Những nhà ĐÔNG PHƯƠNG HỌC người Pháp – Phần 1

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Sử học NGUYỄN MẠNH HÙNG

   Ngày nay, dân tộc Việt Nam  không còn thấy bóng người Pháp thực dân trên đất nước này. Có chăng là chỉ thấy họ qua sử sách hay trên tập kỉ yếu của Trường Viễn Đông Bác Cổ (École  Française d’Extrême  Orient) của Hội nghị Nghiên cứu Đông Dương (Bulletin de la Société des études Indochinoises) của Hội Những người bạn của Thành Huế cổ (Bulletin des Amis du vieux Huế) hoặc của Viện Nhân loại học Đông Dương (Publication de l’Institut Indochinois pour l’étude de l’homme)… qua những tư liệu nghiên cứu về đời sống văn hoá vật chất, tinh thần của dân tộc Việt Nam mà họ để lại. Trong đó có tư  liệu không chỉ xác định sự có mặt của những học giả từ gần trăm năm nay mà còn sự có mặt của những vị cha cố từ mấy thế kỉ trước, qua nhiều trang sưu tầm, khảo cứu về ”Sứ mệnh của các cha cố dòng Tên ở xứ Đàng Ngoài và những tiến bộ lớn mà sự giảng đạo đã đạt được trong việc cảm hoá theo đạo Chúa, những kẻ vô đạo từ năm 1627 đến 1646”.1 

   Những vị cha cố ấy không chỉ đặt chân lên các vùng châu thổ ven biển xứ Đàng Trong hay ra Đàng Ngoài mà còn đi sâu vào những miền rừng núi như linh mục SAVINA tìm hiểu các dân tộc thiểu số Việt BắcHoa Nam; như cha cố CADIÈRE – ngoài những đề tài về xã hội, ngữ văn, văn học dân gian người Kinh – còn có những đề tài về lịch sử liên quan đến người Chàm, hay đi sâu vào miền Nam Tây Nguyên – như DOURISBOURE – để nghiên cứu dân tộc học. Lại còn có cha cố như ALEXANDRE DE RHODES chịu khó tổng hợp lại những thành quả trước đây để viết bộ Từ điển Việt, Bồ Đào Nha và La tinh (Dictionarium Annamiticum,  Lusitenum et Latinum – Roma 1651).

   Nhưng thời ấy, không chỉ có những vị cha cố, giám mục, học giả mà còn có những lái buôn. Tuy bận rộn công việc làm ăn nhưng họ vẫn có mặt ở Đàng Ngoài để viết tường thuật – như trường hợp của TAVERNIER, hay chỉ miêu tả vùng đất nơi ấy như SAMUEL BARON (người Anh). Họ cũng rất quan tâm đến tình hình chính trị, xã hội, phong tục, tập quán và địa lí, lịch sử ngôn ngữ nơi họ đặt chân đến.

   Nhưng đặc biệt lại có những quan chức Pháp không chỉ lo cai trị mà còn dành nhiều thì giờ để xem xét, nghiên cứu như SABATIER – đặt căn cứ vào luật tụctrường ca Êđê; như  LANDES để ý đến truyện cổ dân gianngữ văn Việt Nam, như CORDIER – tuy làm nhà đoan nhưng vẫn hành nghề phiên dịch cho Sở Tư pháp Đông Dương rồi dạy tiếng Việt, chữ Hán cho công chức Pháp. Còn viên quan ba CESBRON chuyên lái máy bay, ý muốn đưa truyện cổ tích thần tiên và các truyền thuyết Việt Nam lên chín tầng mây xanh.                

   Nhưng lại có BAJOT chịu khó dịch thơ Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu ra tiếng Pháp từng chữ, từng câu. Những người Pháp như thế đã có nhiều, trong số đó có những người nổi tiếng như một G. DUMOUTIER – nhà khảo cổ học, nhà Đông phương học – được  viên Toàn quyền đưa sang Việt Nam làm phiên dịch; một MAURICE DURAND từng nổi tiếng với tác phẩm “Tranh dân gian Việt Nam “(Imagerie populaire Vietnamienne), một PIERRE HUARD để lại tên tuổi với quyển “Hiểu biết về Việt Nam“ (Connaissance du Việt Nam). Gần hơn nữa lại còn có PHILIPPE LANGLET, thạc sĩ sử học từng giảng dạy ở Trường Đại học Văn khoa Saigon cũ và từng dịch Khâm Định Việt sử thông giám cương mục (1970) để làm luận án tiến sĩ  đệ tam cấp. Nhưng ngày nay, thế hệ ấy có lẽ đã không còn bao nhiêu nữa. Họ đã nhường chỗ cho những nhà Đông phương học khác người Liên Xô, Nhật, Mỹ… Tuỳ theo quan điểm nghiên cứu duy vật hay duy tâm, biện chứng hay siêu hình… mà môn Việt Nam học được trải ra trước mắt họ với những yếu tố mới.

   Tuy nhiên qua những tư liệu còn để lại như trên, chúng ta vẫn chưa thấy người Pháp nào mang tên HENRI OGER! Có lẽ chúng ta thử đọc qua bài viết của PIERRE HUARD đăng trên tập Kỷ yếu Viễn Đông Bác Cổ tựa đề “Nhà tiên phong về kỹ thuật học Việt Nam, Henri Oger1 (Hình 72). Nội dung bài viết có thể làm sáng tỏ phần nào về người Pháp này.

CHÚ THÍCH:
1: Vùng Chúa Trịnh thống trị từ Đèo Ngang ra Bắc.
2: Pierre Huard  – Le pionnier de la technologie vietnamienne – Henri Oger (1885 – 1936?)   B.E.F.E.O –T.L VII 1970, pages 215, 217.

(Visited 36 times, 1 visits today)