Từ LỤC VÂN TIÊN đến CA DAO (Phần 2)

Từ LỤC VÂN TIÊN đến CA DAO (Phần 2)

     Theo quan niệm của người xưa, đức tính căn bản của đàn ông con trai là phải giữ gìn chữ trung đối với vua, với nước và phải giữ tròn chữ hiếu  đối với cha mẹ cùng các bậc bề trên; đức tính căn bản của đàn bà con gái là phải giữ gìn trinh tĩnhtiết hạnh tức sự trinh tiết và đoan trang nết na trong cuộc sống.

     Xưa các bậc phụ huynh thường dùng tục ngữ ca dao để khuyên răn, nhắc nhở con cháu giữ gìn những đức tính căn bản đó của con người:

Đã sinh ra kiếp ở đời,
T
rai thời trung hiếu đôi vai cho tròn.
Gái thời trinh tĩnh lòng son,
Sớm hôm gìn giữ kẻo còn chút sai.
Trai lành, gái tốt ra người,
Khuyên con trong bấy nhiêu lời cho chuyên.

     Thừa kế tiền nhân, tác giả Nguyễn Đình Chiểu đã nhắc đến quan điểm giáo dục nầy như là quan điểm cốt lõi của toàn bộ truyện Lục Vân Tiên:

Hỡi ai, lẳng lặng mà nghe,
Dữ răn việc trước, lành dè thân sau.
Trai thời trung hiếu làm đầu,
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình.

     Nhân vật chính thứ nhất của truyện là chàng Lục Vân Tiên.

    Đồ Chiểu đã minh họa hình ảnh của Lục Vân Tiên như một nhân vật lý tưởng với những phẩm chất tốt đẹp mà Đồ Chiểu mơ ước. Đó là hình ảnh của một chàng trai khôi ngô tuấn tú, văn võ song toàn. Đó cũng là hình ảnh của một đấng nam nhi trong thời loạn lạc, khi còn là một gã thư sinh đã ra tay diệt bọn cướp Phong Lai để cứu Kiều Nguyệt Nga và giữ yên bình cho dân chúng, nêu cao châm ngôn “kiến nghĩa bất vi vô dõng dã” với tinh thần “trọng nghĩa khinh tài”. Lục Vân Tiên mang cả ước vọng của người dân miền Đồng Nai Cửu Long, ra tay trừ bạo, dù gặp bao gian nan hiểm nghèo cũng không sờn lòng, quyết phấn đấu để cuối cùng đạt được ước vọng đem tài ra cứu nước.

     Chàng trai Lục Vân Tiên đã để lại một hình ảnh tuyệt vời trong trái tim của nàng Kiều Nguyệt Nga ngay trong lần gặp gỡ duy nhất để rồi mãi mãi cách xa cho đến ngày chàng vượt qua mọi hoạn nạn nguy nan, thi đỗ Trạng nguyên đem tài ra cứu nước để gặp lại nàng Kiều Nguyệt Nga và nối duyên cầm sắt.

     Nhân vật chính thứ hai của truyện là nàng Kiều Nguyệt Nga.

     Nàng là một thiếu nữ tài sắc và đức độ vẹn toàn, con gái của quan tri phủ đang trị nhậm tại Hà Khê. Trên đường đi đến Hà Khê, giữa đường nàng bị bọn cướp Phong Lai vây khổn. May sao, nàng được Lục Vân Tiên, diệt được bọn cướp Phong Lai, cứu thoát. Cảm ân đức cứu mạng, Nguyệt Nga nguyện gắn bó trọn đời mình với Lục Vân Tiên. Về đến Hà Khê, nàng bày tỏ đầu đuôi sự việc và xin cha tìm cách đền ơn Vân Tiên. Tại đây,  nàng họa hình Vân Tiên và luôn giữ mãi bên mình. Và sau đó, cũng tại đây, nàng được tin (thất thiệt) là Vân Tiên đã chết. Nàng nguyện sẽ trọn đời thủ tiết để thờ Vân Tiên. Biết Nguyệt Nga là cô gái xinh đẹp lại ngoan hiền, tên thái sư trong triều muốn cưới nàng cho con trai của mình. Nàng từ chối khiến lão tức giận, tìm cách trả thù. Nhân có giặc Ô Qua quấy nhiễu biên thùy, tên Thái sư tâu vua Trang Vương đem Nguyệt Nga cống nạp cho chúa Tây phiên để tránh nạn binh đao. Trước khi lên đường cống Hồ, nàng xin phép cha sang nhà Lục ông để làm chay cầu siêu cho Vân Tiên và giúp đỡ cho gia đình Lục ông. Trên đường đi cống, sắp vượt biên ải, nàng quyết định mang bức hình Vân Tiên cùng nhảy xuống sông trầm mình. May sao, nàng lại được Phật Bà Quan Âm cứu. Sau đó, nàng được gia đình họ Bùi nhận làm con nuôi. Họ Bùi có cậu con trai tên Bùi Kiệm muốn ép duyên Nguyệt Nga. Nàng trốn thoát vào rừng và được một bà lão làm nghề dệt vải đưa về chung sống.  Tại đây, Lục Vân Tiên, lúc này đã là Trạng nguyên đang đem quân dẹp loạn. Sau khi giết được tên tướng giặc Cốt Đột thì chàng bị lạc vào rừng và gặp được Kiều Nguyệt Nga. Hai người tái hợp. Biết nàng là người con gái trọn lòng thủy chung với Lục Vân Tiên, nhà vua thương phong làm quận chúa và cùng Vân Tiên chung sống trong cảnh giàu sang quyền quý cho đến trọn đời.

     Với hành trạng như vừa kể, Kiều Nguyệt Nga quả là một phụ nữ trung trinh tiết liệt, giàu sang quyền quý không khuất phục được tấm lòng thủy chung như nhất của nàng đối với Lục Vân Tiên. Và chính đức tính cao quý nầy đã để lại trong tâm thức quần chúng một lòng chân thành trọng vọng đối với nàng:

Chiều chiều vịt lội ao sen
Tình cờ tôi gặp người quen tôi chào.
Chào cô trước mũi tiên phuông,
Chào cô sau lái mặt vuông chữ điền.
Người nào là vợ Vân Tiên?
Cho tôi biết để chào liền chị dâu.
Người nào người ngãi tôi đâu?
Nói cho tôi biết để gởi câu ân tình.

     Sự trọng vọng nầy không phải chỉ đối với quần chúng miền Lục Tỉnh Nam Kỳ mà nó còn lan ra tận miền trung Trung bộ. Trong các cuộc hát hò đối đáp, thỉnh thoảng trong lời hò rao, chúng ta cũng bắt gặp những câu hát có nội dung gần tương tự đối với nhân vật Kiều Nguyệt Nga của Nguyễn Đình Chiểu:

Ở xa tôi nghe tiếng bạn hò,
Cách sông tôi cũng lội, cách đò tôi cũng sang.
Tới đây tôi chào hết bạn vàng
Chào người thục nữ, chào nàng thuyền quyên.
Người nào thiệt vợ Vân Tiên,
Nói lên cho tôi biết, tôi chào liền vài câu.

     Đức thủy chung như nhất của Kiều Nguyệt Nga là một tấm gương cho giới phụ nữ noi theo. Bất cứ người con gái trung trinh nào cũng muốn được noi theo tấm gương tiết liệt như nàng:

Dầu ai gieo tiếng ngọc,
Dầu ai đọc lời vàng,
Bông sen hết nhụy bông tàn,
Em đây giữ tiết như nàng Nguyệt Nga.

     Học theo gương Kiều Nguyệt Nga, những người phụ nữ kiên trinh luôn tự nhắc nhở rằng dù gặp phải bất cứ hoàn cảnh éo le, ngang trái nào, dù ai có dùng lời ngon tiếng ngọt, dùng bã phú quý vinh hoa để dụ dỗ họ vẫn không sờn lòng như Kiều Nguyệt Nga đã từng chứng tỏ như thế:

Lòng lại dặn lòng, dầu non mòn biển cạn,
Dạ lại dặn dạ, dầu đá nát vàng nhòa,
Em đây quyết noi gương chị Nguyệt Nga,
Mặc ai phỉnh dỗ, chẳng xa lời nguyền.

     Có thể, trong cuộc sống hằng ngày, đã có một số phụ nữ vì cớ này hay cớ kia mà lỗi đạo vợ chồng ; thế nhưng, đối với những người đàn bà kiên trinh, họ vẫn quyết giữ tấm tình thủy chung như nàng Nguyệt Nga đối với Lục Vân Tiên:

Chim lẻ bạn khó về nơi non đảnh
Cảnh nhớ thương là tình cảnh mặn nồng
Dẫu ai kia có lỗi đạo vợ chồng
Em đây chí quyết một lòng như chị Nguyệt Nga.

     Kiều Nguyệt Nga với “bức tượng hình” vẽ hình ảnh Lục Vân Tiên và lúc nào cũng mang bức tượng hình thân yêu đó bên mình chứng tỏ lòng nàng trân trọng và nhớ thương Lục Vân Tiên biết nhường nào. Đó cũng là một biểu tượng nói lên lòng chung thủy chẳng những của nàng Kiều Nguyệt Nga đối với Lục Vân Tiên mà còn nói lên lòng chung thủy của người phụ nữ Việt Nam với người chồng của mình:

Trên trăng, dưới thủy,
Bấy lâu nay em tu bỉ (?) đợi mình,
Như chị Nguyệt Nga thời trước, ôm bức tượng hình chờ Vân Tiên.

     Trong buổi gặp gỡ đầu tiên, Nguyệt Nga đã phải than “nỗi ân chưa trả, nỗi tình lại vương”, và nàng đã lòng hẹn lòng “Trăm năm cho vẹn chữ tòng mới an”. Học gương Kiều Nguyệt Nga, những đôi trai gái yêu nhau cũng lòng hẹn lòng “giữ lời nguyền không phai”:

Đôi đứa ta như Nguyệt Nga ngày trước,
Đã trao lời nguyện ước với Vân Tiên.
Liều mình qua cống Tây phiên,
Vai mang bức tượng, giữ lời nguyền không phai.

     Theo truyện, Kiều Nguyệt Nga chỉ được biết tin Lục Vân Tiên đã chết (theo lời của thân phụ Lục Vân Tiên nghe đồn đãi như vậy) . Nàng không hề biết là Lục Vân Tiên đã vì xót thương mẹ từ trần, chàng khóc nhiều đến nỗi lâm bệnh mù mắt. Thế nhưng, trong tâm thức của quần chúng, họ lại tin rằng Kiều Nguyệt Nga đã biết là Lục Vân Tiên vì xót thương mẹ mà mang bệnh mù lòa và dù chàng có mù lòa nàng vẫn một lòng một dạ chờ đợi chàng. Và đó chính là ý tưởng làm tăng thêm giá trị về lòng thủy chung của Kiều Nguyệt Nga và cũng muốn nói lên cho giới mày râu biết rằng trong đạo vợ chồng, người chồng phải tin vào đức tính thủy chung của người phụ nữ Việt Nam, tức là của những người vợ:

     – Đạo vợ chồng anh phải xét cho xa,
            Anh Vân Tiên mù mắt, chị Nguyệt Nga còn chờ

     – Làm trai không xét cho xa,
           Kìa xem anh Vân Tiên bóng quáng mà chị Nguyệt Nga còn chờ.

     Sự phân ly của cặp tình nhân Vân Tiên – Nguyệt Nga cũng là một gợi hứng cho những cặp tình nhân đời thường nghĩ đến. Nguyệt Nga dù có bị triều đình ép phải cống Hồ, khi thuyền ra đến chốn biển hồ sắp sửa bước sang biên giới xứ người,  nàng đã tìm đến cái chết để “giữ vẹn lòng ngay với chàng”, thì người thiếu nữ đời thường, để tránh hoàn cảnh “trắc trở đôi phương” cũng đã nghĩ đến cái chết để mong được “thác xuống suối vàng gặp nhau”:

Kể từ ngày thiếp cách chàng xa,
Như Vân Tiên lâm bệnh, Nguyệt Nga đi cống hồ.
Thiếp xa chàng ruột héo gan khô,
Hang Thương Tòng chàng đợi, chốn biển hồ thiếp thương.
Sống làm chi trắc trở đôi phương,
Liều mình thác xuống suối vàng gặp nhau.

     Vì Vân Tiên, Nguyệt Nga đã hai lần “ăn chay nằm đất”. Lần thứ nhất, nàng xin phép phụ thân sang nhà Lục Ông để “Ngày lành giờ ngọ đăng đàn – Ăn chay nằm đất cho chàng Vân Tiên”. Lần thứ hai, sau khi bị cha con Bùi Kiệm tìm cách ép duyên, nàng tương kế tựu kế xin cha con Bùi Kiệm để cho nàng làm chay cho Vân Tiên rồi sẽ thành thân với Bùi Kiệm “Tôi xin lạy tạ Vân Tiên – Làm chay bảy bữa cho tuyền thỉ chung”. Nguyệt Nga nằm đất ăn chay để tưởng nhớ đến Vân Tiên thì những người yêu nhau cũng nhớ về nhau, cũng trông ngóng nhau  nhiều như vậy:

Cửa hàn sĩ chọn người hiếu đạo,
Nhà nho gia chọn chút dâu hiền.
Vàng kia đúng lượng ta nguyền bắt tay.
Bạn không nhớ khi Nga cách Tiên nằm đất ăn chay,
Ta mà xa bạn đêm ngày ngóng trông.

     Nhân vật trong truyện Lục Vân Tiên được phân thành 2 thành phần tốt xấu rõ rệt:

     Những con người tốt gồm có: Lục Vân Tiên, Hớn Minh, Vương Tử Trực, cha con Kiều Nguyệt Nga, chú tiểu đồng, ông quán…

     Những con người xấu gồm có: cha con Bùi Kiệm, Trịnh Hâm, lão Thái sư, mấy tên thầy bói, thầy cúng, thầy thuốc…

     Như trong truyện ta đã biết, Bùi Kiệm tuy là một nho sinh nhưng tư cách hèn kém, thấy Lục Vân Tiên có tài thì ganh ghét,  Kiệm lại là tên sẵn có máu dê, gặp người đẹp Kiều Nguyệt Nga thì híp mắt lại, dù biết Nguyệt Nga đã là người của Vân Tiên vẫn tìm mọi lời ngon ngọt để dụ dỗ Nguyệt Nga đi vào đường lỗi đạo. Người ta ghét Bùi Kiệm vì Bùi Kiệm mang danh nho sĩ là người học chữ thánh hiền mà không giữ đạo đức của Thánh hiền và chính chàng đã tìm cách phá hoại tấm gương trung trinh của Kiều Nguyệt Nga. Hành vi bỉ ổi của Kiệm bị dân gian lên án quyết liệt. Dưới con mắt của dân gian, Bùi Kiệm bị xếp ngang hàng với bọn vô lại, không thể chấp nhận được. Cái đáng ghét, đáng phỉ nhổ, đáng bị lên án của Bùi Kiệm dưới con mắt của nhân dân chính là ở chỗ hắn đã muốn phá hoại lòng chung thủy sắt son của Kiều Nguyệt Nga trong hoàn cảnh Kiều Nguyệt Nga như đang trong cảnh cá chậu chim lồng, khó mà thoát khỏi bàn tay đen tối của Bùi Kiệm.

     Những cô gái trung trinh rất sợ gặp những tay đàn ông mang máu Bùi Kiệm ; vậy nên, mấy chàng trai khi tán tỉnh người đẹp lúc nào cũng phải hứa rằng mình không bao giờ có những tâm địa tồi tệ như Bùi Kiệm:

Má hồng mình cũng như ta,
Đêm nằm thơ thẩn vào ra một mình.
Em thương hay không tự ý của mình,
Không phải anh như Bùi Kiệm ép tình Nguyệt Nga.

     Và cô gái cũng thường khuyên người con trai không nên bắt chước Bùi Kiệm mà ép uổng duyên nàng:

Kiến bất thủ như tầm thiên lý,
Thương không thương tự ý của mình.
Đừng như Bùi Kiệm ép tình Nguyệt Nga.

     Nhà biên khảo Nguyễn Văn Hầu đã có nhận xét như sau về người dân Đồng Nai-Cửu Long: “…người Lục Tỉnh Nam Kỳ gan dạ, cứng cỏi, thẳng thừng, nghĩ sao nói vậy, nói sao làm vậy, một một hai hai, không thích quanh co xảo trá, không ưa lý luận dông dài…” (N.V.Hầu 376) Phần lớn bản chất của họ là như vậy. Họ thích cái gì cũng phải rõ ràng, thiện ác phân minh, tốt xấu rạch ròi. Vân Tiên, Nguyệt Nga là những con người đáng trọng. Bọn người vô tư cách  như cha con Bùi Kiệm không thể được sắp chung hàng với những con người như Vân Tiên, Nguyệt Nga:

Con rắn hổ nó mổ con rắn rồng,
Tiền kẽm xỉa với tiền kẽm, tiền đồng xỉa riêng.
Nguyệt Nga kết với Vân Tiên,
Cha con Bùi Kiệm ngồi riêng một mình.

     Cùng một phía gian ác với Bùi Kiệm còn có tên Trịnh Hâm. Cùng mang tính ganh ghét đố kỵ như Bùi Kiệm, thấy Vân Tiên là người có tài, học rộng, có tư cách, Trịnh Hâm ngoài mặt làm ra vẻ trọng vọng, thương yêu Lục Vân Tiên, nhưng trong lòng vẫn tìm mưu ám hại. Sau khi thi về, gặp Vân Tiên bị mù lòa đang cùng tiểu đồng tìm đường về quê, Trịnh Hâm vì ganh tài với Vân Tiên nên tìm cách ám hại chàng. Sau khi lừa phình tiểu đồng, trói vào gốc cây trong rừng, Trịnh Hâm giả vờ thương xót, mướn thuyền đưa Vân Tiên về quê Đông Thành của chàng. Nhân lúc đêm tối, Trịnh Hâm xô Vân Tiên xuống biển để hại chàng.

     Theo quan niệm “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo ; thiện ác đáo đầu chung hữu báo ; chỉ hữu lai tảo dữ lai trì”,  (kẻ làm điều thiện thì được trời ban cho điều thiện, kẻ làm điều ác phải bị trời giáng cho điều ác ; làm điều thiện hay làm điều ác gì rồi cũng được trời báo ứng chỉ có sớm hay muộn mà thôi) (Minh Tâm Bảo Giám), Vân Tiên dù trải qua bao dập vùi hung hiểm vì lòng người độc ác thì cuối cùng cũng tai qua nạn khỏi, nhận “được ấn rồng trị dân” ; Trịnh Hâm làm điều ác, về sau dù có được Trạng nguyên Lục Vân Tiên tha cho mạng sống thì trên đường về quê, thuyền chở hắn cũng bị lật và Trịnh Hâm bị chết đuối, đúng là quả báo nhãn tiền:

Huyền Trang Tam Tạng tu cần
Tám mươi mốt nạn mà không lụy mình
Trịnh Hâm là đứa bạc tình
Thời sau mắc nạn thiên đình xử phân
Vân Tiên mắc nạn mấy lần
Thời sau Người được ấn rồng trị dân…

     Nhắc đến những câu ca dao, những khúc dân ca bắt nguồn từ truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, chúng ta không thể không nhắc đến bài ca dao sau đây mà tôi tin rằng, vào thuở thiếu thời, những người ngày nay ở lứa tuổi xấp xỉ sáu mươi trở lên, rất nhiều người đã được biết đến. Bài ca dao đó như sau:

Vân Tiên cõng mẹ chạy ra,
Đụng phải cột nhà, cõng mẹ chạy vô.
Vân Tiên cõng mẹ chạy vô,
Đụng phải cái bồ, cõng mẹ chạy ra.
Vân Tiên cõng mẹ chạy ra…

     Trước khi tìm hiểu thêm về bài ca dao này, chúng ta cần phải tìm hiểu về sự kiện “Vân Tiên cõng mẹ”. “Vân Tiên cõng mẹ” trong khoảng thời gian nào của cuộc đời chàng? Theo truyện, Lục Vân Tiên là người con chí hiếu. Đang ở kinh đô chuẩn bị dự thi thì được tin mẹ từ trần, chàng vội vàng cùng người tiểu đồng quay về quê để chịu tang mẹ. Trên đường về quê, vì nhớ thương mẹ quá mức, chàng khóc hoài đến độ sinh bệnh và cặp mắt bị lòa. Sau sáu năm bị vùi dập bởi thế thái nhân tình đen bạc, nhờ thuốc tiên mà chàng được sáng mắt trở lại và trở về quê. Việc đầu tiên chàng đã làm khi về đến quê nhà sau sáu năm xa cách, là:

“…Mẹ tôi phần mộ nơi nào viếng an.
Đặt bày lễ vật nghiêm trang,
Đọc bài văn tế trước bàn minh sinh.
Suối vàng hồn mẹ có linh,
Chứng cho con trẻ lòng thành ngày nay…”

     Vậy thì, rõ ràng Lục Vân Tiên đã cõng mẹ trong khoảng thời gian chàng còn mù lòa. Thực ra, trong truyện không có chuyện “cõng mẹ” này. Đây là ý muốn của quần chúng yêu chuộng truyện Lục Vân Tiên nói chung, và yêu mến Vân Tiên nói riêng.

     Vào lứa tuổi vị thành niên, chúng ta chỉ xem đây như những câu hát vui cho tuổi trẻ người lớn vẫn gọi là đồng dao để ta đọc lên khi được ngồi trên lưng bạn trong một trò chơi nào đó mà kẻ thua phải cõng người thắng chạy lòng vòng tùy theo ước định của hai bên trong cuộc chơi. Đến khi trưởng thành, chúng ta dường như quên bẵng đi bài ca dao lạ lùng đó và chắc hẳn nó vẫn nằm đâu đó trong đáy tiềm thức. Có nhiều người đã quên, nhưng cũng còn nhiều người vẫn nhớ, trong đó có nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc.

      Theo nhà biên khảo văn học Nguyễn Vy Khanh, trong cuộc tranh luận về Nguyễn Đình Chiểu trên tạp chí Văn Học vào đầu năm 1998, “Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc khởi tranh luận khi đặt vấn đề tái định giá ca dao, đã đưa nhận xét cho rằng Nguyễn Đình Chiểu đã là tiêu biểu cho một “lý tưởng ở đường cùng”? Theo ông, những câu:

“Vân Tiên cõng mẹ chạy ra,
Đụng phải cột nhà, cõng mẹ chạy vô…
Vân Tiên cõng mẹ chạy vô,
Đụng phải cái bồ, cõng mẹ chạy ra,
Vân Tiên cõng mẹ chạy ra …

 một cách nào đó chứng tỏ chân lý Nho học đã không có lối thoát, “trung, hiếu, tiết, nghĩa” bị lung lay vào thời Nguyễn Đình Chiểu, “một lý tưởng ở đường cùng”. “ (5) 

     Đó là một cách nhìn, một cách lý giải. Tôi thử đưa ra một cách nhìn, một cách lý giải khác. Như ở phần trên chúng tôi đã viết, trong truyện không có chuyện Lục Vân Tiên cõng mẹ. Có chuyện Lục Vân Tiên cõng mẹ “chạy ra, chạy vào” là do ý muốn của người yêu mến nhân vật Lục Vân Tiên. Họ biết rằng chàng đã kính yêu mẹ của mình rất mực. Khi được sáng mắt trở lại, việc đầu tiên khi trở lại nhà là thăm mộ mẹ và thiết lễ cúng mẹ. Đã có sự thực của truyện là như vậy thì tại sao lại không thể cho chàng “cõng mẹ” khi chàng còn mù lòa để cho thấy cái tình cảm của chàng đối với Mẹ đã cao cả đến chừng nào và thiêng liêng đến mực nào? Trong truyện đã có chuyện người dân cõng con mà chạy loạn (Tiên trằng: Bớ chú cõng con – Việc chi nên nỗi bon bon chạy hoài?). Người ta cõng con vì người ta thương con ; vậy tại sao lại không thể cho anh chàng Vân Tiên mù lòa cõng mẹ chạy lòng vòng trong nhà để chứng thực lòng thương yêu của chàng đối với Mẹ? Đó là lý giải theo cái nhìn biện chứng. Một cách nhìn cao hơn mang tính tâm linh, thì như Đức Phật đã từng dạy: “Dù cho có người một vai cõng cha, một vai cõng mẹ, đến trọn đời mà chẳng phút xa lìa, và cung cấp áo cơm thuốc men, các món cần dùng. Như thế cũng chưa có thể gọi là đã trả xong ơn sâu nặng với cha mẹ”. (6)

     Vậy thì việc “Vân Tiên cõng mẹ” chạy lòng vòng trong nhà là một hình ảnh biểu tượng nói lên tinh thần hiếu thảo của Lục Vân Tiên đối với người Mẹ của mình.

 *
* *

     Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ lớn của nền văn học phương Nam vào hạ bán thế kỷ thứ 19. Ngoài những tác phẩm mang tinh thần chiến đấu và yêu nước cao độ như : Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc – Văn tế Trương Định và 12 bài thơ điếu Trương Định – 12 bài thơ điếu Phan Tòng – Văn tế Nghĩa sĩ Trận vong Lục Tỉnh…ông còn là tác giả của 3 tác phẩm thơ Nôm dài hơi: Dương Từ Hà Mậu, Ngư Tiều Y thuật Vấn đáp và đặc biệt là truyện thơ Lục Vân Tiên đã có những ảnh hưởng khá sâu đậm đối với người dân Việt Nam, đặc biệt là từ Quảng Nam trở vào. Những bài ca dao, những khúc dân ta được trích dẫn ở trên là một bằng chứng hùng hồn cho những ảnh hưởng sâu đậm đó của truyện Lục Vân Tiên.

___________
Ghi chú:

(1) Nguyễn Văn Xuân – Khi những lưu dân trở lại – tr.73

(2) Nguyễn Đình Chiểu toàn tập (tập 1), chú thích 2, tr.70

(3) Lê Minh Quốc – Thêm một tư liệu về Lục Vân Tiên (internet)

(4) Trần Việt Ngữ…- Dân ca miền nam Trung Bộ (tập 2) – trang 81

(5) Nguyễn Vy Khanh – Về Nguyễn Đình Chiểu và lý luận văn học (internet)

(6) Kinh Lời Vàng, tr. 117

Các tuyển tập ca dao.

ĐÀO ĐỨC NHUẬN (19-2-2017)
Nguồn: https://sites.google.com/site/namkyluctinhorg

Ảnh đại diện: BAN TU THƯ (vietnamhoc.net) thiết lập
BAN TU THƯ (vietnamhoc.net)

(Visited 1.778 times, 1 visits today)