Thiết chế QUẢN LÝ NÔNG THÔN ở NAM KỲ dưới tác động CHÍNH SÁCH THỰC DÂN của PHÁP

PGS.TS VÕ XUÂN ĐÀN
(Trường Đại Học Ngoại ngữ – Tin học TP. Hồ Chí Minh)

     Nửa đầu thế kỷ XIX, Việt Nam là một nước độc lập, thống nhất, có đầy đủ chủ quyền, có vị trí và thế lực ở khu vực Đông Nam Á, có thiết chế quản lý đất nước từ mục Nam quan đến mũi Cà Mau theo chế độ phong kiến trung ương tập quyền kiểu phương Đông.

     Song cũng trong thời gian ấy và trước đó hàng thế kỷ, tư bản Pháp đã từng bước thực hiện âm mưu xâm lược Việt Nam. Việc Nguyễn Ánh cầu cứu nước Pháp để chống lại nhà Tây Sơn phục dựng lại nhà nước quân chủ chuyên chế trong những năm cuối thế kỷ XVIII là huyệt điểm cho việc tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam từ ngày 31 tháng 8 năm 1858 tại cửa biển Đà Nẵng và sau 26 năm với Hiệp ước Pa-tơ-nốt về mặt văn bản, tư bản thực dân Pháp đã xâm chiếm được Việt Nam và nước Việt Nam đã trở thành thuộc địa của tư bản Pháp, đánh dấu sự sụp đổ và đầu hàng của chế độ phong kiến nhà Nguyễn. Nước Việt Nam bị chia cắt làm ba miền Bắc – Trung – Nam với ba chế độ cai trị khác nhau.

     Riêng ở Nam Kỳ lục tỉnh với Hiệp ước 1862 ba tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa và đảo Côn Lôn đã trở thành thuộc địa của Pháp sau đó 4 năm, năm 1867 chỉ trong vòng 3 ngày (ngày 20/6/1867, Pháp đánh chiếm Vĩnh Long, ngày 22/6/1867, đánh chiếm An Giang, ngày 24/6 thực dân Pháp đánh chiếm Hà Tiên. Ngay sau đó ngày 25/6/1867, đánh chiếm An Giang, ngày 24/6 thực dân Pháp đánh chiếm Hà Tiên. Ngay sau đó, ngày 25/6/1867, Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tại Nam Kỳ ra tuyên bố: Toàn bộ 6 tỉnh Nam Kỳ là lãnh địa của Pháp với 8 năm bằng lực lượng quân sự và những thủ đoạn xảo quyệt, thực dân Pháp đã đàn áp đẫm máu các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp ở Nam Kỳ của nhân dân ta, thiết lập nền thống trị thực dân.

     Trước khi là thuộc địa của tư bản thực dân Pháp, Nam Kỳ đã là một vùng có nền nông nghiệp trù phú, là bộ phận lãnh thổ không thể tách rời của nước Việt Nam độc lập – thống nhất.

     Từ cuối thế kỷ XVII, Chúa Nguyễn đã lập chính quyền ở Đồng Nai – Gia Định và năm mươi năm sau đó, tức giữa thế kỷ XVIII Đồng Nai – Gia Định đã trở thành vựa lúa của cả xứ Đàng Trong.

     Từ Đồng Nai – Gia Định (miền Đông), từ miền Bắc, miền Trung cư dân người Việt đã tìm đến miền Tây Nam Kỳ khai phá làm ăn đã nhanh chóng biến Nam Kỳ thành vùng tụ hội giao lưu, hội nhập. “Hội nhập là nhu cầu bên trong của mọi lưu dân về sự tồn tại và phát triển của mình. Không phải chỉ để đối phó với một thiên nhiên mới lạ mà cư dân phải cố kết nhau lại, không đẩy những khác biệt về dân cư, dân tộc, tôn giáo, giàu nghèo thành nhân tố khuyếch đại sự phân ly, trái lại, hội nhập để thành một cộng đồng xã hội: ổn định, bền vững và cộng đồng này chứng tỏ có đủ sức chinh phục vùng đất mới” 1.

     Dưới thời cai quản của các chúa Nguyễn và sau này là triều Nguyễn đã từng bước xây dựng thiết chế quản lý nông thôn cụ thể là quản lý các làng, xóm, lý, ấp mà nội hàm của nó là quản lý con người, quản lý ruộng đất và cộng đồng làng xã.

     Thời Gia Long đơn vị hành chính trước Đại Nam gồm 2 tổng trấn: Bắc Thành dưới có các tỉnh, trấn, huyện, xã thuộc. Đàng Trong lúc đầu có 5 trấn, sau hợp thành một tổng trấn gọi là Gia Định Thành. Thời Minh Mạng bỏ đơn vị hành chánh Tổng Trấn (hai tổng) chia cả nước thành 30 tỉnh và phủ Thừa Thiên trực thuộc Trung ương. Phía Bắc có 18 tỉnh, phía Nam có 12 tỉnh trong đó vùng đất Nam Kỳ có 6 tỉnh: Phiên An (Gia Định), Định Tường, Biên Hòa, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.

     Dưới tỉnh là huyện, châu, tổng, xã được tổ chức chặt chẽ. Nông thôn ở Nam Kỳ trước khi bị thực dân Pháp xâm lược nhà Nguyễn đã xây dựng được thiết chế quản lý có quy cũ, các chúa Nguyễn sau đó là các vua đầu triều Nguyễn đã can thiệp trực tiếp vào việc thành lập làng, xã từ việc đo đạc ruộng đất, kiểm định nhân khẩu, phân định địa giới đến việc tổ chức bộ máy ở các làng như một xã hội mang tính chất tự trị và tự quản. Cư dân trong làng được chia thành hai hạng: dân bộ, dân lậu.

     Dân bộ: là những người dân đinh đóng thuế.

     Dân lậu: là những người không có tên trong sổ nộp thuế.

     Việc cai quản làng xã có một Hội đồng hương chức đại diện tập thể những hương dịch của địa phương được lựa chọn từ những người có nhiều ruộng, có uy tín, có đức hạnh, cao niên. Số lượng thành viên của Hội đồng hương chức nhiều hay ít tùy theo cư dân từng làng xã. Trong Hội đồng hương chức có 3 người do cấp trên bổ nhiệm với các chức danh: xã trưởng, hương thôn và hương hào. Đứng đầu các hương chức là Hương cả và Hương Chủ, họ là người có uy tín, đạo đức, có học, người có công sáng lập của làng xã, có toàn quyền quyết định mọi việc trong làng xã. Sau đó là các chức: Hương Sư, Hương trưởng, Hương nhất, Hương nhì, Hương chánh, Hương lễ, Hương văn, Hương quan, Hương ẩm, Tham tướng, Thủ bộ, Thủ chỉ, Thủ bổn, Câu dương, Thủ khoán, Cai đình. Ngoài ra còn có đội ngũ cai lý dịch, cai dịch mục, những người giúp việc cho Hương lễ và những thư ký của làng xã.

     Việc quản lý ruộng đất theo khai báo của làng khi làm đơn xin thành lập làng. Người dân tập trung công sức cùng nhau khai phá ruộng đất và ruộng đất là sở hữu chung, ruộng đất không thuộc quyền sở hữu tư nhân, các làng chỉ có công điền và được phân chia cho các thành viên trong làng cày cấy. Quyền sở hữu ruộng đất tư rất hiếm, đặc biệt với một diện tích lớn vì nhà Nguyễn tìm cách ngăn cản ruộng đất tập trung vào một số người. Cho đến giữa thế kỷ XIX cơ sở kinh tế của nông thôn Nam Kỳ vẫn là chế độ công điền. Ruộng tự do người dân tự khai phá lần hồi theo thời gian đã bị tầng lớp địa chủ bao chiếm. Việc đo đạc, lập địa bạ là biện pháp có giá trị thực tiễn lớn đối với thiết chế quản lý nông thôn của nhà Nguyễn ở Nam Kỳ về mặt ruộng đất.

     Cho đến trước ngày thực dân Pháp xâm lược Nam Kỳ, Nam Kỳ đã là vùng đất hội tụ, giao lưu và hội nhập với tính năng động cao trên cơ sở phát triển nền sản xuất nông sản hàng hóa tiến đến hình thành nền kinh tế hàng hóa ở Nam Kỳ. Nếu không có sự xâm lược Việt Nam thì vùng đất Nam Kỳ sẽ phát triển ở một hình thái xã hội cởi mở hơn, tiến bộ hơn so với mô hình quản lý của chế độ phong kiến quân chủ nhà Nguyễn hiện thời bởi quá trình phát triển, xây dựng ở vùng đất Nam Kỳ có những đặc thù từ sự sáng tạo, linh hoạt của cư dân vùng đất mới.

     Sau khi chiếm được Nam Kỳ, những người thực dân thống trị đã nhanh chóng xây dựng thiết chế quản lý nông thôn ở Nam Kỳ cùng với việc xây dựng bộ máy thống trị trên toàn cõi Đông Dương. Song vấn đề không đơn giản như thực dân tư bản Pháp mong muốn: Phong trào kháng chiến chống xâm lược bùng nổ liên tục; khởi nghĩa võ trang, hình thức “tỵ địa” tạo ra sự hoang vắng ở những vùng đất thực dân chiếm đóng: hầu hết các quan lại cũ, viên chức, chức dịch, nho sĩ đều lẫn trách hay lánh mặt, sổ sách giấy tờ thất lạc, ruộng đất bỏ hoang, làng xã phố thị trộm cướp hoành hành. Trước tình trạng ấy trong buổi đầu chiếm đóng thực dân Pháp đã bổ nhiệm các sĩ quan quân đội trực tiếp nắm chính quyền áp dụng hình thức cai trị trực tiếp của quân đội viễn chinh tại Nam Kỳ. Song hình thức cai trị này không mang lại hiệu quả vì số quân nhân này không có khả năng giải quyết những công việc xã hội – hành chính hàng ngày.

     Để tạo cho mình một hậu phương “vững chắc” nhằm thực hiện việc cai trị có hiệu quả, thực dân Pháp đã tìm mọi cách mua chuộc, dụ dỗ để nắm lại tầng lớp quan lại cũ ở Nam Kỳ, nhất là ở cấp Phủ, huyện, xã, thôn vì các quan lại, hào lý này rất cần thiết cho công cuộc cai trị, bình định và khai thác xứ thuộc địa Nam Kỳ của thực dân Pháp. Tầng lớp này giúp chính quyền thực dân cai trị chặt chẽ xã hội làng xã mà lại tránh được sự tiếp xúc trực tiếp không cần thiết giữa chính quyền thực dân và dân chúng.

     Toàn quyền Đông Dương Paul Daumer đã có nhận xét như một sự tổng kết thực tiễn lịch sử cai trị của chính sách thực dân của Pháp ở Việt Nam nói chung và Nam Kỳ nói riêng: “Duy trì trọn vẹn, thậm chí tăng cường cách tổ chức cũ kỹ mà chúng ta đã thấy, đó là một điều tốt. Theo cách tổ chức này thì mỗi làng xã sẽ là một nước cộng hòa nhỏ, độc lập trong giới hạn những quyền lợi địa phương. Đó là một tập thể được tổ chức rất chặt chẽ, rất có kỹ luật và rất có trách nhiệm đối với chính quyền cấp trên về những cá nhân thành viên của nó, những cá nhân của chính quyền cấp trên có thể không cần biết tới, điều đó rất thuận lợi cho công việc của chúng ta” 2.

     Thực dân Pháp vì lợi ích của mình đã khai thác tối đa thiết chế độ dân chủ làng xã ở Nam Kỳ biến nó thành cơ chế thực dân dưới lớp vỏ một cơ chế, một phương thức quản lý nông thôn truyền thống ở Nam Kỳ…

     Hầu hết các chức sắc ở nông thôn Nam Kỳ dưới chính sách thực dân đều thuộc giai cấp địa chủ phong kiến, cấu kết với thực dân Pháp, là tay sai bóc lột, đàn áp nhân dân. Để bảo vệ quyền lợi của giai cấp địa chủ chính quyền thực dân đã quan tâm sớm đến việc tổ chức hệ thống cơ quan địa chính. “Việc đo đạc, phân định ranh giới và xác lập quyền sở hữu ruộng đất theo kiểu phương Tây ở Nam Kỳ đã làm cho tình hình và cơ cấu sở hữu ruộng đất ở đây có những biến đổi quan trọng. Bộ phận sở hữu lớn về ruộng đất của một nhóm địa chủ tay sai bản xứ và các thực dân người Pháp hình thành và ngày càng chiếm ưu thế” 3.

     Với chính sách ruộng đất và khai thác nông nghiệp ở nông thôn Nam Kỳ của chính quyền thực dân Pháp đã biến nông thôn Nam Kỳ trở thành vùng sản xuất nông nghiệp quảng canh, độc canh với lúa gạo là hàng hóa chính phục vụ cho xuất khẩu của thực dân Pháp lớn nhất Đông dương nói chung và Việt Nam nói riêng.

     Chính sách thực dân của Pháp được thể hiện qua hai cuộc khai thác thuộc địa Việt Nam đã dẫn đến những biến chuyển quan trọng trong cơ cấu xã hội Việt Nam đặc biệt là sự phân hóa sâu sắc, mạnh mẽ ở nông thôn, nông dân bị bần cùng hóa, bị phá sản, ruộng đất của nông dân ngày càng bị tầng lớp địa chủ lớn nhỏ Pháp – Việt ở Nam Kỳ thâu tóm. Công cuộc khai thác của thực dân tư bản Pháp càng được đẩy mạnh bao nhiêu thì quá trình bần cùng hóa và phá sản của nông dân ở nông thôn Nam Kỳ càng diễn ra nhanh chóng bấy nhiêu. Thực dân Pháp tiến hành bần cùng hóa nông dân bằng mọi thủ đoạn: cướp đoạt ruộng đất, sưu cao, thuế nặng, áp bức “có tính chất cưỡng chế siêu kinh tế”.

     Thiết chế quản lý làng xã – nông thôn Nam Kỳ không còn là thiết chế của một làng tiểu nông như trước. Nông dân tự do bị mất đất đã trở thành tá điền lĩnh canh ruộng đất của địa chủ, người tá điền đứng ngoài sự bảo hộ của pháp luật thực dân họ không thể trông chờ vào sự giúp đỡ của làng xã qua việc được cấp khẩu phân công điền mà liên tiếp là sự mất mát, bần cùng. Giai tầng ở nông thôn Nam Kỳ đã phân hóa sâu sắc: nông dân tiểu sở hữu đã biến thành tá điền không còn gắn với cộng đồng làng xã vì công điền công thổ đã bị thực dân, địa chủ chiếm đoạt. Tầng lớp địa chủ đã thâu tóm hết ruộng đất của nông dân trở thành những trung địa chủ, đại địa chủ làm xuất hiện mối quan hệ nông nô và lãnh chúa đã bị lịch sử nhân loại đào thải.

     Ở nông thôn Nam Kỳ cứ 10 người dân thì 8 người không có ruộng đất. Số ruộng đất khai phá bao đời của nông dân nay bị thực dân, địa chủ bao chiếm gần hết. Để quản lý nguồn nhân lực ở nông thôn trước mắt là phục vụ cho sản xuất nông nghiệp với mức độ ruộng đất tập trung ngày càng lớn và dự trữ lao động để phát triển những ngành nghề kinh tế khác đã và đang xuất hiện ở Nam Kỳ trong khuôn khổ của nền kinh tế tư bản ở thuộc địa, chính quyền thực dân đã thực hiện việc làm hộ tịch, khai sinh, báo tử bắt đầu thực hiện từ năm 1883 do Hội đồng hương chức chủ trì với hai người chuyên trách là chánh lục bộ và phó lục bộ và có sự kiểm soát của chính quyền thực dân.

     Để hợp thức hóa một bước nữa việc chiếm đoạt ruộng đất của nông dân do thực dân và địa chủ thực hiện, chính quyền thực dân đã tiến hành ở nông thôn Nam Kỳ với một quy mô lớn việc lập địa bạ thực hiện việc đo đạc cắm mốc ruộng đất nhằm nắm được toàn bộ diện tích ruộng đất hiện có từ làng xã đến phủ, huyện, tỉnh nhằm phục vụ cho mục đích khai thác, bóc lột của thực dân Pháp.

     Thiết chế quản lý nông thôn Nam Kỳ trước đây trở thành lực cản đối với sư khai thác bóc lột của thực dân Pháp, nên sau khi tiến hành một loạt những biện pháp về quản lý hộ tịch, quản lý việc sinh, tử, cưới hỏi, thiết lập địa bạ, thực dân Pháp đã can thiệp sâu hơn nữa vào thiết chế nông thôn Nam Kỳ, tấn công vào tính chất tự trị của thiết chế quản lý nông thôn ở Nam Kỳ, từng bước can thiệp sâu hơn vào nội bộ nông thôn ở Nam Kỳ nhằm biến nông thôn Nam Kỳ với tổ chức cộng đồng làng xã mang tính xã hội thành một đơn vị hành chính thuần túy là một đơn vị hành chính trong hệ thống hành chính đương thời dưới quyền lực cai trị của thực dân Pháp.

     Kể từ đầu thế kỷ XX đến tháng Tám năm 1945, chính quyền thực dân Pháp đã tiến hành 3 đợt cải tổ bộ máy làng xã ở nông thôn Nam Kỳ đương thời gọi là “cải lương hương chính”. Ở ba thời điểm bằng các nghị định của toàn quyền Đông Dương:

     1) Nghị định ban hành ngày 27 tháng 8 năm 1904. Đây là văn bản đầu tiên về việc thực dân Pháp trực tiếp can thiệp vào việc cai trị làng xã ở Nam Kỳ nói riêng và Việt Nam nói chung, có những nội dung chính như sau:

     – “Việc quản trị mỗi xã nằm trong tay một tổ chức mang tên: Hội đồng đại kỳ mục.

     – Tiêu chuẩn để được đứng trong hàng ngũ kỳ mục phải là “những nhà điền chủ hoặc những người giàu có sung túc nhất trong xã”. Tất cả các kỳ mục trong xã sẽ họp nhau lại và lựa chọn ra tối thiểu là 11 người để lập thành “Hội đồng đại kỳ mục”. Đẳng cấp của 11 đại kỳ mục này được xếp theo thứ tự như sau: Hương cả (chủ tịch Hội đồng), Hương chủ (Phó Chủ tịch Hội đồng) và các Ủy viên Hội đồng: Hương sư, Hương trưởng, Hương chánh, Hương giáo, Hương quản, Hương bộ (hay Thủ bộ), Hương thân, Xã trưởng hoặc Thôn trưởng, Hương hào…

     – Danh sách toàn thể các kỳ mục trong xã phải luôn luôn để ở đình làng và phải sao nộp tại các văn phòng của quan cai trị chủ tỉnh.

     – Mỗi thành viên trong Hội đồng kỳ mục sau một thời gian tối thiểu 2 năm làm việc mà thôi, không muốn làm nữa đều được bảo lưu mãi mãi cái danh hiệu của cấp bậc mà mình vừa kinh qua, nếu không mắc sai phạm gì trong quá trình làm việc.

     – Bất kể kỳmục nào, nếu như không tuân thủ theo phong tục tập quán của xã hoặc cưỡng lại lệnh của Hội đồng đại kỳ mục đều bị Hội đồng xử phạt từ một quan đến 20 quan tiền, số tiền này nhập vào công quỹ của xã. Trường hợp tái phạm nhiều lần, Hội đồng Đại kỳ mục phải báo cáo lên quan chủ tỉnh và quan chủ tỉnh có quyền đình chỉ tạm thời, hoặc cách chức, hoặc loại ra khỏi danh sách kỳ mục của xã đối với bất kỳ kỳ mục nào kể cả thành viên của Hội đồng đại kỳ mục.

     – Tuyệt đối cấm làng xã không được tự động cho thuê, cho mượn hoặc lĩnh canh, hoặc bán tài sản, ruộng đất của mình dù là dưới hình thức nào: bán đứt hay bán đợ. Muốn bán, làng xã phải xin phép quan chủ tỉnh và trình bày rõ lý do; quan chủ tỉnh báo cáo lên Thống đốc. Chỉ khi được phép của Thống đốc thì làng xã mới được tổ chức bán (theo giá thuận mua vừa bán giữa đôi bên, hoặc theo cách bán đấu giá).

     – Làng xã nào muốn khởi tố việc gì, và khởi tố ở cấp nào, đều phải được sự đồng ý của quan chủ tỉnh sở tại. Trường hợp quan chủ tỉnh bác bỏ, làng xã có thể kháng cáo lên Thống đốc.

     – Cá nhân nào muốn kiện làng xã việc gì, phải làm đơn trình bày trước với quan chủ tỉnh hữu quan. Quan chủ tỉnh sẽ chuyển đơn đó về cho Hội đồng đại kỳ mục của xã hữu quan. Hội đồng đại kỳ mục phải họp bàn và gửi kiến nghị trở lại quan chủ tỉnh. Quan chủ tỉnh sẽ xét và cho phép hay không cho phép Hội đồng đại kỳ mục được theo kiện, khởi tố lại. Trường hợp bị quan chủ tỉnh bác bỏ không cho theo kiện, Hội đồng đại kỳ mục sẽ giao trách nhiệm cho Xã trưởng kháng cáo lên Thống đốc”. 4

     Nghị định trên đây về “cải lương hành chính” của chính quyền thực dân Pháp như một đột phá khấu tấn công vào thiết chế quản lý nông thôn Nam Kỳ, một thiết chế mà trước đó thực dân Pháp đã khen ngợi, đã duy trì nhằm phục vụ cho công cuộc xâm lược, bình định của chúng ở Nam Kỳ nói riêng và cả nước Việt Nam nói chung. Song cuộc “cuộc cải lương hương chính” thực hiện được 23 năm nhưng hiệu quả mang lại không nhiều từ thực tiễn đó chính quyền thực dân Pháp đã chỉnh sửa lại và một nghị định mới về “cải lương hương chính” ở Nam Kỳ đã được ban hành ngày 30 tháng 10 năm 1927.

     “Bản Nghị định này gồm 32 điều khoản, chủ yếu tiếp tục sự can thiệp của chính quyền vào cơ cấu hoạt động hành chính cấp xã ở Nam Kỳ trong những hoàn cảnh lịch sử mới. So với văn bản năm 1904, văn bản lần này bổ sung thêm một số điểm liên quan đến thành phần được tuyển chọn vào hàng ngũ các “kỳ mục” (notable), tăng cường những thành phần xã hội có quan hệ gắn bó với chế độ thuộc địa giữ những chức vụ cao trong Hội đồng đại kỳ mục; quy định các hình thức kỷ luật đối với các thành viên Hội đồng đại kỳ mục và quyền hạn của Công sứ chủ tỉnh được phép tuyên bố giải tán toàn bộ Hội đồng nếu như số đông thành viên mắc sai sót trầm trọng hoặc có thái độ chống đối. Văn bản này còn đặt thêm chức vụ Đại hương cả, là người đứng đầu Hội đồng đại kỳ mục” 5.

     Thiết chế quản lý nông thôn ở Nam Kỳ lại bị tác động bởi chính sách thực dân của Pháp với việc chính quyền thực dân Pháp tiến hành cuộc “cải lương hương chính” lần thứ ba. Nghị định này được ban hành ngày 5 tháng 1 năm 1944”.

     “So với những lần “cải lương hương chính” trước (theo các Nghị định 29-8-1904 và 30-10-1927), Nghị định này về căn bản không có khác biệt mà chủ yếu chỉ bổ sung một số vấn đề liên quan đến thành phần tuyển lựa vào Hội đồng Kỳ mục. Ngoài những thành phần theo các tiêu chuẩn cũ, lần “cải lương” này bổ sung thêm “những thương nhân sung túc nhất trong xã, những người có học được bằng Cao đẳng tiểu học Pháp – Việt trở lên, những cựu binh sĩ và cựu lính “thủ bộ” (garde civile) tuy không cấp bậc, nhưng có các loại huân, huy chương nhưng phải biết đọc biết viết”. Việc tuyển lựa sẽ do một Hội đồng tuyển trạch (Assemblée des cooptants) và trong quá trình xét tuyển, viên Chủ tỉnh người Pháp sẽ là người có quyền quyết định tối hậu. Đây là cuộc “Cải lương hương chính” lần thứ ba được thực hiện ở Nam Kỳ và cũng là lần cuối cùng thực hiện ở Việt Nam cho đến lúc chế độ thực dân sụp đổ (8-1945)” 6.

     Dưới tác động của chính sách thực dân, thiết chế quản lý nông thôn ở Nam Kỳ không chỉ biến đổi bởi những cuộc “cải lương hương chính” mà còn bị tác động từ nhiều chính sách như: Duy trì chủ trương thực hiện việc sử dụng giai cấp địa chủ và tay sai người Việt Nam vào việc cai trị làng xã ở Nam Kỳ, nhiều chính sách để thu hút, lôi kéo các tầng lớp có học, có phẩm hàm, tài sản vào bộ máy quản trị ở làng xã – thông qua con đường đó, chúng vừa khai thác, tận dụng được nguồn lực của lớp người này, vừa xây dựng và củng cố được chỗ dựa xã hội vững chắc cho chính quyền thuộc địa ở nông thôn… Chính quyền thực dân còn tìm cách lợi dụng và kết hợp với sức mạnh của các hình thức tổ chức phi chính thống, đặc biệt là vai trò của hương ước vào việc sắp xếp, tổ chức, quản lý nông thôn. Nhờ đó sức mạnh của chính quyền cấp trên được xác lập và củng cố ở làng xã. Sự tinh vi và khôn khéo của bọn thực dân còn được thể hiện ở chỗ chúng vừa cố tình tạo ra một môi trường và phạm vi hoạt động có vẻ tự do dân chủ ở làng xã, đồng thời vừa có những quy chế ràng buộc và chỉ đạo chặt chẽ bộ máy chính quyền cấp xã” 7.

     Với chính sách thực dân của chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương nói chung và Việt Nam trong đó có Nam Kỳ nói riêng, thực dân Pháp đã thành công trong việc can thiệp vào thiết chế làng xã ở Nam Kỳ qua việc viên chức hóa bộ máy quản lý ở nông thôn Nam Kỳ, kiểm soát được nhân sự, ruộng đất, tài chính thông qua tầng lớp đại địa chủ và các thành phần xã hội khác có gắn bó với chính quyền thực dân Pháp điều hành dưới sự chỉ huy của thực dân Pháp trong một mức độ quyền hành được giới hạn.

     Dưới tác động của chính sách thực dân, thiết chế quản lý nông thôn ở Nam Kỳ đã đẩy nhanh quá trình tan vỡ của cộng đồng làng xã ở nông thôn Nam Kỳ và biến nó thành một đơn vị hành chánh thuần túy, một mắt xích trong guồng máy thống trị của thực dân Pháp ở Nam Kỳ.

     Trên cơ sở biến đổi của kinh tế và thiết chế quản lý ở nông thôn đã dẫn đến việc phân hóa các giai tầng xã hội ở nông thôn Nam Kỳ: Địa chủ, nông dân ngày càng phân hóa sâu sắc. Nông dân thì ngày càng nghèo đói do bị bóc lột nặng nề, địa chủ thì giàu lên nhanh chóng, nạn cho vay nặng lãi xuất hiện, tầng lớp thương nhân đã thâm nhập vào nông thôn Nam Kỳ, các nghề thủ công có điều kiện phát triển, tính chất khép kín của nông thôn ngày càng mai một, tính cởi mở được khai thông từ phương thức sản xuất tư bản qua chính quyền thực dân Pháp đã du nhập vào Nam Kỳ khi xứ sở này từng bước trở thành thuộc địa của thực dân Pháp.

     Thiết chế quản lý nông thôn ở Nam Kỳ vốn được hình thành và phát triển lâu đời bắt nguồn từ nền kinh tế tiểu nông chắc chắn sẽ không thể giữ nguyên mãi mãi, nó sẽ phải thay đổi trong những hoàn cảnh: sự cưỡng bức của kẻ xâm lược và thống trị và trong sự tự vận động trong sự mở rộng của kinh tế hàng hóa, trong sự lưu thông của thị trường.

     Thiết chế quản lý ở nông thôn Nam Kỳ đã sớm bị ảnh hưởng bởi chính sách của thực dân Pháp khi mà điều kiện tích cực, khách quan chưa xuất hiện mà do sự áp đặt, cưỡng bức bởi yêu cầu thiết lập ách thống trị phục vụ cho hành động xâm lược, thống trị của thực dân Pháp nên đã xuất hiện những hình thức đấu tranh để duy trì thiết chế truyền thống và phải giải quyết những hậu quả nặng nề do sự lũng đoạn của chính sách thực dân, của chính quyền Pháp ở Nam Kỳ gây ra trong việc quản lý nông thôn ở Nam Kỳ mà cho đến hôm nay vẫn chưa khắc phục được một cách căn bản.

__________
1 Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Việt Nam học, tập I, năm 1996 tr 275.

2 Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Đình Lễ, Đại cương Lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục. H.1998, tập II tr 102.

3 Viện Sử học, Lịch sử Việt Nam 1858 – 1896, Nxb KHXH, H.2003, tr310.

4 Dương Kinh Quốc, Việt Nam những sự kiện lịch sử (1858-1918), Nxb Giáo dục, H.1999, tr 287-289.

5 Dương Trung Quốc, Việt Nam những sự kiện lịch sử (1919-1945), Nxb Giáo dục, H.2000, tr 135-136.

6 Dương Trung Quốc, Việt Nam những sự kiện lịch sử (1919-1945), Nxb Giáo dục, H.2000, tr 372-373.

7 Nguyễn Văn Khánh, Cơ cấu kinh tế xã hội Việt Nam thời thuộc địa (1858-1945), Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 1999, tr 130, 131.

Nguồn: Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM

Ban Tu Thư (https://thanhdiavietnamhoc.com)

(Visited 33 times, 1 visits today)