Bài viết – PGS.TS Sử học NGUYỄN MẠNH HÙNG
3.0 Quốc Sử Viện
3.1
Giáo sư Nghiêm Thẩm mở đầu bằng cách nêu lên lý do về sự cần thiết xây dựng một cơ quan chuyên về “Sử học viện”.
Theo Giáo sư – Việt Nam trước thời Pháp thuộc đã từng có “Quốc Sử Quán” (h.10) để tàng trữ nguồn tư liệu lịch sử có “bút phê” của nhà Vua và nguồn thư tịch có liên quan đến lĩnh vực lịch sử. Quốc Sử Quán còn đảm trách vai trò không chỉ hình thành Bộ Sử Việt Nam mà còn có nhiệm vụ đính chính các vấn đề chính sự. Bên cạnh đó, còn thu thập các nguồn tư liệu địa phương các tỉnh, các vùng miền để hình thành “Bộ dư địa chí”.
Khi đất nước mất chủ quyền (thực dân Pháp cai trị) thì Quốc Sử Quán đã mất vai trò lịch sử của nó. Công việc sưu tầm và lòng nhiệt huyết đã “bị” mờ nhạt hay bị “sao nhãng”. Đặc biệt, nguồn lịch sử thuộc phân khúc lịch sử cận hiện đại đã mất đi giá trị khách quan lịch sử mang tính “địa văn hóa” để nhường chỗ cho vai trò “địa chính trị” [1]. Đó là theo ý kiến riêng của chúng tôi.
3.2
Những tờ “Sớ” của một số quan lại triều Nguyễn phúc trình lên nhà Vua Tự Đức (h.11) về cuộc chiến tranh chống Pháp đã không còn được lưu trữ. Theo Giáo sư Nghiêm Thẩm – những người “sốt sắng” với chính phủ thuộc địa đã tự bộc lộ với những thái độ đối nghịch nhau – Một là tiêu cực mà hờ hững – Hai là tích cực mà hủy bỏ đi. Đặc biệt, trong số đó nguồn tài liệu nói đến quá trình bang giao với Pháp lấy ra từ nguồn: “Đại Nam Hội Điển Sự Lệ” (h.12) cũng đều bị hủy mà không để lại một “tì vết” nào!
Đó là chưa đề cập đến các nguồn “tài liệu mật” đã “bị” chuyển về Pháp mà Giáo sư để lại sau một cảm nghĩ “họ đã tỏ ra có quyền lực để làm theo cách đó ở bán đảo Đông Dương này”.
3.3
Từ năm 1900, người Pháp đã thành lập “Học viện Viễn Đông” – gọi chính danh là École Française d’Extrême-Orient để thay cho tên gọi Mission Archéologique de l’Indochine do chính phủ thuộc địa thành lập trước đó vài năm.
Theo Giáo sư – cơ quan này chuyên về “khảo cổ” và “bảo tồn cổ tích”, và cũng thực hiện một số công cuộc khảo cứu về “Nhân chủng học”. Do đó, giai đọan từ 1900 đến 1954 – hơn nửa một thế kỷ một chút. Công việc khảo cứu về “lịch sử Việt Nam” đã mờ nhạt. Đến năm 1950, chính phủ Việt Nam, khi ấy Bác sĩ Phan Huy Quát (h.13) làm Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục đã trao đổi – thực ra là đã điều đình để “thu hồi” lại một phần vai trò của Học Viện Viễn Đông của Pháp mà một bộ phận trí thức như đã nói trên gọi là Trường Bác Cổ để hình thành: “Sở Quốc gia bảo tồn cổ tích”.
3.4
Tuy nhiên, Học viện Viễn Đông (h.14) chỉ co cụm vào các hoạt động mang tính khảo cứu.
Đến năm 1956, khi Viện Khảo cổ được thành lập đã thể hiện vai trò “sưu tầm” các nguồn Khảo cổ học và Nhân chủng học trong nước. Tuy nhiên, phần khảo cổ về văn minh và lịch sử cũng được quan tâm tại Ba xứ: Nam kỳ, Bắc kỳ, Trung kỳ) và 2 xứ Đông Dương thuộc Pháp là Cam-bốt, Ai Lao. Tuy thế, công việc còn có thêm một xứ bên cạnh là Thái Lan. Từ đây, Sở Quốc gia bảo tồn cũng thuộc phạm vi hoạt động của Viện Khảo cổ. Đây là Viện hoạt động song hành với Học viện Viễn Đông của Pháp.
Tuy nhiên, vai trò của Viện Khảo cổ không đặt trọng tâm vào vai trò lịch sử (xem như phụ thuộc) – nghĩa là chỉ lo “bảo tồn các cổ tích” trong nước như một loại Văn Khố. Công việc bảo tồn này đã được Giáo sư Nghiêm Thẩm bày tỏ trên Tạp chí Quê Hương (số 39 tháng 9/1962 – trang 66 ~ 83) (hình) mà chúng tôi có sưu tập được như chứng cứ lịch sử – con đẻ của Văn Khố – mà một nhà nghiên cứu phương Tây đã nói như thế là gì?
3.5
Từ đây, ngành khảo cứu của Viện Khảo cổ mà chúng tôi nhận thấy như còn để lại một “lỗ hổng” về lịch sử. Do đó, một số cơ quan được hình thành như để “lấp đầy” các “lỗ hổng” đó. Chúng ta có thể kê khai:
– Nha Văn hóa
– Sở Tu Thư dịch thuật
– Ủy Ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam (thuộc Viện Đại học Huế)
3.6
Cuối cùng, vai trò của Viện Khảo cổ còn có chức năng “phiên dịch các nguồn lịch sử Việt Nam”. Như vậy, tất cả hầu như lấy công tác phiên dịch để nuôi đội ngũ khoa học trong Viện Khảo cổ – theo lời biên giải của Giáo sư Nghiêm Thẩm chính thức được công bố.
Công việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam tại miền Nam Việt Nam phải nói thật ra là không có hệ thống, không có chương trình khảo cứu. Do đó, các nhà khảo cứu đã hoạt động tùy tiện, tùy khả năng, tùy cảm hứng cá nhân. Đây không phải là nhận xét mang tính cách riêng tư thiếu tấm lòng trắc ẩn về một phân khúc lịch sử mà chúng tôi đã từng sinh sống và lớn lên trong thời kỳ đó – mà chính là nhận xét của một bộ phận lớn trí thức Sài Gòn.
3.7
Trong khi đó, theo Giáo sư – miền Bắc Việt Nam đã thành lập nên Viện Sử học. Nơi đây đã dịch xong nhiều Bộ sử Việt Nam. Giáo sư có nêu tên Viện Đại học Keio tại Kyoto (h. 15) Nhật Bản lúc này đang cho in Bộ Đại Nam Thực Lục (chữ Hán: 大南寔錄) (h. 16) và Hội nghiên cứu Ấn độ China tại Tokyo sẽ xuất bản Bộ Đại Nam Nhất Thống Chí (chữ Hán: 大南一統志) (h.17). Được biết riêng, đại học Keio tại Kyotođđđược giáo sư Kawamoto mua về cho trường một phần bản khắc gỗ của Henri Oger mà giáo sư đã mua lại của bà góa phụ H.Oger tại Paris. Giáo sư Kawamoto là bạn của GS Nguyễn Mạnh Hùng người viết bài này đã hợp tác cùng giáo sư để hiệu đính Bộ từ điển Việt Nhật do giáo sư Kawamoto chủ biên.
Còn công trình của H.Oger, GS Nguyễn Mạnh Hùng lúc còn đang giảng dạy tại đại học Osaka – Nhật Bản (1988 – 1992) cung cấp thêm tư liệu cho Ông để Ông xin tài trợ Toyota Foundation để tập trung công bố luận án Tiến sĩ Sử học của Ông về đề tài nói trên mà thầy Hùng từ chối. Về công trình của H.Oger, Thầy Hùng đã báo cáo đầy đủ cho GS. Phan Huy Lê từ những năm 1992. Sau này có hai người Pháp tự nhận là đã phát hiện công trình nói trên và đã tiếp xúc với giáo sư Kawamoto để mua lại là vấn đề “cơ hội” ở vai trò “sở hữu trí tuệ”. Đặc biệt là Giáo sư Nghiêm Thẩm có đưa thông tin là Viện Đại học Harvard Hoa Kỳ đã sở hữu bộ vi ảnh các Châu Bản Triều Nguyễn (h.18). Chúng tôi được biết chính Đại học Huế lúc ấy đã xuất bản Mục lục các Châu Bản Triều Gia Long in năm 1960 – Triều Minh Mạng in năm 1962 – An Nam Chí Lược (chữ Hán 安南志略)in 1961 (h.19). Riêng Nha Văn hóa đã dịch được toàn bộ Đại Nam.
Nha Văn hóa cũng đã dịch xong Bộ Đại Nam Nhất Thống Chí (1959 – 1962).
Viện Khảo cổ dịch được 2 quyển đầu (1960 -1965) của Bộ Khâm định Việt sử Thông dám Cương mục (chữ Hán: 欽定越史通鑑綱目) (h.20). Bộ sử này gồm 53 quyển. Ngoài ra, còn một số tác phẩm khác cũng đã được phiên dịch
– Hồng Đức bản đồ (1962) (h.21)
– Hoàng Việt Giáp Tý niên biểu (1963) (h.22)
– Bản triều Bạn nghịch Liệt truyện (本朝叛逆列傳) (1963)
3.8
Giáo sư Nghiêm Thẩm có than phiền là miền Nam Việt Nam chưa theo truyền thống cha ông của Quốc Tử Giám để sưu tầm các nguồn sử liệu Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần in lại Bộ Sử Việt Nam.
Ông nhìn qua nước Đại Hàn mà tủi phận. Còn hơn thế nữa! Nhật Bản đã cho in Bộ Sử Việt Nam để phổ biến không chỉ trong các trường đại học mà còn đưa ra ngoài công chúng là những nhà học thức có quan tâm đến Việt Nam. “Còn đất Việt Nam đã được độc lập đã chưa kịp nghĩ đến việc cho ấn hành lại nguyên bản các Bộ Sử cổ điển của dân tộc mình” – Giáo sư tự hỏi!
3.9
Theo Giáo sư Nghiêm Thẩm – Ông đưa ra kiến nghị chính thức với lập luận như sau:
– In lại nguyên bản lịch sử Việt Nam với toàn văn chữ Hán có thể giúp cho các học giả trên thế giới thông thạo chữ Hán hiểu được rõ ràng.
– Nếu được dịch ra tiếng Việt thì công dân Việt Nam có thể đọc được. Như vậy, cả hai nguồn tư liệu bản gốc và bản dịch đều phục vụ được cho đông đủ nhiều thành phần trong xã hội thời ấy!
In lại các Bộ Sử nào? Một câu hỏi đã được đặt ra!
Thánh địa Việt Nam học còn tiếp tục theo dõi thay cách nhìn của Triết Văn học sử – mà không nhìn theo địa hình chính trị học.
__________
[1] Các cụm từ “địa văn hóa” hay “địa chính trị” do chúng tôi tự đưa vào. Ngày ấy, tại miền Nam Việt Nam chưa xuất hiện các cụm từ nói trên – trên diễn đàn thông tin. Tuy nhiên, ý kiến của Giáo sư Nghiêm Thẩm đã mô tả mà chúng tôi nhận xét – như đã theo cách suy tư đó.
Một số hình ảnh minh họa cho nội dung bài viết sẽ được cập nhật thêm vào ngày mai!
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)