Tôi đi tìm NGUYỄN DU

Tôi đi tìm NGUYỄN DU

NGUYỄN THẾ QUANG1

    Là một người Xứ Nghệ mê văn chương được làm công việc giảng dạy văn học ở trường phổ thông, tôi say sưa giảng cho các em Truyện Kiều và một số bài thơ chữ Hán của Thi hào NGUYỄN DU. Càng dạy, càng đọc, càng tìm hiểu về Cụ, tôi càng kính phục cốt cách và tài năng của Tiên sinh và càng muốn viết một cuốn sách về Người. Vì thế năm 2003, nghỉ hưu, tôi bắt tay vào thực hiện ý định viết Tiểu thuyết Nguyễn Du.

   Tôi hăm hở sang Nghi Xuân2, ra Thăng Long, về Thái Bình4, vào Huế… tìm hiểu những vùng mà NGUYỄN DU đã từng sống, vùi đầu vào nghiên cứu lịch sử đương thời, đọc đi đọc lại Thơ chữ Hán của NGUYỄN DU… mong tìm được cốt cách chủ yếu nhà thơ lớn đã viết nên Truyện Kiều bất hủ. Chân dung NGUYỄN DU dần dần hiện rõ…

   Thế nhưng càng đi, càng tìm hiểu tôi càng cảm thấy mình chưa hiểu NGUYỄN DU được bao nhiêu! Một câu hỏi thường xuyên được đặt ra trong tôi:  Đâu là cốt cách chủ yếu của con người NGUYỄN DU? Vì thế tôi tiếp tục đi… Giữa năm 2004, tôi đến Quảng Bình5 – mảnh đất mà NGUYỄN DU làm Cai bạ – đứng đâu quan lại của tỉnh này từ năm 1809-1813, để tìm hiểu văn hóa nơi đây và mong được biết rõ hơn chân dung của Người.

   Giữa trưa hè nắng lửa, đứng ở cửa sông Nhật Lệ6 ngắm “Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia,” tần ngần trước “Quảng Binh quan”, nhớ tâm sự người xưa “Kim cổ nhàn sầu lai túy hậu / Thuần lô hương tứ tại thu tiên” (Sau khi say càng buồn nỗi sầu kim cổ, muốn về quê với rau thuần, cá vược – Dạ Tọa – Nam trung Tạp ngâm), tôi nghĩ đến bao bể dâu dâu bể, quay nhìn bốn phía non nước mênh mang biết tìm người xưa ở đâu?! “Phải tìm bằng được người nào am hiểu sâu sắc văn hóa nơi đây”, với suy nghĩ đó tôi nghĩ đến cụ NGUYỄN TÚ7 – nhà nghiên cứu văn hóa lớn của Quảng Bình5, người đã có hơn chục công trình về văn hóa nơi đây, đã đoạt đến sáu giải thưởng trong đó có một giải Bông sen trắng của Hội Văn hóa Nghệ thuật Bình Trị Thiên8, ba giải A, giải thưởng Lưu Trọng Lư9 của tỉnh Quảng Bình5, một giải A và một giải B của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam10. Tôi đến nhà cụ NGUYỄN TÚ khi trời đã sang chiều. Nhìn thấy cụ già nhỏ nhắn, râu toac bạc trắng mà đôi mắt sáng tinh anh dưới vầng trán rộng toát lên vẻ đẹp trí tuệ nhân từ, tôi biết mình đã tìm được bạc quý nhân. Biết tôi là nhà giáo Xứ Nghệ vào đây để tìm hiểu văn hóa Quảng Bình5, cụ rất vui. Cụ say sưa nói với tôi về đất nước và con người quê hương mình… Khi biết tôi có ý định viết tiểu thuyết về NGUYỄN DU mắt cụ sáng lên. Cụ nói về Nguyễn Huệ, về Gia Long, về Thơ chữ Hán của NGUYỄN DU viết về Quảng Bình5… Cụ muốn tôi viết lên những điều mà sách nghiên cứu lịch sử chưa nói được. Dù đã học nhiều, đọc nhiều mà tôi vẫn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về sự hiểu biết sâu sắc, những lý giải mới mẻ, táo bạo của cụ. Chợt cụ hỏi tôi:

  • Ngàn Hống11 có còn nhiều cây nữa không?
  • Thưa cụ. Ngàn Hống cây vẫn nhiều, thông càng ngày càng lớn?
  • Thế con cháu NGUYỄN DU có nhiều người làm quan không?

   Tôi chợt nhớ câu ca: “Bao giờ Ngàn Hống hết cây/ Sông Rum hết nước họ này hết quan”. Giờ đây Ngàn Hống cây vẫn xanh um, nước sông Lam (đoạn qua quê Nguyễn Du xưa gọi là sông Rum) nước vẫn dào dạt mà con cháu NGUYỄN DU bám trụ nơi này hay tha phương nhiều nơi vẫn không có ai làm quan. Đó là điều mà tôi cũng như rất nhiều người băn khoăn, thường hỏi nhau mà chưa có câu trả lời. Tôi đem điều đó nói với cụ. Với vẻ trầm tư, cụ trầm ngâm nói với tôi:

  • Đây là điều bí ẩn không dễ giải đáp. Năm mươi tám năm về trước Cụ Nghè Mai (dòng dõi họ Nguyễn Tiên Điền, gọi Nguyễn Du là bậc tổ bá, đậu Tiến Sĩ khoa Giáp Thân 1904) đã nói với tôi. Tôi chưa nói với ai. Giờ đây tôi đã ở tuổi tám mươi tư, gặp anh là nhà giáo Xứ Nghệ, có tâm quý với Cụ NGUYỄN DU (tôi vừa chuyển cho Khu Lưu niệm Nguyễn Du ở Nghi Xuân bản Kiều Nôm cổ nhất -1866 – của gia đình tôi), tôi sẽ kể để anh biết.”

   Tôi lắng nghe từng lời Cụ nói:

–  “Năm 1947, là Chính trị viên của Tỉnh đội Quảng Bình, tôi bị thương phải ra vùng tự do để điều trị. Tôi ở xã Xuân Thành huyện Nghi Xuân hai năm, thường lên Tiên Điền chơi. Tôi tìm đến Cụ Nghè Mai. Có chút ít Hán học, mê văn chương, ham học hỏi, quan hệ giữa hai người ngày càng gắn bó. Khi đã quý tin nhau, tôi hỏi Cụ: Sau khi thi đậu Tiến sĩ, sao Cụ không ra làm quan?”

   Cụ Nghè Mai nhìn tôi một lát rồi nói: “Thời thế càng ngàỵ càng khác, tôi không thích làm quan, Cụ Tố Như cũng như các tổ bá, tổ thúc của tôi cũng không muốn cho con cháu làm quan.”

   Rồi cụ Nghè kể cho tôi hay: “Tổ tiên của chúng tôi quê gốc ở Thanh Oai, trấn Sơn Nam thượng, sau thời Lê-Mạc trốn vào Tiên Điền. Ông tổ của chúng tôi là ngài Nam Dương hầu NGUYỄN QUẬN làm thuốc giỏi cứu giúp được nhiều người, con cháu các đời sau nhiều người cũng làm thầy thuốc. Đến đời thứ 5 Lĩnh Nam tiên sinh NGUYỄN QUỲNH gặp được NGÔ PHU TỪ người Giang Tây12 tự CẢNH PHƯỢNG (Cháu ngài NGÔ CẢNH LOAN – bậc quốc sư về Địa lý) tìm được phần đất có vị thế tốt: Phía trước có nguồn mạch nước triền miên tự Ngàn Hống chảy về hội tụ cùng Thanh Long giang (tên cũ của sông Lam) trong thế Rồng chầu, Hổ phục13. Sau khi an táng hài cốt của tổ phụ, ngài sai đặt hai trụ lớn có hai vòng sắt to “để sau các Quận công ve cột voi”. Quả nhiên sau đó con cháu đỗ đạt, nhiều người làm quan lớn, có hai Quận công là cụ NGUYỄN NGHIỄM (thân phụ thi hào NGUYỄN DU) – Tể tướng đương triều được phong tước Xuân Quận công và con là NGUYỄN KHẢN – Thượng thư bộ Lễ được phong tước Toàn Quận công, rồi lớp lớp con cháu nhiều người đậu đạt ra làm quan. Câu ca “Bao giờ Ngàn Hống hết cây…” ra đời từ đó. Lê triều đổ, Triều Nguyễn Tây Sơn tan, triều Nguyễn Gia Miêu lên, con cháu họ Nguyễn – Tiên Điền đều có nhiều người ra làm quan. Cụ NGUYỄN DU đi thi hương mới vào tam trường14 mà vẫn được làm tri huyện rồi tri phủ… miễn cưỡng làm quan vừa làm vừa gật mà vẫn lên đến Hữu Tham tri bộ Lê hàm Chánh tam phẩm14. Thế nhưng trải qua gần hai mươi năm ở chốn quan trường, Cụ hiểu được nhiều điều. Cuối đời, Cụ xin nghỉ sáu tháng nói là về quê để tu sửa phần mộ tổ tiên. Thế nhưng Cụ lại cho đào một con mương trước phần mộ tổ họ Nguyễn, cắt ngang dòng mạch từ Ngàn Hống về, không cho tụ lại mà chảy tuột ra sông Lam. Có thầy địa lý – hậu duệ của cụ Tả Ao15 giỏi phong thủy thấy thế liền hỏi:
–   “Bẩm đại quan. Sao Ngài lại cho đào con mương này?”
–    “Để con cháu khỏi mắc trọng bệnh.
–    “Dạ thưa: bệnh gì ạ?

Cụ Nguyễn Du điềm tĩnh nói: 
–    “Bệnh Gù lưng!

Thầy địa lý lặng người đi, mãi sau mới nói: 
–    “Bẩm đại quan. Ngài là bậc túc nho, làm quan đến bậc Á khanh15, nhiều năm ở chốn cung đình, trải qua Nam – Bắc quốc, ngài quyết như vậy là có nguyên cớ sâu xa tự ngàn xưa mà nghĩ đến cả mai sau, kẻ quê mùa này xin bái phục.”

    Quả thật sau đó con cháu họ Nguyễn chúng tôi nhiều người thi đậu không ra làm quan. Tôi cũng không ra làm quan!

    Cụ NGUYỄN TÚ dừng lại. Gió Nam Lào ào ào qua rặng tre. Chúng tôi lặng im hướng về người xưa. Tôi bổng nhớ đến câu thơ của NGUYỄN DU khi làm quan ở HuếVô bệnh cố câu câu” (Thu chí) – không bệnh mà cứ cúi lom khom. Đó cũng chính là mối sầu kim cổ của NGUYỄN DU. Thì ra con người TỐ NHƯ là vậy, suốt đời đau nỗi đau phải làm một viên quan nô lệ của của chế độ quân chủ phong kiến độc quyền, suốt đời khao khát và muốn làm người tự do không phải chỉ cho mình mà còn cho cả con cháu mai sau… Tôi đã hiểu được cái lớn lao trong tâm hồn và tư tưởng của NGUYỄN DU. Tôi nói với Cụ NGUYỄN TÚ điều đó. Cụ gật đầu và chậm rãi nói tiếp:

–    “Điều cụ Nghè Mai nói với tôi là có thật. Việc cụ NGUYỄN DU làm tôi tin là có thật. “Con cháu cụ hiện nay không có ai làm quan như anh cho biết là có thật. Nhưng có phải vì Cụ Nguyễn làm vậy mà nên vậy không thì ta chưa khẳng định được. Thế nhưng từ việc làm đó ta hiểu được nhiều về cốt cách của bậc tiền bối.”

    Tôi dè dặt thưa với Cụ NGUYỄN TÚ:

–    “Quyền lực triều Nguyễn thời vua Gia Long ghê gớm làm vậy, gia cảnh của tiên sinh nghèo khó làm vậy, giữ nhiều chức vụ ở nhiều nơi như thế vẫn giữ mình trong sạch, vẫn biết chịu đựng để tồn tại, để viết nên kiệt tác Truyện Kiều như “có máu chảy ở đầu ngọn bút”. Từ dưới sức nặng muôn đời của đạo lý “Tam tòng” “Tam cương” 16, Cụ đã dám cổ vũ cho những cô gái dám “Xăm xăm băng nẻo vườn khuya một mình”, “xắn tay mở khóa động đào /Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên Thai”, dám vung lên lưỡi gươm “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” làm đảo lộn cả đất trời, lay động lòng người muôn đời như vậy, cốt cách cứng cỏi, nhân cách cao đẹp, tài năng xuất chúng ấy đời đời phải ngưỡng mộ. Hồi nãy Cụ có hỏi con: “Câu thơ nào trong Truyện Kiều nói lên được cốt cách của NGUYỄN DU, con xin chọn câu: “Mai cốt cách, tuyết tinh thần.”

   Cụ NGUYỄN TÚ cất tiếng cười vang, nét mặt trở nên rạng rỡ, đôi mắt tinh anh nhìn tôi gật gù, vẻ bằng lòng.

   Chào Cụ ra về, tôi sung sướng biết mình đã tìm được chân dung trọn vẹn của NGUYỄN DU trên đất Quảng Bình.

   Trở về Xứ Nghệ tôi say sưa viết những dòng đầu tiên của cuốn Tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Du. Chi tiết trên được tôi xây dựng nên một chương trọn vẹn và hấp dẫn: Chương 1 Phần V của Tiểu thuyết Nguyễn Du (NXB. Hội Nhà Văn và Công ty Sách Phương Nam xuất bản năm 2010, tái bản năm 2013, NXB. Trẻ 2015).

   Tôi mãi mãi biết ơn và ngưỡng mộ cốt cách cao đẹp của Đại thi hào NGUYỄN DU – nguồn sáng muôn đời cho hậu thế noi theo, nguồn cảm hứng bất tận của sáng tạo nghệ thuật. Tôi mãi biết ơn cụ NGUYỄN TÚ đã tin cậy cho tôi biết điều đó để nghĩ thêm bao điều sâu xa khác.

MỜI XEM:
◊  NGUYỄN DU và Cuộc đời – Phần 2.
◊  NGUYỄN DU và Cuộc đời – Phần 2.
◊  TRUYỆN KIỀU của NGUYỄN DU – Giá trị vượt Không gian và Thời gian.
◊  TRUYỆN KIỀU trong Diễn văn của các Tổng thống Mỹ – Phần 1.
◊  TRUYỆN KIỀU trong Diễn văn của các Tổng thống Mỹ – Phần 2.

BAN TU THƯ
06 /2020

CHÚ THÍCH:
1 :  Nhà văn NGUYỄN THẾ QUANG sinh năm 1942 tại xã Thanh Tường, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình có truyền thống Nho học. Ông nội của ông là cụ Cử NGUYỄN THẾ CÁT, tự Kính Trai, hiệu Vĩnh Am – một thầy giáo nổi tiếng lúc bấy giờ.

   Ông nguyên là Trưởng Ban văn Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 2014.

    Tiếp nối truyền thống gia đình, NGUYỄN THẾ QUANG vào học ngành sư phạm và trở thành thầy giáo ở huyện Thanh Chương từ khi mới 20 tuổi. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Vinh, từ năm 1977, ông dạy ở Trường Phổ thông Trung học (PTTH) Thanh Chương, năm 1993 về dạy ở Trường PTTH Huỳnh Thúc Kháng cho đến năm 2003 về nghỉ hưu tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

   Với vốn kiến thức tích lũy được, với niềm say mê và công phu trong việc sưu tầm tài liệu, trong lao động nghệ thuật, tác phẩm đầu tay của NGUYỄN THẾ QUANG đã tạo được dấu ấn đáng kể không chỉ ở quê hương xứ Nghệ mà được bạn đọc cả nước đón nhận. Cùng với tiểu thuyết “Thông reo ngàn hống”, NXB. Trẻ cũng vừa tái bản (in lần thứ 3) tiểu thuyết “Nguyễn Du”. Được biết NXB. Kim Đồng cũng đã ký hợp đồng với NGUYỄN THẾ QUANG sẽ tái bản “Khúc hát những dòng sông”. Nếu hợp đồng được thực hiện sớm, năm 2015 này, NGUYỄN THẾ QUANG là tác giả lập “kỷ lục” xuất bản 3 tiểu thuyết lịch sử dày tổng cộng trên 1.200 trang! (Nguồn: Nhà văn Nguyễn Thế Quang và ba cuốn tiểu thuyết lịch sử vừa xuất bảnNguyễn Khắc Phê – Khoa học Xã hội Nhân văn Nghệ An)

   Trong “Đường về Thăng Long”, tác giả đã mạnh dạn tái hiện những điều “có thể có thật” – đó là những “khoảng mờ” trong lịch sử hoặc là những riêng tư, thao thức mà chính sử không thể có. Ví như những trang miêu tả những cuộc gặp gỡ giữa VÕ NGUYÊN GIÁP với các trí thức, nhân sĩ hàng đầu đất nước, với cả “vong linh” người vợ trẻ đã quá cố NGUYỄN THỊ QUANG THÁI, hoặc những thao thức của các nhân vật “phức tạp” như học giả TRẦN TRỌNG KIM, nhà văn NGUYỄN TƯỜNG TAM trước những xoay chuyển của thời cuộc… (Nguồn: Văn Hiến Việt Nam)

Nhà văn Nguyễn Thế Quang - vietnamhoc.net
Nhà văn NGUYỄN THẾ QUANG và Tác phẩm (Nguồn: Khoa học Xã hội Nhân văn Nghệ An, Văn Hiến Việt Nam)

Chú thích:
◊ Tiểu thuyết Nguyễn Du, xuất bản lần đầu năm 2010, Giải thưởng VHNT. Hồ Xuân Hương hạng A. 
◊  Tiểu thuyết Khúc hát những dòng sông, NXB. Hội Nhà văn, 2013, giải 3, Cuộc thi Sáng tác, quảng bá Tác phẩm Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về chủ đề: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Ban Tuyên giáo Trung ương, đợt 1/2013. 
◊  Tiểu thuyết Thông reo ngàn Hống, NXB. Trẻ, 2015.

GHI CHÚ:
◊  Nguồn:  Đặc San “Kỷ niệm 250 năm Năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du”, NXB. Văn Học, 2017.
◊  Hình ảnh sê-pia hóa và chữ nghiêng do Ban Tu Thư – thanhdiavietnamhoc.com thiết lập.

(Visited 198 times, 1 visits today)