LÊ MINH QUỐC1
Thương bắt chết*
À, có giả định như thế này mới độc chiêu: Nếu ai đó ghi âm được những lời tỏ tình của trai gái đáng yêu, in thành sách, khi đọc ắt cực kỳ thú vị.
Chuyện này, hội nhập ngũ năm 1977, cánh lính tân binh của bọn y đã nghe Đại đội trưởng kể lại rằng, ngày đó, tháng đó, năm đó được về phép, gia đình hối thúc ông phải cưới vợ. Chàng và Nàng được tạo điều kiện gặp gỡ nhau. Đêm ấy, trăng sáng. Hai người đi mãi trên con đường làng, chả ai nói với ai lời nào cả. Không lẽ im lặng mãi, cô gái buột miệng nhỏ nhẹ: “Đêm nay trăng sáng quá phải không anh?” Chàng gật gù: “Trăng sáng như thế này, chỉ sợ cho mấy thằng lính trinh sát khó mà bán được mục tiêu!” Tưởng sau đó, có thể bắt qua những câu tình tứ, nào ngờ, chàng tiếp tục thao thao với nàng về chiến thuật, chiến lược… Chàng nói liên tu bất tận một hồi thì nghe nàng… ngáp! Khi ngáp, nàng lại dựa vào vai chàng. “Thế rồi, sướng bắt chết”, Đại đội trưởng của y tủm tỉm cười lại. Lạ cho tiếng Việt, sướng là khoan khoái, tận hưởng cảm giác đê mê chứ sao lại bắt chết?
Với hai từ “bắt chết” này, tương tự, có lần ngồi trong quán cà phê, gần cầu Trường Tiền ở Huế, do bàn kê sát bàn nên y đã nghe lõm được đôi tình nhân nọ đối đáp. Rằng, nàng thẹn thùng: “Anh thương em không?”. Chàng quả quyết: “Thương bắt chết”. Ơ kìa, đã thương thì phải sống /Sống chung những mong ăn đời ở kiếp, chứ sao lại chết? Thật ra “bắt chết” ở đây là nhiều lắm, quá chừng, cực kỳ, quá sức, quá mức.
Khi nghe chàng nói “Thương bắt chết”, nàng cười cười: “Thương cái xương không còn”. Câu tục ngữ này, nhà ngôn ngữ học NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG2 giải thích: “Miệng vẫn luôn mồm nói thương, nhưng lại ưa bọn rút kẻ ấy tới độ chỉ còn da bọc xương”. Đúng là thế, nhưng trong ngữ cảnh này chỉ là cách nói bông lơn của đôi trai gái đang bén duyên nồng nàn “thả thính”, chứ cô nàng không nghĩ đến tình huống đó.
Mà này, có phải khi đang tỏ tình, người ta thường nói ngọt chăng? Tất nhiên. Nói ngọt lọt tới xương, vậy tội gì không nói? Thí dụ, dù nói thế hoặc cả thế nhưng nàng vẫn chẳng xi–nhê3, không mảy may ép-phê4, biết đâu chàng trai bèn đổi giọng chăng? Đổi giọng là như thế nào? Âm thanh giọng nói vẫn vậy, nhưng đã khác nội dung đã nói trước đó. Tuy nhiên đổi giọng còn được hiểu là cũng nói nội dung đó nhưng thể hiện bằng sắc thái tình cảm khác. Sự thay đổi này trong chừng mực nào đó, ta có thể liên tưởng đến trở mặt, làm mặt lạ…
Ừ, cứ cho là chàng vẫn tiếp tục rót mật và tay nàng, nhưng lần này, có thể càng nói vống lên một chút nhằm làm sang, “đánh bóng” cho mình đặng dễ dàng chinh phục. Tính cách này không lạ, từ năm 1920 khi biên soạn bộ sách “Việt Nam sử lược”, nhà sử học TRẦN TRỌNG KIM5 nhận xét người Việt có tính: “hay khoe khoang”. Khoe khoang quá lố, quá mức vốn có thì hợm hĩnh, đáng ghét lắm. Nếu ngày trước một khi nói quá sự thật, dối trá, ba xạo, khoe mẽ, thậm xưng về những cái mình không có thì bị gán khoác lác, là nói trạng, chẳng hạn :
“Nhà tôi có một con mèo.
Khi nào hết chuột lên đèo bắt nai.
Nhà tôi có một cái chai,
Đựng bảy thùng mắm với hai thùng dầu.
Cha tôi có một bộ râu,
Ngứt ra một sợi để câu cá chình.
Nói ra các bạn đừng khinh.
Thiên hạ láo cả, phải mình chi tôi”.
Hiểu rằng cách nói khoác lác, bốc phét, nói trạng ấy là nói láo như người nghe vẫn không chấp nhận bởi nó chỉ ngụ ý hài hước, bông đùa. Người nói cũng ý thức như thế và thừa biết tỏng chẳng ai tin nhưng vẫn cứ nói, vì mục đích của nó vẫn chỉ là gây cười cho vui. Rõ ràng, không phải khoe khoang.
Với khoe khoan, ta còn có thể thay thế bằng từ khác là “nổ”. Khác ở chỗ tâm thức người nói một khi đưa ra một thông tin vượt ngưỡng của sự thật lại muốn người nghe tin là thật. Tại sao sử dụng từ “nổ”? Có lẽ xuất phát từ câu cửa miệng đã có từ xa xưa: “Nói như pháo nổ”, “Đại Nam quốc âm tự vị”6 (1895) giải thích” “Nói lớn lối, nói phách, nói gõ mõ”. Trong xu thế lúc giao tiếp, từ cấp độ Nói như pháo nổ /Nổ như bắp rang /Nói như gõ mõ cần ngắn gọn mà người nghe vẫn hiểu nghĩa, dần dà chỉ còn lại mỗi từ… “nổ”. Nay, tùy theo mức độ mà “nổ” được nâng cấp với nhiều sắc thái như nổ banh chành, nổ trời gầm, nổ như bom, nổ như tạc đạn, nổ banh ta-lon, nổ ve kêu… Những từ ấy, hầm hố quá, nghe rổng rảng âm thanh đinh tay điếc óc. Mà nào đã hết đâu, gần đây xuất hiện một từ khác cũng hàm ý đó lại không bộc lộ rõ ý chê bai như “nổ”.
Vậy đó là từ gì?
Ta hãy quay lại quán cà phê gần cầu Tràng Tiền. Sau khi nghe chàng “Nói ngọt lọt đến xương” nhưng nàng vẫn ứ chịu, trơ như đá vững như đồng. Bực quá, chàng bèn đổi giọng nổ to bời hoa lá cành, một tấc tơi trời nhằm quyết tâm hạ gục tình cảm người đẹp. Hỡi ôi, lần này nàng lại tủm tỉm: “Có phải anh vừa “quăng bom” đó không? Nghe đến từ “bom”, lập tức, ta lại hình dung ra tiếng nổ long trời lở đất. Chứ gì nữa? Nếu không, còn có thể sử dụng câu: “Ủa, anh ném lựu đạn à?”. Thiệt hết biết cho ăn với nói, chữ với nghĩa. Cách nói này cực kỳ quen thuộc với cánh tài xế xe ôm đón đưa khách theo công nghệ mới. Rằng, có anh nọ khoe cùng đồng nghiệp: “Hôm nọ hên bá cháy, điện thoại của tớ nổ liên tục”, ta hiểu là tín hiệu báo có khách. Đơn giản như đang giỡn.
Chưa hết đâu. Lạnh người nhất, ít ra đối với người yếu bóng vía, miệng hùm gan sứa như y đây, mới đây đi du lịch ở thành phố nọ nằm dọc theo biển thơ mộng, trữ tình, lúc bước vào quán hải sản thấy rành rành tấm bảng thông báo: “Quý khách yên tâm, quán nhà cam đoan không chặt chém”. Thế nào là chặt chém? Không vội. Xin nói luôn cho nó vuông rằng ở miền Nam trước đây khi sử dụng từ chém, còn có thêm từ chém vè. Theo nhà nghiên cứu HUỲNH CÔNG TÍN7, chém vè có ba nghĩa: “1. Trốn trong bụi rậm hoặc trầm mình dưới nước; 2. Lẩn trốn không muốn xuất hiện trước ai; 3. Trốn tránh sự truy bắt, giấu mình ở một nơi kín đáo để khỏi lộ tông tích” (trang 315). Nhưng tại sao chém ở đây lại cặp kè theo vè, nguyên cớ do đâu? Hỏi mãi, chẳng ai trả lời ngọn ngành, bèn tra từ điển vậy, ông BÙI THÀNH KIỆN cho rằng: “Cua đinh trốn bằng cách ấn mạnh vè của nó vào bùn mềm của hông bờ ao hoặc vùi xuống sâu vũng tát để không bị bắt” (trang 364). Từ quan sát này, ta có từ chém vè, dần dà nó trở thành tiếng lóng với các nghĩa vừa nêu.
Với quán ăn trên, nên khi đọc dòng chữ “cam đoan không chặt chém”, có ai thắc mắc gì không? Có đấy. Y đây nè. Tự nhủ, ăn uống cần thanh lịch, hòa nhã, vui vẻ vui lòng khách đến vừa lòng khách đi, chứ sao lại có chuyện dao búa thế nào? Chặt chém từ nghĩa phổ thông là dùng gươm, dao, đao, mác chém cho lìa, cho đứt vật gì đó, nay “lái” qua hàm nghĩa không bán giá quá cao. Nếu lúc cầm đơn tính tiền, thấy tính giá “trên trời”, giá trời ơi rất hỡi, có thực khách đùng đùng nộ khí xung thiên, đỏ mặt tía tai: “Bộ muốn cắt cổ người ta à”.
… còn tiếp ở Phần 2 …
MỜI XEM :
◊ TIẾNG VIỆT ngày một MÉO MÓ? – Phần 2.
CHÚ THÍCH :
1: LÊ MINH QUỐC (1959, Đà Nẵng), nhà văn, nhà thơ, nhà báo, trưởng ban Ban Văn hóa Văn nghệ báo Phụ Nữ TPHCM, trưởng ban Văn hóa Văn nghệ báo Phụ Nữ TP.HCM; sau khi phục viên bộ đội chiến đấu ở chiến trường Campuchia (1977-1983), ông học ở Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Tp.HCM (1984-1987) và công tác tại báo Phụ Nữ TP.HCM – 188 Lý Chính Thắng, Q.3 (từ 1988 đến nay), là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo TP.HCM, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn TP.HCM (từ 2001).
2: NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG, … đang cập nhật …
3: xi–nhê, gốc từ từ signifier – động từ (signify, tiếng Anh), nghĩa là gán cho cái gì đó một ý nghĩa hoặc một tác động. Ví dụ: “Việc này không xi nhê”, nghĩa là cái việc đang nói không gây ra ảnh hưởng, tác động gì. (theo ask.fm)
4: ép-phê, hay “áp phê“, là từ lóng có gốc tiếng Pháp – từ effet (đọc là ép phê), tiếng Anh là efect. Trong trò bida, ép-phe – là độ xoáy bóng, là lực được tác dụng từ đầu cơ sang bóng cái. (theo bi-acaovo.com)
5: TRẦN TRỌNG KIM, ( 陳 仲 金 ; 1883, làng Kiều Linh, xã Đan Phố – nay là xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh – 12/1953, Đà Lạt), là một học giả, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu sử học, văn học, tôn giáo Việt Nam, bút hiệu Lệ Thần ( 遺 臣 ), từng làm Thủ tướng (4-8/1945, 128 ngày) của Chính phủ Đế quốc Việt Nam (1945) – được Đế quốc Nhật Bản thành lập trong thời kỳ chiếm đóng Việt Nam, nghị viên Viện Dân biểu Bắc Kỳ (), Phó trưởng ban Ban Văn học, Hội Khai trí Tiến Đức (), Trưởng ban Ban Soạn thảo Sách Giáo khoa Tiểu học (1924), Trưởng ban Ban Nghiên cứu Phật học – Hội Bắc kỳ Phật giáo.
TRẦN TRỌNG KIM xuất thân trong một gia đình Nho giáo, từ nhỏ ông học chữ Hán, , học chữ Pháp ở Trường Pháp-Việt tại Nam Định (1897), thi đỗ vào Trường Thông ngôn (1900) và tốt nghiệp năm 1903, làm Thông sự ở Ninh Bình (1904), sau qua Pháp học Trường Thương mại ở Lyon (1905), các trường ở Ardèche, Trường thuộc địa, Trường Sư phạm Melun (1909) và tốt nghiệp rồi về nước năm 1911. Ông lần lượt dạy các Trường Trung học Bảo hộ (Trường Bưởi), Trường Hậu bổ, Trường nam Sư phạm. Ông là nhà sư phạm mẫu mực, có uy tín trong xã hội, giữ nhiều chức vụ trong ngành giáo dục thời Pháp thuộc: Thanh tra Tiểu học (1921), Trưởng ban Ban Soạn thảo Sách Giáo khoa Tiểu học (1924), dạy Trường Sư phạm thực hành (1931), giám đốc Trường nam Tiểu học, Hà Nội (1939). MỜI XEM chi tiết đầy đủ: TRẦN TRỌNG KIM.
6: Đại Nam quốc âm tự vị, do HUỲNH TỊNH CỦA (1830-1908) biên soạn và xuất bản (), là quyển từ điển đơn ngữ tiếng Việt đầu tiên của Việt Nam, là tài liệu quý giá cho những ai quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu sâu rộng tiếng Việt, đặc biệt là tiếng Việt cổ và tiếng địa phương Nam Bộ. (theo thuvienhuequang.vn)
7: HUỲNH CÔNG TÍN, tiến sĩ, giảng viên Bộ môn Ngữ văn ở Trường Đại học Cần Thơ, thực hiện luận án tiến sĩ “Hệ thống ngữ âm tiếng Sài Gòn” năm 1999 ra đời “Từ điển Từ ngữ Nam Bộ”. (theo tienphong.vn)
GHI CHÚ :
◊ Nguồn: Chuyện chữ, chuyện nghĩa, Tiếng Việt ngày một méo mó? Báo An Ninh Thế giới (giữa tháng), số 153, tháng 10/2020. Ảnh: LG.
◊ Chữ nghiêng, chữ in, chữ màu, các chú thích và hình ảnh sêpia hóa do Ban Tu Thư – thanhdiavietnamhoc.com thiết lập.
* Các tiêu đề ghi dấu * do Ban Tu Thư – thanhdiavietnamhoc.com thiết lập.
BAN TU THƯ
10 /2020