Vài đóng góp của TỰ ĐIỂN BÉHAINE trong Văn hoá ngôn ngữ Việt Nam – Phần 1

Vài đóng góp của TỰ ĐIỂN BÉHAINE trong Văn hoá ngôn ngữ Việt Nam – Phần 1

NGUYỄN CUNG THÔNG 1*
(Tác giả gửi bài trực tiếp đến Ban Tu Thư vietnamhoc.net)

      Bài viết này bàn về Tự điển chép tay của Linh mục PIGNEAU DE BÉHAINE2* (viết tắt là TVL). Người viết ghi lại kinh nghiệm đọc tài liệu này cũng như vài kết quả thú vị về tiếng Việt. TVL có thể đọc trên mạng thoải mái (không cần dùng kính lúp! 1) như từ trang này chẳng hạn – Dictionarium Anamitico Latinum Pigneaux …, v.v… Ngoài giá trị về Tự điển tiếng Việt bằng chữ Quốc ngữ khá ổn định vào cuối TK.18 và đầu TK.19, ít người biết TVL là một nguồn tra cứu về ca dao và thành ngữ phong phú. Ngay trong mục đàm, TVL đã ghi cách dùng “tục ngữ hằng đàm 2 俗 語 恆 談“, phản ánh phần nào một định hướng trong quá trình biên soạn tài liệu này, như các thí dụ ghi nhận trong bài này.

     Ngoài ra, từ ngày có hệ thống nối mạng toàn cầu Internet, vấn đề tham khảo tài liệu không phải cực nhọc như trước đây nữa: td. các tài liệu tham khảo chính của bài viết này có thể tìm đọc trên mạng (td. xem mục3 bên dưới).

     Một trường hợp khác là liên hệ rất lâu đời giữa hai ngôn ngữ và văn hoá ViệtHán – một gợi ý qua bài viết này – từng được cụ PHAN KHÔI3* bộc bạch cách đây hơn nửa thế kỉ “Người Việt Nam chúng ta về sau phải sang Trung Quốc ở lâu mà nghiên cứu, may ra tìm được cái dấu vết tương quan của dân tộc ta với dân tộc Trung Quốc từ đời thượng cổ. Tôi tuy chưa được nghiên cứu chứ cũng có thấy trong đó một vài tia sáng, rồi đây tôi sẽ viết ra để nêu lên vấn đề” – trích từ trang 34 Việt Ngữ Nghiên Cứu (sđd).

     Các chữ viết tắt khác là :

CGCông GiáoLTLoại Thiên /1039/1066TViTự Vị /1615
CTTChính Tự Thông /1670NCTNguyễn Cung ThôngTViBTự Vị Bổ /1666
CVChính Vận /1375NTNgọc Thiên /543VBVận Bổ /1100/1154
ĐNAĐông Nam ÁPGPhật GiáoVBLTự điển Việt Bồ La
ĐVĐường Vận /751QVQuảng Vận /1008VHVận Hội /1297
HVHán ViệtTNAVTrung Nguyên Âm Vận /1324VNViệt Nam
KHKhang Hi /1716TTTHTứ Thanh Thiên Hải
LKTGLong Kham Thủ Giám /997TVTập Vận /1037/1067
LMLinh MụcTVGTThuyết Văn Giải Tự /khoảng 100 SCN

      Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt hay Hán).

1. Vài trường hợp Ca dao Tục ngữ

1.1  Giả mù pha mưa

     Từ nhỏ người viết (NCT) thường nghe tục ngữ giả mù sa mưa hay quá mù ra mưa, nhưng khi tra TVL thì lại là giả mù pha mưa 假 𩂟 葩 𩄎. Câu này hàm ý giả vờ không biết làm gì, khác với các dị bản là giả mù sa mưa, quá mù sa mưa, quá mù ra mưa (Việt Nam Tự Điển, sđd), …, v.v… Ít người biết thành ngữ giả mù pha mưa của TK.18, với pha viết chữ Nômba (từ HV còn có nghĩa là hoa). Pha có một dạng chữ Nôm khác là ba /pha như trong Truyện Kiều (câu 140) :

               𦹵  坡  味  襖  染  𡽫  䏧  𡗶
              Cỏ pha mùi áo nhuộm non da trời

mu.pha.mua-dai.nam.quac.am.tu.vi-vietnamhoc.net
                           Đại Nam Quấc âm Tự vị, trang 359

    Pha có các dị bản là sa, ra. Không thấy LM THEUREL4* ghi cách dùng này (Đàng Ngoài) ! Học giả HUỲNH TỊNH CỦA 5* (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, 1895 sđd) giải thích chi tiết như sau : 

 

1.2  Chí công mài sắt chầy ngày nên kim

      Bây giờ thì thường nghe là “có công mài sắt có ngày nên kim“. Chí công mài sắt chầy ngày nên kim viết chữ Nôm (TVL) là 志 功 埋 鉄 迡 𣈜 年 針.

      Tự điển Taberd ghi lại hoàn toàn chữ Quốc ngữ, chữ Nôm hơi khác ở chữ chầy 4 dùng trì HV (15 nét) so với dạng chầy trong TVL (5 nét, cả hai dạng đều hiện diện trong TVL). Chữ Nôm trong cuốn Nam Quốc Phương Ngôn Tục Ngữ Bị Lục (khoảng năm 1914) khác với chữ Nôm trong TVL (khoảng 1772 /1773) như mài chữ Nôm𪿥 (bộ thạch hợp với chữ mai, dạng này hiện diện trong Truyện Kiều /Lý Hạng Ca Dao), so với dạng chữ Nôm trong TVL là mai HV (bộ thổ). Nên chữ Nôm𢧚 (chữ niên hợp với chữ thành biểu ý). Tự điển Theurel (1877) phản ánh ngôn ngữ Đàng Ngoài, tuy dựa vào công trình của LM TABERD6* (1838), đã dùng dị bản “có công mài sắt có ngày nên kim” và đây là dạng phổ thông cho đến ngày nay. Trong bản Nômchữ Quốc ngữ (Đàng Ngoài, khoảng 1914 – Quan Văn Đường tàng bản)Nam Quốc Phương Ngôn Tục Ngữ Bị Lục” cũng ghi “có công mài sắt có ngày nên kim“: chữ kim ghi bằng châm (viết tắt bộ kim) – xem hình chụp bên dưới. Nên chữ Nôm thời TVL dùng chữ niên HV cũng như trong các tài liệu Nôm cổ như Cư Trần Lạc Đạo Phú, Phật Thuyết Đại Báo Ân Trọng Kinh… Chữ Nôm hậu kì thường thêm chữ thành HV biểu ý vào thanh phù niên để cho rõ nghĩa hơn.

chi.cong.mai.sat.chay.ngay.nen.kim-behaine-vietnamhoc.net
                  Béhaine (1772 /1773, sđd)
chi.cong.mai.sat-taberd-vietnamhoc.net
                          Taberd (1838, sđd)
chi.cong.mai.sat-theurel-vietnamhoc.net
                                                                        Theurel (1877, sđd)

      Đàng Trong, cụ HUỲNH TỊNH CỦA vẫn giữ nguyên bản gốc 5:

chi.cong.mai.sat-huynh.tinh.cua-vietnamhoc.net
           Đại Nam Quấc âm Tự vị (1895, sđd)
nam.quoc.phuong.ngon.bi.luc-vietnamhoc.net
Trích từ Nam Quốc Phương Ngôn Tục Ngữ Bị Lục, trang Tri Thức

1.3  Ăn trái nhớ kẻ trồng cây

     Mục trồng của TVL ghi “ăn trái nhớ kẻ trồng cây” so với bây giờ tiếng Việt đa phần dùng “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” – chữ Nôm viết là 咹 (果吏)6 汝 几 櫳 核 – LM BÉHAINE ghi trồng chữ Nôm là 槞 . Không thấy ghi câu này trong Tự điển Theurel – có lẽ không thông dụng ở Đàng Ngoài vào thời này so với Đàng Trong. Câu tục ngữ này cho thấy trái đã thông dụng hơn so với quả, cũng phù hợp với ghi nhận trong VBL với 9 mục ghi trái (< blái) so với 3 lần dùng quả (trái quả, hoa quả, hàng quả) so với TVL có 22 mục trái và 3 mục quả. Sau này trái lại thông dụng ở Đàng Trong so với quảĐàng Ngoài 7(phương ngữ). Điều này cho thấy Đàng Trong (thành hình từ các đợt di dân từ Đàng Ngoài và cộng cư với dân bản địa) có khả năng bảo lưu một số dấu vết của tiếng Việt cổ. Trái là một trường hợp đáng chú ý: tiếng Mường Bitlái, hay plaj (thổ ngữ Mường) – môt dạng proto-Vietic là *k-la:i ?, proto-MonKhme là *klaj (ʔ) – VBL ghi tráiblái. An Nam Dịch Ngữ còn ghi quả viênvườn trái (*blái) 菓 園 文 拜. Các dạng chữ Nôm8cổ cũng cho thấy tổ hợp phụ âm bl– như trong Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh (5a) :

           敬  礼  菩  蕯   割  𠌊  𪮏  麻  助  [𢃊]  吒 
           Kính lạy Bồ Tát, cắt trái tay mà trợ [cứu] vua cha.

      Chữ Nôm trái viết bằng chữ ba hợp với chữ lai   bên trái – hoàn toàn phù hợp với dạng blái của chữ Quốc ngữ trong VBL.

      Hay trong Cư Trần Lạc Đạo Phú (23a) :

            咹  蒌  咹  𢁑  業  𠱄  庄  嫌  所  䔲  荄 
            Ăn rau ăn trái, nghiệp miệng chăng (chẳng) hiềm (hèm) thửa đắng cay.

     Chữ Nôm trái viết bằng chữ ba hợp với chữ lại ở dưới, hoàn toàn phù hợp với dạng blái của VBL. Một điểm đáng nhắc ở đây là đọc các tài liệu chép tay của cụ Philiphê BỈNH (1759-1833) thì trái luôn viết là blái, như vậy cùng thời với TVL thì Đàng Ngoài vẫn còn dạng blái thời VBL, so với Đàng Trong đã dùng dạng trái (cho đến ngày nay).

      Thành ra câu tục ngữ ăn trái nhớ kẻ trồng cây không những cho ta một bài học đạo đức của xã hội truyền thống, mà còn để lại dấu ấn của tiếng Việt cổ đại (trái) so với ảnh hưởng của phương Bắc (quả HV đồng nghĩa) không nhỏ trong ngôn ngữ đại chúng.


(Mời xem tiếp Phần 2) …


◊  MỜI XEMVài đóng góp của TỰ ĐIỂN BÉHAINE trong Văn hoá ngôn ngữ Việt Nam – Phần 2


CHÚ THÍCH :

1:  Nhà nghiên cứu ngôn ngữ độc lập (Melbourne, Australia) – địa chỉ email : nguyencungthong@gmaịlcom  

2:  Nhất là khi tra các dạng chữ Nôm, chữ Quốc ngữ cổ chụp lại không được rõ ràng …, v.v… Thành ra nếu đọc được trên màn ảnh (computer screen) có sẵn thì tiện lợi biết bao, đặc biệt là khi phải phóng ra lớn để nhìn các nét viết từ các tài liệu cổ, nét chữ mờ hay phẩm chất kém với thời gian …

3:  Tục ngữ là những câu nói còn lưu truyền trong dân gian (tiếng La Tinh là proverbium ~ lời ví, ngạn ngữ, lời khôn /Taberd), hằng đàm là thường được nói – câu này có ý lặp đi lặp lại (thừa).

4chầy có thể liên hệ đến trì HV cũng như tương quan chỉ – giấy, thị – thấy, thì – giây, thi – thây, phi – bay, quy – quay, si -say, vi – vây (bao vây), khỉ /khởi – gây /gầy (dựng) trì – chầy …, v.v… VBL còn ghi cách dùng bao chầybao lâu (quan diù La Tinh). Nghĩa của chầy còn vết tích trong thành ngữ chẳng chóng (kíp) thì chầy  

5:  Câu tục ngữ này có thể liên hệ đến thành ngữ HV thiết xử thành châm 鐵 杵 成 針 (tạm dịch /NCT mài sắt thành kim), tương truyền rằng đại thi hào đời Đường LÝ BẠCH (701-762) bản tính ham chơi, nhân một ngày đi dạo (thật ra là trốn học) ra suối gặp một bà lão đang mài thanh sắt. Ông mới hỏi làm sao và khi nào thì mài thanh sắt trở thành cây kim cho được! Bà lão mới từ tốn trả lời nếu từ từ kiên nhẫn mài thì thanh sắt có ngày sẽ trở thành cây kim. Về nhà suy nghĩ sâu xa hơn, LÝ BẠCH mới tỉnh ngộ và sau đó học hành chăm chỉ so với trước (ông  xuất thân là con nhà khá giả ham làm thơ và ngao du đây đó). Sau nhiều đời tuyền tụng, câu chuyện trên trở thành tục ngữ nổi tiếng thiết xử thành châm. Có tài liệu ghi câu này là thiết xử thành châm 鐵 杵 成 針 và có xuất xứ từ thời nhà Minh, tác giả TRỊNH CHI TRÂN 鄭 之 珍 (1518-1595) trong tác phẩm Mục Liên Cứu Mẫu… Tham khảo thêm chi tiết trên các trang này chẳng hạn : Chày sắt mài kim /Baidu hay Mài chày thành kim /National Academy for Educational Research , …, v.v…

6:  Trái chữ Nôm có nhiều dạng, LM BÉHAINE và TABERD dùng chữ quả hợp với chữ lại hài thanh, đây là những dạng chữ Nôm hậu kì như trong Dương Từ Hà Mậu, Nhị Độ Mai, Chinh Phụ Ngâm…, v.v…

7:  Mục trái của Tự điển Theurel Đàng Ngoài chỉ có 4 mục trái (trái cầu, trái cù, trái phá, trái găng).

8:  Trích từ “Tự Điển Chữ Nôm Dẫn Giải(Nguyễn Quang Hồng, 2015 sđd).


CHÚ GIẢI :

1*NGUYỄN CUNG THÔNG là một kỹ sư cơ khí tốt nghiệp Trường Đại học Melbourne, Úc; sau đó, ông lấy thêm bằng Sư phạm của Trường Đại học Sư phạm Melbourne và học ngành Ngôn ngữ tại Trường Đại học Queensland, ngành Giáo dục tại Trường Đại học Monash.

     Ông luôn đeo đuổi các Dự án nghiên cứu về Ngôn ngữ từ khi qua Úc và hy vọng trong tương lai có thể tìm ra được để xác nhận, liệt kê các tiếng Việt cổ biểu hiện các súc vật từ trong vốn từ chữ Hán (thường bị đào thải và trở nên hiếm dùng và do yếu tố tâm linh, tín ngưỡng mà các chữ Tý, Sửu, Dần, Mão, … vẫn trường tồn trong quảng đại quần chúng).

◊  MỜI XEM THÊM CHI TIẾTHọc giả NGUYỄN CUNG THÔNG


2*PIERRE JOSEPH GEORGES PIGNEAU DE BEHAINE (2/2/1741, Origny-en-Thiérache, Aisne, Hauts-de-France, Pháp – mất 9/10/1799, Quy Nhơn, Bình Định, lúc 57 tuổi); tên viết tắt là Pigneau de Behaine; tên Việt là Giám mục BÁ ĐA LỘC (百 多 祿) hay Bách Đa Lộc, còn gọi là Cha Cả, là Giáo sĩ người Pháp được Nguyễn Vương NGUYỄN PHÚC ÁNH trọng dụng trong khi tranh đấu lấy lại quyền lực từ tay nhà Tây Sơn vào cuối thế kỷ thứ 18. Ông được phong làm Giám mục hiệu tòa Adran nên được gọi là Giám mục ADRAN. Sách sử Việt Nam thời nhà Nguyễn còn dùng danh hiệu Bi Nhu (gọi theo âm Pigneau) Quận công – là sắc phong do vua GIA LONG ban – để gọi tên ông.

◊  MỜI XEM THÊM CHI TIẾTCha Cả PIERRE JOSEPH GEORGES PIGNEAU DE BEHAINE


3*PHAN KHÔI (6/10/1887, làng Bảo An, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam – 16/1/1959, Hà Nội, 72 tuổi), là nhà văn, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng với các bút danh Chương Dân, Tú Sơn, Nam Âm, Tân Việt, Khải Minh Tử, Thần Chung, Thông Reo, Tuệ Tinh, Sao Đuôi, Hy Tô, Thạch Bổ Thiên, K, Kh, CD, TC, PNTV, T.A, …. và là thành viên nhóm Nhân văn Giai phẩm. Ông đã gặp cụ PHAN BỘI CHÂU, PHAN CHÂU TRINH và bị ảnh hưởng mạnh bởi tư tưởng của hai cụ Phan. Ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam và từng làm Giám khảo trong các Giải thưởng văn học của Hội. Ông là người đã Dịch Kinh Thánh (năm 1916) sang chữ Quốc Ngữ. Ông viết bài cho nhiều báo như Nam Phong Tạp Chí (phần Quốc văn), Lục Tỉnh Tân Văn (năm 1915), Ðăng Cổ Tùng Báo, Hữu Thanh, Thực Nghiệp Dân Báo (năm 1920), Thần Chung, Phụ Nữ Tân Văn (từ 1929), Trung lập, Quần Báo, Hoa Kiều, Ngọ Báo, Đông – Tây Báo, Phổ Thông, Hà Nội báo, Đông Dương Tạp chí, Thời vụ, Dư Luận, Tao Đàn, Điện Tín, Dân báo, Nhân Dân, Văn Nghệ, Văn, v.v... Ông đã phát động Phong trào thơ mới Sài Gòn (năm 1932) qua bài thơ ‘Tình già’ trên báo Phụ Nữ Tân Văn.

     Ông là Chủ bút của tuần báo Phụ Nữ Thời Đàm (từ tháng 9/1933 đến 2/1935), Tràng An (tháng 3/1935 – 2/1936), Sông Hương (năm 1936), Chủ nhiệm tờ Nhân Văn (1956-1957).

◊  MỜI XEM THÊM CHI TIẾTNhà Báo PHAN KHÔI 


4*JOSEPH SIMON THEUREL CHIÊU (27/10/1829, làng La Rochelle, giáo xứ Laître, Giáo phận Besançon, Pháp – 3/11/1868, Kẻ-Sở, Tonkin, 41 tuổi), chịu chức Linh mục ngày 5/6/1852, chức Giám Mục hiệu tòa AchantheKẻ Sở (6/3/1859-3/11/1868), là Phó Đại diện Tông Tòa Tây Đàng Ngoài (1859–24/07/1866, 24/07/1866–3/11/1868).

     Ông học ở Tiểu chủng viện Luxeuil, Đại chủng viện Besancon, Chủng viện của Cơ quan đại diện nước ngoài Paris (năm 1849). Ông đến Tây Bắc Kỳ (10/1850) học ngôn ngữ và phụ trách một nhà in xuất bản sách cho sinh viên ở các trường đại học và những sách khác về Cơ đốc giáo. Ông được bổ nhiệm làm Thượng thư Thư viện Hoàng-nguyên kiêm giáo sư hùng biện (năm 1856). Ông viết Từ điển Pháp-An Nam (năm 1862). Ông trở về Pháp nghỉ ngơi (năm 1865) và trở lại Bắc Kỳ (cuối năm 1866), làm trợ giảng cho Giám mục PAUL-FRANCOIS PUGINIER (Mep) và góp sức gầy dựng làng Cơ đốc Kẻ Vinh.


5*HUỲNH TỊNH CỦA (1830, làng Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa1908, Bà Rịa, 73 tuổi) hay Paulus CỦA (Paulus /Phao-lô), hiệu Tịnh Trai, là một nhà văn hóa học, ngôn ngữ học có đóng góp xuất sắc trong việc nghiên cứu, phát triển và truyền bá chữ Quốc ngữ trong giai đoạn đầu, đặc biệt là ở Nam bộ. Ông là Đốc phủ sứ (năm 1861), Giám đốc Ty phiên dịch văn ánSoái phủ, Sài Gòn, Chủ bút tờ Gia Định báo (công báo quốc ngữ, năm 1865), soạn giả Đại Nam quấc âm tự vị (Tự vị tiếng Việt đầu tiên do người Việt Nam biên soạn, Sài Gòn 1895, 1896).

◊  MỜI XEM THÊM CHI TIẾTNhà ngôn ngữ học HUỲNH TỊNH CỦA


6*JEAN-LOUIS TABERD (18/6/1794, Saint-Étienne, Pháp – 31/7/1840, Calcutta, Ấn Độ, 46 tuổi), tên Việtcố TỪ, là nhà truyền giáo người Pháp thuộc Hội Thừa sai Paris (MEP), Giám mục hiệu tòa Isauropolis. Ông đã dựa vào các công trình ngôn ngữ của ALEXANDRE DE RHODES (Đắc Lộ) và PIGNEAU DE BÉHAINE (Bá Đa Lộc, Từ điển viết tay năm 1773) để soạn nên cuốn Nam Việt-Dương Hiệp Tự vị (1838).

◊  MỜI XEM THÊM CHI TIẾTGiám mục JEAN-LOUIS TABERD


TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1)  PIGNEAU DE BÉHAINE (1772/1773) – Bá Đa Lộc Bỉ NhuDictionarium Annamitico-Latinum” Dịch và giới thiệu bởi NGUYỄN KHẮC XUYÊN, NXB Trẻ (Thành Phố HCM – 1999). Có thể tham khảo bản chép tay trên mạng như: Dictionarium Anamitico Latinum Pigneaux.
    PIGNEAU DE BÉHAINE  “Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ聖 教 要 理 國 語 (khoảng 1774) có thể tham khảo tài liệu này trên mạng như: Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ.

2)  Philiphê  BỈNH (1822) “Sách Sổ Sang Chép Các Việc”, NXB Viện Đại Học Đà Lạt, 1968.
    Philiphê  BỈNH (1822) “Phép Giảng Tám Ngày”, “Truyện nước Anam Đàng trong quyển nhị” … Các tài liệu viết tay của chính tác giả còn lưu trữ trong Thư viện Tòa thánh La Mã.

3)  HUỲNH TỊNH CỦA (1895/1896) “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị” Tome I, II – Imprimerie Rey, Curiol & Cie, 4 rue d’Adran (SaiGon) có thể tham khảo tài liệu này trên mạng như: Đại Nam Quấc Âm Tự Vị

4)  J. F. M. GÉNIBREL (1898). “Dictionnaire annamite français”,  Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon) – có thể tham khảo tài liệu này trên mạng như: Dictionnaire annamite français.

5)  PHẠM ĐÌNH HỔ (1827). Nhật dụng thường đàm (日 用 常 談) – có thể tham khảo tài liệu này trên mạng như: Nhật dụng thường đàm.

6)  Hội Khai Trí Tiến ĐứcBan Văn học (1931/1954).Việt Nam Tự Điển”, NXB Trung Bắc Tân Văn (Hà Nội) – có thể tham khảo tài liệu này trên mạng như: Việt Nam Tự Điển.

7)  NGUYỄN QUANG HỒNG (2015). “Tự điển chữ Nôm dẫn giải” Tập 1 và 2 – NXB Khoa Học Xã Hội /Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (Hà Nội) – có thể tham khảo tài liệu này trên mạng như: Tự điển chữ Nôm dẫn giải.

8)  PHAN KHÔI (1954). “Việt ngữ nghiên cứu”, NXB Đà Nẵng, in lại.

9)  JOSEPHO MARIA MORRONE (khoảng đầu TK.19).Lexicon Cochin-sinense Latinum” đăng trong cuốn “A Dissertation on the nature and character of the Chinese system of writing” viết bởi nhà ngôn ngữ Mỹ PETER STEPHEN DU PONCEAU (1838), in lại bởi NXB Kessinger Publishing. Kèm thêm bảng từ vựng căn bản có 333 chữ Nômchữ Quốc ngữ với giải thích về cấu trúc và nghĩa – có thể tham khảo tài liệu này trên mạng như: Lexicon Cochin-sinense Latinum.

10)  ALEXANDRE DE RHODES (1651). “Phép Giảng Tám Ngày” – Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961–Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả NGUYỄN KHẮC XUYÊN – có thể tham khảo tài liệu này trên mạng như: Phép Giảng Tám Ngày
    ALEXANDRE DE RHODES (1651). “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là Từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của THANH LÃNG, HOÀNG XUÂN VIỆT, ĐỖ QUANG CHÍNH – NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991) – có thể tham khảo tài liệu này trên mạng như: Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum
    ALEXANDRE DE RHODES. “Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của HỒNG NHUỆ, NXB. Ánh Sáng Publishing, Escondido (California /Mỹ, 1994?)
    ALEXANDRE DE RHODES. “Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646dịch giả NGUYỄN KHẮC XUYÊN – Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

11) JEAN LOUIS TABERD (1838) – tên Việt cố Từ – “Dictionarium Annamitico-Latinum” Serampore (Bengale)và cuốn Tự điển La Tinh – Việt (1838) – có thể tham khảo tài liệu này trên mạng như : Tự Điển Taberd.

12)  J. S. THEUREL (1877). “Dictionarum Anamitico-Latinum” LM Theurel ghi nhận LM TABERD khởi thảo và ông cố tình ‘bổ sung’ ngay trong cách giới thiệu trang đầu, (td. hàm ý các cách dùng Đàng Ngoài khác với Đàng Trong/NCT)Ninh Phú (Đàng Ngoài) – có thể tham khảo tài liệu này trên mạng như: Dictionarum Anamitico-Latinum.

13)  NGUYỄN CUNG THÔNG (2021) loạt bài viết như: 1) “Hiện tượng đồng hoá âm thanh (phần 1) – Tản mạn về tiếng Việt“, 2) “Hiện tượng đồng hoá âm thanh (phần 2) – Huyền Tráng, Huyền Tảng hay Huyền Trang?“, 3) “Hiện tượng đồng hoá âm thanh (phần 3) – tẩm liệm hay tấn/tẫn/tẩn liệm?“, 4) “Hiện tượng đồng hoá âm thanh (phần 4) – phong phanh hay phong thanh?” – có thể tham khảo trên trang: Tản mạn về tiếng Việt “hiện tượng đồng hoá âm thanh” (phần 4) hay Tản mạn về tiếng Việt “hiện tượng đồng hoá âm thanh” (phần 2); “Tiếng Việt thời LM de Rhodes – cách dùng con và cái (phần 14)” – xem bài viết trên mạng như: Tiếng Việt thời LM de Rhodes – cách dùng con và cái (phần 14).

14) PIERRE-GABRIEL VALLOT (1898) “Dictionnaire franco-tonkinois illustré”, NXB F.H. Schneider (Hà Nội) – có thể tham khảo tài liệu này trên mạng như: Dictionnaire franco-tonkinois illustré.
    PIERRE-GABRIEL VALLOT (1905). “Grammaire Annamite à l’Usage des Français de l’Annam et du Tonkin”, Imprimeur-Éditeur F. H. Schneider, HaNoi.


GHI CHÚ :
◊  Nguồn:  Tác giả gửi bài trực tiếp đến BAN TU THƯ vietnamhoc.net, thanhdiavietnamhoc.com – email: bantuthu1965@gmail.com.
◊  Các chữ in, chữ nghiêng, chú giải, một ít “biên tập nhẹ“, trình bày bảng biểu và xử lí hình ảnh minh hoạ do BAN TU THƯ – vietnamhoc.net – thực hiện.

BAN TU THƯ
9/2022

TẢI VỀ XEM BẢN GỐC :
◊  Vài đóng góp của TỰ ĐIỂN BÉHAINE trong Văn hoá ngôn ngữ Việt Nam – Phần 1.
◊  Vài đóng góp của TỰ ĐIỂN BÉHAINE trong Văn hoá ngôn ngữ Việt Nam – Phần 2.

(Visited 160 times, 1 visits today)