THỰC TRẠNG và CHIẾN LƯỢC sử dụng NGUỒN VỐN SINH KẾ thích ứng với XÂM NHẬP MẶN của NÔNG HỘ VEN BIỂN Đồng bằng Sông Cửu Long

NGUYỄN DUY CẦN *, VÕ HỒNG TÚ
(Khoa Phát triển Nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ)
*Người chịu trách nhiệm về bài viết: Nguyễn Duy Cần

TÓM TẮT

     Trong bối cảnh ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến hoạt động sinh kế nông hộ vùng ven biển ngày càng nghiêm trọng, nghiên cứu về thực trạng sử dụng các nguồn vốn sinh kế, từ đó đề xuất giải pháp chiến lược về sinh kế cho nông hộ vùng ven biển là rất cần thiết. Nghiên cứu được thực hiện bằng cách phỏng vấn trực tiếp 298 nông hộ tại 10 xã ở hại huyện An Minh (Kiên Giang) và Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Phương pháp hồi quy đa biến được sử dụng để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả sinh kế của nông hộ. Kết quả nghiên cứu cho thấy nguồn vốn con người khá dồi dào, nguồn vốn xã hội còn hạn chế, nguồn vốn đất đai lớn, nguồn vốn tài chính chưa cao và nguồn vốn vật chất cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. Vay vốn và kinh nghiệm sản xuất có ảnh hưởng tỷ lệ nghịch đến kết quả sinh kế nông hộ. Diện tích đất, đầu tư sản xuất và tổng giá trị phương tiện phục vụ sản xuất và sinh hoạt có ảnh hưởng tỷ lệ thuận với kết quả sinh kế nông hộ Để nâng cao năng lực thích ứng cho nông hộ và sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn sinh kế sẵn có, vốn vật chất và tài chính là hai yếu tố cần tiếp tục được đầu tư hỗ trợ để nông hộ sử dụng hiệu quả các nguồn lực sinh kế còn lại như vốn con người, xã hội và tự nhiên.

ABSTRACT

     Under the context that the impact of salinity intrusion on coastal households’ livelihood activities is increasingly serious, the study on status of using livelihood assets in order to propose strategic solutions for improving livelihoods of coastal farmers is essential. Face-to-face interviews were conducted with 298 households in 10 villages of An Minh (Kien Giang) and My Xuyen (Soc Trang) districts. Multiple regression model was used to analyze the factors affecting the livelihood output. The research results show that human capital is quite abundant, social capital is limited, land area is quite large, financial capital is moderate, and physical capital basically meets production and living needs. Access to credit and experiences were negatively correlated with the livelihood output while farmland area, total investment, total value of production and living facilities had positive relationship with the livelihood output. In order to improve the adaptive capacity and use more efficiently available livelihood assets, physical and financial capital are the two factors that need to be further supported and invested so that farmers can make use other assets (human, social and natural assets) more efficiently.

x
x x

1. GIỚI THIỆU

     Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa lớn nhất cũng như là vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của cả nước. Tuy nhiên, ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới do sự thay đổi khí hậu và mực nước biển dâng. Nhiều nghiên cứu dự báo cho thấy trong tương lai gần, ĐBSCL sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn do mực nước biển dâng gây thiệt hại về kinh tế và nhiều rủi ro về mất dần diện tích đất sản xuất nông nghiệp cũng như thay đổi các hệ thống canh tác mới. Đặc biệt, ở các tỉnh nằm ở vùng ven biển của ĐBSCL, sự tổn thương do xâm nhập mặn, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng. Điển hình, năm 2015-2016 có 7 tỉnh ven biển ĐBSCL công bố thiên tai do hạn và xâm nhập mặn. 

     Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, ĐBSCL là vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) và mực nước biển dâng nặng nề nhất, nếu mực nước biển dâng cao 1 m sẽ có 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp và thiệt hại 10% GDP (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2009; 2012). Các nghiên cứu dự báo cho thấy ở ĐBSCL mực nước biển dâng lên trung bình 20 cm trong vòng 50 năm qua, tăng 9 cm trong năm 2010, 33 cm năm 2050, 45 cm năm 2070 và 1 m năm 2100 (Ninh, 2007; Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2009; 2012). Wassmann et al. (2004) và Khang et al. (2008) dùng mô hình toán dự báo rằng mực nước biển sẽ dâng cao 14-20 cm trong năm 2030 và dâng cao 32-45 cm năm 2090, và có khoảng 0,6 triệu ha đến 4 triệu ha ở ĐBSCL bị ngập do nước biển dâng, hay sự xâm nhập mặn sâu vào đất liền khoảng 10 km năm 2030 và 20 km năm 2090. Điều này cho thấy ĐBSCL sẽ phải đối mặt với những nguy cơ lớn do mực nước biển dâng trong những thập niên sau. Điều này cũng có nghĩa là những hệ thống canh tác hiện tại sẽ bị phá hủy, sản xuất và đời sống người dân, đặc biệt là vùng ven biển sẽ chịu những tác động lớn do BĐKH. Đây cũng là những vấn đề hoàn toàn mới và chưa có những nghiên cứu đầy đủ dựa trên thực tiễn về sự thích ứng của người dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng và tình trạng xâm nhập mặn gần đây.

     Thực tế ở các vùng ven biển trong thời gian qua, xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, các diện tích đất sản xuất và hệ thống canh tác bị thiệt hại. Thực tế, các hộ dân sống ven biển dễ bị tổn thương, tuy nhiên sự nhận thức về tổn thương, hiểu biết về biến đổi khí hậu và các tác hại của chúng chưa được nhận rõ. Thêm nữa, năng lực ứng phó của cộng đồng chưa được khơi dậy. Điều này gây trở ngại cho địa phương trong việc đưa ra các giải pháp thích ứng bền vững hiệu quả với biến đổi khí hậu cụ thể của địa phương, cũng như hoạch định chính sách xây dựng nông thôn mới trong điều kiện xâm nhập mặn và BĐKH tại các địa phương. Để giải quyết vấn đề này, nhiều nghiên cứu được thực hiện nhằm giúp nâng cao năng lực ứng phó/khả năng chống chịu (resilience). Năng lực ứng phó hay khả năng chống chịu là kết hợp các giải pháp ‘cứng’ và ‘mềm’, là quá trình có nhiều bên tham gia, liên quan đến quy mô địa lý và quản trị khác nhau và giải quyết vấn đề hôm nay nhưng vẫn bao trùm dài hạn (Ashvin, 2015). Để đề xuất các biện pháp về sử dụng nguồn vốn sinh kế hiệu quả, hệ thống canh tác thích ứng với xâm nhập mặn và BĐKH, đề ra chiến lược khả thi cho phát triển kinh tế – xã hội ở các địa phương chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn vùng ven biển, nghiên cứu về thực trạng sử dụng nguồn vốn sinh kế và chiến lược thích ứng của nông hộ vùng ven biển là rất cần thiết.

2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

     2.1 Địa bàn nghiên cứu

     Nghiên cứu được thực hiện tại huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang đại diện cho vùng sinh thái ven biển chịu tác động của Biển Tây và huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng đại diện cho vùng sinh thái ven biển chịu tác động của Biển Đông.

     2.2 Thu thập số liệu

     Phương pháp điều tra nông hộ bằng phiếu điều tra được sử dụng để thu thập thông tin định tính và định lượng liên quan đến năm nguồn vốn sinh kế, chiến lược thích ứng với xâm nhập mặn của nông hộ vùng ven biển dưới tác động của BĐKH, xâm nhập mặn. Tổng số hộ điều tra là 298 hộ ở hai điểm nghiên cứu Sóc Trăng và Kiên Giang. Nông hộ được lựa chọn phỏng vấn theo phương pháp chọn mẫu thuận tiện có phân tầng theo điều kiện kinh tế hộ dưới sự hướng dẫn của cán bộ địa phương cấphuyện và xã.

     2.3 Phương pháp phân tích

     Để tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng các nguồn vốn sinh kế nông hộ (được đánh giá thông qua biến thu nhập, triệu đồng/năm) từ đó góp phần đề xuất giải pháp phát triển sinh kế và thích ứng với biến đổi khí hậu, nghiên cứu sử dụng hồi quy tương quan đa biến. 

     Các biến độc lập trong mô hình theo năm nguồn vốn sinh kế của nông hộ được trình bày ở Bảng 1.

     Bảng 1: Các biến được sử dụng trong ước lượng hiệu quả sử dụng nguồn lực.

STT Nguồn vốn Biến Ký hiệu Nguồn
1Con người Số lao động chính trong nông hộ (người)
Trình độ học vấn chủ hộ (số năm)
Kinh nghiệm sản xuất của chủ hộ (năm làm việc)
X1
X2
X3
Tu et al. (2015); Wanjiku (2017)
Lhing et al. (2013; Tu et al. (2015);
Wanjiku (2017)
Wanjiku (2017)
2Vật chất Giá trị phương tiện vật chất phục vụ sản xuất của nông hộ (triệu đồng) X4 Võ Văn Tuấn và Lê Cảnh Dũng (2015); Tu et al. (2015)
3Tài chính Chi phí cho sản xuất và sinh hoạt của nông hộ, đây là biến định lượng (triệu đồng) X5 Võ Văn Tuấn và Lê Cảnh Dũng (2015)
Vay vốn (1=có; 0=không) X6 Ellis (2000); Nelson et al. (2010); Võ Văn Tuấn và Lê Cảnh Dũng (2015); Tu et al. (2015)
Có việc làm phi nông nghiệp (1=có; 0=không) X7 Võ Văn Tuấn và Lê Cảnh Dũng (2015); Tu et al. (2015)
4 Tự nhiên Diện tích sản xuất của nông hộ (1000 m2 ) X8 Tu et al. (2015); Wanjiku (2017)
5Xã hội Thành viên THT/CLB hoặc HTX (1=có; 0=không) X9 Võ Văn Tuấn và Lê Cảnh Dũng (2015); Tu et al. (2015)

3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

     3.1 Thực trạng nguồn vốn sinh kế nông hộ vùng ven biển

     3.1.1 Vốn con người

     Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung, nhân khẩu là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên nguồn lực lao động. Hộ tận dụng nguồn lao động sẵn có để giảm bớt chi phí thuê lao động và nâng cao hiệu quả quản lý để góp phần gia tăng lợi nhuận, ngược lại số lượng người phụ thuộc thể hiện gánh nặng chi tiêu và thu nhập của hộ.

     Bảng 2: Nhân khẩu của nông hộ tại địa bàn nghiên cứu.

Đơn vị: người/hộ

Chỉ tiêu

Kiên Giang

Sóc Trăng

Chênh lệch

Trung bình

Độ lệch chuẩn

Trung bình

Độ lệch chuẩn

Số nhân khẩu

4,30

1,34

4,45

1,22

0,15

Số thành viên tham gia sản xuất

2,17

1,20

2,41

1,01

0,24*

Số người phụ thuộc

2,12

1,01

2,01

1,05

-0,11

     Nguồn: số liệu khảo sát năm 2017, n=298.

     Ghi chú: * thể hiện sự khác biệt ở mức 10%.

     Theo kết quả nghiên cứu, số thành viên trong gia đình trung bình có 4 người, chủ yếu gồm hai thế hệ là cha mẹ và con cái. Trong đó, khoảng 2 người ở độ tuổi lao động, có tham gia vào hoạt động sản xuất và 2 người phụ thuộc thường là trẻ em còn nhỏ hoặc đang trong độ tuổi đi học và người già. Như vậy, cứ 1 người tạo ra thu nhập thì phải nuôi 1 người trong gia đình. Đây là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tính dễ bị tổn thương cũng như năng lực thích ứng của nông hộ khi có xâm nhập mặn.

     Bảng 3: Trình độ học vấn của tất cả thành viên hộ tại địa bàn nghiên cứu.

Cấp học

Kiên Giang

Sóc Trăng

Số quan sát

Tỷ trọng(%)

Số quan sát

Tỷ trọng(%)

Mù chữ/còn nhỏ

6

1,00

7

1,07

Cấp 1

253

42,24

249

37,96

Cấp 2

246

41,07

273

41,62

Cấp 3

92

15,36

127

19,35

Sau cấp 3

2

0,33

0

0,00

Tổng

599

100,00

656

100,00

     Nguồn: Số liệu khảo sát năm 2017, n=298.

     Giáo dục là yếu tố quan trọng quyết định đến thu nhập của người lao động trong nền kinh tế thị trường (Phạm Lê Thông, 2012). Trình độ học vấn của chủ hộ có ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tiếp thu kiến thức mới, ứng dụng khoa học công nghệ và khả năng tổ chức, quản lý sản xuất của nông hộ. Vì vậy, trình độ học vấn của lao động, đặc biệt là lao động chính có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất và sử dụng nguồn lực của nông hộ. Bảng 3 thể hiện trình độ học vấn của tất cả thành viên hộ ở địa bàn nghiên cứu.

     Qua Bảng 3, đa số thành viên hộ có trình độ học vấn là tiểu học và trung học cơ sở, chiếm tỷ lệ lần lượt là 83% ở Kiên Giang và 78% ở Sóc Trăng. Trong khi đó, cấp trung học phổ thông chiếm 15,36% – 19,35% và sau cấp 3 là 0-0,33%. Nhìn chung, trình độ học vấn của các thành viên hộ ở độ tuổi lao động trong địa bàn nghiên cứu ở mức khá thấp.

     Một trong những yếu tố quan trọng có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động sinh kế của nông hộ là kinh nghiệm sản xuất. Bảng 4 thể hiện số năm kinh nghiệm của tất cả thành viên hộ trong địa bàn nghiên cứu.

     Từ kết quả khảo sát, kinh nghiệm sản xuất của thành viên nông hộ khá đa dạng, dao động từ 1 – 60 năm (Bảng 4). Đối với trường hợp tỉnh Kiên Giang, kinh nghiệm sản xuất trung bình của tất cả thành viên hộ khoảng 10 năm và phần lớn thành viên có kinh nghiệm trong khoảng 5-10 năm, chiếm tỷ lệ khoảng 57%. Đối với tỉnh Sóc Trăng, nhìn chung, kinh nghiệm của các thành viên cao hơn và khác biệt có ý nghĩa thống kê ở mức 1%, số năm kinh nghiệm trung bình là 19, tỷ trọng giữa các nhóm được phân bố khá đồng đều, nhóm thành viên có kinh nghiệm trên 25 năm chiếm khoảng 28% tổng thành viên hộ được quan sát.

     Bảng 4: Kinh nghiệm sản xuất của thành viên hộ tại địa bàn nghiên cứu.

Kinh nghiệm

Kiên Giang

Sóc Trăng

Số quan sát

Tỷ trọng (%)

Số quan sát

Tỷ trọng (%)

Dưới 5 năm

81

25,31

42

11,67

Từ 5 – 10 năm

184

57,50

133

36,94

Từ 11 – 25 năm

49

15,31

81

22,50

Trên 25 năm

6

1,88

104

28,89

Tổng

320

100,00

360

100,00

Trung bình

10,13

 

 

19,19

Nhỏ nhất

1

 

 

1

Lớn nhất

30

 

 

60

Khác biệt t-test 2 tỉnh

 

 

 

9,06***

     Nguồn: số liệu khảo sát năm 2017, n=298.

     Ghi chú: *** thể hiện sự khác biệt ở mức 1%

     Tóm lại, đa số các thành viên nông hộ đều có nhiều thâm niên trong sản xuất, trung bình có hơn 10 năm kinh nghiệm sản xuất, đây là một trong những yếu quan trọng giúp nông hộ nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như thích ứng với bối cảnh biến đổi khí hậu hay xâm nhập mặn.

     3.1.2 Vốn tài chính

     Qua kết quả phân tích, thu nhập trung bình/năm của nông hộ là 94,54 triệu đồng ở An Minh (Kiên Giang) và 154,82 triệu đồng ở Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) cho thấy sự sử dụng vốn sinh kế của người dân tại Mỹ Xuyên hiệu quả hơn so với An Minh. Hộ có thu nhập lớn nhất là 1.100 triệu đồng/năm và hộ có thu nhập thấp nhất là -44 triệu đồng/năm, mức độ dao động về thu nhập của nông hộ trên địa bàn là khá lớn với độ lệch chuẩn lần lượt là 105,83 ở An Minh, Kiên Giang (cao hơn so với giá trị trung bình) và 153,32 ở Mỹ Xuyên, Sóc Trăng (gần bằng với giá trị trung bình). Nhìn chung, mức thu nhập của nông hộ trên địa bàn nghiên cứu khá cao nhưng vẫn còn chênh lệch lớn có thể do chiến lược sử dụng vốn sinh kế và khả năng thích ứng với điều kiện bất lợi khác nhau.

     Bảng 5: Thu nhập trong năm của nông hộ.

Phân loại Kiên Giang Sóc Trăng
Trung bình 94,54 154,82
Độ lệch chuẩn 105,83 153,32
Nhỏ nhất 2-44
Lớn nhất 750 1100

     Nguồn: Theo kết quả điều tra nông hộ, 2017, n=298.

     Số nguồn thu nhập của nông hộ cho thấy sự đa dạng trong các hoạt động sinh kế của nông hộ. Dựa vào Bảng 6, nông hộ có hai nguồn thu nhập chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm khoảng 54,73% ở tỉnh Kiên Giang và 20,67% ở địa bàn nghiên cứu tỉnh Sóc Trăng.

     Bảng 6: Số nguồn thu nhập của nông hộ.

Nguồn thu nhập

Đơn vị

Kiên Giang

Sóc Trăng

Tần số

Tỷ lệ (%)

Tần số

Tỷ lệ (%)

1 nguồn

Hộ

46

31,08

65

43,34

2 nguồn

Hộ

81

54,73

31

20,67

3 nguồn

Hộ

17

11,49

32

21,33

4 nguồn

Hộ

4

2,70

17

11,33

5 Nguồn

Hộ

0

0,00

5

3,33

Tổng

 

148

100,00

150

100,00

     Nguồn: Theo kết quả điều tra nông hộ, 2017, n=298.

      Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy mặc dù địa bàn nghiên cứu tỉnh Kiên Giang có nhiều hộ có hai nguồn thu nhập nhưng đối với trường hợp từ ba nguồn trở lên thì ít hơn so với trường hợp tỉnh Sóc Trăng.

     Theo kết quả điều tra, nguồn thu nhập của nông hộ trong địa bàn nghiên cứu khá đa dạng với các hoạt động sản xuất như lúa, tôm/cá, màu, chăn nuôi, phi nông nghiệp và làm thuê nông nghiệp. Dựa vào Bảng 7, lúa và tôm/cá là hai hoạt động tạo thu nhập cao nhất của nông hộ. Nuôi tôm/cá đóng góp khoảng 71,39% đối với địa bàn nghiên cứu tỉnh Kiên Giang và 78,52% ở Sóc Trăng. Sản xuất lúa chỉ đóng góp khoảng 3,66% – 9,03%. Làm thuê nông nghiệp và phi nông nghiệp cũng là hai nguồn thu nhập khá quan trọng của nông hộ tại địa bàn nghiên cứu. Từ kết quả nghiên cứu, nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo trong sinh kế của người dân trên địa bàn nghiên cứu.

     Bảng 7: Thu nhập trong từng hoạt động sinh kế của nông hộ.

Hoạt động sinh kế

Kiên Giang

Sóc Trăng

Thu nhập

Tỷ lệ (%)

Thu nhập

Tỷ lệ (%)

Lúa

8,54

9,03

5,67

3,66

Tôm/cá

67,49

71,39

121,56

78,52

Màu

0,10

0,11

0,76

0,49

Chăn nuôi

0,60

0,63

2,4

1,55

Làm thuê nông nghiệp

4,62

4,89

2,72

1,76

Làm thuê phi nông nghiệp

4,45

4,71

4,44

2,87

Khai thác biển

0,20

0,21

0,00

0,00

Khác

6,01

6,36

13,66

8,82

Tổng

94,54

100,00

154,82

100,00

      Nguồn: Theo kết quả điều tra nông hộ, 2017, n=298

     3.1.3 Vốn xã hội

     Hình 1 cho thấy các mối quan hệ ngoài xã hội của nông hộ trên địa bàn nghiên cứu không cao, chỉ có 15% (45 hộ) có thành viên làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước, 85% không có thành viên làm trong cơ quan nhà nước, tổ hợp tác (THT) và hợp tác xã (HTX) có tỷ lệ tham gia cũng rất thấp tương ứng 16% và 10,67%, riêng số nông hộ có tham gia tập huấn cũng khá thấp chỉ với 32%. Điều đó cho thấy rằng nguồn vốn về quan hệ xã hội của nông hộ trên địa bàn nghiên cứu chưa cao, sự gắn kết và hợp tác cộng đồng chưa phát triển và một phần là do người dân chưa nhận thấy được nhiều lợi ích khi tham gia HTX – THT.

      Sự hỗ trợ, giúp đỡ từ người thân hàng xóm được xem là nguồn giúp đỡ trực tiếp và nhanh chóng trong lúc nông hộ gặp những khó khăn đột xuất. Theo kết quả phân tích, 298 nông hộ trên địa bàn nghiên cứu (Bảng 8) có khoảng 64% nông hộ (ở cả hai địa bàn nghiên cứu) cho rằng có thể nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ người thân hàng xóm, có khoảng 26-28% hộ ít nhận được sự giúp đỡ từ hàng xóm và 7-8% hộ không nhận được sự hỗ trợ giúp đỡ từ hàng xóm. Điều đó cho thấy rằng quan hệ hàng xóm, láng giềng của nông hộ trên địa bàn nghiên cứu rất mật thiết, thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau về kinh nghiệm sản xuất, thông tin giá cả, chia sẻ công lao động,…

Hình 1: Quan hệ xã hội của nông hộ
Nguồn: Theo kết quả điều tra nông hộ, 2017, n=298

     Bảng 8: Sự hỗ trợ, giúp đỡ từ người thân, hàng xóm.

Phân loại

Kiên Giang

Sóc Trăng

Tần số

Tỷ lệ (%)

Tần số

Tỷ lệ (%)

Có hỗ trợ

95

64,19

97

64,67

Ít hỗ trợ

42

28,38

40

26,67

Không hỗ trợ

11

7,43

13

8,66

Tổng

148

100,00

150

100,00

     Nguồn: Theo kết quả điều tra nông hộ, 2017, n=298.

     3.1.4 Vốn tự nhiên

     Đất là một tài nguyên không thể thiếu trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Diện tích sản xuất lớn góp phần tiết kiệm được chi phí đầu vào trong quá trình sản xuất. Diện tích sản xuất nhiều tạo ra được nhiều sản phẩm, đồng thời giúp nông hộ thu nhập càng nhiều.

     Qua kết quả phân tích ở Bảng 9, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của các hộ được khảo sát có sự chênh lệch tương đối lớn, cụ thể là giá trị độ lệch chuẩn khá cao ở cả hai địa bàn nghiên cứu. Diện tích đất ruộng trung bình ở địa bàn nghiên cứu tỉnh Sóc Trăng là 1,17 ha, cao hơn nhiều so với tỉnh Kiên Giang là 0,058 ha, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê ở mức 1%.

     Ngược lại, đối với diện tích đất ao, trường hợp nghiên cứu ở tỉnh Kiên Giang cao hơn rất nhiều so với tỉnh Sóc Trăng, lần lượt là 0,96 ha và 0,019 ha, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê ở mức 1%. 

     Xét về tổng diện tích đất sản xuất, sự khác biệt giữa hai nhóm là không có ý nghĩa thống kê, cụ thể tổng diện tích đất ở địa bàn nghiên cứu tỉnh Kiên Giang là 1,212 ha và 1,023 ha ở tỉnh Sóc Trăng.

     Bảng 9: Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của nông hộ.

Đơn vị: ha

Chỉ tiêu

Kiên Giang

Sóc Trăng

Chênh lệch

Trung bình

Độ lệch chuẩn

Trung bình

Độ lệch chuẩn

Diện tích đất ruộng

0,058

0,247

1,177

1,280

1,119***

Diện tích đất ao

0,960

0,936

0,019

0,050

-0,941***

Diện tích đất vườn

0

0

0,015

0,040

0,015**

Tổng diện tích

1,212

1,287

1,019

1,023

-0,193

     Nguồn: số liệu khảo sát năm 2017, n=298

     Về quy mô sản xuất, Bảng 10 cho thấy nhóm hộ có diện tích trồng nhỏ hơn 0,5 ha chiếm tỷ lệ cao nhất (35,81% ở điểm nghiên cứu tỉnh Kiên Giang và 39,33% ở điểm nghiên cứu tỉnh Sóc Trăng), kế đến là nhóm hộ có diện tích trồng từ 0,5 – 1 ha chiếm khoảng 15,54% ở tỉnh Kiên Giang và 18% ở tỉnh Sóc Trăng. Nhóm hộ có diện tích đất lớn hơn 1,5 ha chiếm tỷ lệ khá cao ở tỉnh Kiên Giang, khoảng 31,76%. Điều này cho thấy diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở địa bàn nghiên cứu là khá manh mún và nhỏ lẻ. Đặc biệt, các hộ vùng ven biển Kiên Giang canh tác thủy sản là chính (trung bình diện tích ao cao), trong khi các hộ dân ven biển Sóc Trăng canh tác ruộng, rẩy là chính (diện tích đất ruộng cao).

     Bảng 10: Quy mô diện tích đất sản xuất của nông hộ tại địa bàn nghiên cứu.

Tổng diện tích

Kiên Giang

Sóc Trăng

Số quan sát (hộ)

Tỉ trọng (%)

Số quan sát (hộ)

Tỉ trọng (%)

<0.5 ha

53

35,81

59

39,33

Từ 0.5 – 1 ha

23

15,54

27

18,00

Từ 1 – 1.5 ha

25

16,89

33

22,00

> 1.5 ha

47

31,76

31

20,67

Tổng

148

100

150

100

     Nguồn: số liệu khảo sát năm 2017, n=298.

     3.1.5 Vốn vật chất

     Phương tiện vật chất phục vụ sinh hoạt rất cần thiết giúp cho đời sống và sinh hoạt của nông hộ. Theo kết quả nghiên cứu, nhìn chung, những phương tiện vật chất phục vụ cho nông hộ rất đa dạng và đầy đủ cho cuộc sống tiện nghi, có thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi và giải trí của nông hộ.

     Phương tiện sản xuất là các thiết bị gắn liền với những hoạt động sản xuất của nông hộ. Hầu hết các nông hộ trên địa bàn nghiên cứu đều làm nông nghiệp nên phương tiện phục vụ sản xuất chủ yếu của họ là ghe/xuồng và xe gắn máy để thuận tiện trong việc đi lại, ngoài ra còn các dụng cụ khác như máy bơm nước, máy tưới, máy xịt thuốc,… Theo kết kết quả nghiên cứu được trình bày trong Bảng 11, ghe/xuồng, máy bơm nước và giớn là các phương tiện phổ biến nhất.

     Bảng 11: Phương tiện vật chất phục vụ sản xuất của nông hộ.

Phương tiện

Đơn vị tính

Kiên Giang

Sóc Trăng

Số lượng

Số hộ

Số lượng

Số hộ

Máy bơm nước

Cái

166

138

198

130

Ghe/xuồng

Chiếc

178

136

22

18

Xe tải/kéo

Chiếc

0

0

1

1

Máy cày

Chiếc

0

0

2

2

Máy xụt khí

Cái

8

2

452

131

Máy gặt đập

Cái

0

0

2

2

Lưới

Cái

43

9

4

4

Giớn

Cái

651

78

112

18

Bình xịt

Cái

39

37

58

57

     Nguồn: Theo kết quả điều tra nông hộ, 2017, n=298

     Bảng 11 cũng cho thấy giớn, lưới và ghe/xuồng khá phổ biến ở điểm nghiên cứu Kiên Giang, cho thấy sinh kế người dân nơi đây thiên về khai thác tự nhiên. Trong khi đó, phương tiện máy bơm nước, máy xụt khí, phương tiện quan trọng giúp nông hộ thực hiện các hoạt động sản xuất của mô hình lúa – tôm hoặc chuyên tôm khá phổ biến ở điểm nghiên cứu Sóc Trăng.

     3.2 Chiến lược sinh kế của nông hộ vùng ven biển

     Sóc Trăng và Kiên Giang nói chung, là hai tỉnh thuần nông với nông nghiệp là kinh tế chủ lực nên đa số nông hộ trên địa bàn nghiên cứu đều tham gia hoạt động sản xuất liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Nghề nghiệp của các lao động chính được trình bày trong Bảng 12, đa số lao động chính làm nông nghiệp với tỷ lệ 73,75% ở điểm nghiên cứu tỉnh Kiên Giang và 68,06% ở điểm nghiên cứu tỉnh Sóc Trăng; lao động chính trong lĩnh vực phi nông nghiệp chiếm tỷ trọng khá thấp, khoảng 6,25% ở Kiên Giang và 4,72% ở Sóc Trăng; làm thuê nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp nhất với 12 lao động ở Kiên Giang, chiếm 3,75% và 1,94 ở Sóc Trăng.

     Tóm lại, kết quả nghiên cứu cho thấy các hoạt động sinh kế của người dân trên địa bàn nghiên cứu khá đa dạng, nhưng nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng nhất trong các hoạt động sinh kế tạo thu nhập của người dân.

Nghề nghiệp

Kiên Giang

Sóc Trăng

Tần số

Tỷ lệ (%)

Tần số

Tỷ lệ (%)

Nông nghiệp

236

73,75

245

68,06

Phi nông nghiệp

40

15,00

56

15,55

Hành chính

9

2,81

25

6,94

Làm thuê nông nghiệp

12

3,75

7

1,94

Khác

15

4,69

27

7,51

Tổng cộng

320

100,00

360

100,00

     Nguồn: Theo kết quả điều tra nông hộ, 2017, n=298

     Từ kết quả phân tích số người tham gia hoạt động mưu sinh trong thời gian xâm nhập mặn (Bảng 13), tất cả các hộ đều có thành viên tham gia hoạt động sinh kế trong thời gian xâm nhập mặn và đây cũng là thời gian tạo ra thu nhập nhiều nhất do nông hộ đã thích nghi được với điều kiện tự nhiên. Phần lớn các hộ đều có 2 thành viên có hoạt động sinh kế với tỷ trọng lần lượt là 55,41% ở tỉnh Kiên Giang và 57,33% ở tỉnh Sóc Trăng.

     Từ kết quả phân tích, với quy mô trung bình là 4 thành viên/hộ và lực lượng lao động chính với phần lớn là 2 người/hộ thì nguồn vốn con người đã được những nông hộ trên địa bàn nghiên cứu tận dụng một cách khá tốt với việc tham gia vào các hoạt động mưu sinh từ 2 người trở lên chiếm tỷ lệ cao.

     Bảng 13: Số người tham gia hoạt động mưu sinh vào thời gian xâm nhập mặn.

Số người

Kiên Giang

Sóc Trăng

Số hộ

Tỷ lệ (%)

Số hộ

Tỷ lệ (%)

1

45

30,41

47

31,33

2

82

55,41

86

57,33

3

21

14,18

17

11,33

Tổng

148

100,00

150

100,00

     Nguồn: Theo kết quả điều tra nông hộ, 2017, n=298

     3.3 Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả sử dụng nguồn vốn sinh kế

     Trước khi thực hiện ước lượng các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả sử dụng nguồn vốn sinh kế nông hộ, kết quả thống kê mô tả các biến trong mô hình ước lượng được trình bày ở Bảng 14.

     Bảng 14: Thống kê mô tả biến sử dụng trong ước lượng.

STT

Nguồn vốn

Biến

Kiên Giang

Sóc Trăng

Tên

Ký hiệu

Trung bình

SD

Trung bình

SD

1

Con người

Lao động chính

X1

2,17

1,20

2,40

1,00

2

Trình độ

X2

6,55

2,97

6,61

2,96

3

Kinh nghiệm

X3

13,75

4,23

22,69

10,29

4

Vật chất

Tổng giá trị

X4

45,32

39,75

70,37

53,53

5

Tài chính

Tổng chi

X5

75,29

43,48

88,6

53,29

6

Vay vốn

X6

0,48

0,50

0,37

0,48

7

Việc làm PNN

X7

0,11

0,31

0,09

0,29

8

Tự nhiên

Diện tích đất

X8

12,19

12,89

14,53

9,95

9

Xã hội

Thành viên

X9

0,26

0,44

0,21

0,41

      Nguồn: Theo kết quả điều tra nông hộ, 2017, n=298.

     Ghi chú: SD: độ lệch chuẩn.

     Bảng 15 cho thấy hệ số R2 = 22,32%, điều này cho thấy 22,32% sự biến động của kết quả sinh kế nông hộ chịu sự ảnh hưởng bởi các biến trong mô hình, còn lại khoảng 78% do các yếu tố khác không được xem xét trong mô hình hồi quy. Điều này cóthể do cỡ mẫu quan sát nhỏ nên giá trị R2 nhỏ.

     Mối quan hệ giữa biến độc lập và phụ thuộc được giải thích như sau:

     Số lao động chính (X1): mặc dù hệ số ước lượng không có ý nghĩa thống kê, nhưng có tương quan dương với thu nhập của nông hộ.

     Trình độ học vấn (X2): có ảnh hưởng tỷ lệ nghịch với kết quả sinh kế nông hộ nhưng không có ý nghĩa thống kê ở múc 10%.

     Kinh nghiệm sản xuất (X3): có ảnh hưởng tỷ lệ nghịch và có ý nghĩa thống kê ở mức 10%, điều này cho thấy khi nông hộ có nhiều kinh nghiệm, kết quả sử dụng sinh kế sẽ kém hiệu quả hơn. Điều này có thể được giải thích là do nông hộ sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm sẵn có và ít ứng dụng khoa học kỹ thuật mới. Khi nông hộ có thêm một năm kinh nghiệm, kết quả sinh kế sẽ giảm khoảng 1,795 triệu đồng.

     Bảng 15: Uớc lượng các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả sinh kế.

     Chú thích: *** , **, * biểu diễn các mức ý nghĩa 1%, 5% và 10%.

     Giá trị phương tiện vật chất phục vụ sản xuất (X4): hệ số ước lượng của biến này có ý nghĩa thống kế ở mức 5% và có tương quan dương với thu nhập của nông hộ, trong điều kiện các yếu tố khác không đổi khi tăng giá trị của phương tiện sử dụng trong sản xuất lên một triệu đồng, thu nhập của nông hộ tăng lên 0,59 triệu đồng. Điều này cho thấy giá trị của phương tiện sản xuất có tác động lớn đến thu nhập của nông hộ.

     Chi phí sản xuất và sinh hoạt của nông hộ (X5): hệ số ước lượng của biến này có ý nghĩa thống kê ở mức 5%. Trong điều kiện các yếu tố khác không đổi khi tăng chi phí sản xuất và sinh hoạt lên một triệu đồng, thu nhập của nông hộ tăng lên 0,479 triệu đồng (Bảng 15). Điều này cho thấy rằng chi phí sản xuất và sinh hoạt nông hộ có tác động lớn đến thu nhập của nông hộ. 

     Vay vốn (X6): biến này có ảnh hưởng tỷ lệ nghịch với kết quả sinh kế của nông hộ và có ý nghĩa thống kê ở mức 5%, khi nông hộ có vay vốn, thu nhập nông hộ sẽ giảm khoảng 29,218 triệu đồng. Điều này có thể giải thích do nông hộ vay vốn thường thiếu điều kiện để đầu tư và tập trung vào sản xuất nên kết quả sinh kế sẽ kém hiệu quả hơn.

     Việc làm phi nông nghiệp (X7): có ảnh hưởng tỷ lệ thuận với kết quả sinh kế nông hộ nhưng không có ý nghĩa thống kê ở múc 10%.

    Diện tích đất sản xuất của nông hộ (X8): hệ số ước lượng của biến này có ảnh hưởng tỷ lệ thuận đến thu nhập của nông hộ và có ý nghĩa thống kê ở mức 1%. Kết quả này cho thấy nếu nông hộ có nhiều diện tích đất sẽ đạt được kết quả sinh kế tốt hơn. Điều này có thể dễ dàng giải thích do địa bàn nghiên cứu có hoạt động sinh kế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.

     Quan hệ xã hội của nông hộ (X9): hệ số ước lượng của biến này ảnh hưởng tỷ lệ thuận nhưng không có ý nghĩa thống kê ở mức 10%. 

    Từ kết quả nghiên cứu, nông hộ ở địa bàn nghiên cứu một phần nào đó chưa sử dụng nguồn vốn sinh kế đạt hiệu quả tối ưu, cụ thể là lực lượng lao động ảnh hưởng không có ý nghĩa đến thu nhập nông hộ nên có thể lao động chưa được khai thác hết. Tương tự, trình độ học vấn lại ảnh hưởng tỷ lệ nghịch đến kết quả sinh kế mặc dù không có ý nghĩa thống kê, nhưng kết quả này phần nào cho thấy nông hộ chưa thể vận dụng kiến thức nền đã học vào trong điều kiện sản xuất cụ thể. Để góp phần nâng cao thu nhập và năng lực thích ứng cho nông hộ vùng ven biển, kết quả nghiên cứu có một số đề xuất như sau: (i) hỗ trợ nông hộ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phục vụ sản xuất nhằm tạo điều kiện cho nông hộ thực hiện đầu tư và giảm thiểu chi phí cơ hội; (ii) tiếp tục đẩy mạnh các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật mới, đặc biệt chú trọng vào nhóm đối tượng có nhiều kinh nghiệm sản xuất để hạn chế sử dụng các kinh nghiệm lạc hậu; (iii) tiếp tục nghiên cứu các mô hình sản xuất phù hợp với nhóm hộ có diện tích đất ít nhằm tăng thu nhập và hạn chế tính dễ bị tổn thương.

4. KẾT LUẬN

     ĐBSCL là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi xâm nhập mặn, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Do vậy đặc điểm sinh kế nông hộ vùng ven biển chịu sự tác động và chi phối lớn bởi xâm nhập mặn nên hệ thống canh tác cũng có phần khác biệt so với các vùng khác. Kết quả nghiên cứu cho thấy người dân vùng ven biển có chiến lược sinh kế rất đa dạng như trồng lúa, nuôi tôm, chăn nuôi, làm thuê nông nghiệp và phi nông nghiệp cho cả hai thời gian xâm nhập mặn và thời gian không mặn. 

     Xét về nguồn vốn sinh kế, vốn con người có lực lượng lao động rất dồi dào (bình quân 4 người/hộ) nhưng tỷ lệ lao động phụ thuộc là rất cao (khoảng 2 người/hộ), trình độ học vấn của thành viên hộ rất thấp, đặc biệt là lực lượng trong độ tuổi lao động.Về nguồn vốn xã hội, kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nông hộ có thành viên tham gia trong các tổ chức là thấp. Về nguồn vốn tự nhiên cho thấy diện tích đất sản xuất bình quân trên hộ khá cao cho cả hai địa bàn nghiên cứu và mô hình sản xuất chủ yếu là trồng lúa – tôm, chuyên tôm và chuyên canh lúa. Về nguồn vốn vật thể, kết quả nghiên cứu cho thấy phần lớn nông hộ, đặc biệt là hộ nghèo thiếu phương tiện sản xuất và sinh hoạt. Về nguồn vốn tài chính thì thu nhập của nông hộ vẫn chưa cao và thu nhập trong thời gian xâm nhập mặn là chủ yếu.

     Về các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả sinh kế nông hộ, nghiên cứu cho thấy vay vốn, phương tiện phục vụ sản xuất và sinh hoạt, tổng đầu tư của hộ trong năm, quy mô diện tích đất nông hộ và kinh nghiệm sản xuất có ảnh hưởng có ý nghĩa. Trong đó, kinh nghiệm và vay vốn có ảnh hưởng tỷ lệ nghịch đến kết quả sinh kế nông hộ, các biến còn lại có ảnh hưởng tỷ lệ thuận đến kết quả sinh kế nông hộ.

     Để nâng cao năng lực thích ứng cho nông hộ và sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn sinh kế sẳn có, vốn vật chất và tài chính là hai yếu tố cần tiếp tục được đầu tư hỗ trợ để nông hộ sử dụng hiệu quả các nguồn lực sinh kế còn lại như vốn con người, xã hội và tự nhiên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ashvin, D., 2015. Introducing Resilience: What is resilience and why does it matter? Global Resilience Partnership Workshop in Bangkok, March 31, 2015.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2009. Kịch bản Biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam. Hà Nội, 2009.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2012. Kịch bản Biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam. Hà Nội, 2012.

Ellis, F., 2000. Rural Livelihoods and Diversity in Developing Countries. Oxford University Press, Oxford.

Khang, N.D., Kotera, A., Sakamoto, T., and Yokozawa, M., 2008. Sensitivity of salinity intrusion to sea level rise and river flow change in Vietnamese Mekong Delta – Impacts on availability of irrigation water for rice cropping. J. Agric. Meteorol. 64(3): 167-176.

Lhing, N.N., Nanseki, T., and Takeuchi, S., 2013. An analysis of factors influencing household income: a case study of pact microfinance in Kyaukpadaung Township of Myanmar. American Journal of Human Ecology, 2(2): 94-102.

Nelson, R., Kokic, P., Crimp, S. et al., 2010. The vulnerability of Australian rural communities to climate variability and change: Part II— Integrating impacts with adaptive capacity. Environmental Science and Policy. 13(1): 18–27.

Ninh, N.H., 2007. Vulnerability, adaptation and resilience to climate change in Vietnam: Capacity needs. Center for Environment Research, Education and Development, Hanoi, Vietnam.

Thanh, T.D., Saito, Y., Huy, D.V., Nguyen, VL., Ta, T.K.O., and Tateishi, M., 2002. Regimes of human and climate impacts on coastal changes in Vietnam. Regional Environment Change, 4: 49-62.

Tu, V. H., Yabe, M., Trang, N. T., and Khai, H. V., 2015. Adaptive capacity assessment of rural out– migrants: A case study of An Giang Province, Vietnam. J. Fac. Agr., Kyushu Univ., 60(0): 265–271.

Võ Văn Tuấn and Lê Cảnh Dũng, 201vvvvvv5. Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả sinh kế của nông hộ ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 120-129.

Wanjiku, M. M., 2017. Factors influencing household income in Unbound project, Chiakariga county assembly ward, Thvvvaraka-nithi county, Kenya. Master thesis of the University of Nairobi.

Wassmann, R., NX. Hien, CT Hoanh, T.P. Tuong, 2004. Sea water rise affecting the Vietnamese Mekong delta: Water elevation in the flood season and implications for rice production. Climate Change, 66: 89-107.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ. Tập 55, Số 6D (2019): 109-118

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

(Visited 58 times, 1 visits today)