ĐINH VĂN ĐỨC
(GS TS, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG Hà Nội)
1.1 Dẫn nhập
Văn hóa bản địa không chỉ ẩn tàng trong ngôn ngữ mà tồn tại công khai như một trong số những đặc trưng quan trọng nhất của ngôn ngữ. Đây là vấn đề cơ bản của dụng ngôn (Language in Use/ Pragmatic Aspect) trong ngôn ngữ học. Trong đó tư duy bản ngữ là yếu tố quan trọng nhất. Tư duy bản ngữ là cội nguồn của ngôn ngữ và văn hóa.
Trong một mô hình tam phân: Tư duy- Ngôn ngữ – Văn hóa thì thuộc tính cơ bản là ở chỗ cả văn hoá và ngôn ngữ đều là sản phẩm của tư duy. Văn hoá có tính truyền thống và bền vững, qua bộ lọc của thời gian, kết tinh thành các giá trị lưu giữ từ đời này qua đời khác. Văn hoá phát triển qua các thời đại khác nhau, có khả năng tiếp xúc và biến đổi. Người ta cho rằng văn hoá là lcái giá trị còn lại sau khi các giá trị khác đã “ đội nón ra đi”.
Văn hoá thể hiện nhận thức và phản ánh thế giới của một cộng đồng, ngôn ngữ cũng như vậy. Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá vùa là tất yếu vừa là tương hỗ. Lôgích (tư duy) là cái nền chung trong đó ngôn ngữ là công cụ, văn hoá là giá trị, trở thành đặc trưng. Đặc trưng văn hoá hoà vào tư duy và thể hiện trong ngôn ngữ. Văn hoá thể hiện qua cách nghĩ của người bản ngữ trong giao tiếp cộng đồng. Văn hoá trừu tượng nhưng sản phẩm của nó lại cụ thể. Câu ca dao
“Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”
là sản phẩm ngôn ngữ Việt, trong từ ngữ của nó thuộc từ vựng đời thường, nhưng sau cái ngôn từ dung dị ấy có cả nền văn hoá Việt.
Quan hệ giữa ngôn ngữ, tư duy và văn hoá (bản ngữ) là một đặc trưng quan trọng của ngôn ngữ, quan hệ này làm thành một mô hình tam diện:
1.2
Ngôn ngữ làm công cụ diễn đạt tư duy, nhưng ngôn ngữ cũng có tính độc lập với tư duy. Cái độc lập của phương tiện biểu đạt đối với mục đích phản ánh. Nó cũng thể hiện trong cả văn hóa. ” Chủng tộc và ngôn ngữ không nhất thiết là tương quan với nhau. Biên giới văn hóa và ngôn ngữ là không đồng nhất. Sự trùng hợp giưa sự phân lập về mặt ngôn ngữ với sự phân lập giữa ngôn ngữ và văn hóa do các nguyên nhân mang tính lịch sử, chứ không mang tính tâm lý nội tại” [1]
Tính độc lập của ngôn ngữ với tư duy thể hiện ở chỗ tư duy tồn tại trên những cách thức phản ánh khác nhau của người bản ngữ, và những cách thức ấy được “ngữ hoá” trong ngôn từ. Động từ là từ loại chỉ ra các dạng vận động trong thế giới tự nhiên và xã hội và tư duy. Hiện tượng “danh hoá” động từ là kết quả tất yếu của sự chuyển vai ngữ pháp từ trong nhận thức nhờ vào khả năng trừu tượng hoá và sự tri nhận độc lập của người bản ngữ. Trong các tiếng Nga, Pháp, Anh và nhiều ngôn ngữ châu Âu khác ta có thể dễ “chiết xuất” các danh từ tương ứng từ động từ. Ví dụ: “to go to” chỉ ra cái hành động “như nó có” trong thực tại nhưng “going to” thì trong thực tế ngôn ngữ chỉ là “một hình ảnh trừu tượng hóa của tư duy con người”. Tính trừu tượng trong ngôn ngữ là cái vừa quan sát được vừa không quan sát được. Ta gọi các danh từ “chiết xuất” từ động từ là những danh từ trừu tượng. “Kinh tế” là một ý niệm chỉ tồn tại trên các mối quan hệ xã hội trong quá trình trao đổi các giá trị lao động sản xuất, lưu thông, phân phối để tìm kiếm các lợi nhuận và lợi ích. Nó là một “thứ” mà ta không sờ vào được, chỉ tồn tại dưới dạng ý niệm trừu tượng nhưng lại được biểu đạt một cách tự nhiên bằng danh từ.
Trong mỗi ngôn ngữ đều có vô số trường hợp tương tự. Đó là sự quy chiếu trừu tượng ở các khái niệm được “danh hóa” (ẩn dụ ngữ pháp, theo Halliday). Điều đó là bằng chứng cho thấy ngôn ngữ trong khi tham gia phản ánh, có sự độc lập với tư duy. Xét về khả năng biểu đạt, ngôn ngữ có nhiều phương án hơn logic. Phi đối xứng là bản chất của tín hiệu ngôn ngữ nhằm mục đích diễn đạt sự phức tạp của tư duy. Năng lực và trí tuệ của con người là vô cùng, vô tận. Chỉ có ngôn từ triết học hay văn chương mới nói ra những mệnh đề khái quát trừu tượng về thực tại, giống như những định luật. Ngoài nghĩa miêu tả, câu ngôn ngữ còn chứa nghĩa hàm ẩn vốn không xuất phát từ ngôn ngữ mà qua phép suy đoán của tư duy.
1.3
Trong ngôn ngữ có nhiều lối diễn đạt khác nhau, nhưng “lối” không chỉ là sản phẩm cá nhân mà còn là cách thức cá nhân vận dụng lối chung của cộng đồng. Cái chung của ngôn ngữ cộng đồng cũng có cá tính (ngay ngôn ngữ dân tộc cũng có cá tính). Vậy, xét về mặt xã hội, cái gì quyết định sự khác nhau trong phong cách nói năng, các lối diễn đạt ở các vùng, miền? Đặc trưng văn hóa ngôn ngữ quyết định điều đó.
Văn hoá là sản phẩm của tư duy, là truyền thống định hình và kết tinh trong quá trình phát triển tư duy của cộng đồng, trong cách thức phản ánh bằng bản ngữ. Nó, đôi khi, cũng có vẻ ngẫu nhiên như trong tự nhiên học.Ví dụ, nhà Vật lí Newton từ việc thấy quả táo rơi đã suy ra thuyết về “Lực hút” của trái đất; Acsimet nằm trong bồn tắm và thấy mình nổi lên đã phát hiện ra quy luật của vật lí về nước choán chỗ. Quy luật tự nhiên do con người khám phá ra, quy luật xã hội thì con người nhận diện được nhờ tích luỹ dần và hình thành từ tổng kết kinh nghiệm hoạt động thực tiễn. Việc khám phá ra quy luật xã hội mang tính chất tiệm tiến và thường chịu ảnh hưởng của những người có nhiều kinh nghiệm hoạt động, đôi khi chưa được đánh giá cao ngay. Khổng Tử thời Xuân Thu gần như bỏ cả cuộc đời để tìm hiểu những quy luật của xã hội, cô thành những triết lí, cho dù Ngài ra sức du thuyết về nội dung học thuyết của mình nhưng chẳng mấy ai nghe theo, cảm thông và chia sẻ. Nhưng nhiều đời sau, học thuyết của ông đã trở thành một lực lượng tinh thần của xã hội phong kiến phương Đông. Văn hoá gắn với văn minh vật chất và văn minh tinh thần. Ví dụ: Bình gốm là một sản phẩm văn minh vật thể. Trong mỗi vật thể ấy lại có những hoa văn, hoạ tiết thể hiện văn minh tinh thần, triết lí của người dân .
Tư duy của con người không chỉ dừng lại ở các quy tắc lôgích cứng nhắc, trừu tượng, trái lại nó thường xuyên thực hành trên cách thức tư duy và biểu đạt ngôn ngữ. Cách thức riêng của ngôn ngữ bắt đầu từ những cách suy nghĩ riêng liên quan đến các nền văn hoá. Phương Đông khác phương Tây ở hệ thống triết lí và cả khả năng biểu đạt ngôn ngữ.
1.4
Con người luôn biết kết hợp những phương pháp tư duy với cách thức biểu đạt của ngôn ngữ và văn hóa bản ngữ.
1.4.1 Giao tiếp ngôn ngữ có mục tiêu cuối cùng là diễn đạt tư duy văn hoá chứ không thuần tư duy logích. Tư duy văn hoá là sản phẩm tinh thần của một dân tộc, một cộng đồng và nó có dấu ấn riêng rất rõ. Ngôn ngữ không di truyền như văn hoá nhưng văn hóa thì in đậm vào cách thức suy nghĩ của con người,và nó thể hiện ra ở ngôn ngữ. Văn hoá ngôn ngữ thể hiện trong mọi nghi thức giao tiếp. Nghi thức giao tiếp thì dễ nhận xét, nhưng cái hậu trường nó là văn hoá ngôn từ thì khó phân tích hơn.
Nói đến quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa cần nhắc đến luận điểm của nhà ngữ văn Đức nổi tiếng W. Humboldt đã viết: “Đặc trưng tinh thần của một dân tộc nằm trong ngôn ngữ và ngôn ngữ chính là đặc trưng tinh thần của dân tộc ấy” [2]. Wilhelm Humboldt (1767-1835) là người nghiên cứu ngôn ngữ trong mối quan hệ với tinh thần nhân loại và với văn hoá. Cuốn sách nổi tiếng của Humboldt là : “Tính đa dạng trong cấu trúc của các ngôn ngữ nhân loại”. Ông lí giải ngôn ngữ một cách rất đặc biệt. Theo ông, đặc trưng ngôn ngữ được coi là tài sản riêng của dân tộc bản ngữ. Ngữ âm chính là nguyên liệu còn hình thức nội tại của ngôn ngữ là cấu trúc ngữ nghĩa và cấu trúc ngữ pháp. Ngôn ngữ và tư duy có quan hệ mật thiết và gắn ngôn ngữ với đặc trưng tinh thần của các dân tộc, W. Humboldt là đại diện xuất sắc bậc nhất cho những tư tưởng ngữ học đại cương thế kỉ 19 trước F. de Saussure. Các nhà ngữ học khác như Heymann Steinthal, August Schleicher, Fosler, Paul,… cũng cho rằng ngôn ngữ luôn luôn không thoát khỏi hệ biểu đạt tâm lí của con người. Hệ tâm lí, theo các nhà ngôn ngữ học này, là quá trình hoạt động ngôn ngữ gắn với hệ tư tưởng, mà tư tưởng là gắn với tâm lí và tinh thần của một cộng đồng. Nhưng cho dù gắn với triết học, khuynh hướng ngôn ngữ học duy tâm cũng vẫn cố gắng giải thích bản chất ngôn ngữ trong hệ thống tinh thần và tâm lí. Thực ra, các nghiên cứu ngôn ngữ trong giai đoạn này chưa nhằm vào bản thân ngôn ngữ mà nó mới chỉ đề cập đến những vấn đề ngoại biên có tương quan với ngôn ngữ. Cho nên rốt cục câu hỏi lớn là: Ngôn ngữ cái là gì? vẫn chưa có được câu trả lời minh bạch. Từ đó đã hạn chế việc khai thác ngôn ngữ để phục vụ cho những nhu cầu của thực tế.
Chịu ảnh hưởng của những quan điểm triết học của Heider, W. Humboldt rất quan tâm đến địa hạt văn hoá. Quan điểm của ông về sau đã có ảnh hưởng đến lí luận của những nhà ngôn ngữ học nhân chủng và xã hội thế kỉ 20 như E. Sapir và B. Whorf.
Là nhà ngữ văn và lí luận, ngôn ngữ học của W. Humboldt đã quan tâm đến các loại hình ngôn ngữ như đặc trưng tư duy và văn hóa của các tộc người. Ông đã tiên phong trong việc tìm các khu biệt loại hình ngôn ngữ với việc đưa ra khái niệm về các loại hình ngôn ngữ đơn lập, ngôn ngữ chắp dính và ngôn ngữ biến tố dựa trên phương thức cấu trúc từ. Đó là ba loại hình ngôn ngữ mà cho đến ngày nay khoa Loại hình học đã có nhiều nghiên cứu. Tiếng Việt, tiếng Trung Quốc là những ngôn ngữ rất điển hình cho loại đơn lập. Các ngôn ngữ biến tố chúng ta thấy phổ biến nhất là các ngôn ngữ châu Âu, đặc biệt là các ngôn ngữ thuộc hệ Slav. Riêng các ngôn ngữ chắp dính thì nằm trên một dải từ Thổ Nhĩ Kì đến Iran, Antai, Mongolia, Mãn Châu, Triều Tiên, Nhật Bản. Trên quan điểm lịch sử W. Humboldt có những nhận xét rất tinh tế về phương diện giải thích, tuy nhiên nhà ngữ văn Đức cũng có những mâu thuẫn học thuật và những hạn chế. Chẳng hạn, W. Humboldt cho rằng trong số các loại hình ngôn ngữ thì có loại tiên tiến và cũng có loại lạc hậu. Ngôn ngữ biến tố (tức là ngôn ngữ khuất chiết) vốn được coi là tiên tiến. Sau đó, các ngôn ngữ như tiếng Phạn và tiếng Latin cũng thuộc loại tiên tiến. Nhưng tiếng Hán thì thuộc vào loại lạc hậu. Ông bị một cách tiên nghiệm rằng ngôn ngữ phải có hình thái, sau đó mới đến phi hình thái. Điều này đưa ông tới nhận thức rằng các ngôn ngữ biến tố dần dần sẽ trở thành ngôn ngữ phân tích tính như tiếng Anh cổ và tiếng Anh sau này. Tiếng Hán không đi theo mô hình như vậy nên nó là dạng đặc biệt. Cách nhìn như thế, trên phương diện nào đó, vị tất là quan điểm có tính lịch sử. Trước W. Humboldt đã có nhà ngôn ngữ học cho rằng trên thế giới có hai loại ngôn ngữ, một bên là dựa vào cấu trúc hình thái của từ, một bên là dựa vào các trật tự của từ. W. Humboldt thì cho rằng, lúc đầu dùng một từ, một bloc, để biểu thị nghĩa, sau đó mới có thêm các phụ tố để nhằm cấu tạo và biểu đạt thêm các nghĩa. Buổi đầu là ngôn ngữ đơn lập, sau là ngôn ngữ chắp dính và cuối cùng mới phát triển thành ngôn ngữ biến tố (có hình thái). Cách nhận thức như thế dẫn đến các ngôn ngữ đơn lập là lạc hậu, ngôn ngữ hình thái mới tiên tiến (!). Cho đến nay chưa có bằng chứng nào để nói điều đó là xác thực. W. Humboldt là đại diện cho cả một thế hệ ngữ văn Đức. Ông cũng là đại diện cho một giai đoạn của ngôn ngữ học lịch sử nước Đức nửa đầu thế kỉ 19.
Giả thuyết Sapir – Whorf có nguồn gốc từ W. Humboldt.
E.Sapir, nhà ngôn ngữ học nhân chủng Mỹ, nổi tiếng với tác phẩm Ngôn ngữ luận (Language,1921)[3]. Theo Sapir : « Ngôn ngữ- Một chức năng văn hóa, không mang tính kế thừa, về mặt sinh học » và « Lời nói là một chức năng không có tính chất bản năng, do tập dượt mà có, ‘có tính chất văn hóa’ »[4]. Theo Sapir, ngôn ngữ là một chức năng văn hóa chứ không phản ánh văn hóa. Trên phương diện này, ông gần Tri nhận luận hậu kỳ hơn.
Cùng thời với Sapir còn có B.L.Whorf (1897-1941), nhà ngôn ngữ học xã hội Mỹ, tác giả của lý thuyết Tương đối ngôn ngữ học và thập kỷ ba mươi. Sự gần gũi của Whorf với Sapir trong nhận thức luận ngôn ngữ đã khiến cho lý luận của hai tác giả này trở thành Giả thuyết Sapir-Whorf (Sapir-Whorf Hypothesis) nổi tiếng. Theo đó thì những người bản ngữ của các ngôn ngữ khác nhau thì suy nghĩ khác nhau và tri nhận thế giơi và mối liên hệ trong những phạm trù phổ niệm như thời gian, không gian,.. khác nhau, bị chi phối bởi bản ngữ mà mỗi người sử dụng.
Tư duy chi phối ngôn ngữ qua văn học vì văn học là nghệ thuật lấy chất liệu từ ngôn ngữ. Trong từ ngữ có cả nền văn hoá, ví dụ: thơ Nôm mang hồn văn hóa thuần Việt, khác với thơ chữ Hán do cùng một tác giả Việt sáng tác, do có tiếp xúc văn hóa nên cái “ hồn” cũng khác ( Lấy trường hợp thơ của Nguyễn Du làm ví dụ).
Tiếp xúc ngôn ngữ khiến từ nửa sau thế kỷ 19 Việt Nam có văn xuôi mới, tiểu thuyết, biền ngẫu…). Thế kỷ 20 có hình thức văn xuôi mới theo kiểu châu Âu phát triển. Báo chí là hình thức đầu tiên phát triển, làm hoa tiêu cho văn xuôi mới tiếng Việt, từ đó góp phần tạo ra áp lực cho việc tự do hoá thi ca ( phong trào Thơ mới từ 1932). Cùng với văn xuôi mới, tự do trong thơ tạo nên sự mới mẻ của văn chương. Tư duy văn hóa và tư duy ngôn ngữ việt đều đã có điều chỉnh qua các sản phẩm ( báo chí truyền thông, ngôn ngữ văn xuôi, ngôn ngữ thơ mới,…)
Tự biến đổi các hình thái diễn đạt là do nội tại, xuất phát từ những nhu cầu bên trong, còn tiếp xúc ngôn ngữ thì mang lại cơ hội và cách thức đổi mới.Thế kỷ 20 tiếng Việt có sự biến đổi rất lớn do tiếp xúc văn hoá , theo đó bức tranh ngôn ngữ thay đổi hoàn toàn so với trước đó.
1.4.2 Mối quan hệ tam phân với các thành tố của cấu trúc ngôn ngữ
Ngôn ngữ là hệ thống lớn bao gồm nhiều hệ thống nhỏ, ngữ âm, từ vừng, ngữ pháp. Trong mỗi hệ thống đó lại có quan hệ, giá trị, cấp độ, đơn vị. Đặc trưng văn hoá và mối quan hệ với tư duy bản ngữ có mặt trong các quan hệ và giá trị ngôn ngữ.
Ngữ âm là sản phẩm của bộ máy phát âm và dao động vật lý. Khi nó được thực hiện bởi con người cụ thể nên có bản sắc riêng của cá nhân (âm sắc). Dấu hiệu để phân biệt ngôn ngữ là phương ngữ, phản ánh địa phương có giá trị bền vững và rõ nét. Văn hoá giao lưu thì ngôn ngữ cũng giao lưu, ngữ âm cũng thay đổi. Vốn từ vựng trong tiếng địa phương cho ta lai lịch về văn hoá, ví dụ: tre pheo (Mường); xe cộ ( Tây Nghệ An)
Từ đa nghĩa thể hiện cách nhìn đa dạng của người bản ngữ với sự vật. Tính từ tiếng Việt có tính ngữ dụng cao, luôn kèm theo nhận xét và nhận định của người nói. Người bản ngữ hoàn toàn sở hữu từ ngữ trong từ điển và sau đó là kho văn hoá, ví dụ: đũa cả.
1.4.3 Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy thể hiện trong đối tượng phản ánh và cách thức phản ánh.
Ngữ pháp tồn tại dưới dạng quy tắc, là thiết chế xã hội mà mọi người cùng tự nguyện thoả thuận và tham gia. Ngữ pháp là cái chung ít sự lựa chọn. Mỗi qui tắc ngữ pháp như một giọt nước trong đó có hình ảnh của văn hoá cộng đồng bản địa, ví dụ: tiếng Việt có lối đánh dấu văn hoá trong cấu trúc Đề-Thuyết:” Tôi thì tôi không thích dậy sớm ; Cái thằng này thì nó hỗn lắm; Em thì tên là Nguyễn Văn A
Ngôn ngữ vừa là thông tin để giao tiếp nhưng cũng là rào cản của thông tin và giao tiếp vì chứa đựng văn hoá. Văn hoá ngôn từ là cái rất khó truyền đạt sang ngôn ngữ khác, nhất là trong dịch thuật. Không ai có thể nói mạnh được khi biên dịch gặp phải những câu thơ đại loại như, ví dụ:
“ Bác già, tôi cũng già rồi,
Biết thôi thôi thế thì thôi mới là”
Hay: “ Rượu ngon, không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua”
Nguyễn Khuyến
1.4.4 Mối quan hệ giữa mô hình tam phân và lối hành ngôn
Ngôn ngữ luôn động, ngôn ngữ trong các diễn ngôn có sự hiện hữu của tư duy bản ngữ rất rõ. Ngôn ngữ dưới dạng hoạt động hiện ra qua các hành động ngôn từ: hỏi, trần thuật, phán đoán, cầu khiến,…
Các kiểu hoạt động ngôn từ luôn có biểu hiện riêng trong mỗi ngôn ngữ. Nhưng trong mỗi ngôn ngữ thường có biến thể của các kiểu hoạt động ngôn từ, theo đó, văn hoá giao lưu và lại khép kín, vừa hoà nhập vừa bảo thủ và có tính cát cứ. Văn hoá không ngừng phát triển và được gia cố trong ngôn sự phát triển của ngôn ngữ.
Nguồn: Tạp chí ĐHQT Hồng Bàng – Số 1 (04/2012)
Ảnh đại diện: BAN TU THƯ (vietnamhoc.net) thiết lập
Nguồn ảnh: http://www.apap.com.pa/