TÊN TRỘM và cái lỗ tò vò

–  Ăn trộm! Ăn trộm! Bà con ơi! Nó chuyên ăn trộm của nhà tôi.
–  Bây giờ bắt được nó tại trận rồi!
Một giọng nói của một mụ đàn bà oang oang cả khu xóm đạo. Trong tay, bà vung lên một khúc gỗ to (hình).
Một giọng nói ai đó cũng hét to: “- Này! Bà làm gì thế!”.
–  Đập cho nó chết! Đồ ăn trộm.
–  Ăn trộm cái gì!. Nếu nó ăn trộm thì đưa nó lên “nhà làng!” Sao bà lại đánh đập nó tàn nhẫn vậy!.
–  Tôi đập cho nó một trận rồi đưa lên nhà làng sau!.

     Thằng bé bị quật ngã xuống đất! Một giọng nói ai đó lại hét to lên: “Thôi! Không được đánh nó nữa”. “- Để tao lôi mày lên nhà làng, cho mày đi Bà Rá”.  Thằng bé bị túm đầu lôi xềnh xệch trên đường. Nhiều người đi theo – kể cả bọn con nít: “- Ê! Thằng ăn trộm!”. Còn bà con lối xóm kéo nhau đi theo lại tỏ ra thương hại: “Cái thằng con nhà ai! Mặt mày sáng sủa mà đi ăn trộm!”.

        Đến nhà làng, nó bị đẩy ngồi xuống đất. Ông lính dân vệ hất hàm hỏi: “- Mày ăn cắp cái gì nói tao nghe!”- Nó lắc đầu “- Vậy tại sao bà ta bắt mày! Mày phải ăn cắp cái gì chứ! Nói đi! Để tao khỏi đánh bằng thước sắt”. Nó lắc đầu không nói, cái mồm nó như có máu chảy. Người dân vệ lấy một sợi dây lòi tói để trói tay nó vào chân gầm bàn (hình). Ông tiếp tục hạch hỏi: “- Nhà mày ở đâu! Có cha mẹ gì không? Khai ra”. Nó vẫn im mồm.

         – Cái thằng này lì! Mày giỏi phải không! Tao cho đi “tàu bay””.

Nhưng lúc đó! Một ông lính “mã tà” đến gần, giọng nói nhỏ nhẹ: “- Này nhỏ! Nói đi! Bố mẹ đâu? Để nhà làng cho gọi đến đây. Nếu không, nhà làng đưa đi không biết ngày nào về!”.

Lúc bấy giờ thằng bé khai ra tên mẹ nó – ở xóm trên. Một lúc sau! Mẹ nó đến! Gương mặt bà thật đau khổ! Bà không tin được con bà lại là “một tên trộm”. Bà khóc!. Lúc bấy giờ thằng ăn trộm chớm nghĩ đến số phận mình – trông giống như một kẻ trộm – mà nó đã từng chứng kiến trong khu xóm của nó. Sau khi ôm cái nồi cơm cháy chạy quanh co trong đêm tối, tên trộm lọt xuống giếng. Ông ta rên rỉ. Khi vớt lên, người trong xóm đánh đập ông. Vợ con ông đến khóc lóc và van lạy xin tha tội! Ông là người thợ mộc quen thuộc – hay đến sửa chữa nhà cửa cho bà con trong xóm.

– Con à! Con đã ăn trộm cái gì! Mẹ đã dạy con đừng bao giờ con ạ! Con có thiếu cái gì đâu! Mẹ thức khuya dậy sớm lo cho con ăn học đầy đủ”.

Thằng bé trả lời: – Con không ăn trộm gì cả! Con chỉ ngồi chơi!.

– Tại sao mày cứ ngồi chơi chỗ đó mà không ngồi chỗ khác? Ông dân vệ cắt ngang: – Bà chủ theo dõi, bảo mày luôn rình mò sau nhà bả. Mày có ăn trộm cái gì mày nói ra!. Nhà làng xét cặp của mày không thấy gì cả! Mày đã ném đi đâu?” Ông dân vệ thì gắt gỏng. Ông cho rằng tên trộm cứng đầu. Còn thằng bé cứ lầm lì.

– Dạ, cháu vẫn không ăn trộm gì cả!.

Khi ấy, ông lính mã tà bèn ngồi xuống bên cạnh, xuống giọng tử tế! Ông an ủi bà mẹ và khuyên bảo thằng bé cứ khai ra. Có gì ông giúp đỡ để khỏi bị đưa đi lao dịch khổ sai. Rồi mẹ nó cũng vỗ về (hình). Nhưng thằng bé vẫn im lặng! Ông lính mã tà bèn gạn hỏi: “- Nếu không ăn trộm! Thì cháu ngồi đó làm gì?”. “- Cháu ngồi chơi”. “- Cháu chơi cái gì?”.

           Thằng bé đưa ngón trỏ bên tay mặt ra. Ông lính mã tà không hiểu gì cả. Thằng bé lại đưa ngón trỏ tay trái ra để móc vào với ngón tay trỏ bên phải: “- Cháu chỉ chơi hai ngón tay trỏ của cháu à?”. “- Không! Ngón tay trái là của bạn cháu!”.

Ông lính mã tà bèn chớp thời cơ vặn hỏi “- Bạn cháu ở đâu?”. “- Cháu không dám nói! Cháu sợ lắm!”.

Ông lính mã tà im lặng một lúc. Còn mẹ thằng bé cứ ôm chặt nó. Đôi mắt bà ngây ngơ. Bà tự hỏi không rõ đứa con của bà thế nào. Bỗng! ông lính đứng lên đuổi mọi người ra ngoài. “- Cứ nói! Không ai nghe! Chỉ có chú và mẹ cháu nghe.Cháu đừng sợ!. Cháu chơi với ai?”.

Cháu không nói, cháu đã hứa với bạn cháu. Cháu đã thề với bạn cháu là nếu cháu nói ra, khi cháu băng qua đường “cho xe hơi nhà binh cán cháu! Bạn cháu tin cháu mà kể cho cháu nghe rồi căn dặn cháu – Nếu nói ra bạn cháu sẽ bị giết chết”:“- Tại sao lại có chuyện đó?”. “- Chú hứa với cháu đi”. “- Chú hứa sẽ không nói cho ai biết”. “- Không, chú đưa tay lên thề đi cháu mới tin!”.

Ông lính mã tà đưa ngón tay trỏ chỉ lên trời: – Chú hứa! Nếu mà chú nói với ai cho “Lăng Ông Bà Chiểu vặn cổ chú! Chú thề rồi”.

Thằng bé như yên lòng , bèn nói nhỏ: “- Bạn cháu thọt ngón tay ra qua cái lỗ. Cháu móc vào đó! Như vậy chúng cháu đã ra hiệu cho nhau”. Nói đến đây thằng bé im bặt. Ông “mã tà” không buông tha, lại cứ gạn hỏi! Thằng bé bèn khai thêm ra: “- Bạn nói rằng bạn ấy bị mẹ nó nhốt mấy năm nay rồi”. Đến đây! Ông mã tà bỗng thay đổi nét mặt như chợt nghĩ ra điều gì. Ông đứng phắt dậy – ngước mắt lên trời, hai tay chắp trước ngực, miệng lầm bầm: “Xin hãy cho tôi dược hộc máu mà chết, còn hơn để ứ nó trong lòng”. Ông bèn đưa thằng bé vào trong buồng. Ông cởi trói ngay cho nó. Ông ngồi xổm trên nền đất để nhìn rõ cái mồm của nó phát ra… như một loại truyện tiểu thuyết trinh thám “ba xu”…

*
* *

Chiều hôm đó đi học về, nó vẫn theo con đường cũ – qua những con hẻm đường đất  (hình). Hai bên là những ngôi nhà lá, vách ván với những hàng dâm bụt hay những hàng cây gòn, cây điệp… cao ngất. Trên bước đường đi nó hay nghêu ngao một bài hát quen thuộc: Trường làng tôi.

            Khi đến gần ngã ba, chuẩn bị bước vào con đường rộng hơn để vào khu nhà phố – ở phía sau nhà – nó để mắt vào tấm vách ván có ngón tay trỏ thò ra ngó ngoáy. Có lẽ ngón tay ấy muốn “trêu chọc nó”. Nó vừa đi, vừa nhìn, vừa hát. Còn ngón tay cứ ngó ngoáy, ngó ngoáy! Nhưng nó vẫn cứ vừa hát, vừa nhìn. Rồi nó ngừng hát. Ngón tay càng ngó ngoáy nhiều hơn! Không phải để “trêu chọc” nữa, mà như “ra hiệu” khẩn cấp. Nó lùi trở lại chỗ ngón tay và đến bên cạnh im lặng để quan sát. Ngón tay không trêu chọc nữa mà rút vào trong, để lại một cái lỗ nhỏ. Nó thò ngón tay vào cái lỗ đó để tìm hiểu. Bỗng như có ai đó chụp lấy ngón tay nó. Hoảng hốt! Nó rút ngón tay lại. Ngay lập tức! Ngón tay ấy lại thò ra! Bây giờ nó mới nhận ra một ngón tay trỏ có móng dài. Nó bèn chụp ngón tay đó lại để làm quen. Cả hai ngón tay quặp chặt vào nhau. Rồi một giọng nói từ trong vọng ra: “- Bạn ơi! Bạn có gì ăn không? Cho tôi ăn với”. “- Bạn đói à?”. “- Đói lắm!”. “- Bộ không ai cho bạn ăn à?”. “- Có, chỉ một chút!”.“- Bạn muốn ăn gì?”. “- Ăn gì cũng được”. Lúc bấy giờ nó rút ngón tay ra và lấy ra củ khoai lang mà mẹ nó cho nó, mà nó chưa ăn hết. Nó bèn bẻ ra từng mẫu nhỏ để cho lọt “cái lỗ”. Bên trong lại có tiếng vang ra: “- Bạn coi chừng có ai thấy không? Nếu có ai đi ngang qua, bạn hãy ngồi che lấp cái lỗ lại”.

          Chiều hôm ấy về nhà, lòng nó băn khoăn, không nói cười như thường ngày. Mẹ nó gạn hỏi. Nó cứ lầm lì. “- Con có bị thầy cô quở mắng không? Con có thuộc bài không? Có gây gỗ với bạn bè không?” Nó lắc đầu! Sáng hôm sau – như thường lệ, mẹ nó vắt cơm nắm cho nó và cho một hủ mè trộn muối. Nó xin thêm một vắt cơm nữa. Mẹ nó ngạc nhiên về yêu cầu đó của nó. Nhưng bà vui mừng vì nó sẽ không ăn vặt khi ra chơi hay không “lượm mót” đồ ăn như các bạn nhà nghèo khác. Cái vắt cơm thêm đó, nó dành riêng cho người “bạn ấy”- mà nó không biết là ai? Cứ như thế! Mỗi chiều về nó đều ngồi bên “cái lỗ” kia để trò chuyện và để truyền thức ăn thông qua cái “lỗ tò vò” đó (hình). Có lúc, “bạn ấy” xin ăn chuối hay xin ăn quả me chua. Rồi lại xin nước uống. Nước uống thì sẵn có cái chai nước được nấu “đun sôi để nguội” của mẹ nó. Việc này thật khó vì cái “lỗ tò vò” quá nhỏ. Nó bèn nghĩ ra cách chặt lấy một cọng đu đủ nhỏ làm ống hút để tiếp tế vào trong và khoét to cái lỗ cho rộng hơn. Cẩn thận hơn nữa nó không để người qua lại trông thấy. Bài ca “Trường làng tôi” như bài “mật khẩu” nhằm ra hiệu “thằng bạn ngồi tù bên trong”. Nhưng dần dần bạn ấy lại xin được học – được nghe kể chuyện trong lớp – được làm toán cộng, trừ, nhân, chia. Rồi lại xin được học cửu chương qua lối “tụng kinh” thuộc lòng. “Người tù” trong ấy học chăm chỉ và nó hãnh diện như “được làm thầy”. Từ đó một giấc mơ xuất hiện trong đầu nó về nghề dạy học sau này khi nó lớn lên.

*
* *

         Trang tiểu thuyết như vừa chấm dứt! Ông lính mã tà vội đứng phắt dậy hô to:
– Tụi bây đuổi bà con bu quanh, đóng cửa lại, nói là để giải “thằng ăn trộm” lên cấp trên.

Rồi ông ra lệnh: “- Thằng Tư chột đâu?”. “ – Dạ có đây!” “- Mày cởi cái áo lính bảo an của mày ra, mặc áo rách rưới vào, tìm “cây gậy và cái bị” đến ngoài cửa tiệm may, giả làm “ăn xin”. Còn tao vào trong giả “làm khách hàng” đi may áo, rồi “xin đi tiểu”. Có động tĩnh gì mày nhảy vào tiếp cứu tao… Còn bà và cháu đây, cứ ở lại! Ngồi im! Để đến đêm tụi tôi đưa về nhà. Bà nên cho cháu nghỉ học vài hôm, đóng cửa lại không tiếp ai. Bọn này có thế lực!.

Nhưng mẹ nó xin cho nó được về nhà ngay. Rồi đêm hôm đó bà đem khăn gói để đưa đứa con duy nhất của bà vào Sài Gòn (hình). Cha nó đã ra đi biền biệt vào nơi vô tận của những ngày đầu chiến tranh – bà con không còn ai. Còn đối với nó? Nó nhận ra con đường đi lánh nạn trong đêm trăng khuyết, vang lên tiếng chó sủa trong khu xóm nhà tranh. Rồi băng qua những đường phố với những ánh đèn đường lập lờ, tiếng khua động của những người sống về đêm… đã tác động vào tâm trí nó cảnh giặc giã, chiến tranh, bọn cướp của giết người…

*
* *

             Vào thời kỳ ấy, báo chí đã đưa nhiều tin về tình hình chính trị rối ren. Hùm xám Cai Lậy là Nguyễn Văn T. lên làm thủ tướng. Xã hội xảy ra nhiều vụ án: Vụ cô Quờn đốt chồng vì ghen. Rồi sau đó lại có vụ án vì ghen mà “cắt cái đó” của ông chồng. Nhạc sĩ Lê Th… người viết lên bài ca “Hòn vọng p…” đã cảm tác bằng một bài hát được chàng quái kiệt Trần Văn Tr… ca trên đài phát thanh: “Đốt hay không đốt, thì cắt nó đi cho rồi!…”. Lại còn một sự kiện nữa, một người thợ vì muốn có cái vé xe về thăm quê nhà ở miền Trung. Người thợ đã nhận lời thách thức củ ông chủ: “Nếu mày ăn hết cục cứt của tao! Tao cho một cái vé đi về để thăm mẹ mày! Anh ta ăn trọn. Từ đó cái tên “Chó” của anh ta được dân trong vùng gọi là “Chó”! Thằng “Chó”. Nhưng vào thời kỳ này, bà con Sài Gòn – Gia Định đã tập trung đi đưa đám ma trò Trần Văn Ơn của trường Pétrus Ký bị Pháp giết chết. Rồi vụ đốt nhà dân, những xóm nhà lá bốc cháy ban đêm –  trong đó có đám cháy lớn ở Bến tắm ngựa – Bà con rỉ tai: Vợ ông Thủ tướng cho đốt nhà để bán tôn. Nhưng đặc biệt hơn cả là “vụ thằng bé bị nhốt ở nhà cầu” cũng có mặt trong số những sự kiện nổi bật trong thời ấy.

Báo chí Sài Gòn đưa tin: Một thằng bé con của một gia đình làm nghề thợ may gần ngã ba Lò Đúc, đường Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển). Đây là một gia đình. Cha là người Nhật đã về nước. Mẹ ở lại với con, lấy một người thợ may. Rồi bà chết, người thợ may lấy vợ. Cả hai âm mưu cướp đoạt nhà cửa, tài sản của thằng bé. Cái tiệm thợ may này nổi cộm trong khu vực! Họ bèn nhốt thằng bé vào hầm cầu phía sau để chết dần chết mòn. Ngày ngày thằng bé được cho ăn như một con chó với lời chửi rủa, đe dọa bằng dao phay. Thằng bé chỉ liên lạc ra ngoài bằng một cái lỗ tự khoét qua miếng ván gỗ mục vừa đủ thò ngón tay trỏ… Thằng bé khi được giải thoát mặt mày nó xanh xao, đầu tóc bù xù trông như một ông già (hình). Nhưng cặp mắt nó luôn bâng khuâng về “thằng ăn trộm! Nó là ai? Người đã làm bạn với nó trong nhà tù biệt giam”.

 

Câu chuyện đã được một vài tờ bài báo thời ấy đăng tải: Họ cũng đòi đi tìm cho được“thằng ăn trộm” – theo nguyện vọng của thằng bé bị nhốt và của bà con thời ấy. Nhưng họ không giờ được gặp nó! Vì thằng ăn trộm đã trà trộn vào trong thời cuộc mà nó phải chiến đấu để ẩn nấp đến ngày hôm nay. Nó là ai bây giờ trong xã hội?. Câu hỏi ấy còn phải đi tìm nguồn gốc trong “sự im lặng hóa thạch!”. Trong đó một bản án tử hình của bọn liên minh ma quỷ đã bị đánh cắp qua cái lỗ tò vò./.

Nguyễn Mạnh Hùng

x x x x x

Truyện đã đăng trên Sài Gòn Giải Phóng.
Link:
http://www.sggp.org.vn/ten-trom-va-cai-lo-to-vo-33821.html
http://www.sggp.org.vn/ten-trom-va-cai-lo-to-vo-37414.html

Video Tên trộm và cái lỗ tò vò do sinh viên ngành Manga Mỹ thuật Công nghiệp – HBU thực hiện dựa trên ý tưởng câu chuyện của PGS TS Sử học Nguyễn Mạnh Hùng
Link: https://www.youtube.com/watch?v=R_AldEdvLxc

 

(Visited 38 times, 1 visits today)