Truyện dân gian An Nam – Anh thợ câu nghèo – Vật trả ơn, Nhơn trả oán

Truyện dân gian An Nam – Anh thợ câu nghèo – Vật trả ơn, Nhơn trả oán

ĐỖ NGỌC GIAO1
             (Bài viết được tác giả dịch từ bài Le pauvre pêcheur – nguyên tác tiếng Pháp – được trích từ trong sách Contes et Legendes Annamites2 của Antony Landes3, Sài Gòn 1886)

     Anh kia vợ chết nhà nghèo. Đi xin ăn chẳng ai cho, ảnh đi làm thuê một ngày được ba chục xu. Ảnh lấy ba chục xu đó mua tôm làm mồi ra sông câu cá. Lần thứ nhứt, câu được một con rắn. Ảnh thả nó ra, lần thứ hai cũng câu được con rắn đó. Ảnh biểu nó: “Tao có ba chục xu mua mồi câu mà mày ăn sạch. Tha mày lần này nữa thôi nghen.”

     Lần thứ ba, con rắn đó vẫn dính câu. Ảnh mang nó tới gần đền thờ Bà Khai Khẩu tính giết, thì bà này làm phép cho nó mở miệng nói rằng: “Anh ơi đừng giết, tui là con của thủy tề, bị đày lên cạn phải mang lốt rắn. Anh tha, tui sẽ trả ơn. Tui muốn ở với anh nên mới cắn câu của anh.” [ba lần]

     Anh kia đem con rắn về nhà và từ đó ảnh câu đâu trúng đó. Bữa nọ con rắn cho ảnh biết trong ba ngày nữa sẽ có lụt nên nếu muốn sống thì phải đóng sẵn một cái bè. Mà đúng vậy, nhờ có bè nổi trên mặt nước, ảnh với con rắn thoát chết.

     Thấy một ổ kiến, con rắn kêu ảnh vớt lên. Thấy một đàn chuột, con rắn cũng kêu ảnh vớt lên, ảnh nói chuột mà vớt làm gì, rắn nói ảnh cứ vớt. Tới phiên một con trăn, cũng được vớt. Sau hết, thấy một người, ảnh tính vớt, rắn nói đừng, nhưng ảnh một hai đòi vớt, còn nói: “Cứu một người dương gian bằng một ngàn năm âm ty!”

     Ba ngày sau, nước rút, ảnh thả ổ kiến, đàn chuột, con trăn, còn rắn và người kia thì ảnh nói cất nhà xong ở chung với ảnh. Con rắn nói: “Tui sắp hết hạn đày, sẽ về thủy phủ. Anh theo tui xuống dưới đặng cha tui trả ơn. Nếu ổng hỏi anh muốn thứ gì, thì anh xin cây đờn của ổng thôi. Đờn đó ổng lấy trong dinh Ngọc Hoàng đó. Hễ có giặc, đem đờn khảy một tiếng là giặc chạy tuốt.”

     Anh thợ câu nghe lời, theo rắn xuống nước, thủy tề cha nó hỏi ảnh muốn được trả công thứ gì, ảnh xin ổng cây đờn. Ổng cho. Ảnh về.

    Đây nói cái người mà ảnh đã cứu sống và đang cho ở chung: ảnh coi y như anh ruột của mình vậy. Khi đi làm thì để y coi nhà, dặn đừng vô lẩm lúa. Tên kia nghi ảnh giấu gì ở trỏng, nên bữa nọ, khi ảnh đi vắng, y vô lẩm lúa lục lọi thì thấy cây đờn, ghi là ‘cây đờn đuổi giặc’. Y liền lấy đờn bỏ đi. Hồi đó giặc phá khắp nơi trong xứ. Nhờ cây đờn, y bắt mười tám sứ quân phải đầu hàng. Nhà vua phong cho y làm ngươn soái và tính gả công chúa cho y. Nhưng công chúa không chịu, rồi câm luôn. Vua nói y kiếm ra thuốc gì làm công chúa hết câm thì sẽ cho y lấy cổ.

     Ngươn soái chẳng biết kiếm thuốc đâu ra. Bữa đó y đang đi thì bị anh thợ câu dòm thấy, nhận ra là người đã được ảnh cứu sống mà cũng là người ăn cắp cây đờn của thủy tề. Ảnh tới đòi cây đờn, bị tên kia bắt và ra lịnh chém đầu. Nhưng bộ hạ của y khuyên y nhốt ảnh vô ngục sắt sau hai chục ngày mới đưa ra chém.

     Năm ngày sau khi ảnh thợ câu bị nhốt, đàn kiến bò vô ngục và nhận ra đó là kẻ đã cứu chúng khỏi chết đuối, nên hỏi thăm: “Anh ơi sao anh bị như vầy?”

     “Ai đó? Ai nói mà tui không thấy?’
     “Tụi tui là đàn kiến mà anh đã cứu đó, nghe đồn anh mắc họa nên tới đây.”

     nh kể chuyện, kiến nghe xong nói: “Chà, vụ này khó nghen, để tụi tui đi kiếm đàn chuột, coi chúng có cách nào cứu anh.”

     Đàn chuột nghe đàn kiến kể chuyện xong thì nói: ?Trời, ơn nhơn mắc họa sao? Thôi vầy nghen: tụi bây đi kiếm đồ cho ảnh ăn, tụi tao đi kiếm con trăn coi nó có cách nào cứu ảnh.”

     Đàn chuột đi kiếm con trăn. Con này nghe tiếng chưn đi trên đống lá kế bên, nó ngóc đầu tính đớp, đàn chuột hoảng kinh, phóng lên cây. Trăn nhận ra chuột, kêu chúng xuống. Đàn chuột sợ, chẳng con nào dám xuống, nói nếu anh em mình không lanh chưn thì bị nó nuốt rồi. Sau hết, một con chuột già nói: “Thôi được, để thằng già này xuống nói chuyện với con trăn; lỡ bị nó nuốt cũng chẳng đáng.”

     Vậy là nó xuống kể cho con trăn biết chuyện ơn nhơn mắc họa ra sao. Trăn nói: “Tụi bây đưa cục ngọc này cho ảnh, nói ảnh mài ra bột đưa công chúa pha nước uống là hết câm và ảnh sẽ thoát nạn.”

     Đàn chuột tha cục ngọc tới ngục đưa anh thợ câu, nói ảnh làm y lời con trăn dặn. Ảnh kêu lính gác thả ảnh ra, nói ảnh biết phép trị bịnh cho công chúa. Lính không chịu, nhưng người quản ngục thấy rộn tới coi, nghe ảnh nói xong, liền nhận cục ngọc đem đi mài ra bột cho công chúa uống, tức thì cổ nói được. Nhà vua mừng rơn, tính thưởng cho quản ngục thì y thiệt thà nói thuốc này là của một người tù. Công chúa nói: “Đó mới là chồng của con chớ chẳng phải người kia.”

    Nhà vua truyền thả người tù ra. Ảnh kể họ nghe đầu đuôi câu chuyện. Tên trộm kia một hai cãi lại, nói người quản ngục ăn hối lộ của ảnh, mà chẳng ai nghe, rốt lại vua ra lịnh chém đầu y, nhưng anh thợ câu xin tha cho y về. Ai dè y vừa ra khỏi cung thì bị Trời đánh chết tươi. Còn anh thợ câu thì được lấy công chúa.

     Bởi vậy người ta nói cứu vật thì vật trả ơn, cứu nhơn thì nhơn trả oán.

CHÚ  THÍCH :
1:  Nguồn:  Bài viết – được trích từ Bài Antony Landes Với Chuyện Dân Gian Người Việt của ĐỖ NGỌC GIAO – do tác giả gửi bài qua email bantuthu1965@gmail.com

2:  ANTONY CHARLES LANDES (1850–1893) là học giả đầu tiên (ở nửa cuối thế kỷ thứ 19) quan tâm tới việc sưu tầm ghi chép những câu chuyện dân gian của người Việt. Sang thế kỷ thứ 20, onng vẫn nối tiếp công việc ấy với Nguyễn văn Ngọc (1890–1942), Nguyễn Đổng Chi (1915–1984), Tô Nguyệt Đình (1920–1988), Lê Hương (1922–1976) và Sơn Nam (1926–2008). Những vị này đã góp công rất lớn giúp tránh được cái điều vô lý rằng một ngày nào đó trên đất Việt ‘không còn mấy người mẹ, người bà kể được một đôi truyện cổ tích nào của nước nhà cho con cháu trong nhà nghe được nữa’. LANDES viết bằng tiếng Pháp để cho người Phápngười Âu đọc được, nên người Việt ít ai biết tới!

3:  Cuốn sách CONTES ET LEGENDES ANNAMITES do Landes ghi lại những câu chuyện phổ thông trong dân gian thời đó, nhứt là ở Nghệ An, do hai người kể chuyện – một thầy tướng (devin) và một nhà nho (scholar) – đều là dân tỉnh đó.
    Cuốn sách có 2 phần: Phần 1 có 127 câu chuyện đời xưa và truyền thuyết được ghi theo nguyên văn của lời kể: Phần 2 có 22 câu chuyện cười được ghi đại ý theo lời kể. Kèm theo những câu chuyện là những ghi chú dành riêng cho người Âu để họ hiểu thêm Văn hóa Việt. Cuốn sách được xuất bản do Nhà in Imprimerie Coloniale tại Sài Gòn năm 1886.

 

GHI CHÚ :
◊  Những chữ nghiêng, chữ in, chú giải và hình ảnh minh hoạ do Ban Tu Thư vietnamhoc.net thực hiện.

MỜI XEM :
◊  Nguyên bản tiếng PhápCONTES ET LEGENDES ANNAMITES – Histoire de Trần văn Thắc.

BAN TU THƯ
05 /2022

(Visited 105 times, 1 visits today)