ĐINH VĂN ĐỨC
(GS TS, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG Hà Nội)
1.5 Lịch sự như một chiến lược giao tiếp của tư duy văn hóa bản ngữ
1.5.1 Khái niệm lịch sự (Politness) được nghiên cứu trong ngôn ngữ học đặc biệt là ngôn ngữ học chức năng và ngôn ngữ học xã hội trong vài mươi năm lại đây. Các nhà ngôn ngữ học châu Âu và Bắc Mĩ theo khuynh hướng ngữ nghĩa, ngữ dụng đã đề ra câu hỏi cho vấn đề này.
Đầu tiên, lịch sự là đặc trưng giao tiếp cá nhân, chủ yếu là chiến lược trong hành động ngôn từ và dựa trên các cứ liệu về mặt văn hóa. Có hai nhận thức: Thứ nhất, lịch sự được hiểu như là một chiến lược kĩ thuật trong giao tiếp ngôn từ cá nhân. Mặt khác, lịch sự được hiểu là trục xã hội trong giao tiếp. Các nhà ngôn ngữ học xã hội và chức năng như S.C. Levinson, R. Lakoff, P. Brown và G. N. Leech [5] là những người thường được nhắc đến nhất trong các luận giải về lịch sự và liên nhân..
Người ta giải thích rằng lịch sự là chiến lược giao tiếp cá nhân, chiến lược này nhằm mục tiêu giảm bớt sự xung đột trong diễn trình ngôn ngữ, tăng cường mối quan hệ liên nhân trong giao tiếp. Theo đó, có hai quy tắc sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp là làm thế nào để diễn đạt được rõ ràng và làm thế nào để diễn đạt được lịch sự. Lịch sự thể hiện ở ba khía cạnh: Lịch sự là không áp đặt, lịch sự là tạo ra sự lựa chọn, lịch sự là thể hiện tình cảm thân hữu. Ứng với mỗi khía cạnh đó là các quy tắc. Quy tắc thứ nhất được sử dụng trong phép lịch sự gọi là quy thức. Quy tắc thứ nhì là trong giao tiếp phi quy thức. Thứ ba là để ứng xử bằng ngôn từ giữa những người đã biết nhau và có những quan hệ thân hữu [6].
1.5.2 Có nhà ngôn ngữ học đưa ra khái niệm, phạm trù lịch sự có hai nét đối lập nhau là hơn/thiệt, một bên là lợi và một bên là thiệt. Giữa người nói và người nghe lợi ích được thể hiện ra bằng ngôn từ. Theo đó, khi nói năng người ta tìm cách giảm thiểu những lối giao tiếp gây thiệt, những lối nói không lịch sự, tăng mức tối đa cho lợi bằng lối nói lịch sự.
Theo Levinson[7 ], có một loạt phương châm trong giao tiếp, trong ứng xử ngôn từ liên quan đến lịch sự. Các phương châm cụ thể là: khéo léo, hào hiệp, tán thưởng, khiêm nhường, ủng hộ, thông cảm. Trên cái nền đó phân bố cái đối lập hơn/thiệt, tìm cách giảm thiệt, tăng thêm lợi. Như vậy, nguyên tắc chung của giao tiếp là lấy lịch sự làm căn bản để tăng thêm hiệu lực (tính thuyết phục) của lời. Với phương châm giảm ngôn từ gây thiệt, như thế sẽ thể hiện lịch sự ở hành động ngôn trung. Người ta thấy lịch sự tức là phải xử thế một cách khéo léo theo từng cách bản ngữ. Ở đây khéo léo thường đi với truyền thống giao tiếp của từng cộng đồng, tư duy văn hoá của cộng đồng ấy. Lịch sự có chuẩn mực chung nhưng hành động ngôn từ ứng xử lại thuộc về từng cá thể người nói. Các giá trị ngôn trung trong hành vi giao tiếp nhiều lúc tương phản nhau: khuyến lệnh hay cam kết, hào hiệp đi với hành động mời mọc, hứa hẹn. Những hành động tại lời không lịch sự như ra lệnh, cấm đoán thì mặt bên kia có những hành động mang tính lịch sự như khen ngợi, động viên, khuyến khích.
1.5.3 Thang độ lịch sự ngôn trung lệ thuộc vào bản chất của hành động ngôn từ mà người nói thực hiện. Mức độ lịch sự thì phụ thuộc vào mối quan hệ thân sơ giữa người nói và người nghe.
Người ta hay nhắc đến quan điểm về lịch sự của hai nhà ngữ dụng học là Brown và Levinson. Hai tác giả này nhấn mạnh vào khái niệm thể diện. Thể diện là một điểm cơ bản của khái niệm lịch sự. Thể diện được hiểu là “những cái làm cho người ta coi trọng mình khi tiếp xúc” [8], qua đó là hình ảnh của bản thân, của chủ thể đối với người khác. Trong giao tiếp, các tham thoại phải gắng giữ thể diện cho nhau.
Căn cứ vào khái niệm thể diện, Brown và Levinson đã chia lịch sự thành lịch sự dương tính (tích cực) và lịch sự âm tính (tiêu cực). Thể diện dương tính được hiểu như là nhu cầu, mong muốn giao hoà giữa người nói và người nghe. Thể diện âm tính là mong muốn được tự do hành động, tránh bị áp đặt. Điều này thể hiện cái tôi cá nhân. Như vậy, cả hai khía cạnh này đều có ở người nói và ở người nghe (dương tính ở người nói, dương tính ở người nghe, âm tính ở người nói, âm tính ở người nghe). Trong khi hành động ngôn từ nếu không chú ý ta sẽ gây tổn thương cho cả thể diện của người nghe và của chính mình. Hành động ngôn từ mang tính chất đe doạ, cấm đoán thường phải rất thận trọng khi sử dụng.
Như đã nói, quan hệ giao tiếp bằng hoạt động ngôn từ có tính liên nhân. Trong giao tiếp ngôn ngữ, cả hai phía đều muốn giảm thiểu những tác động gây ảnh hưởng đến thể diện. Phải tìm cách giữ thể diện cho nhau. Hành vi ngôn từ có tính lịch sự chính là hành động thể hiện ý thức giữ thể diện trong giao tiếp. Những từ tình thái như dạ, vâng, ạ, rõ ràng rất quan trọng. Người Việt Nam rất chú ý đến phương diện giao tiếp này. Lịch sự trong chào hỏi, trong các nghi thức có tính chất xã giao (Lời chào cao hơn mâm cỗ), người Việt tránh nói trống không, tránh thể hiện sự thờ ơ, lãnh đạm trong khi nói năng. Câu ca dao:
“Lời nói không mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”
thể hiện nguyên tắc giao tiếp chính của người Việt. “Lựa lời” là bản chất cơ chế hoạt động ngôn ngữ nhưng còn “vừa lòng nhau” là bản chất của lịch sự. Lịch sự có tính nhân bản và đồng thời thể hiện quan hệ liên nhân, quan hệ vốn bị chi phối bởi văn hoá của một cộng đồng.
1.5.4 Cũng theo Brown và Levinson, hàng loạt hành vi trong hoạt động giao tiếp của con người hướng tới lịch sự với tư cách là chiến lược điều chỉnh, giảm thiểu tổn thương với đối tác. Theo tác giả, có thể tính đến những chiến lược lớn và nhỏ như là phổ niệm giao tiếp, như lịch sự dương tính, lịch sự âm tính, nói năng không bù đắp, nói năng gián tiếp, v.v. Tóm tắt đặc trưng nhất, lịch sự là chiến lược giao tiếp hành động ngôn từ nhằm mục tiêu tránh sự xung đột trong quan hệ liên nhân. Ở đây, người ta ứng xử với nhau một cách khôn ngoan để làm thế nào giảm tối đa sự xung đột, tăng sự dung hoà, tăng hiệu quả giao tiếp.
Trong các ngôn ngữ khác nhau, phương tiện biểu đạt lịch sự rất đa dạng . Người Trung Quốc rất coi trọng chữ Lễ nên khía cạnh “lễ” trong ngôn từ tiếng Hán khá mạnh, nó còn được quảng bá trong khu vực và đã trở thành chuẩn mực được người bản địa tự giác tiếp nhận và có điều chỉnh. Chẳng hạn, trong tiếng Triều Tiên, tiếng Nhật Bản có phương tiện biểu đạt người ta gọi là kính ngữ. Nó là phương tiện quan trọng, thể hiện cung bậc của quan hệ xã hội trong quan hệ liên nhân. Trong quan hệ xã hội của chế độ Phong kiến, tôn ti rất quan trọng trong giao tiếp.
Ở phương Tây, từ sau các cuộc cách mạng tư sản, ngôn từ giao tiếp cũng dần dần được dân chủ hoá. Nhưng ở những nước chế độ Phong kiến kéo dài như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản hay Việt Nam thì tính đẳng cấp trong giao tiếp xã hội vẫn chen vào lịch sự rất nhiều. Từ người nói đến người nghe đều thể hiện tính đẳng cấp trong văn hoá giao tiếp rất rõ. Đây không phải là đặc trưng giai cấp trong ngôn ngữ mà vì các giai tầng trong xã hội đều gắng thể hiện quyền uy trong cương vị của mình. Ngày xưa, trong tiếng Việt, người ta nói những từ thưa, bẩm, lạy khi người lớp dưới nói với lớp cao hơn mình. Thể hiện lịch sự ở đây là lịch sự áp đặt. Nó thuộc bình diện xã hội của thể diện trong ngôn ngữ.
1.6
Chúng ta đang nói ngôn ngữ trong tư duy và ngôn ngữ trong văn hoá nên có thể lấy ngay người bản ngữ Việt để phân tích điều này.
1.6.1 Khi sử dụng ngôn ngữ, người Việt rất chú ý đến phương châm lịch sự. Phương châm lịch sự này thể hiện trên cả hai phương diện là chiến lược giao tiếp và chuẩn mực giao tiếp. Ví dụ, nói năng có lễ độ thì được coi là một đặc trưng về phương diện chuẩn mực xã hội, tôn trọng những phẩm chất xã hội như thứ bậc, địa vị, tuổi tác. Người nói tỏ ra lễ phép, khiêm nhường cho nên nói năng sao cho phải lời là đặc trưng của người Việt, khôn khéo và tế nhị, tránh làm tổn thương đối tác. Những câu tường thuật, những câu hỏi, những câu cầu khiến khi nói đều gắng để không gây sốc cho người nghe. Những từ xưng hô, những từ nghi vấn trong tiếng Việt rất đặc trưng cho văn hóa ứng xử của người Việt. Chỉ có người bản ngữ Việt mới hiểu biết hết các khía cạnh về văn hóa, về xã hội trong lịch sự. Dù là lịch sự dương tính hay lịch sự về âm tính, theo cách nói của Levinson, đều dựa trên phạm trù có tính tâm lí giao tiếp ta gọi là thể diện.
1.6.2 Trong tiếng Việt các hành động ngôn từ thể hiện khá rõ những điều các nhà ngôn ngữ học đã nói. Chẳng hạn, phạm trù thể diện mà chúng tôi vừa đề cập (lịch sự dương tính và lịch sự âm tính), người Việt, bằng hành động ngôn từ của mình, bằng văn hóa Việt, thể hiện một cách sâu sắc và uyển chuyển tư duy, tình cảm, cách thức phản ánh thế giới và cả cương vị xã hội của mình, cái cương vị của quyền lực trong giao tiếp.
Chúng ta thấy lịch sự dương tính có những đặc điểm nổi trội bao hàm cái chung giữa người nói và người nghe, tác động qua lại, sự hợp tác trong hội thoại. Đây là tinh thần rất quan trọng của Grice, Brown và Levinson: nguyên tắc hợp tác trong hội thoại[9]. Chiến lược đó được thể hiện bằng rất nhiều điều mà người nói cố gắng gây sự chú ý với người nghe. Chẳng hạn, người nói thường sử dụng lối nói nhấn mạnh, cường điệu. Người nói luôn luôn quan tâm đến lợi ích của người nghe và kéo người nghe lại phía mình trong nhóm xã hội hay cộng đồng. Giao tiếp của người Việt rất lịch sự nhưng phức tạp hơn, chẳng hạn, khi đem quan hệ gia đình vào xã hội và kéo quan hệ xã hội vào gia đình. Chúng ta thấy người đối thoại với mình có thể chỉ là “người dưng nước lã” nhưng lại được gọi là cậu, chú, bác, cô, dì,… lịch sự bằng cách “gia đình hoá” các quan hệ xã hội. Mặt khác, trong giao tiếp, một người trong gia đình khi bước vào xã hội thì vai vế xưng hô thường được nâng lên một cấp. Lúc ở nhà thì xưng là anh em với nhau nhưng khi vào quan hệ xã hội thì gọi người ít tuổi hơn mình là chú, là cô, nghĩa là đứng ở cương vị của con mình để nói với em mình chứ không phải là bản thân mình.
1.6.3 Trong giao tiếp, người ta cũng lẩn tránh sự bất đồng, chen vào đấy có khi là những yếu tố hài hước, gây ra sự hứng thú, cũng có lúc là các hành vi mời mọc, hứa hẹn và cũng có lúc nói lên niềm tin, niềm lạc quan, hi vọng, chia sẻ, có lúc tìm cách giải thích các lí do của hành động và mong muốn được đáp ứng lại, gợi ý với người nghe và mang lại cho người nghe một cái gì đó có lợi. Trên thương trường thì ngôn ngữ truyền thông, ngôn ngữ quảng cáo, tiếp thị luôn chú ý đến lịch sự trong lời quảng cáo (các slogan) chinh phục khách hàng. Khi làm PR, ở các bài diễn văn chính trị, các bài nói trước công chúng thì người nói cũng luôn luôn chú ý đến lịch sự ( dương tính).
Mặt khác lịch sự âm tính cũng có nét đặc thù.
Như chúng ta đã biết, lịch sự âm tính là một nửa của khái niệm thể diện mà Brown và Levinson giới thiệu. Nửa bên kia là lịch sự dương tính đã phân tích. Lịch sự âm tính là phương diện hướng thể diện vào địa hạt của người tiếp nhận. Phần lớn các hành động ngôn từ có khả năng đem lại sức ép cho người nghe thường thiên về thể diện âm tính. Đó là những phát ngôn liên quan đến hướng lệnh, đe dọa, phê phán, chỉ trích,… thậm chí là lăng mạ, chửi bới. Theo các tác giả này, có đến năm chiến lược lịch sự mang đặc trưng âm tính và từ đó cụ thể hóa thành mười chiến thuật cụ thể trong giao tiếp.
Chúng ta cũng nên nhắc tới sự đối chiếu với các hành vi ngôn từ mang tính chất lịch sự âm tính, liên quan đến cách nói năng. Người Việt, cũng như các dân tộc khác, nói năng xuất phát từ bản ngữ của mình, xuất phát từ văn hóa của mình, với những quy ước cũng mang theo nhiều yếu tố lịch sự chúng ta thường gặp. Lịch sự âm tính thể hiện ở những kĩ năng giao tiếp mang màu sắc riêng với những chiến thuật khác nhau.
1.6.4 Trở lại các kĩ năng trong chiến thuật giao tiếp, tuỳ theo từng hoàn cảnh, người nói có thể dùng một hoặc một nhóm kĩ năng có tính giải pháp, chẳng hạn như: Thứ nhất là dùng lối nói gián tiếp theo một sự ước định; Thứ hai là dùng cách nói rào đón trong hội thoại; Thứ ba là thể hiện tâm lí bi quan; Thứ tư là có/không tính áp đặt; Thứ năm là thể hiện sự kính trọng; Thứ sáu là bày tỏ sự xin lỗi; Thứ bảy là dùng những phát ngôn mang tính phiếm định; Thứ tám là thể hiện PTA (cũng là một ước định chung); Thứ chín là sử dụng các thủ pháp danh hóa; Thứ mười là sử dụng cử chỉ hỗ trợ (lắc đầu, xua tay, bĩu môi,…).
Nói chung, người Việt rất hay dùng chiến thuật rào đón trong các phát ngôn nhằm tránh làm tổn thương, giảm bớt áp đặt lên đối tác. Rào đón liên quan đến hàm ẩn, thể hiện sự tôn trọng lãnh địa người khác, luôn luôn bày tỏ thái độ, cảm xúc như mình có lỗi. Bắt đầu lời thoại với đối tác, người ta hay rào đón như: Nói vô phép, Nói khí không phải, Tôi nói điều này thì bác/ông/bà,… bỏ quá cho,… còn thủ pháp “danh hóa” thì người Việt ít dùng hơn, phát ngôn mang tính xác định thì cũng ít dùng. Lịch sự gắn liền với đặc trưng văn hóa bản ngữ trong giao tiếp, nhưng vì nó có yếu tố văn hóa nên vừa bền vững vừa vận động, tiếp xúc, giao lưu và biến đổi chứ không mãi như thế. Chúng ta thấy rằng lối nói của người Việt mấy chục năm qua đã thay đổi rất nhiều, trước Cách mạng Tháng Tám, sau Cách mạng Tháng Tám, rồi từ khi bước vào công cuộc đổi mới đến nay, cách nói và các hình thái của tính lịch sự (cả âm tính và dương tính) có những thay đổi đáng kể trong khi vẫn có độ bền truyền thống. Vì vậy, muốn nhận diện, muốn tổng kết cần có những công trình nghiên cứu rất cụ thể, có bằng chứng từ tư liệu ngôn ngữ. Chúng ta thấy ngôn ngữ trên truyền hình, ngôn ngữ phỏng vấn, ngôn ngữ quảng cáo, tiếp thị nay là địa hạt rất phong phú và đa dạng về sự biểu đạt tính lịch sự. Chúng ta phải có những nghiên cứu cụ thể về ngôn ngữ của các lớp dân cư (nông thôn, đô thị, tuổi học trò, ngôn ngữ các giao dịch thương mại,…). Lịch sự trong khuôn khổ bài này, ở đây, chỉ có tính đại quan, còn cụ thể thì mỗi một ngôn ngữ, trong khi gắn với một nền văn hóa, một tư duy bản ngữ cụ thể, sẽ có nhiều đặc sắc trong các chiến lược giao tiếp của phạm trù này.
CHÚ GIẢI TRONG BÀI
[1] E. Sapir, 2000, Ngôn ngữ- Dẫn luận vào việc nghiên cứu tiếng nói, Trường ĐH KHXH&NV TP HCM.
[2] W. Humboldt, 1960, Dẫn luận Ngôn ngữ học, Trường ĐHTH HN và theo: Trần Văn Cơ, 2011, Ngôn ngữ học tri nhận: Từ điển -Tường giải& Đối chiếu, NXB Phương Đông, Tr.148-149.
[3] E.Sapir,2000, sách đã dẫn: tr.7
[4] E.Sapir,2000, Sách đã dẫn: tr.16
[5] Dẫn theo: Đỗ Hữu Châu,2007, Đại cương Ngôn ngữ học ( Tập 2), NXB ĐHQG HN, theo đó: Những người có nhiều ảnh hưởng đến lí thuyết giao tiếp và lí luận hội thoại, đặc biệt là:H.P.Grice,1975, Logic and Conversation, S.C.Levinson,1983, Pragmatics, Cambridge University Press và P.Brown And S.C.Levinson,1987, Politeness: Some Universals in Language Usage. Cambridge University Press.
[6] Brow&Levinson,1987, đã dẫn và theo Đỗ Hữu Châu, 2007, Đại cương Ngôn ngữ học, tập 2, từ tr.255, ĐHQG HN.
[7] S.C. Levinson,1987, đã dẫn.
[8] Theo Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, Đà Nẵng 2000.
[9] Grice là người có lý luận đầy đủ nhất và ảnh hưởng nhất về lý luận hội thoại.
Nguồn: Tạp chí ĐHQT Hồng Bàng – Số 1 (04/2012)
Ảnh đại diện: BAN TU THƯ (vietnamhoc.net) thiết lập
Nguồn ảnh: http://www.apap.com.pa/