QUAN HỆ DÒNG HỌ người Việt tại ĐÔNG NAM BỘ hiện nay

(Nghiên cứu trường hợp Dòng họ Lê Ba tại xã Lang Minh,
huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai
)

ThS. LÊ THỊ NGỌC LÀNH

TÓM TẮT

     Hiện nay, trong xu hướng kinh tế xã hội mới nhiều biến đổi, quan hệ dòng họ ngày càng được quan tâm phục hưng, củng cố và phát triển. Các gia phả, từ đường, nghi lễ thờ cúng tổ tiên ngày càng được chú trọng nhằm ôn lại truyền thống tốt đẹp và răn dạy con cháu sống xứng đáng với dòng họ. Tìm hiểu quan hệ dòng họ trong đời sống lễ nghi và đời sống xã hội để nêu bật những nét chính trong quan hệ dòng họ Lê Ba nói riêng, dòng họ người Việt tại Đông Nam Bộ nói chung. Bài viết “Những nét chính trong quan hệ dòng họ người Việt tại Đông Nam Bộ hiện nay” (Nghiên cứu trường hợp Dòng họ Lê Ba tại xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) hướng đến phân tích hệ thống thờ tự và nghi lễ song song với ứng xử xã hội của cá nhân, gia đình và dòng họ để nhận diện những biến đổi về quan hệ dòng họ hiện nay.

ABSTRACT

MAIN FEATURES IN VIET PEOPLE’S CLAN RELATIONSHIPS
IN THE CURRENT EASTERN SOUTH VIETNAM

(A case study of the Le Ba clan in Lang Minh Commune, Xuan Loc District, Dong Nai Province)         

     Nowadays, in the new socio-economic trend with many changes, clan relationships receive more and more attention to restore, reinforce and develop. More and more special importance is attached to family annals, ancestral temples and worship rituals in order to relive the good traditions and teach the later generations to live up to the reputation of the clans. Investigating clan relationships in ritual and social life to highlight the main features in the relationships within the Le Ba clan in particular, Viet people’s clans in the Eastern South Vietnam in general, the article “Main features in Viet people’s clan relationships in the current Eastern South Vietnam: A case study of the Le Ba clan in Lang Minh Commune, Xuan Loc District, Dong Nai Province” aims at analyzing the ritual and worshipping systems together with social behavior of individuals, families, and clans to identify the changes in the current clan relationships.

x
x x

     Hiện nay, trong xu hướng kinh tế xã hội mới nhiều biến đổi, quan hệ dòng họ ngày càng được quan tâm phục hưng, củng cố và phát triển. Các gia phả, từ đường, nghi lễ thờ cúng tổ tiên ngày càng được chú trọng nhằm ôn lại truyền thống tốt đẹp và răn dạy con cháu sống xứng đáng với dòng họ. Tìm hiểu quan hệ dòng họ trong đời sống lễ nghi và đời sống xã hội để nêu bật những nét chính trong quan hệ dòng họ Lê Ba nói riêng, dòng họ người Việt tại Đông Nam Bộ nói chung. Bài viết hướng đến phân tích hệ thống thờ tự và nghi lễ song song với ứng xử xã hội của cá nhân, gia đình và dòng họ để nhận diện những biến đổi về quan hệ dòng họ hiện nay.

     Bài viết dựa trên tổng hợp dữ liệu điền dã dài ngày tại địa phương, đồng thời chúng tôi cũng tiếp cận được nhiều tài liệu có giá trị cho nghiên cứu như cuốn “Làng Việt – đối diện tương lai hồi sinh quá khứ” trong Tạp chí xưa và nay, NXB Đà Nẵng của John Kleinen nhìn sự biến đổi của làng Việt thời hiện đại với những trạng thái động từ cấu trúc làng xã đến các mối quan hệ, nêu bật được tác động của yếu tố kinh tế; luận văn tốt nghiệp đại học chuyên ngành Văn hoá Đông Nam Á của Phạm Thị Bích Hằng năm 1998 về thờ kính tổ tiên;  “Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt xưa và nay, 171 điều về tín ngưỡng thờ cúng” của Ngô Thị Quý biên soạn  (NXB Thanh Hoá); quyển “101 điều cần biết về tín ngưỡng và phong tục Việt Nam”, của tác giả Trương Thìn, NXB Hà Nội 2007; công trình “Về văn hoá và tín ngưỡng truyền thống người Việt” của Léopold Cadière, do Đỗ Trinh Huệ dịch hay “Nghiên cứu một cộng đồng thôn xã Việt Nam” của Gerald C. Hickey với sự cộng tác của Bùi Quang Đa năm 1960; … Đặc biệt, tiếp cận được bài viết “Vài nét về quan hệ dòng họ trong cộng đồng làng xã hiện nay” trong Tạp chí Tâm lý học số 2, tháng 4/2001của tác giả Nguyễn Tuấn Anh, chúng tôi thu nhận được cách nhìn sâu sắc về quan hệ dòng họ và những bước chuyển biến trong đời sống xã hội.

     Trong báo cáo này, chúng tôi sẽ trình bày những nét chính trong quan hệ dòng họ người Việt tại Đông Nam Bộ theo hai phương diện:

– Quan hệ dòng họ trong đời sống lễ nghi.

– Quan hệ dòng họ trong đời sống xã hội.

     Bài viết trích từ luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Dân tộc học khóa 2010- 2012 với nhan đề: “Xu hướng biến đổi quan hệ dòng họ người Việt tại Đông Nam Bộ hiện nay” lấy bối cảnh dòng họ Lê Ba tại Lang Minh, Xuân Lộc, Đồng Nai- một dòng họ lớn với hơn 300 thành viên .Dòng họ Lê Ba là một bộ phận di cư của họ có nguồn gốc rất lâu đời và có lịch sử hàng trăm năm tại Cẩm Phổ, Gio Mỹ, Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, vào khoảng năm 1977 đến 1979. Không khởi nguồn là một dòng họ mới, Lê Ba mang theo hơi thở, truyền thống của quê hương vào miền Nam xa xôi lập nghiệp, họ đã có những thích nghi phù hợp thời đại mà không tổn hại đến phong tục, tập quán. Từ năm 2007 đến nay, khi từ đường được xây dựng khang trang bề thế cũng là giai đoạn phát triển quan hệ dòng họ Lê Ba càng mạnh mẽ.điều đó thể hiện trong đời sống lễ nghi và cả đời sống xã hội:

1. Quan hệ dòng họ trong đời sống lễ nghi

     Tìm hiểu quan hệ dòng họ người Việt vùng Đông Nam bộ trong bối cảnh đương đại với những sự thay đổi về nhận thức, quan niệm thờ cúng cũng như không gian thờ tự sẽ giúp chúng ta thấy rõ được những biến chuyển của quan hệ dòng họ tại Đông Nam Bộ. Phần này sẽ đi từ không gian thờ tự tại gia và từ đường của dòng họ cùng với tiến trình, ý nghĩa của đời sống lễ nghi qua các nghi lễ theo dòng họ và nghi lễ vòng đời, từ đó thể hiện rõ sự trỗi dậy của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cùng những biến chuyển rõ rệt trong quan hệ dòng họ.

     Cơ sở thờ tự và nghi lễ thờ cúng là những yếu tố thể hiện đặc trưng của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, qua đó thể hiện các mối quan hệ dòng họ trong xã hội. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên gắn bó chặt chẽ với đời sống con người, mọi hành động của con người. Chính vì thế, thờ cúng tổ tiên không chỉ ở nhà thờ lớn của họ mà còn ở bàn thờ gia tiên trong mỗi gia đình.Chúng ta sẽ tìm hiểu rõ trong bối cảnh một dòng họ tại vùng đất Đông Nam Bộ.

     Không gian thờ tự tổ tiên của dòng họ Lê Ba gồm thờ tự tại gia và từ đường, không chỉ thể hiện ý nghĩa tôn kính đối với người đã khuất mà còn củng cố mối quan hệ thân tộc qua nhiều thế hệ. Nhờ đó, quan hệ dòng họ sẽ ngày càng bền chặt, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có mảnh đất thích hợp để sinh sôi.

     Chúng tôi có điều kiện quan sát hệ thống thờ tự dòng họ Lê Ba ở cả Quảng Trị, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh, từ đó nhận thấy được những sự thay đổi so với quê gốc cũng như định hình sự riêng biệt, đặc biệt giữa những khu vực khác nhau của cùng một dòng họ. Dòng họ Lê Ba tại Đồng Nai vừa mang tính truyền thống của quê gốc vừa có nhiều hình thức biến đổi, nhìn chung, đó là sự thể hiện rõ ràng của những yếu tố văn hóa thiên về địa vực cư trú, văn hóa vùng miền, Lê Ba không hoàn toàn mất đi cái gốc mà biến đổi cho phù hợp với môi trường sống tại Đông Nam Bộ.

     Trong phạm vi báo cáo này, chúng tôi đi sâu vào quan hệ dòng họ hệ thống nghi lễ thân tộc:

     Đời sống lễ nghi của dòng họ có phong phú hay không, công tác tiến hành có trật tự hay không thể hiện rõ sự gắn kết dòng họ, quan hệ của dòng họ ấy như thế nào.Trong phần này chúng tôi điểm qua một số nghi thức phổ biến và quan trọng trong họ Lê Ba để nêu bật lên những đặc điểm quan hệ dòng tộc của họ.

     Việc thờ cúng tổ tiên thể hiện tình đoàn kết, bổn phận cũng như mối quan hệ ràng buộc giữa các thế hệ trong gia đình và dòng họ. Việc thắp nhang hướng về ông bà tổ tiên đã là động lực thúc đẩy người ta vươn tới sự hoàn thiện, duy trì ý thức nhớ về nguồn cội, giáo dục việc giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dòng họ, cũng như bổn phận tiếp tục mở rộng dòng họ, điều này lý giải tại sao việc giữ cho dòng hương lửa không tắt là điều hết sức quan trọng. Khi thực hiện việc cúng giỗ tổ tiên còn giúp tạo sự đoàn kết trong môi trường gia tộc, là dịp để họ hàng nhận biết nhau, ôn lại truyền thống dòng họ. Sự đoàn kết dòng họ chính là tiền đề cho việc hợp thành cội nguồn và sức mạnh của làng xóm quê hương, lòng tự hào về quê hương bắt nguồn từ lòng tự hào về dòng họ ấy[1].

     Xem nghi lễ như những hành động mang tính tôn giáo hoặc là hình thức biểu hiện của một tôn giáo, đồng thời những hành động này còn biểu thị nhiều ý nghĩa, sự tận tâm và cảm xúc của người tham gia. Mặt khác, các lễ tết được tổ chức để thể hiện quyền lực xã hội và được sử dụng như một “mẫu hình” cho các công việc hành chính hiện hành, các mối quan hệ xã hội và thể hiện địa vị xã hội. Các nghi lễ và lễ tết như nghi lễ vòng đời là những dịp để kiểm nghiệm mối quan hệ làng -nước. Nó nhấn mạnh các mối liên hệ về cấu trúc xã hội để kết nối tinh thần cộng đồng giữa các thành viên[2].

     Người Việt tin rằng tổ tiên vẫn hiện hữu bên cạnh họ và có thể chi phối mọi sinh hoạt lớn bé trong đại gia đình dòng tộc. Đồng thời tổ tiên cũng là mối dây liên kết mọi thành viên trong cùng một dòng tộc, dòng tộc nào quan tâm chu đáo với tổ tiên thì dòng tộc đó càng gắn bó với nhau chặt chẽ hơn[3].

     Ở người Việt, cúng giỗ là để nhớ về nguồn cội, nhớ về tổ tiên, ghi nhớ nguồn cội để con cháu không bị mặc cảm bơ vơ giữa cuộc đời và xã hội, làm cho con cháu tự tin vươn lên trong cuộc sống khi biết rằng mình có một dòng họ, một truyền thống mà mình có vai trò nối dài dòng họ, bảo tồn truyền thống của dòng họ. Bên cạnh đó, nguồn cội còn có ý nghĩa giáo dục con cháu luôn xứng đáng với danh dự của tiền nhân. Trong quan niệm của người Việt, tổ tiên can thiệp trực tiếp vào những biến cố trong dòng họ, có thể về bất cứ lúc nào, nhất là khi con cháu đứng trước bài vị để mời ông bà về với con cháu, thì họ tin rằng ông bà sẽ về ngự nơi bàn thờ và con cháu cần chuẩn bị cỗ bàn sẵng sàng để ông bà hưởng dùng[4]. Chính vì thế nên việc chuẩn bị giỗ và đồ lễ cúng rất được coi trọng. Đối với dòng họ Lê Ba cũng thế, việc tập trung về từ đường cúng giỗ tổ tiên chính là dịp để gắn kết các thành viên trong tộc họ, khẳng định vai trò và vị trí của các vị chức sắc, ai mặc áo nào, đứng ở đâu, làm việc gì, ngôi thứ ra rao đều phân biệt rõ ràng, cụ thể. Điều này thể hiện sự chặt chẽ trong mối quan hệ dòng họ.

     Nghi lễ theo dòng họ  của tộc họ Lê Ba bao gồm bốn lễ: Tết Nguyên Đán, kỵ xuân ngày 12/02 âm lịch, kỵ thu 12/08 âm lịch và lễ tảo mộ hay còn gọi là đắp mộ vào 19/10 âm lịch hàng năm, các nghi lễ này đều được tổ chức tại nhà thờ họ.

     Phần lễ tương đối đơn giản nhưng cũng không kém phần trang trọng. Mọi người dự lễ đều phải ăn mặc trang nghiêm và phù hợp. Yếu tố giới cũng thể hiện khá rõ trong nghi lễ thờ cúng. Chỉ có nam giới đứng ra cúng, thầy tế cũng là nam.Việc chuẩn bị lễ vật là phụ nữ, nhưng khi xếp lên bàn thờ tổ phải là nam. Nhìn chung, mọi buổi lễ đều được tiến hành theo ba bước giống như nghi lễ của dòng họ Lê Ba tại Quảng Trị:

     – Khai lễ: trình bày với giang sơn, trời đất, thánh thần nguyên nhân tổ chức lễ cúng. Cỗ bàn được bày ra trước lối đi giữa hai cây cột to, hướng ra lư hương to trước sân. Hai thầy tế và trưởng tộc khăn áo chỉnh tề đảm trách nhiệm vụ khấn vái.

     – Khai lễ kết thúc nhanh chóng, tiếp đến là phần quan trọng nhất, chính lễ: lễ vật đã được chuẩn bị sẵn trên các gian thờ trong từ đường, thầy tế và trưởng tộc khấn vái trình bày, đọc văn tế, con cháu  thay nhau vái lạy tổ tiên. Phần chính lễ diễn ra khá dài với nhiều lễ nghi phức tạp và trang nghiêm. Độ dài của buổi lễ tuỳ thuộc vào lượng con cháu đến viếng lạy tổ nhiều hay ít.

     – Kết thúc buổi lễ là cúng cô hồn: tuỳ từng dịp mà có cúng cô hồn hay không. Thường thì ngày Tết là phải cúng, còn những ngày kia có thể không cũng không sao, nếu có thì càng tốt. Mâm cỗ được mang ra giữa sân, đặc biệt luôn có gạo muối để rải khắp tứ phương khi hoàn tất buổi lễ cho những người chết oan, những người không có người thân cúng giỗ có thể thọ hưởng, vì họ quan niệm chỉ có con cháu trong họ mới vào được từ đường.

     Sau phần nghi thức là lúc mọi người tập trung lại hội họp, nói chuyện con cháu, quây quần bên mâm cỗ. Đây là lúc những tin tức, việc của họ hay thậm chí liên quan đến gia đình cụ thể nào đó trong họ được đưa ra bàn luận. Sau những tất bật của cuộc sống, có lẽ thời điểm này chính là thời gian quý báu để họ ôn lại côi nguồn, để quan tâm đến những thành viên khác trong họ. Lễ tất là lúc mọi người cùng chung vui, vừa ăn uống, chính là hưởng cái lộc tổ tiên ban cho, vừa bàn bạc nhiều chuyện của họ cho đến chuyện mùa màng. Chức năng cố kết cộng đồng của các dịp giỗ thể hiện rõ nhất ở giai đoạn này.

     “Sáu bàn cỗ được dọn ra rất nhanh, các chức sắc và các bác lớn tuổi ngồi hai bàn giữa nhà, còn lại ngồi ngoài hành lang. Tôi được đặt cách ngồi cùng vài chú ở bàn thứ ba trong gian thờ. Mọi người vừa ăn uống vừa trò chuyện rất vui vẻ, từ chuyện làm ăn đến con cái, quỹ của họ, ai đóng ai chưa đều được mọi người bàn tán, thảo luận. Ăn xong có người về, có người ở lại uống trà, nhưng chỉ mình chú T. rửa chén mà không ai phụ cả, vì đó là đợt phân công!”[5]

     Họ chủ trương đơn giản về lễ vật nhưng không kém phần trang nghiêm, điều quan trọng là tấm lòng tưởng nhớ, hiếu kính của con cháu lên tổ tiên. Chỉ những lễ lớn mới tổ chức trong thể cho con cháu tụ họp lại chung vui:

     “Mấy năm hiệp tế một lần thì mời bà con nội ngoại đông mới làm nhiều. Chứ cúng thường thì cũng bình thường, ít người nên làm ít, trầm trà hoa quả các thứ vậy thôi.Hai ba năm một lần sẽ có hiệp tế mới đông. Con cháu đi được thì đi, không ép. Còn nấu thì các bác nấu rồi đem đến rồi. Bác gái đồ nấu cho mấy ông mang đi”[6]

     Việc giảm số lượng người cúng và nghi thức lạy tượng trưng thể hiện sự linh hoạt trong nghi lễ. Tuỳ vào điều kiện mà người ta thay đổi cách ứng xử khác nhau, nó vẫn không làm mất đi không khí trang nghiêm của buổi lễ. Bởi vì điều cốt lõi chính là cái tâm của người cúng, tấm lòng của người thực hiện nghi lễ chứ không ở hình thức của nghi lễ. Dường như mỗi dịp lễ giỗ là thời gian để các thành viên trong họ có thời gian để trò chuyện, trao đổi với nhau nhiều hơn. Họ đến từ đường để tưởng nhớ tổ tiên, họ cũng đến để thắt chặt sợi dây thân tộc.Với ý nghĩa đó, từ đường của dòng họ cũng mang chức năng cố kết cộng đồng như đình, chùa, chỉ có điều nó khu biệt trong khuôn khổ nhỏ hơn của một dòng họ.

     Nghi lễ theo dòng họ với những lễ vật bình dị nhưng không kém phần phong phú, những nghi thức trang nghiêm thể hiện sự sùng kính, tôn trọng vô hạn đối với ông bà tổ tiên là thế. Việc hành lễ ở từ đường không chỉ đơn thuần để tưởng nhớ tổ tiên mà ý nghĩa lớn hơn chính là chức năng cố kết cộng đồng, thắt chặt các mối quan hệ dòng họ đồng thời mở rộng quan hệ dòng tộc Lê Ba ra cả vùng Đông Nam Bộ và hình thành một hội đồng họ Lê phía Nam. Bên cạnh đó, nghi lễ vòng đời tuy chỉ được tổ chức tại gia đình nhưng vẫn mang đầy đủ những ý nghĩa ấy. Từ lúc sinh con, đến khi trưởng thành, kết hôn cho đến khi chết đi, về với ông bà, mọi việc của con cháu ở trần gian đều được trình báo với tổ tiên thế hiện sự hiếu kính, đồng thời mong ông bà phù hộ. Chính vì vậy, bàn thờ gia tiên luôn được đặt ở nơi trang trọng nhât của gia đình.

     Dù dưới hình thức nào, tổ chức ở đâu, việc làm lễ dâng lên tổ tiên luôn giữ vị trí quan trọng. Người Việt gắn bó mật thiết với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, quan hệ dòng họ từ cái nhỏ nhặt đến lớn lao, từ khi sinh đến lúc từ giã cõi đời. Ông bà tổ tiên luôn là những tấm gương sáng về giáo dục đạo đức cho con cháu noi theo, là truyền thống tạo dựng cơ đồ, sự nghiệp của tộc họ. Hiếu kính với ông bà, tổ tiên hướng con người đến với cái chân, cái thiện, hun đúc sự tiếp nối truyền thống cha ông, bảo lưu và mở mang họ tộc.Đặt bản thân trong mối liên hệ với gia đình nói riêng, tộc họ nói chung chính là hình thức cố kết cộng đồng, gắn kết dòng họ một cách mạnh mẽ.

     Hệ thống nghi lễ thờ tự tổ tiên của dòng họ Lê Ba không khác những dòng họ người Việt khác trên dải đất Việt Nam, nhưng cách thể hiện, tiến hành cũng như quá trình xây dựng, củng cố những truyền thống tốt đẹp ấy của họ thật đáng ghi nhận. Một dòng họ tha hương đã khẳng định được chỗ đứng trên một vùng đất mới nhiều khó khăn và lắm rủi ro. Chính những nghi thức, những lễ kỵ giỗ mang chức năng cao đẹp và quan trọng: gắn kết thân tộc bền chặt.

2. Quan hệ dòng họ trong đời sống xã hội

     2.1 Liên kết người cùng h

     Xét trên phương diện đời sống xã hội, quan hệ dòng họ được xem là mối quan hệ của cùng một số lợi ích, cùng hướng về tổ tiên chung, củng cố và phát huy truyền thống, răn dạy con cháu noi theo, trong đó mỗi thành viên có những mạng lưới xã hội chung và riêng, có quan hệ qua lại lẫn nhau, có thái độ ứng xử phù hợp nhằm mục đích phát triển cá nhân và củng cố dòng họ. Dòng họ không chỉ bao gồm những người thuộc thế hệ trước mà cả người cùng thế hệ và cùng thời với nhau, bắt nguồn từ vị thủy tổ chung. Những quy phạm đạo đức trong một dòng họ nào đó vẫn tồn tại và có sức mạnh nhất định.Dòng họ là một hiện tượng lịch sử xã hội có tính phổ quát toàn nhân loại và liên thời đại. Có thể nói việc liên kết theo nhóm huyết thống là một trong ba hình thức tập họp sớm nhất trong lịch sử loài người. So với nhiều hình thức liên kết khác như cư trú (đô thị, làng xóm…), lợi ích (giai cấp, phường hội…)…thì liên kết dòng họ vẫn là hình thức có vai trò chi phối cá nhân ở nhiều lĩnh vực và nhiều mức độ khác nhau.[7]

     Trước hết, qua quá trình khảo sát nghiên cứu nhiều dòng họ cũng như tiếp cận được những công trình đề cập đến vấn đề dòng họ hiện nay, chúng tôi cho rằng dòng họ người Việt hiện nay đang trên đà củng cố và phát triển mạnh mẽ, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Bộ. Có thể nói rằng, có ba nguyên nhân chính tạo nên sự phục hưng dòng họ:

     Thứ nhất là sự khẳng định vai trò kinh tế của hộ gia đình trong xã hội nông thôn. Sự khẳng định vai trò của hộ gia đình là cơ sở quan trọng cho sự phục hưng dòng họ bởi vì hộ gia đình nông dân khó có thể tồn tại độc lập nếu như thiếu đi cơ cấu và quan hệ dòng họ, làng xã.

     Thứ hai: Trong xu thế vận động của đổi mới, của sự phát triển kinh tế nhiều thành phần, cần cân bằng và tạo ra sự điều hòa trong mỗi con người. Trước những thay đổi, biến động của đời sống xã hội, mỗi người cảm thấy cần có chỗ dựa tinh thần để ổn định đời sống. Như vậy, dòng họ còn là cơ sở của tình máu mủ ruột rà của đạo thờ cúng tổ tiên, với các phong tục và nghi lễ mang đậm màu sắc tâm linh, đã trở thành chỗ dựa tinh thần, đã củng cố nghị lực và niềm tin cho nhiều người trong cuộc sống.

     Thứ ba: Những chính sách đúng đắn  (Nghị quyết “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” mà Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (1998), Văn kiện Đại hội X (2006), Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển 2011) trong Đại hội XI…) của Nhà nước trong việc phục hưng các giá trị văn hóa dân tộc đã tạo nên niềm tin, sự phấn khởi trong mỗi người khi phục hồi lại những giá trị văn hóa của dòng họ, của cha ông. Bởi vì những giá trị văn hóa cha ông không chỉ mang lại niềm tự hào cho mỗi người mà còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc lối sống văn hóa.[8]

     Trong hoàn cảnh mới, các thành viên của một dòng họ đã sáng tạo ra hình thức mới để thích ứng với điều kiện kinh tế mới, và tiếp tục hoạt động thờ cúng tổ tiên chung của mình: tục “góp giỗ”. Ruộng hương hỏa không còn hoặc không có, như trường hợp dòng họ Lê Ba tại Đông Nam Bộ, thì việc góp giỗ là một hình thức linh hoạt và khả thi.“Bây chừ mần chi mà có ruộng họ nữa, miềng vô đây thì cố mà góp với nhau để giỗ cha ông được tươm tất, người ta không cười chê miềng được.”[9] Góp giỗ và tổ chức đàng hoàng không chỉ tưởng nhớ tổ tiên mà còn chứng minh lòng hiếu để, sự hưng thịnh của dòng họ với các dòng họ lân cận.

     Ngoài ra, họ còn lập quỹ khuyến học khuyến tài, viết lịch sử dòng họ và in sách về dòng họ, lập ban cán sự dòng họ để giáo dục con cháu truyền thống dòng họ…. Những hoạt động này đang trở thành nhu cầu thực sự của cuộc sống hôm nay trong các cộng đồng. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy hầu hết các dòng họ lớn đều có những hình thức này, trở thành một trào lưu trong quá trình phát triển dòng họ hiện nay. Những trang thông tin điện tử để kết nối với nhau, kêu gọi các thành viên cùng góp công xây dựng dòng họ vững mạnh.

     Các gia đình trong một dòng họ có sự tương hỗ qua lại trong cuộc sống, đó không chỉ là trong quan hệ họ hàng mà còn được xem như “bán anh em xa mua láng giếng gần”, đa số các gia đình vay tiền và thóc của họ hàng khi túng thiếu khó khăn. Khi một gia đình có những việc lớn (làm nhà, cưới xin, ma chay…), họ đều tìm đến sự hỗ trợ của họ hàng. Hơn nữa, trong họ dần thành lập một quỹ họ để cho con cháu vay, quỹ này do các thành viên đóng góp hoặc có con cháu ở xa, nước ngoài về kính tổ tiên, phần dùng trong lễ giỗ còn lại sẽ cho những thành viên khó khăn vay. Đây là hình thức tích cực rất được ủng hộ trong hầu hết các tộc họ hiện nay. Người trong một dòng họ thường có chung môt niềm tự hào, niềm vinh dự về dòng họ mình cũng như luôn chia sẻ với nhau niềm vui, nỗi buồn. Họ tự hào về dòng họ mình to lớn, dài lâu, trong họ có nhiều người đỗ đạt trong thi cử, thăng tiến trên con đường công danh.

     Tuy nhiên, vẫn luôn có sự cạnh tranh giữa các người con trong gia đình, các thành viên trong cùng gia tộc, thầm lặng hay lộ rõ, như mức độ thành đạt về tài chính, học vấn, bằng cấp, nghề nghiệp, danh giá, mồ yên mả đẹp… cho tới các giá trị không thể hoặc khó có thể đo lường được như mức độ thành công, mức độ hạnh phúc của mỗi cá nhân mỗi gia đình thành viên trong gia tộc. Sự cạnh tranh này thể hiện rõ qua các lễ giỗ tại gia hay bất cứ dịp nào, đặc biệt là sự so sánh về kinh tế:

“Ôn T. giàu có vậy chứ con cái học hành chẳng ra gì cả, ăn chơi, họ nói hoài mà không cải thiện được chi cả. Con bác là phải học, phải chịu làm ăn, chứ chừ khôn học thì lấy chi mà ăn hè, đời sống bây chừ đâu như hồi xưa mà làm rẫy làm ruộng vất vả mãi được! Mà nói cho cháu chộ chứ người ta vậy họ còn không nói được chi mô, răng mà miềng ý kiến được!”[10]

     Mặc dù phê phán chuyện học hành của gia đình khác nhưng không quá gay gắt, chỉ đưa ra ví dụ, dẫn chứng để tự bảo lòng phải xây dựng gia đình mình, con cháu mình như thế nào cho phải, cho xứng đáng. Đó là quan điểm tích cực của những thành viên trong dòng họ Lê Ba không muốn phá vỡ những gắn kết tốt đẹp, giữ hòa khí trong nội bộ dòng tộc. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, nhìn nhận ra những điểm tiêu cực và đóng góp, giúp cho họ- những thành viên khác trong dòng họ- hiểu được, sửa chữa được những sai lầm của mình có lẽ sẽ thúc đẩy dòng họ phát triển hơn chăng? Trong khuôn khổ luận văn, chúng tôi không đi quá sâu vào phân tích khía cạnh này.

     Xét đến phương diện kết nối và ứng xử với các dòng họ khác cũng như vấn đề chính quyền, chúng tôi muốn nhấn mạnh tục “phép vua thua lệ làng”, “đóng cửa bảo nhau” vốn tồn tại từ xưa đến nay của dòng họ người Việt. thật vậy, Lê Ba cũng là một dòng họ như thế, mọi vấn đề nảy sinh trong họ hay thậm chí là mâu thuẫn cũng được giải quyết ổn thỏa nội bộ, ở khía cạnh này nhấn mạnh tầm quan trọng của các bậc tiền bối, chức sắc, họ vẫn còn đủ quyền lực và uy thế để răn dạy con cháu. Một thành viên trẻ của Lê Ba trải lòng:

“Nói chứ bọn trẻ tụi em cũng sợ mấy chú bác lắm, biết là bây giờ khác xưa rồi, nghe nói hồi xưa dữ lắm, con cháu mà hư hỏng là mang ra làng họ xử đó, cũng sợ chứ, mà giờ thì cũng vẫn kính nể chứ, họ là người đi trước, kinh nghiệm, lớn tuổi hơn mình thì họ khó mà sai được. Thì cũng sợ làm sai chú bác nói cho, con nhà này nhà kia, rồi mình xấu, cha mẹ cũng xấu chứ. Mà nghe lời chú bác cũng tốt mà, họ đâu có dạy mình cái gì xấu đâu, mình phải ý thức được dòng tộc chứ!”[11]

     Đây là một quan điểm tích cực của bộ phận trẻ trong xã hội, họ ý thức được cội nguồn và trách nhiệm của bản thân với gia đình, dòng họ! Chính vì vậy mà các mối quan hệ xã hội được dung hòa, tôn trọng quy định pháp luật nhưng vẫn giữ được nét riêng, luật tục của dòng họ.

     Tuy nhiên, hiện nay, với những dòng họ ở khu vực Đông Nam Bộ này, địa vực cư trú và vấn đề chính quyền đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hướng lớn hơn so với làng họ miền Bắc, “cái nào họ giải quyết được thì tự dàn xếp, còn cái nào không được thì nhờ chính quyền thôi, đâu còn như hồi xưa nữa mà mình tực giải quyết hết được”[12]. các việc liên quan đến đất đai, hành chính như xây cất từ đường dòng họ Lê Ba năm 2007 đều phải thông qua chính quyền địa phương và được các cơ quan ủng hộ. Một cán bộ xã Lang Minh cho biết:

“Chúng tôi thấy việc xây từ đường để thờ cúng chung của dòng họ Lê Ba này là tốt, chính quyền địa phương cũng hỗ trợ cho phép thôi chứ đâu có khó dễ làm gì, họ làm được vậy mình phải mừng chứ sao lại cản trở, chúng tôi còn khuyến khích các dòng họ phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, chỉ đừng quá lạm dụng mà có những hành vi vượt quá quy định hay tập trung chống phá chính quyền thôi. Đạo ông bà cũng răn dạy chúng ta làm điều tốt cho xã hội mà!”[13]

     Nhờ sự khuyến khích hỗ trợ của cơ quan địa phương mà từ đường Lê Ba được xây dựng thành công, con cháu Lê Ba có một nơi chung để tề tựu và để cùng nhau phát triển dòng họ trong thời đại mới. cũng từ đây, các ngôi từ đường của dòng họ Nguyễn Nhất, Nguyễn Bốn trong xã lần lượt được xây dựng, xã Lang Minh càng phát triển kinh tế hòa cùng sự củng cố, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

     2.2 Hành xử cá nhân

     Trong bối cảnh của sự giao thoa văn hóa hiện nay, xu hướng mất gốc đang là nguy cơ, đặc biệt là đối với một bộ phận của lớp trẻ, thì việc phục hưng của dòng họ đã có ý nghĩa lớn chống lại nguy cơ đó. Mỗi bàn thờ trong mỗi gia đình, mỗi dòng họ là một nơi giáo dục, răn dạy con cháu trong họ, trong làng làm người tốt cho xã hội. Cộng đồng dòng họ tạo nên một khía cạnh của bản sắc văn hóa dân tộc.Ý thức dòng họ là nét văn hóa đặc sắc bao trùm lên vấn đề dòng họ.Vì truyền thống dòng họ người ta phải sống như thế nào cho xứng với truyền thống cha ông, trước hết là trong đối xử với những người cùng máu mủ. Tình cảm dòng họ là một loại tình cảm tự nhiên và thiêng liêng nảy sinh từ quan hệ máu thịt nên cách ứng xử của người trong dòng họ với nhau bao giờ cũng khác với “người dưng”, “người ngoài”.

     Xu thế toàn cầu hóa và nền kinh tế thị trường hiện nay đã tạo dựng cho thế hệ trẻ nhiều giá trị quan trọng để bước vào nền kinh tế thị trường. Đó là sự nhạy bén, tiếp thu cái mới rất nhanh, có đầu óc sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Bên cạnh đó, điều đáng lo ngại là trong lớp trẻ có xu hướng tỏ ra thờ ơ với truyền thống văn hóa cha ông. Trong bối cảnh như vậy, sự phục hưng dòng họ với việc phát huy các giá trị văn hóa của dòng họ để giáo dục truyền thống hướng về cội nguồn là điều rất cần thiết. Thực hiện chiến lược con người trong thế kỷ, trước hết phải giáo dục thế hệ trẻ sống xứng đáng với truyền thống văn hóa cha ông.

     Nhiều nhà nghiên cứu còn băn khoăn rằng tâm lý của đa số lớp trẻ hiện nay đều xem việc sinh hoạt dòng họ chỉ đơn thuần là việc thắp hương thờ cúng tổ tiên để anh em trong họ biết mặt nhau, việc đi sinh hoạt dòng họ chỉ là đi nghĩa vụ với tổ tiên, chưa chú ý học hỏi truyền thống văn hóa của dòng họ mình. Không hẳn vậy, những dịp kỵ giỗ, con cháu khắp mọi nơi rời bỏ cương vị xã hội của mình quay về với cương vị thành viên của dòng họ để tưởng nhớ về tổ tiên đã sinh ra mình. Để rồi khi xong tế lễ, họ quay về với ruộng đồng, hay rời làng ra đi với tâm niệm phải sống xứng đáng với cha ông. Trong mỗi kỳ xuân tế, kết hợp với việc tế lễ tổ tiên, các bậc cha chú còn ôn lại truyền thống dòng họ cho con cháu bằng cách nhắc lại công đức của các vị tiền nhân, đọc lại những bài tựa, bài ký răn dạy con cháu ý thức về cội nguồn. Điều này có giá trị lớn trong xây dựng nhân cách cho mỗi thành viên.[14]

     Vốn xã hội của mỗi cá nhân không chỉ ngoài xã hội mà còn phụ thuộc vào nền tảng của dòng họ, tăng thêm một khi cách giao tiếp giữa những cá nhân càng chặt chẽ và có uy tín. Chính vì vậy, gắn kết với các thành viên khác trong dòng họ là điều kiện quan trọng cho sự phát triển bản thân mỗi cá nhân. Thái độ ứng xử của mỗi người trong quan hệ dòng họ là rất quan trọng, phải cư xử như thế nào với các bậc chức sắc, bậc tiền bối, hành xử ra sao với cha mẹ, với anh chị em… đều phải được cá nhận tiếp nhận và thực hiện cho phù hợp:

     “Mình phải biết mình là ai, con nhà nào chứ, để còn biết mà xưng hô, mà đối xử với người khác. Con cháu trong họ đều về từ đường các dịp lễ hết, tập trung đông lắm, nhờ những dịp này mà biết anh biết em, biết bà con họ hàng, chứ cứ đi làm ăn xa hay đi học suốt rồi không nhớ ai. Tổ tiên ông bà thì phải nhớ rồi, phải biết ơn chứ, còn cha mẹ nữa. Mình là bổn phận con cái, không lo cho ba mẹ thì ai lo?”[15]

      Xét về góc độ cá nhân, mỗi người đều có vốn xã hội nằm trong cơ cấu các mối quan hệ của riêng họ.Theo nhà xã hội học Bourdieu thì “để sở hữu vốn xã hội, một người phải có quan hệ với những người khác, và chính những người khác, chứ không phải anh ta, mới thực sự là nguồn gốc sinh ra ưu thế của anh ta”[16].Điều này có nghĩa là, một thành viên trong dòng họ có được những thế mạnh, hỗ trợ cho cá nhân phát triển và hoàn thiện.cá nhân không tách biệt khỏi gia đình, dòng họ mà thuộc về, nhận sự hỗ trợ về vốn xã hội. Bản thân cá nhân thăng tiến không hẳn là năng lực riêng của anh ta, đó là sự tập hợp những thế mạnh từ các mối quan hệ, như một thành viên trong họ Lê Ba khẳng định:

“Mình từ gia đình mà ra, phải làm giàu cho gia đình, dòng họ chớ.Mà nhờ có dòng họ, nhờ các bác các chú giúp đỡ tui mới cho con ăn học được đó.Tui vay quỹ họ đó chớ. Mà con cháu họ này đi ra người ta cũng nể chớ, ở cái xã này ai mà không biết bác N., bác L. có tiếng ở đây! Họ giúp đỡ mình thì khi nào mình có mình giúp lại thôi!”[17]

     Tuy nhiên, không phải lúc nào trong dòng họ cũng có sự đồng thuận, có thể sự thăng tiến của cá nhân này lại gây xung đột với cá nhân khác, hay sự ganh tị lẫn nhau giữa các thành viên. Nhưng những xung đột này chỉ mang tính chất cá nhân, không thể hiện ra bên ngoài mà được quy định hành xử theo những quy ước xã hội, có thể là ngấm ngầm so sánh để tìm cách khiến bản thân mình tiến bộ hơn người kia, có thể lấy người kia làm động lực cho sự phát triển bản thân… tuyệt nhiên không có sự ganh ghét công khai, ra mặt: “Nói vậy chứ thấy người ta cũng như mình mà lúc nào cũng may mắn, làm gì trúng đó, cũng chạnh lòng chứ, nhưng không phải ganh tị, chỉ nhắc mình cố gắng thôi!”[18]

     Đời sống lễ nghi và đời sống xã hội là hai khía cạnh bao trùm đời sống và quan hệ các cá nhân, gia đình và cả dòng họ hiện nay. Phân tích hai lĩnh vực này chính là đi sâu phân tích những biến chuyển trong quan hệ dòng họ người Việt ở Đông Nam Bộ nói chung, dòng họ Lê Ba nói riêng. Trong điều kiện xã hội mới, kinh tế phát triển, quan hệ dòng họ cũng có nhiều thay đổi, chúng tôi cho rằng đó là tất yếu!

     Tóm lại, nội dung chính yếu của báo cáo này là tập trung xem xét sự chuyển biến các mối quan hệ dòng họ trong đời sống lễ nghi và đời sống xã hội để phù hợp với môi trường mới, bối cảnh kinh tế, xã hội mới.Chính vì vậy đã hình thành những xu hướng biến đổi trong quan hệ dòng họ. Quan hệ dòng họ người Việt tại Đông Nam Bộ hiện nay có nhiều nét biến đổi và đang trên đà phục hưng, phát triển. Tiêu biểu cho những thay đổi đó chính là các mối quan hệ thân tộc trong các hình thức lễ nghi thờ cúng, tưởng nhớ tổ tiên đi liền với những hành vi, thái độ, chiến lược ứng xử của mỗi thành viên, mối gia đình trong cuộc sống hàng ngày của một dòng họ. Chính những nét thay đổi này hình thành nên các xu hướng biến đổi dòng họ nội tại cũng như chiều hướng mở rộng, khuếch trương dòng họ mang tầm khu vực, quốc gia, quốc tế.

CHÚ THÍCH:

MỘT SỐ TỪ ĐỊA PHƯƠNG ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG TRÍCH DẪN PHÂN TÍCH

– Miềng: mình

– Ôn: ông

– Bây chừ: bây giờ

– Đậu giỗ: đóng góp giỗ

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Alejandro Portes, “Vốn xã hội- nguồn gốc và những sự áp dụng nó trong xã hội học hiện đại”, Mai Huy Bích dịch, Tạp chí Xã hội học năm 2003, số 4, Viện xã hội học, www.ios.ac.vn.

2. Nguyễn Tuấn Anh, Vài nét về quan hệ dòng họ trong cộng đồng làng xã hiện nay, Tạp chí Tâm lý học số 2, tháng 4/2001.

3. Toan Ánh, Phong tục thờ cúng tổ tiên trong gia đình Việt Nam, NXB Văn hoá dân tộc, Hà Nội.

4. Léopold Cadière, người dịch Đỗ Trinh Huệ, 1997, Về văn hoá và tín ngưỡng truyền thống người Việt, Hội khoa học lịch sử Việt Nam, NXB Văn hoá thông tin Hà Nội.

5. Phạm Thị Bích Hằng, Vấn đề thờ kính tổ tiên trong nền văn hoá đương đại Việt Nam, Luận văn tốt nghiệp đại học chuyên ngành Văn hoá Đông Nam Á khoá 1994-1998.

6. John Kleinen, Làng Việt đối diện tương lai hồi sinh quá khứ, Tạp chí xưa và nay, NXB Đà Nẵng.

7. Ngô Thị Quý (Biên soạn), Tín ngưỡng thờ cúng của người Việt xưa và nay (171 điều về tín ngưỡng thờ cúng), NXB Thanh Hoá.

8. Trương Thìn, năm 2007, 101 điều cần biết về tín ngưỡng và phong tục Việt Nam, NXB Hà Nội.

9. Nhiều tác giả, Sự biến đổi của tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay, NXB Thế giới.

10. Nhiều tác giả, năm 2006, Những vấn đề Nhân học tôn giáo, tạp chí Xưa và Nay, NXB Đà Nẵng.

_________

[1] Phạm Thị Bích Hằng, Sđd, trang 13.

[2] John Kleinen, Sđd, trang 204.

[3] Phạm Thị Bích Hằng, Sđd, trang 15.

[4] Phạm Thị Bích Hằng, Sđd, trang 46.

[5] Ghi chép điền dã, ngày 04/03/2012.

[6] MS: 03, Ghi chép điền dã, ngày 25/05/2009.

[7] Nguyễn Tuấn Anh, Vài nét về quan hệ dòng họ trong cộng đồng làng xã hiện nay, Tạp chí Tâm lý học số 2, tháng 4/2001, theo http://giaphatphcm.com , ngày 23/7/2010.

[8] Nguyễn Tuấn Anh, Vài nét về quan hệ dòng họ trong cộng đồng làng xã hiện nay, Tạp chí Tâm lý học số 2, tháng 4/2001, theo http://giaphatphcm.com , ngày 23/7/2010

[9] MS: 01, Phỏng vấn sâu, ngày 12/09/2012.

[10] MS 12, Phỏng vấn sâu, ngày 15/09/2012.

[11] MS 13, Phỏng vấn sâu, ngày 15/09/2012.

[12] MS 12, Phỏng vấn sâu, ngày 15/09/2012.

[13] MS 15, Phỏng vấn sâu, ngày 16/09/2012.

[14] Nguyễn Tuấn Anh, Vài nét về quan hệ dòng họ trong cộng đồng làng xã hiện nay, Tạp chí Tâm lý học số 2, tháng 4/2001, theo http://giaphatphcm.com , ngày 23/7/2010.

[15] MS 10, Phỏng vấn sâu, ngày 07/09/2012.

[16] Alejandro Portes, “Vốn xã hội- nguồn gốc và những sự áp dụng nó trong xã hội học hiện đại”, Mai Huy Bích dịch, Tạp chí Xã hội học năm 2003, số 4, Viện xã hội học, www.ios.ac.vn, trang 102.

[17] MS 07, Phỏng vấn sâu, ngày 07/09/2012.

[18] MS 05, Phỏng vấn sâu, ngày 03/07/2011.

Nguồn: Bài viết được trình bày tại Hội thảo Khoa học Trẻ 2012 – Trường ĐHKHXH&NV-TP.HCM tổ chức

Ban Tu thư (thanhdiavietnamhoc.com)

(Visited 166 times, 1 visits today)