NGUYỄN THỊ THU HIỀN
1. Sự hình thành của làng nghề
Làng nghề đá Bửu Long trải dài theo đường Huỳnh Văn Nghệ thuộc phường Bửu Long, dọc theo sông Đồng Nai. Những người Hoa bang Hẹ từ Trung Quốc đến sinh sống đã hình thành nên làng nghề và phát triển cho đến ngày nay. Nhiều thế hệ gia đình của người Hoa duy trì nghề truyền thống này với những cơ sở được phát triển, than gia nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật ở Nam Bộ. Nghề được truyền theo kiểu cha truyền con nối với những bí quyết trong các công đoạn chế tác sản phẩm. Những người làm nghề điêu khắc đá đòi hỏi sự cẩn trọng,tính kiên trì, cần cù, tỉ mỉ và sự sáng tạo với tính mỹ thuật cao.
Sản phẩm điêu khắc từ làng nghề Bửu Long rất phong phú, chúng có mặt hầu hết trong các gia đình từ vật dụng, đồ dùng sinh hoạt (cối đá, ly, chén, bình đựng, bộ cờ….), các cấu kết kiến trúc trong nhà ở, chùa chiền, đình miếu (tán cột, kèo ngang….) hay các mảng trang trí, đồ thờ cúng (bát nhang, lư hương, đèn, mảng hoa văn, tượng linh thú…) trong tín ngưỡng, tôn giáo (tượng thờ, khám thờ, linh vị, bia, nhà mồ….). Tùy theo tính chất, công năng của của từng loại sản phẩm, nghệ nhân thực hiện đề tài chạm khắc phù hợp, mang tính mỹ thuật.
Nghề làm đá Biên Hoà nổi tiếng từ mấy trăm năm trước. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức chép: “Ở đầu phía tây Cù Lao đại phố, lúc đầu khai thác, tướng quân Trần Thượng Xuyên chiêu tập người buôn nước Tàu đến kiến thiết phố xá, mái ngói tường vôi, lầu cao quán rộng, dọc theo bờ sông liên lạc tới năm dặm, chia vạch ba đường phố, đường phố lớn lót đá trắng, đường phố ngang lót đá ong, đường phố nhỏ lót gạch xanh, đường rộng bằng thẳng”1.
Người Pháp cũng đã nhắc đến nghề khai thác đá ong ở Biên Hòa từ cuối thế kỷ XIX. Người Việt đi khẩn hoang mang theo kỹ thuật khai thác đá ong từ trung du Bắc Bộ vào Đồng Nai rất sớm. Đá ong lót đường ở Cù Lao Phố là những chứng tích rõ ràng. Làng cổ Bình Đa có bến Đá, nơi ghe thương hồ các nơi đến ăn hàng là sản phẩm đá ong chở đi bán cho cả vùng đất phương Nam vài ba trăm năm trước. Monogrphie de la province Bienhoa (1901) cho biết: “Cả tỉnh có 150 hầm đá đặc biệt ở các làng Bình Ý, Tân Phong, Nhựt Thạnh, Tân An, Tân Bản, Bình Đa, Tân Mai, Vĩnh Cửu, Bình Dương, Long Điềm, Phước Tân, An Lợi, Phước Kiểng. Người Việt khai thác các hầm đá ong đem lại lợi nhuận cho các nhà thầu khoán Âu hay Tàu. Đá Biên Hoà dùng vào vài kiến trúc (mộ, tường rào, bến sông…), còn đá vụn dùng trải đường hoặc lát đường tuyệt hảo, …”2.
Nghề khai thác đá xanh vốn đã có từ lâu trên vùng đất Đồng Nai xưa, nhưng cho đến năm 1885, mạng lưới đường bộ và đường sắt được mở mang, nhiều công sở được xây dựng thì nghề làm đá xanh, hoa cương (granit) phát triển. Đá xanh làm đường ở Cù Lao Phố lấy từ núi Lò Gốm (núi Bửu Phong hay đồi Lò Gạch). Monogrphie de la province Bienhoa viết: “Tất cả các hầm đá đều khai thác lộ thiên. Nhà thầu khoán được tự do làm, chỉ phải chịu chi phí sửa và duy tu đường vì việc chuyên chở của họ dẫn đến việc xuống cấp… 80 cái ở các làng Bạch Khôi, Bình Điện, Tân Lại, Bình Thạch, Bình Trị. Việc khai thác nằm trong tay hơn 400 người Tàu…”3.
Người Việt đầu tiên làm nghề khai thác đá xây dựng là ông Võ Hà Thanh (1876-1947), người Quảng Ngãi. Ông đã mở hầm khai thác đá xây dựng và làm ăn rất phát đạt. Cầu Hang là công trình do Võ Hà Thanh trúng thầu xây dựng (cầu trên quốc lộ 1A) năm 1902-1903. Sau này, nhiều người tham gia vào việc mở hầm khai thác đá hoa cương (granit) ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh Biên Hoà như: Bình Thạch, Hoá An, Bửu Hoà, An Giang, Bà Rịa, Tây Ninh… Song vùng Bửu Long của Biên Hoà được biết đến như là cái nôi của nghề đá ở Đồng Nai – Gia Định với lịch sử mấy trăm năm từ khi hình thành thương cảng Cù Lao Phố.
Trải qua hơn ba thế kỷ tồn tại, nhiều thăng trầm làng nghề đá Bửu Long đã sản sinh ra nhiều nghệ nhân tài hoa như Hà Kiều, Dương Văn Hai, Ngụy Đức Mỹ, Phạm Thành Đẩu… Nhiều công trình kiến trúc trên đất Biên Hòa (miếu Tổ sư/ chùa Bà thiên Hậu, Thất phủ cổ miếu/ Chùa Ông, Văn miếu Trấn Biên) và nhiều cụm tượng đài ở các địa phương trên cả nước có sự đóng góp của bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đá Biên Hoà.
2. Tục thờ Tổ nghề đá
Cộng đồng những người làm nghề đá ở Bửu Long xây dựng một ngôi miếu để thờ Tổ nghề. Hiện nay, ngôi miếu tọa lạc thuộc địa bàn tổ 30, khu phố 5, đường Huỳnh Văn Nghệ phường Bửu Long. Những vị cao niên trong làng cho rằng, miếu được cộng đồng người Hẹ xây dựng từ thế kỷ thứ XVII. Ban đầu, ngôi miếu được xây dựng thấp nguyên vật liệu chủ yếu là loại đá khai thác tại vùng Bửu Long. Năm 1894, khi trùng tu, người Hẹ đã cơi nới thêm phần vách tường, đồng thời toàn bộ kiến trúc miếu cũng được mở rộng, nâng cao. Dấu tích mái tường cũ của miếu vẫn còn lưu lại khá rõ nét. Kiến trúc hiện tồn của miếu theo lối hình chữ công, xung quanh có tường bao tạo kiểu “nội công ngoại quốc”; mặt tiền hướng về phía sông Đồng Nai. Gian điện chính dùng vào việc thờ phụng, bên trái thờ các vị tiền bối, hai bên phải dùng làm nhà khách. Đây là một kiến trúc tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ đá của người Hoa bang Hẹ ở Biên Hòa. Ban đầu, những người Hẹ làm nghề đá chỉ dựng miếu thờ tổ của nghề là Ngũ Đinh, sau đó mới thờ các tổ nghề liên quan. Năm 1967, dân làng rước linh vị bà Thiên Hậu ở miếu Cây Quăn phía bờ sông Đồng Nai tùng tự nên miếu có danh xưng: Thiên Hậu cổ miếu.
Đối tượng thờ chính tại miếu gồm: Ông Ngũ Đinh – tổ nghề đá, ông Lỗ Ban – tổ nghề mộc, ông Uất Trì – tổ nghề rèn. Hồ sơ về di tích miếu Tổ sư nghề đá dẫn từ nhiều nguồn tài liệu cho biếtvề thân thế của ba vị tổ sư được thờ tại đây gồm: ông Ngũ Đinh là một lực sĩ lớn mạnh, người nước Thục, sống vào đời Tiên Tần. Tuy không phải là ông tổ nghề đá, nhưng ông có công trong việc cùng sáng lập nghề nghiệp, và có lẽ do có sức khỏe nên người Hoa tôn vinh ông là vị Tổ nghề đá. Sinh thời ông được vua phong chức Thái Tử Thiếu Bảo. Về tổ nghề mộc được phối thờ là Lỗ Ban. Lỗ Ban tên thật là Công Thâu Ban hay Công Thâu Tử, là người nước Lỗ nên người dân thường gọi ông là Lỗ Ban. Ông sống vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, sau khi truyền nghề lại cho thế hệ sau, Lỗ Ban được coi là người thợ khéo của thiên hạ (thiên hạ chí tinh xảo). Một số tích truyện cho rằng, từ thuở hồng hoang, con người phải sống trong hang đá như những bầy thú, trời thương dân nên bèn sai một vị nữ thần xuống trần dạy mọi người làm nhà để ở. Bà không nói cho dân chúng nghe, cũng không làm cho dân chúng bắt chước mà chỉ kín đáo ra hiệu bằng cách đứng thẳng người, hai tay chống nạnh vào hông gợi ý làm cái cột và kèo: Bà lấy lá dứa cứa vào tay gợi ý làm cái cưa… Có rất nhiều người nhìn Bà nhưng không hiểu ý nhưng hai anh em tên Lỗ Ban và Lỗ Bộc lãnh hội được ý nghĩ sâu xa ấy mà chế ra các dụng cụ như: cưa, đục, thước để làm các kiểu nhà mà Bà đã dạy. Nghề mộc ra đời từ đó, các thợ mộc sau này tôn vinh ông Lỗ Ban là tổ nghề. Về Tổ nghề rèn là ông Uất Trì, sống trong thờ nhà Đường ở Trung Quốc (627 – 649). Ông được cho là người sáng tạo ra các nông cụ như: cày, cuốc, đục… giúp cho người dân canh tác hiệu quả, rèn nhưng binh khí góp phần cho quân lính nhà Đường dẹp loạn xâm lăng. Với công lao đóng góp đó của Uất Trì, ngay khi còn sống, người dân đã tôn vinh ông là vị Tổ nghề rèn.
Trong chánh điện miếu, gian giữa thờ Tam vị Tổ sư được tạc bằng đá xanh, bài trí: chính giữa là ông Ngũ Đinh/ tổ nghề đá, bên phải ông Lỗ Ban/ tổ nghề mộc, bên trái ông Uất Trì/ tổ nghề rèn. Áo trang trí hoa văn theo kiểu quan võ, bên ngoài khoác xiêm y thêu kim tuyến đính kim sa hình rồng, phượng với đủ màu sắc. Hai bên khám thờ là cặp liễn đối được khắc chìm trong đá, dát vàng lá với nội dung: Diệu thủ tu thành kim bửu điện, Tinh công xảo tạo ngọc long lâu. (Tạm dịch: Bàn tay khéo léo của Tổ sư đã xây dựng ngôi điện vàng ngọc; Việc làm tinh xảo, xây dựng khéo léo tạo nên ngôi miếu xinh đẹp như con rồng bằng ngọc) (theo hồ sơ di tích Miếu Tổ sư, Ban Quản lý di tích danh thắng Đồng Nai).
Do phối thờ bà Thiên Hậu, ông Quan Thánh nên hằng năm, tại miếu Tổ sư tổ chức những ngày lễ vía liên quan như sau: vía Thiên Hậu (23/03 âm lịch), vía Quan Thánh (24/6 âm lịch), vía Tam vị Tổ sư (13/6 âm lịch). Đặc biệt, đáo lệ 3 năm một lần, miếu tổ chức lễ hội làm chay để tưởng nhớ đến ba vị Tổ nghề, Thiên Hậu Thánh Mẫu và Quan Thánh Đế Quân kéo dài 4 ngày, từ ngày 10/6 đến ngày 13/6 âm lịch, thu hút đông đảo người tham dự trong và ngoài địa phương.
Ngoài thời gian chuẩn bị trong năm, trong lễ hội, tại miếu Tổ sư được trang hoàng rực rỡ. Chương trình lễ hội khá phong phú, được thực hiện trong từng ngày cụ thể:
– Ngày thứ nhất (10 tháng 6 âm lịch) khai lễ làm chay, bao gồm các nghi thức: khai lễ chiêu thỉnh Chư thần, lễ Khai đàn – khai quang điểm nhãn, đãi chay, biểu diễn võ thuật, ca kịch, lân sư rồng.
– Ngày thứ hai (11 tháng 6 âm lịch): khai lễ cầu an, bao gồm các nghi thức: khai kinh cầu an, lễ Ngọ môn đáp tướng, đãi chay, biểu diễn võ thuật, lân sư rồng.
– Ngày thứ ba ( 12 tháng 6 âm lịch) chánh lễ làm chay, bao gồm các nghi thức: khai bảng, hội thỉnh lồng đèn, lễ phóng thủy đăng, lễ lập đàn chay, làm lễ bắc cầu, đãi chay, biểu diễn ca kịch, lân sư rồng.
– Ngày thứ tư (13 tháng 6 âm lịch) kết lễ làm chay, bao gồm các nghi thức: Lễ cúng thí, xô giàn, cúng nhả mặn, đãi cơm chay, biểu diễn ca kịch, lân sư rồng.
3. Tạm kết
Sự hình thành các làng cổ, các làng nghề ở ven sông Đồng Nai khá nhiều, trải qua nhiều giai đoạn. Vùng Cù lao Phố – giữa hai nhánh sông Đồng Nai cũng có nhiều ngành nghề mà sản phẩm khá đa dạng đã góp phần tạo nên hàng hóa, cung ứng cho sự buôn bán khá sầm uất của thương cảng này trong lịch sử phát triển Biên Hòa xưa. Tuy nhiên, các nghề thủ công cũng dần mai một theo thời gian do nhiều yếu tố xã hội tác động. Nghề làm đá ở Bửu Long hình thành sớm với sự cộng cư của người Hoa, người Việt, tạo thành làng nghề độc đáo, khá nổi tiếng ở cả Nam Bộ. Cùng với sự phát triển của làng nghề, sự hình thành tổ chức trong làng nghề và hình thức tín ngưỡng thờ Tổ nghề đã góp phần cho nghề truyền thống được duy trì, gắn kết để phát triển. Thiết chế tín ngưỡng thờ Tổ nghề đá ở Bửu Long có sự tùng tự các đối tượng dân gian khác đã làm cho sinh hoạt văn hóa của làng nghề trở nên đa dạng. Lễ hội thờ Tổ nghề đá Bửu Long là một nét sinh hoạt thu hút đông đảo người tham dự không chỉ của làng nghề mà gắn kết các cộng đồng cư dân tại Biên Hòa và các khu vực lân cận. Nơi thờ Tổ nghề của làng đá Bửu Long với giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đã được xếp hạng di tích lịch sử của tỉnh Đồng Nai./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trịnh Hoài Đức (2001),Gia Định thành thông chí,Lý Việt Dũng dịch, Huỳnh Văn Tới hiệu đính, Nhà xuất bản Đồng Nai, tr.238.
2. Phan Đình Dũng, Nguyễn Thanh Lợi (2010),Hỏi đáp về Biên Hòa-Đồng Nai, Nhà xuất bản Đồng Nai, tr 444 – 445.
3. Nguyễn YênTri (2002),Làng nghề đá Bửu Long, Nhà xuất bản Đồng Nai, tr.43.
Nguồn: VNĐN số 36 – tháng 03 & 04 năm 2020
Trích dẫn: Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai
Việt Nam Học
(https://vietnamhoc.net)
Ảnh đại diện: Đá xanh Bửu Long với những đặc trưng nổi trội – Ảnh: Mk. Thành.
Ảnh chỉ mang tính chất tô điểm. Tone màu ảnh: Nocturnal.