thẩm mỹ của NGUYỄN DU, hoặc những người đi theo hai quan niệm thẩm mỹ này để làm thơ thì có gì đáng trách mà phải phê phán? Hiển nhiên là chúng cũ kỹ, chúng thuộc vào quan điểm thẩm mỹ thế kỷ XVIII, thế kỷ XIX.

     Công việc của người phê bình không phải là đả phá quan niệm thẩm mỹ của người đi trước vì nó cổ. Và cũng không ai dùng quan niệm thẩm mỹ của người này để đánh giá người kia. Ví dụ không ai dùng quan niệm thẩm mỹ của PHẠM THỊ HOÀI để đọc và đánh giá NGUYỄN MỘNG GIÁC; hoặc dùng quan niệm thẩm mỹ của THANH TÂM TUYỀN để đánh giá Chinh Phụ Ngâm.

     Mỗi tác giả sáng tạo ra quan niệm thẩm mỹ của riêng họ. Và người phê bình cũng không thể sáng chế ra một quan niệm thẩm mỹ riêng một cách độc đoán để đánh giá người sáng tạo. Người phê bình có nhiệm vụ khám phá ra quan niệm thẩm mỹ của người sáng tạo để thẩm định giá trị tác phẩm.

     Muốn làm công việc đó, người phê bình phải dựa trên một số tiêu chuẩn :

–  Hoặc trên tiêu chuẩn nghệ thuật do chính tác giả đề ra như văn phong, cấu trúc, cách tạo hình, v.v… Trong trường hợp này, nhà phê bình dựa trên tiêu chuẩn nghệ thuật của chính tác giả để đánh giá tác phẩm (trường hợp thường xuyên với các tác phẩm hiện đại).

–  Hoặc dựa trên tiêu chuẩn nghệ thuật chung của một thời (thời mà tác phẩm xuất hiện) : trường hợp phê bình các tác phẩm cổ điển.

–  Hoặc dựa trên các tiêu chuẩn khác (ngoài nghệ thuật) như luân lý, sử học, tâm lý, xã hội, triết lý, … Thường thường một nhà phê bình có thể đứng trên nhiều tiêu chuẩn để đánh giá một tác phẩm nghệ thuật.

2. Sự quan trọng của việc đọc

     Để nhấn mạnh đến tính cách quan trọng của việc đọc, NGUYỄN HƯNG QUỐC đưa ra một số luận điểm :

a- Ý nghĩa của bài thơ luôn luôn thay đổi […]. Có biết bao tác phẩm ở thời này bị rẻ rúng, ở thời kia được tán tụng; ở chỗ này bị đả kích, ở chỗ kia được hoan hô. Với người này là tiếng đàn trên bến Tầm Dương dẫu “chưa thành khúc tình đà thoảng bay”, với người kia chỉ là một chuỗi tạp âm vô nghĩa và vô vị. Tất cả không còn hoài nghi gì nữa, chỉ là hệ quả của những cách diễn dịch khác nhau.”

     Từ đó anh rút ra hệ luận: “Nếu ý nghĩa do sự diễn dịch mang lại có thể làm thay đổi giá trị bài thơ, thì giá trị, như vậy, không phải là một cái gì tự tại, có sẵn, nhất thành bất biến”  (Thơ, v.v… và v.v…, trang 56)

b- Chúng ta không thể căn cứ vào ý đồ của tác giả khi sáng tác và cũng không thể căn cứ vào bản thân câu chữ của bài viết ấy. Cơ sở quan trọng nhất chính là việc đọc” (Trả lời ĐỖ MINH TUẤN, Văn Học số 134, trang 25)

c– “Giả dụ một ngày nào đó, không có ai đọc hay nói tiếng Việt được nữa, số phận của truyện Kiều sẽ ra sao? Thì cũng giống như một tờ giấy bạc cũ sau một đợt đổi tiền. vậy thôi. Giá trị của một tác phẩm chỉ được thừa nhận khi ý nghĩa của tác phẩm được thừa nhận”  (Thơ, v.v… và v.v…, trang 56)

     Trong những phương pháp phê bình mới, người ta nhấn mạnh đến tính cách và vai trò của người đọc đối với một tác phẩm (xin đọc bài Đọc Văn Chương của ĐỖ ĐỨC HIỂU, trích trong sách Đổi Mới Phê Bình Văn Học, in lại trong Văn Học số này), nhưng không chỉ có việc đọc là quan trọng, đến nỗi giá trị của bài thơ không còn tùy thuộc vào bản thân câu chữ của nó nữa, và một ngày nào đó, nếu không ai đọc được tiếng Việt thì truyện Kiều sẽ vứt đi.

     Việc đọc, chắc chắn là quan trọng rồi, nhưng nếu không căn cứ vào văn bản thì chúng ta đọc cái gì?

     Cách lấy một câu trong toàn bộ hệ thống phê bình mới, rất đa dạng, của nhiều tác giả, rồi suy diễn ra và độc nhất hóa nó thành nguyên lý như thế này, rất nguy hiểm và tối kỵ trong phương pháp luận, bởi nó sẽ dẫn đến nhiều hệ quả sai lầm. Ví dụ: ý nghĩa của câu thơ không phải là cái mà tác giả định nói mà chỉ là hệ quả của những cách diễn dịch khác nhau; thì như vậy giá trị của bài thơ không phải là cái gì tự tại, có sẵn, v.v…

Thật ra: Bài thơ có những giá trị tự tại, và người đọc đã hoặc sẽ khám phá ra.
Một bài thơ, có thể có một ý nghĩa do tác giả định, nhưng ý nghĩa đó chỉ đúng với tác giả mà thôi (Paul Valéry). Ngoài ý nghĩa ấy, bài thơ còn có rất nhiều nghĩa khác, ẩn dưới ngôn ngữ của văn bản, những ý nghĩa này có sẵn, tự tại, bên trong tác phẩm. Nhưng không phải ai cũng cảm nhận được. Khi người đọc khám phá ra được những ý nghĩa ấy, thì người đọc trở thành “đồng sáng tác” với tác giả.

    Chữ “đồng sáng tác” chỉ có trong nghĩa đó và chỉ trong nghĩa đó mà thôi. Ngoài ra, người đọc, hay người phê bình, không có quyền “sáng chế ra” những ý nghĩa không chứa chất trong ngôn ngữ văn bản, tức là không có quyền đọc thế nào cũng được, xuôi cũng được mà ngược cũng xong.

     Mỗi tác phẩm có giá trị tự tại. Kiều không cần nhà phê bình nào đánh giá cũng là một tuyệt tác. Một tuyệt tác vẫn có thể bị đả kích, nhưng không vì thế mà nó trở thành một chuỗi tạp âm, vô nghĩa.

     Tất nhiên, một tuyệt tác khi bị xếp trong xó tủ, không ai đọc thì nó chưa hiện hữu. Nhưng khi đã được đọc rồi, thì giá trị của nó vĩnh viễn.

     Tính chất quan trọng của việc đọc và mối tương quan giữa người đọc và tác phẩm là ở chỗ đó: một tuyệt tác nếu không được đọc, không được biết đến thì cũng như không, chứ không phải người đọc có quyền sinh sát trên tác phẩm và muốn bảo sao thì nó nghe vậy. Những tuyệt tác nghệ thuật, kể cả ngay khi nó đã bị tiêu tán mất đi (như hầu hết những tuyệt tác kiến trúc, bẩy kỳ quan thế giới) chúng vẫn tồn tại trong ký ức văn hóa loài người. Bao nhiêu ngôn ngữ đã chết như tiếng hébreu, tiếng la tinh, nhưng những tuyệt tác văn học của những ngôn ngữ này vẫn còn.

     Sau này, nếu không còn ai nói tiếng Việt, thì tiếng Việt sẽ trở thành địa hạt khảo cổ, dành riêng cho những nhà nghiên cứu và Truyện Kiều vẫn là một giá trị bất tử của ngôn ngữ Việt Nam.

… còn tiếp ở Phần 3 …

MỜI XEM:
◊  Nhân cuộc TRANH LUẬN về THƠ CÔN CÓC, Góp ý về một số vấn đề trong PHÊ BÌNH VĂN HỌC – Phần 3.
◊  Nhân cuộc TRANH LUẬN về THƠ CÔN CÓC, Góp ý về một số vấn đề trong PHÊ BÌNH VĂN HỌC – Phần 1.

CHÚ THÍCH:
1:  THỤY KHUÊ: Tên thật là VŨ THỊ TUỆ, sinh năm1944 tại Nam Ðịnh, viết tiểu luận văn học từ 1985.

     Ðã in bài trên các báo Tự Do (Pháp & Bỉ), Văn Học (Hoa Kỳ), Thông Luận (Pháp), Thế Kỷ 21 (Hoa Kỳ), Người Việt (Hoa Kỳ), Diễn Ðàn (Pháp), Hợp Lưu (Hoa Kỳ), Phụ Nữ Diễn Ðàn (Hoa Kỳ)… Cộng tác với Dài RFI (Radio France Internationale) trong Chương trình Văn Học Nghệ Thuật (1990-2009)  MỜI XEM chi tiết đầy đủ:  THỤY KHUÊ.

2:  …đang cập nhật…

GHI CHÚ:
◊  Nguồn:  THỤY KHUÊ – thuykhue.free.fr. Ảnh:  Truyện xưa Tích cũ.
◊  Những chú thích, chữ in, chữ màu và hình ảnh sê-pia do Ban Tu Thư –thanhdiavietnamhoc.com thiết lập.

BAN TU THƯ
09 /2020

(Visited 251 times, 1 visits today)