TIẾNG LÓNG (Phần 2)

NGUYỄN MẠNH HÙNG
(PGS TS Sử học)

2. Tiếng lóng – loại hình phương ngữ – nơi chỉ dấu địa văn hóa

     2.1 Tiếng lóng theo nhận định chung còn được hiểu là thứ tiếng dùng tại địa phương nên được gọi là phương ngữ – Phương ngữ là một hay nhiều đơn vị phát âm tự nhiên thành lời nói mà người trong địa phương có thể nhận biết được phương ngữ, được kết cấu bằng những vốn từ như một tập từ vựng phát ra bằng âm thanh đặc thù đã được mã hóa thành chữ viết có ý nghĩa mà những nhà ngôn ngữ học gọi là có chức năng ngữ pháp.

     Phương ngữ là một hệ thống các ký hiệu chịu đựng chung một nguyên tắc bảo toàn nguồn gốc lịch sử phát triển chung của hệ thống ngôn ngữ dân tộc.

     Tuy phương ngữ – hay còn gọi là phương ngôn – có thể phát âm khác nhau theo từng vùng địa lý và tùy vào hoàn cảnh lịch sử, chế độ, xã hội, tình huống giao tiếp… mà phát triển vốn từ đặc thù có thể phân tách được qua hệ thống âm vị và ý nghĩa riêng biệt – ngày nay – tiếng lóng có thể được chỉ dấu địa văn hóa của một quốc gia đa sắc tộc.

     Phương ngữ có thể được phân biệt qua từng vùng lãnh thổ ([6]) – gọi là phương ngữ lãnh thổ phản ánh sự phân cách các lãnh địa thời kỳ phong kiến và theo từng môi trường xã hội gọi là phương ngữ xã hội.

     2.2 Đối với ngôn ngữ Việt Namphương ngữ lãnh thổ đã phát sinh ra thứ ngôn ngữ gọi là tiếng lóng đã biến dạng trong từng lãnh địa nhỏ trong quá trình xây dựng làng, xã, ấp, xóm… co cụm trong từng vùng lãnh thổ có lũy tre bao bọc tại miền Bắc hay rải đều dọc theo chiều dài sông rạch tại miền Nam.

     Từ đó, phương ngữ phát triển trong từng ranh giới hành chánh (tỉnh, huyện, quận…), còn được bóc tách ra thành những thổ ngữ – một dạng nhỏ hẹp hơn tùy vào khu vực địa lý được phân chia theo từng chế độ chính trị trong quá trình biến động của lịch sử.

     Do đó, yếu tố chính trị trong hoàn cảnh lịch sử Việt Nam đã tác động đến sự phát triển tiếng lóng trong nhiều tầng lớp xã hội có chung một số phận. Tuy nhiên, ngoài số phận chung của xã hội mà các tầng lớp có sản sinh ra hệ thống tiếng lóng riêng, mang sắc thái riêng về ngữ âm, ngữ nghĩa để trao đổi giao dịch hạn chế trong từng hội đoàn, từng phe, nhóm, băng, đảng phái…

      Ở đây! sự phân hóa thành những tổ chức nhỏ hẹp, công khai, bán công khai hay bí mật… đã sinh sôi nẩy nở loại ngôn ngữ lóng (từ lóng, tiếng lóng, nói lóng…) như loại ngôn ngữ được nói như một “mật ngữ” hay được viết bằng “mật thư”… hay bằng những “ám hiệu”, “dấu hiệu”, “tín hiệu”.

     – Trong các tổ chức xã hội mang tính tôn giáo (như hội kín An Nam, hay mang tính chính trị (các tổ chức đảng phái), hay mang tính tôn giáo (đoàn thể giáo phái), hay mang tính xã hội sống ngoài vòng pháp luật (các băng đảng xã hội đen), mang tính thuần phong mỹ tục (các lầu xanh, các xóm bình khang, các ổ chứa gái).

     – Trong tất cả các tổ chức nói trên thì những tổ chức chính trị, tôn giáo… xã hội đã phát triển tiếng lóng vượt trội hơn cả. Đây là một nền tảng hết sức quan trọng trong những giai đoạn bất ổn lịch sử, chính trị của Việt Nam trải qua nhiều thế kỷ.

     2.3 Tuy nhiên, phương ngữ Việt Nam không bị cô lập trong các vùng lãnh thổ hay trong hoàn cảnh xã hội… mà chịu chung một số phận. Do đó, các “phương ngữ” không thể hiện đường ranh biên giới như đường ranh chính trị – mà thành những chùm kết dính để giao thông chung trong chiều hướng mở rộng quy mô ra toàn cõi. Nhiều nhà ngôn ngữ học vịn vào câu nói của F.DE. Saussure ([7]) đã cho rằng: “chỉ có những đặc điểm phương ngữ tự nhiên mà không có phương ngữ tự nhiên” – hay nói cách khác có bao nhiêu địa phương thì có bấy nhiêu phương ngữ.!

     Nếu lời nói này đáng tin cậy – chúng ta thử nghe lại một câu nhận xét của một nhà Đông phương học Pháp khi đặt chân đến vùng đất Việt Nam đã nhanh chóng tuyên bố: dân An Nam gồm hơn 2.000 tiểu vương quốc nghĩa là dân An Nam có hơn 2.000 làng xã mang tính tự trị – dù có luật vua cai trị nhưng vẫn còn lệ làng chi phối (luật vua thua lệ làng).

     Tính chất đó đã thúc đẩy dân tộc Việt Nam biết chọn lựa thứ ngôn ngữ địa phương nào vượt trội về văn hóa, xã hội, chính trị… để xây dựng ngôn ngữ chung của dân tộc. Từ đó hệ thống văn chương Hán Nôm trước đây cách nay hàng nghìn năm và nay đã hình thành nên văn chương chữ La tinh (cách nay hàng trăm năm).

     2.4 Hệ thống ngôn ngữ địa phương, hay nói nôm na hệ thống ngôn ngữ làng xã Việt Nam đã hòa nhập vào ngôn ngữ chung của dân tộc mà thời gian đã xóa nhòa nhiều dấu vết đặc thù – cũng như làm mờ nhạt hay che lấp hẳn nhiều nét nghĩa cổ điển xưa mà những nhà làm từ điển chưa kịp sưu tập và xuất bản.

      Từ đó công việc nghiên cứu tiếng lóng gặp nhiều trở ngại khi phục hồi giá trị vốn có của nó mà tránh đi những giá trị xa lạ gán ghép để phục vụ cho những trường phái nghiên cứu khác nhau, tư duy khác nhau, lập trường chính trị khác nhau…

3. Tiếng lóng – một biệt ngữ

     3.1 Tiếng lóng đã được đối xử như thế nào trong phương ngữ nói chung theo nhà ngôn ngữ học Nga Stepanov Ju.S như đã dẫn chứng – đã nhìn ngôn ngữ Nga để phân biệt ra các phương ngữ, thành phương ngữ lãnh thổ (từ sự phân chia cũ của thời kỳ phong kiến) và phương ngữ xã hội là một biệt ngữ.

     3.2 Biệt ngữ mang nét nghĩa như thể hiện sự phân biệt giai cấp, thành phần xã hội – Biệt ngữ ([8]) trong phần giới thiệu phương ngữ hoặc còn gọi là “ngôn ngữ quy ước”. Tập thể sử dụng nó có thể là một giai cấp (như triều đình phong kiến v.v…), hoặc một giới xã hội (như học sinh, thương nhân…)

     Cách đặt tên là biệt ngữ đã tạo cho các thế hệ ngày nay một cảm giác như phân biệt ra một loại ngôn ngữ đã được phân chia giai cấp, phân chia ra các thành phần xã hội… như trong hoàn cảnh xã hội Liên Bang Xô Viết, mà đặt tên như trên thay vì ta gọi là “đặc ngữ”.

     3.3 Tiếng lóng – nếu được xem như loại ngôn ngữ địa phương – tuy nhiên – từng địa phương lại có nhiều tầng lớp xã hội, mỗi tầng lớp lại có chung một môi trường như cùng sống bên bờ sông, cùng bờ suối hay cùng sống ven đồi núi – cùng một điều kiện sinh hoạt chung như cùng ngành nghề thủ công – một trình độ văn hóa chung như các nhà Nho cùng chung nền tảng Hán học hay ông bồi Tây cùng chung ngôn ngữ pha trộn Tây Ta. Thậm chí họ có cùng chung một số phận như cùng cảnh lấy chồng chung mà Hồ Xuân Hương than vãn: chém cha cái kiếp lấy chồng chung. Hay cùng một nghề sinh sống mà kết thành nhóm (nhóm lái trâu, lái lợn, nhóm cu li…), hay nhóm lính tráng (làm việc cho Tây, lính mã tà, hay cho triều đình phong kiến).

     3.4 Tiếng lóng phát sinh trong băng nhóm, từng tập đoàn như trên đã tạo nên nhiều lớp từ song song để thay thế hầu vừa tránh lặp lại lớp từ phổ thông đã được sử dụng trong quần chúng vừa mang tính chất ám thị để thể hiện sắc thái biểu cảm, châm biếm, cợt nhã… mà chúng ta có thể ghép thêm vào từ lóng để bổ sung những nét nghĩa, lóng lẩy, lóng láy, lóng lái, lóng lếu… Có khi tiếng lóng còn che dấu bộ mặt “điếm đàng” của nó trong lối nói điếm, nói lái.

      Tiếng lóng mà Cheon đã nêu trong tiểu phẩm “Tiếng lóng An Nam” của Ông (tài liệu đã dẫn). Sắc thái biểu cảm của lối nói lóng:

– Nhóm trộm cắp – đắp thêm lên một lớp từ vơ (ăn cắp), chôm chỉa (ăn trộm), chà đồ nhôm là chôm đồ nhà (nói lái).

– Làm nghề hai ngón (nghề móc túi) – xin đểu (xin tiền bằng cách đe dọa) – xà xẻo (ăn cắp từng phần sản phẩm).

– Nhóm hoạt động bí mật: Cớm (mật vụ), lính kín (mật thám), xịa (C.I.A), Vẹm (Việt Minh), Vi-xi (Việt Cộng), dzi-ai (G.I – lính Mỹ), Dzăng-ki (yankee – người Mỹ), Bê ba xu (B.B.C).

– Bị rồi (bị bắt, bị theo dõi).

– Tầng lớp lái lợn: sáng cọn (con), sáng nái (cái), sáng bẹ (bé)

– Hàng cá: Nếch (nhỏ), hẹo (tươi), vỏ (ươn).

– Tầng lớp học sinh dùng dùng tiếng lóng để tạo sắc thái bông đùa gợi cảm: Gậy (1 điểm).

___________
(
[6]) Theo Stepanov Ju.S – Cơ sở của ngôn ngữ học đại cương (bản dịch) – NXB Đại học và TPHCM – Hà Nội 1984.

([7]) F.De. Saussure – Giáo trình ngôn ngữ đại cương (bản dịch) – NXB Khoa học Xã hội Hà Nội 1973.

([8]) Theo Đái Xuân NinhNguyễn Đức DânNguyễn QuangVương Toản – Ngôn ngữ học – Khuynh hướng – Lĩnh vực – Khái niệm – NXB Khoa học Xã hội Hà Nội – Tập II – 1986 – Trang 275~277.

Mời xem tiếp: TIẾNG LÓNG (Phần 3)

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

(Visited 2 times, 1 visits today)