Phân tích NGHĨA VỊ TIẾNG VIỆT

TS LÊ ĐỨC LUẬN

     Theo xác định của giới nghiên cứu ngôn ngữ học thì âm vị là đơn vị ngữ âm nhỏ nhất có giá trị khu biệt nghĩa. Âm vị không thể chia thành các đơn vị nhỏ hơn. Âm vị là một đơn vị một mặt, không mang nghĩa tự thân, nhưng vì nó khu biệt nghĩa các từ, nên người ta coi âm vị là đơn vị ngôn ngữ học hướng tới nghĩa chứ không mang nghĩa. Nói một cách khác, âm vị là đơn vị tiền tín hiệu. Lâu nay, các nhà ngôn ngữ học thường quan tâm đến nghĩa của các hình vị như là yếu tố tạo nên nghĩa của từ nhưng lại ít quan tâm đến nghĩa của các âm vị và cho rằng đây là các đơn vị trống nghĩa. Nếu từ có hai hình vị trở lên thì người ta quan tâm đến nghĩa của các hình vị tạo nên nghĩa của từ nhưng đối với từ đơn độc lập thì nghĩa của từ được cảm nhận qua sự phân biệt với nghĩa của các từ khác mà hầu như ít quan tâm đến nét nghĩa của âm vị tạo thành. Lê Đình Tư băn khoăn: “Hệ thống âm vị của các ngôn ngữ thường chỉ được coi là hệ thống của những đơn vị trống nghĩa thuộc bình diện biểu hiện. Đương nhiên, hậu quả tiếp theo phải là: Khi đề cập đến bình diện ngữ nghĩa của ngôn ngữ, cấp độ âm vị thường bị bỏ qua. Tình hình này có nguồn gốc sâu xa trong một quan niệm được coi là chính thống và được chấp nhận một cách phổ biến đến mức không cần bàn cãi trong ngôn ngữ học đó là quan niệm về tính võ đoán của các tín hiệu ngôn ngữ. Cho nên, với tư cách là những yếu tố được lựa chọn ngẫu nhiên và võ đoán, các âm vị đương nhiên không thể là những đơn vị có nghĩa. Cũng chính vì vậy, ngữ nghĩa học thường được quan niệm là lĩnh vực ngôn ngữ học dành riêng cho những cấp độ ngôn ngữ lớn hơn âm vị. Tuy nhiên, cũng có một số ít các nhà ngôn ngữ học nhận thấy rằng, có lẽ còn có điều gì đó chưa được nói tới khi đề cập đến cấp độ âm vị của ngôn ngữ. Từ lâu, người ta đã để đến các hiện tượng tượng thanh hay tượng hình, những trường hợp mà vỏ âm thanh của ngôn ngữ có quan hệ khá chặt chẽ với những gì chúng biểu đạt trong thực tế khách quan, nghĩa là ở đó, mối quan hệ giữa cái biểu hiện và cái được biểu hiện không hoàn toàn là võ đoán…” [4].

     Âm vị được cho là đơn vị ngôn ngữ mang nghĩa có thể được xác định trong phát biểu về ngôn ngữ học đại cương của L.Hjelmslev (1943) khi ông cho rằng Ngôn ngữ dựa trên một đối xứng được chia sẻ theo từng cấp độ, theo hai mặt cái biểu hiện và cái được biểu hiện của ngôn ngữ. Về mặt hình thức, tức là mặt cái biểu hiện, đơn vị nhỏ nhất là các âm vị (phonemes) ở mặt nội dung, nghĩa (cái được biểu hiện), đơn vị nhỏ nhất là các nghĩa vị
(semantemes) [1, 75 – 80]. Quan điểm của Nguyễn Đức Tồn (1997) trong bài viết Từ đặc trưng dân tộc của định danh nhìn nhận lại nguyên lí võ đoán của kí hiệu ngôn ngữ [6, 1 – 9] cho rằng mối quan hệ giữa nghĩa và vỏ âm thanh là có lí do chứ hoàn toàn không võ đoán. Đây là tiền đề quan trọng để nghiên cứu không những tính có lí do về nghĩa của từ mà còn tiến tới nghiên cứu tính có lí do của các âm vị của từ. Phải chăng, âm vị ở đây không chỉ đơn thuần là có nét nghĩa khu biệt mà nó có vai trò lớn hơn, có thể có nghĩa như một hình vị.

     Một số nhà nghiên cứu ngôn ngữ đã quan tâm đến yếu tố tạo nghĩa của các âm vị. H.Schreuder đã nhận ra rằng, tổ hợp âm “ash” trong tiếng Anh rất hay được dùng để biểu đạt những động tác nhanh hoặc đột ngột, thí dụ: flash (chạy vụt đổ ào), dash (lao tới, ném mạnh), crash (đâm sầm xuống), hay tổ hợp âm vị /bl/ (cũng trong tiếng Anh) thường xuất hiện trong các từ biểu thị sự khó chịu, ghê tởm hay chán ngấy, thí dụ : bland smile (nụ cười chế nhạo), blare (làm om sòm ), blast (nguyền rủa)… Âm vị /u/ khi kết hợp với một
số âm vị khác (thí như với /l/, hay /p/ ) thường biểu đạt những sự vật, sự việc đị đánh giá tiêu cực, thí dụ : allure (cám dỗ, quyến rũ), shrew (người đàn bà đanh đá, độc ác), putrid (thối tha, đồi bại) [Dẫn theo 4]. Các tổ hợp âm “ash”, /bl/ trong tiếng Anh không tồn tại trong tiếng Việt hiện đại và âm /u/ trong trong tiếng Anh không có nét nghĩa giống âm /u/ trong tiếng Việt.

     Sự khác nhau về nghĩa biểu đạt của các ngôn ngữ là do hình thái bên trong của từ. Hình thái bên trong các từ và nghĩa biểu thị của nó thuộc về đặc trưng dân tộc. Theo Nguyễn Đức Tồn “Chính việc chọn đặc trưng (đặc trưng dân tộc) làm cơ sở cho tên gọi đối tượng đã quy định hình thái bên trong của từ”. Nhà ngôn ngữ học V.F.Humboldt cũng khẳng định “Hình thái bên trong là phương thức đặc dân tộc, nhờ nó
mà một ân tộc nhất định biểu hiện
được tư tưởng và tình cảm của mình
trong ngôn ngữ” [6], [5].

(Visited 493 times, 1 visits today)