Sơ lược giai đoạn HÌNH THÀNH Chữ QUỐC NGỮ (1620-1648) – Phần 1

Sơ lược giai đoạn HÌNH THÀNH Chữ QUỐC NGỮ (1620-1648) – Phần 1

ĐỖ QUANG CHÍN

     Chữ Việt ngày nay là một thứ chữ đã được nhiều Linh mục Dòng Tên ở Việt Nam (với sự cộng tác âm thầm của một số Thầy giảng Việt Nam) vào thế kỷ 17 sáng tạo ra. Nói một cách tồng quát thì họ đã dùng mẫu tự La tinh, rồi dựa vào phần nào của chữ Bồ Đào Nha, Ý và mấy dấu Hy Lạp, để làm thành chữ mà chúng ta đang dùng(1). Chúng ta đều quá rõ là vào thời ấy, Việt Nam dùng chữ Nho là chính, còn chữ Nôm là phụ thuộc.

     Khi các nhà truyền giáo đến Đàng Trong đã bẳt đầu áp dụng dần dần mẫu tự La tinh cho tiếng Việt. Thực ra đây là một cách bắt chước các nhà truyền giáo Dòng Tên Tây phương ở Nhật Bàn. Vì đầu thế kỷ 17,  họ cũng đã cho xuất bản một vài cuốn sách ngữ vựng và ngữ pháp Nhật theo mẫu tự abc (2).

     Sau đâychúng tôi sẽ theo các tài liệu viết tay và cuốn sách của C. Borri vào đầu thế kỷ 17, sơ lược sự thành hình chữ quốc ngữ qua hai giai đoạn : 1620-1626 và 1631-1648.

__________
1. Chúng tôi xin viết vắn tắt như vậy về phương diện này. Ước mong các nhà lịch sử ngữ học Việt Nam nghiên cứu sâu rộng hơn. Thực ra, ít nhất cũng đã có ba người bàn luận sơ qua:

— LÊ-NGỌC-TRỤ, Chữ quốc-ngữ từ thế kỷ XVII đến cuối thế-kỷ XIX, trong Vìệt-Nam Khảo- cổ  tập-san, số 2. Saigon, 1961, tr. 113-136.— NGUYỄN-KHẲC- XUYÊN, Gia-sĩ A-lịch-sơn Đắc-Lộ với chữ Quốc-ngữ, ibid, tr. 76-107. — THANH-LÁNG, Những chặng đường của chữ viết Quốc-ngữ, trong báo Đại Học, Năm thứ IV, số 1, tháng 2-1961, tr. 6-36.

GIAI ĐOẠN MỘT: 1620-1626

     Theo lịch sử để lại thì vào giữa thế kỷ 16, và nhất là vào cuối thế kỷ đó, mấy nhà truyền giáo Âu châu, như I Ni Khu, Gaspar da Santa Cruz, Louis da Fonseca, G. de la Motte, Diego Advarte đã đến miền Hà Tiên và Thừa Thiên(1); nhưng hoạt động của các ông không được ghi lại rõ rệt. Sang đầu thế kỷ 17, các nhà truyền giáo Dòng Tên gồm người Âu châu và một số ít người Trung Hoa, Nhật Bản, mới chính thức đến truyền bá Phúc âm ở Việt Nam, và hoạt động cùa các ông đã được ghi lại khá đầy đủ.

     Ngày 6-1-1615, ba tu sĩ Dòng Tên là hai L.m. Francesco Buzomi (Ý), Diego Carvalho (Bồ Đào Nha) và Thầy Antonio Dias (Bồ Đào Nha) (2), đáp tầu buôn Bồ Đào Nha từ Áo Môn đi Đàng Trong và tới Cửa Hàn ngày 18-1-1615 (3). Sau đó mấy tháng các ông đến ở Hội An. Tại đây, nhờ biết tiếng Trung Hoa và Nhật, nên các ông có thể giao thiệp với kiều dân Hoa Nhật. Nhân tiện, chúng tôi cũng xin ghi lại mấy dòng lịch sử Hội An thời ấy.

     Theo sự hiểu biết cùa chúng tôi thì thời đó người Việt gọi Hội An là Hải Phố, tức là nơi buôn bán ở bờ bể. Khi người Nhật và Trung Hoa tới đó bắt đầu từ cuối thế kỷ 16, Hải Phố là nơi buôn bán sầm uất. Các nhà truyền giáo tới đây vào năm 1615, nghe người Nhật đọc Hải Phố là Hoaipho, nhưng rồi các ông thường đọc trại Faifo (4). Người Âu châu viết chữ Hải Phố bằng nhiều cách: Haifo, Hai fo, Haito, Faifo, Facfo, Fayfo, Fayfô, Fayfó, Faiso, Taifò, vv…. Tại An Hội, có hai khu riêng biệt, một dành cho người Trung Hoa, một dành cho người Nhật. Kiều dân Nhật dưới quyền cai trị của một người Nhật do Chúa Nguyễn bổ nhiệm, Hoa kiều cũng do một người Trung Hoa cai trị được Chúa Nguyễn bổ nhiệm. Riêng vị chỉ huy người Nhật lại được Chúa Nguyễn trao cho trách nhiệm về các người Tây phương ở Hội An(5). Theo Borri (6), thời ấy Đàng Trong có trên 60 cửa bể, sầm uất nhất là Hội An, còn hai hải cảng quan trọng thứ nhì là cửa Hàn và Nước Mặn (Qui Nhơn). Các thương thuyền Trung Hoa, Nhật, Manila, Mã Lai, Cam Bốt v.v… thường đến ba cửa bể đó.

     Ba nhà truyền giáo mà chúng ta vừa nói, đến Hội An với mục đích đầu tiên là để giúp đỡ giáo hữu Nhật về mặt tôn giáo, và nhờ người Nhật làm thông ngôn để tiếp xúc với người Việt Nam. Sau năm 1615, nhiều tu sĩ Dòng Tên khác không những đến truyền giáo ở Đàng Trong mà cả Đàng Ngoài nữa, nhưng đa số là người Bồ Đào Nha (7).

     Các nhà truyền giáo tới Việt Nam thời ấy đều phải học tiếng Việt mới có thể tiếp xúc với người Việt Nam. Theo chúng tôi biết thì L.m. Francisco de Pina là ngươi Âu châu đầu tiên nói thạo tiếng Việt. Pina sinh năm 1585 ở Bồ Đào Nha, ông tới Đàng Trong năm 1617. Lúc đầu Pina sống ở Hội An, sang năm 1618 ông ở tại Nước Mặn với Buzomi và Borri. Hai năm sau, ông trở lại Hội An, rồi năm 1623, Pina đến ở tại Thanh Chiêm, thủ phủ Quảng Nam Dinh. Pina chết đuối ở bờ bể Quảng Nam ngày 15-12-1625. Dịp đó có tầu Bồ Đào từ Cam Bốt về Áo Môn, bỏ neo ở hải phận Quảng Nam, Pina cùng một người Việt Nam chèo thuyền ra tầu Bồ Đào đề lấy các đồ phụng tự. Khi thuyền đang đi vào bờ, bị gió bão bất chợt, lật thuyền Pina. Vì mặc áo dài, Pina không bơi vào được, còn người Việt kia bơi vào bờ thoát nạn. Sau đó người ta vớt được xác Pina đem về Hội An làm lễ an táng rất trọng thể (8).

     Nhờ biết tiếng Việt, nên ngay từ năm 1620 các tu sĩ Dòng Tên tại Hội An (9) đã soạn thảo một sách giáo lý bằng “chữ Đàng Trong” tức là chữ Nôm (10). Cuốn sách này vì soạn bằng chữ Nôm, nên chắc phải có sự cộng tác của người Việt.

     Nhưng chúng tôi tưởng cuốn này cũng được viết bằng chữ Việt mới nữa (chữ quốc ngữ ngày nay), mà người có công soạn thảo là L.m. Francisco de Pina vì lúc đó chỉ có ông là người Âu châu thạo tiếng Việt nhất. Chúng tôi đoán rằng, cuốn sách này không được in (in theo kiểu Việt Nam thời đó), mà chỉ chép tay. Có lẽ lúc ấy người Công giáo ởHội An, Quảng Nam… chép tay bàn chữ Nôm để dùng, còn các nhà truyền giáo lại chép sang mẫu tự abc. Nếu đúng thế thì đây là cuốn sách Việt Nam đầu tiên bằng mẫu tự La tinh. Tiếc rằng ngày nay không còn thấy cuốn giáo lý trên dầu là bản chữ Nôm hay chữ quốc ngữ.

     Theo sự nhận xét của chúng tôi thì vào năm 1620 dù L.m. Pina đã nói được tiếng Việt, nhưng khó lòng mà phân biệt được lối cách ngữ như chúng ta dùng ngày nay. Dựa vào những tài liệu viết tay năm 1621-1626, chúng tôi biết được hầu hết các chữ còn viết liền và chưa thấy đánh dấu vào những chữ đó. Chính dựa theo hai đặc điểm này mà chúng tôi cho là giai đoạn sơ khởi chữ quốc ngữ. Bây giờ chúng tôi xin trình bầy 7 tài liệu để chứng minh.

3. Thư của L m. Valentino de CARVALHO gời cho L.m. Nuno Mascarenhas, Phụ tá Bề trên Cả Dòng Tôn Vùng Bồ Đào Nha, viết tại Áo Môn ngày 9-2-1615, ARSI, JS.16 II, f. 174.— RHODES, Divers voyages et missions, tr. 68.

4. E. FERREYRA, Noticias summarias das perseguicões da missam de Cochinchina Lisboa, 1700, tr. 4.

5. Trong sách này chúng tôi xin dùng danh từ Hội An ngày nay.

6. BORRI, Relation de la nouvelle mission, tr. 89-96.

Nguồn: LỊCH SỬ CHỮ QUỐC NGỮ (1620-1659).
Nxb. Tủ sách ra khơi (SaiGon 1972)

     Mời xem:

Sơ lược giai đoạn thành hình chữ quốc ngữ (1620-1648) – Phần 2

Ảnh đại diện do Ban Tu thư (vietnamhoc.net) thiết lập.
BAN TU THƯ (vietnamhoc.net)

(Visited 417 times, 1 visits today)