TS. HUỲNH ĐỨC THIỆN 1
(Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG-HCM)
TÓM TẮT
Trong những năm gần đây, khi nghiên cứu về lịch sử đương đại các nhà sử học rất quan tâm nghiên cứu về vấn đề phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, tuyệt đại đa số các đề tài khoa học khi viết về chuyển biến kinh tế – xã hội thường không viết kỹ về phần phương pháp nghiên cứu và những vấn đề lý luận về chuyển biến kinh tế – xã hội. Theo chúng tôi, việc trình bày rõ ràng phương pháp nghiên cứu và cơ sở lý luận của đối tượng cần nghiên cứu là vấn đề quan trọng. Xuất phát từ thực tế đó, trong bài viết này chúng tôi xin góp phần đề xuất một số vấn đề khi nghiên cứu về lịch sử chuyển biến kinh tế – xã hội thời kỳ đổi mới.
Từ khóa: chuyển biến kinh tế- xã hội, phương pháp nghiên cứu, những vấn đề lý luận.
1. Đặt vấn đề
Trong những năm gần đây, nghiên cứu về lịch sử kinh tế đương đại, các nhà khoa học nói chung và các nhà sử học và kinh tế học nói riêng rất quan tâm nghiên cứu về vấn đề chuyển biến kinh tế – xã hội. Bên cạnh nhiều nhà khoa học, nhiều giảng viên đầu tư nghiên cứu, còn có rất nhiều học viên cao học và nghiên cứu sinh chọn các đề tài về chuyển biến kinh tế – xã hội để làm luận văn thạc sĩ hay luận án tiến sĩ. Tuy nhiên, đại đa số các đề tài khoa học, các luận văn, luận án khi nghiên cứu về “chuyển biến kinh tế – xã hội” thường không viết kỹ phần phương pháp nghiên cứu và những vấn đề lý luận về chuyển biến kinh tế – xã hội. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các đề tài khi nghiên cứu về chuyển biến kinh tế – xã hội thường có một cấu trúc chung là: 1/ Giới thiệu về vị trí địa lý, tình hình kinh tế – xã hội,… của không gian đối tượng nghiên cứu (về một địa phương, một tỉnh hoặc về một vùng kinh tế nào đó); 2/ Trình bày thực trạng chuyển biến kinh tế – xã hội của đối tượng nghiên cứu trong một khoảng thời gian cụ thể; 3/ Rút ra những đặc điểm và đề xuất những giải pháp để việc chuyển biến kinh tế – xã hội ở nơi đó ngày càng tốt hơn, bền vững hơn.
Theo chúng tôi, nghiên cứu về “lịch sử chuyển biến kinh tế – xã hội” trong một không gian nhất định theo hướng như trên thì cơ bản là đúng nhưng chưa đủ và đặc biệt là chưa đáp ứng được yêu cầu khoa học toàn diện của một công trình nghiên cứu. Vì yêu cầu khoa học trước tiên của một đề tài nghiên cứu là phải trình bày thật rõ ràng phương pháp nghiên cứu và vấn đề lý luận của đối tượng cần nghiên cứu.
Xuất phát từ thực tế đó, trong bài viết này chúng tôi xin góp phần đề xuất một số vấn đề khi nghiên cứu về lịch sử chuyển biến kinh tế – xã hội thời kỳ đổi mới.
2. Các phương pháp cần thiết nghiên cứu về lịch sử chuyển biến kinh tế – xã hội
Nghiên cứu về “chuyển biến kinh tế – xã hội” tức là nghiên cứu về quá trình biến đổi kinh tế – xã hội, hay nói cách khác là nghiên cứu về lịch sử phát triển kinh tế – xã hội. Chính vì thế, trong đề tài nghiên cứu nhất thiết phải sử dụng cả phương pháp nghiên cứu của khoa học lịch sử, khoa học kinh tế lẫn xã hội học. Ngoài ra, nếu quá trình “chuyển biến kinh tế – xã hội” ấy diễn ra trong một không gian cụ thể (ở một địa phương, một tỉnh hay một vùng,…) có vị trí địa lý rõ ràng, được chia ra dựa trên tiêu chí địa lý kinh tế (như nghiên cứu chuyển biến kinh tế – xã hội ở Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, ở Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, hay ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam,…) thì đề tài nghiên cứu còn phải kết hợp sử dụng cả những phương pháp nghiên cứu của địa lý kinh tế.
Như vậy, để giải quyết toàn diện các vấn đề khoa học đặt ra của đề tài nghiên cứu về chuyển biến kinh tế – xã hội, đề tài phải áp dụng cách tiếp cận liên ngành sử học – kinh tế học – xã hội học – địa lý học để phân tích thực tiễn, đồng thời phân tích và tổng hợp một số khía cạnh của quá trình biến đổi kinh tế và xã hội cả từ những góc độ chuyên ngành lẫn từ một cách nhìn tổng thể. Đặc biệt, vì là đề tài nghiên cứu kinh tế – xã hội dưới góc độ của lịch sử nên phương pháp nền tảng, phương pháp chủ yếu sử dụng trong đề tài vẫn là phương pháp nghiên cứu lịch sử theo quan điểm duy vật lịch sử và phương pháp logic.
Phương pháp lịch sử sử dụng trong đề tài với mục đích chính là dùng để xem xét và trình bày quá trình phát triển các mặt của kinh tế – xã hội theo một trình tự liên tục. Quá trình phát triển liên tục này phải được đặt trong mối liên hệ với các yếu tố khác nhau như vị trí địa lý, tiềm năng thiên nhiên, tiềm lực xã hội, chính sách vĩ mô,… Sử dụng phương pháp lịch sử trong đề tài là để đảm bảo tính liên tục về thời gian của các sự kiện; làm rõ điều kiện và đặc điểm phát sinh, phát triển và biểu hiện của chúng, làm sáng tỏ các mối liên hệ đa dạng của chúng với các yếu tố liên quan.
Như vậy, sử dụng phương pháp lịch sử trong đề tài để có thể dựng lại bức tranh toàn cảnh, chân thực, khoa học, phản ánh đúng lịch sử và quy luật vận động của quá trình chuyển biến kinh tế – xã hội của không gian nghiên cứu.
Bên cạnh đó, để đề tài về lịch sử kinh tế – xã hội có tính lý luận và khoa học thì còn phải sử dụng phương pháp logic và các phương pháp khác trong khoa học lịch sử.
Phương pháp logic sử dụng trong đề tài là để xem xét, nghiên cứu các sự kiện, thời điểm, kết quả… về kinh tế – xã hội diễn ra trong không gian nghiên cứu dưới dạng tổng quát, nhằm vạch ra bản chất, khuynh hướng tất yếu, quy luật vận động của lịch sử phát triển. Hơn nữa, sử dụng phương pháp lôgic còn nhằm để lý giải, khái quát, đánh giá và rút ra những kết luận từ quá trình chuyển biến kinh tế – xã hội của không gian nghiên cứu trong một thời gian nhất định.
Các phương pháp khác được sử dụng trong đề tài thường là: phương pháp phân tích so sánh (phương pháp này là sự hỗ trợ cần thiết làm nổi bật tính thống nhất giữa lịch sử và lôgic), phương pháp đồng đại (phương pháp này giúp đề tài bao quát được toàn vẹn và đầy đủ quá trình lịch sử; so sánh được diễn biến, kết quả diễn ra trong cùng một thời gian ở các không gian nghiên cứu tương tự khác hay ở các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội khác nhau trong cùng không gian nghiên cứu,…).
Sử dụng phương pháp nghiên cứu kinh tế vào đề tài lịch sử chuyển biến kinh tế – xã hội trong giai đoạn hiện nay nên tiếp cận theo định hướng của kinh tế chính trị và đặc biệt là theo học thuyết kinh tế chính trị Mác – Lênin. Tức là xem kinh tế như một hệ thống biện chứng của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Trong đó, không chỉ nghiên cứu các biểu hiện bên ngoài của các quá trình kinh tế mà còn liên hệ chúng với bản chất xã hội, sự tác động của kinh tế đối với xã hội và xã hội đối với kinh tế trong một giai đoạn lịch sử nhất định.
Các phương pháp nghiên cứu kinh tế chủ yếu sử dụng trong khi nghiên cứu về lịch sử kinh tế – xã hội là phương pháp thống kê kinh tế, phương pháp phân tích kinh tế, phương pháp chuyên khảo và đặc biệt là phương pháp so sánh hệ thống kinh tế. Ở phương pháp so sánh hệ thống kinh tế, những người nghiên cứu lịch sử kinh tế nên sử dụng hai cách chính:
Một là: so sánh hệ thống kinh tế ở các giai đoạn khác nhau – phân tích so sánh dọc (Ví dụ sử dụng khi so sánh kinh tế trước và sau khi Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hình thành, hoặc trước và sau khi tỉnh Bình Dương tái lập,…).
Hai là: so sánh hệ thống kinh tế trong cùng một giai đoạn – phân tích so sánh ngang (Ví dụ sử dụng khi so sánh kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân, kinh tế vốn trong nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài,…).
Về phương pháp nghiên cứu xã hội học, tốt nhất cho các đề tài nghiên cứu về lịch sử chuyển biến kinh tế – xã hội là phương pháp điều tra xã hội học. Bên cạnh đó, các phương pháp nghiên cứu xã hội học khác cũng cần sử dụng là phương pháp khảo sát xã hội học, phương pháp thống kê xã hội học và phương pháp phân tích số liệu xã hội học.
Ngoài ra, nếu cần thiết phải sử dụng phương pháp nghiên cứu địa lý kinh tế thì phù hợp nhất cho các đề tài lịch sử chuyển biến kinh tế – xã hội ở một không gian địa lý cụ thể phải sử dụng phương pháp địa lý kinh tế lịch sử (tức là nghiên cứu lịch sử gắn với khía cạnh không gian của cơ cấu kinh tế) và địa lý kinh tế vùng (xem xét các điều kiện kinh tế của vùng trong mối liên hệ với các yếu tố khác cấu thành nên – tự nhiên, xã hội, con người,…).
3. Những vấn đề lý luận về chuyển biến kinh tế – xã hội
3.1. Nhận thức về chuyển biến kinh tế – xã hội
Theo cách hiểu thông thường, chuyển biến kinh tế – xã hội là sự thay đổi trạng thái của nền kinh tế – xã hội từ thời điểm này sang thời điểm khác. Tuy nhiên, các khái niệm kiểu như thế chưa phản ánh được bản chất và chưa nêu ra được mục đích của quá trình chuyển biến (vì đây không phải là một quá trình vận động tự thân mà là quá trình có sự điều khiển chủ quan của con người).
“Chuyển biến kinh tế – xã hội” có thể hiểu là quá trình thay đổi cả về lượng và chất của nền kinh tế – xã hội. Đó là một quá trình biến đổi lâu dài, do nhiều yếu tố tác động và quá trình biến đổi đó có sự kết hợp một cách chặt chẽ giữa hai yếu tố kinh tế và xã hội.
Nội dung của chuyển biến kinh tế – xã hội được khái quát theo ba tiêu thức:
Một là sự gia tăng tổng mức thu nhập của nền kinh tế và mức gia tăng thu nhập bình quân trên một đầu người. Đây là tiêu thức thể hiện quá trình biến đổi về số lượng của nền kinh tế, là điều kiện cần để nâng cao mức sống vật chất và tinh thần của người dân và thực hiện những mục tiêu khác của phát triển.
Hai là sự biến đổi theo đúng xu thế vận động của cơ cấu kinh tế. Đây là tiêu thức phản ánh sự biến đổi về chất của nền kinh tế. Để phân biệt các giai đoạn phát triển kinh tế hay so sánh trình độ phát triển giữa các vùng, các quốc gia với nhau, người ta thường dựa vào dấu hiệu về cơ cấu ngành kinh tế mà vùng hay quốc gia đạt được.
Ba là sự biến đổi ngày càng tốt hơn trong các vấn đề xã hội. Mục tiêu cuối cùng của phát triển kinh tế là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, xóa bỏ nghèo đói, suy dinh dưỡng, sự tăng lên của tuổi thọ bình quân, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, nước sạch, trình độ dân trí giáo dục của đa số quần chúng nhân dân. Hoàn thiện các tiêu chí trên là sự thay đổi về chất xã hội của quá trình phát triển.
Như vậy, có thể hiểu chuyển biến kinh tế – xã hội là một quá trình thay đổi về mọi mặt của kinh tế – xã hội trong một thời kỳ nhất định. Trong đó bao gồm cả tổng mức thu nhập của nền kinh tế, mức gia tăng thu nhập bình quân trên một đầu người, sự tăng lên về quy mô sản lượng, về cơ cấu kinh tế, về hưởng thụ xã hội của người dân (đời sống chính trị, xã hội và văn hóa),…
Hơn thế nữa, giống như các lĩnh vực khác trong cuộc sống, theo thời gian thực trạng kinh tế – xã hội cũng luôn có sự chuyển biến, thay đổi theo từng thời kỳ phát triển, bởi các yếu tố hợp thành kinh tế – xã hội không cố định mà luôn luôn biến đổi. Những sự thay đổi về cơ cấu các ngành kinh tế, cơ cấu các thành phần kinh tế hay sự thay đổi chính sách phát triển kinh tế – xã hội của cấp quản lý vĩ mô,… đều tạo ra sự chuyển biến kinh tế – xã hội.
Sự chuyển biến kinh tế – xã hội phản ánh trình độ phát triển của đời sống xã hội, biểu hiện chủ yếu trên hai mặt: một là, kinh tế càng phát triển càng tạo điều kiện cho quá trình biến đổi xã hội trở nên sâu sắc; hai là, sự phát triển của xã hội, đến lượt nó lại càng làm cho các mối quan hệ kinh tế được củng cố và phát triển. Thông thường, sự thay đổi về kinh tế sẽ tác động mạnh và phản ánh trình độ phát triển của xã hội.
Thấy được vai trò quan trọng, mang tính chất quyết định của quá trình chuyển biến kinh tế đối với chuyển biến xã hội nên các nhà khoa học không ngừng nghiên cứu và đưa ra các quan niệm của riêng mình. Các quan niệm được xem xét dựa trên các góc độ khác nhau nhưng đều tập trung chủ yếu vào xu hướng chuyển biến hiệu quả nhất của nền kinh tế. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay diễn ra trong bối cảnh vừa chịu tác động mạnh mẽ của quá trình chuyển đổi thể chế ở bên trong, lại vừa chịu chi phối của tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là của quá trình toàn cầu hóa, do đó cách tiếp cận về chuyển biến kinh tế cũng thay đổi2.
Ông Ngô Doãn Vịnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tác phẩm Những vấn đề chủ yếu về kinh tế phát triển có đưa ra cách nhìn nhận mới về chuyển biến kinh tế – xã hội, ông cho rằng những sự thay đổi trong xã hội trước hết là do sự chuyển biến về kinh tế, mà chuyển biến kinh tế “là sự thay đổi tỷ lệ thành phần, cơ cấu kinh tế từ trạng thái này sang trạng thái khác nhằm có được sự phát triển tốt hơn, hiệu quả hơn”3. Cách nhìn nhận này đã tương đối nói lên được bản chất của chuyển biến kinh tế.
Cũng theo ông Ngô Doãn Vịnh, chuyển biến kinh tế không phải đơn thuần là sự tăng trưởng kinh tế, mà là quá trình tích luỹ về lượng, dẫn đến sự biến đổi về chất của nền kinh tế. Theo đó, kinh tế sẽ chuyển dịch từ đơn giản đến phức tạp (tức là số ngành, số sản phẩm ngày càng nhiều; phạm vi liên kết ngày càng rộng: từ ít đến nhiều, từ trong nước ra ngoài nước), từ trạng thái có trình độ thấp sang trạng thái có trình độ cao hơn (ý nói về trình độ công nghệ và quy mô, chất lượng sản xuất hàng hóa ngày một cao) nhằm đem lại lợi ích lớn hơn như mong muốn của con người và xã hội qua các thời kỳ phát triển.
3.2. Các chỉ tiêu trong chuyển biến kinh tế – xã hội
Để phản ánh mức độ chuyển biến kinh tế – xã hội, người ta hay dùng hai nhóm chỉ số là chỉ số tăng trưởng kinh tế và chỉ số phát triển xã hội.
– Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế
Phát triển kinh tế là sự tăng trưởng kinh tế (cao và liên tục) gắn liền với sự hoàn thiện cơ cấu, thế chế kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống (mức sống, lối sống, nếp sống) và đảm bảo công bằng xã hội. Cho nên, không phải cứ có tăng trưởng kinh tế là có ngay (hoặc đều dẫn tới) sự phát triển kinh tế.
Phát triển kinh tế bao hàm các yêu cầu cụ thể:
+ Mức tăng trưởng phải lớn hơn mức tăng dân số.
+ Tăng trưởng kinh tế phải dựa trên cơ cấu kinh tế hợp lý, tiến bộ để đảm bảo tăng trưởng bền vững.
+ Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với công bằng xã hội, tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội ngang nhau trong đóng góp và hưởng thụ kết quả của tăng trưởng kinh tế.
+ Số lượng sản phẩm phong phú, chất lượng ngày càng cao, phù hợp với sự biến đổi của nhu cầu của con người và xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái.
+ Đảm bảo gìn giữ nguồn lợi và cơ hội phát triển cho các thế hệ tương lai.
+ Tốc độ đô thị hóa, rút ngắn khoảng cách giảu – nghèo,…
– Các chỉ số xã hội của phát triển
Để nói về sự phát triển, ngoài sự tăng trưởng người ta còn muốn nói đến sự tự do, hạnh phúc của mỗi người, sự văn minh của xã hội. Để làm rõ sự tiến bộ xã hội do tăng trưởng đưa lại, người ta sử dụng các chỉ số:
– Chỉ số HDI (Human Development Index) là một chỉ tiêu tổng hợp được sử dụng để đánh giá và so sánh trình độ phát triển của một quốc gia, vùng lãnh thổ trên một mặt bằng thống nhất – sự phát triển của con ngưởi. Chỉ số HDI đánh giá trình độ phát triển, phản ánh mức sống dân cư có nhấn mạnh chất lượng cuộc sống và sự tiến bộ xã hội, bao gồm sự kết hợp và lượng hóa ba yếu tố chủ yếu: tuổi thọ, kiến thức và thu nhập.
+ Tuổi thọ bình quân trong dân số phản ánh một cách tổng hợp về tình hình sức khỏe của dân cư. Trong đó bao hàm mức sinh hoạt vật chất và tinh thần trong đời sống được nâng cao.
+ Tỷ lệ người mù chữ hay ngược lại tỷ lệ người biết chữ trong toàn dân. Cùng với chỉ số này, còn có các chỉ số tỷ lệ trẻ em đến trường trong độ tuổi đi học, trình độ phổ cập văn hóa của người lao động. Tất cả các chỉ số này phản ánh trình độ phát triển và sự biến đổi về chất của xã hội. Nó nói lên xã hội đó đã coi việc đầu tư cho giáo dục và đào tạo là lĩnh vực đầu tư cho phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ dài hạn. Do đó, đây là chỉ số quan trọng để đánh giá sự văn minh xã hội, trình độ phát triển kinh tế – xã hội ở một quốc gia trong một thời kỳ.
+ Thu nhập bình quân đầu người cũng lả chỉ số để đo sự phát triển kinh tế – xã hội, mức thu nhập bình quân càng cao chứng tỏ sự phát triển kinh tế – xã hội càng mạnh, thu nhập bình quân năm sau cao hơn năm trước chứng tỏ sự phát triển liên tục và ổn định của nền kinh tế của quốc gia đó.
Ngoài ra còn có thể có một số chỉ số khác như: Mức tăng dân số hàng năm. Mức tăng dân số cũng ảnh hưởng rất lớn đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Thực tiễn đã cho thấy mức tăng dân số cao luôn đi đôi với sự lạc hậu, nghèo đói và thu nhập bình quân đầu người tăng rất thấp,…
4. Tóm lại
Lịch sử chuyển biến kinh tế – xã hội là một dạng đề tài rất hay, rất đáng được quan tâm đầu tư nghiên cứu của giới khoa học ở Việt Nam hiện nay cũng như trong tương lai.
Để những đề tài nghiên cứu về chuyển biến kinh tế – xã hội có chất lượng khoa học cao, từ đó rút ra được những kết luận xác đáng, có những đề xuất giải pháp thiết thực thì điều cần thiết phải sử dụng đúng và đủ các phương pháp nghiên cứu cần thiết. Bên cạnh đó, vấn đề lý luận về chuyển biến kinh tế – xã hội cũng phải đầu tư nghiên cứu làm rõ. Có như thế mới rút ra được bản chất kinh tế – xã hội cần nghiên cứu, thấy rõ được các đặc điểm quan trọng của quá trình phát triển.
_________
2Bùi Tất Thắng (chủ biên) (2006), Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế ở Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.28.
3Những vấn đề chủ yếu về kinh tế phát triển, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2006.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bùi Quang Dũng (2004), “Lý thuyết Marxist và xã hội học”, Tạp chí Xã hội học, số 3(87).
2. Bùi Quang Dũng (2005), “Xã hội học của Max Weber”, Tạp chí Xã hội học, số 1(89).
3. Lê Đăng Doanh, Nguyễn Minh Tú (1998), Tác động xã hội của cải cách kinh tế đối với sự phát triển vùng, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
4. Vũ Cao Đàm (2006), Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, NXB Khoa học Kỹ thuật, Hà Nội.
5. Lê Cao Đoàn (1993), Phát triển kinh tế – Lịch sử và lý thuyết, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
6. Tô Duy Hợp (2006), “Cơ sở lý thuyết nghiên cứu và giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh trong quá trình phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, Tạp chí Nghiên cứu phát triển bền vững, số 4 (13), tháng 12/2006.
7. Lê Ngọc Hùng (2008), Lịch sử và lý thuyết xã hội học, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
8. Tương Lai (1999), “Tiếp cận xã hội học đối với những vấn đề kinh tế – xã hội trong tiến trình đổi mới”, Tạp chí Xã hội học, số 2 (67).
9. Trần Thị Bích Ngọc (2007), Phương pháp luận nghiên cứu lịch sử xã hội và những hàm ý cho nghiên cứu lịch sử xã hội Nam Bộ, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh.
10. Văn Tạo (1995), Phương pháp lịch sử và phương pháp logic, Viện Sử học Việt Nam xuất bản.
11. Hà Văn Tấn (1967), “Mấy suy nghĩ về phương pháp lịch sử và phương pháp logic”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 96.
12. Viện Chiến lược Phát triển (2001), Cơ sở khoa học của một số vấn đề trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
13. Ngô Doãn Vịnh (2003), Nghiên cứu chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam – Học hỏi và sáng tạo, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
14. Ngô Doãn Vịnh (2006), Những vấn đề chủ yếu về kinh tế phát triển, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
Nguồn: Bài viết đã công bố trên Chuyên san Khoa học Xã hội và Nhân văn,
Đại học Huế, Tập 66, số 3, 2011
Trích dẫn: Khoa Việt Nam học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP.HCM
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)