THE ROLE OF NATIONAL SOFT POWER
IN CURRENT INTERNATIONAL RELATIONS
AND EFFECTS ON VIETNAM
NGUYỄN THÁI GIAO THỦY
(Công ti TNHH Truyền thông Phúc Gia)
TÓM TẮT
Trong quan hệ quốc tế, không chỉ sức mạnh quân sự hay sức mạnh kinh tế mới có thể tạo nên vị thế của một quốc gia mà vai trò của văn hóa cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào năm 1991, trật tự hai cực của Ianta sụp đổ, một trật tự thế giới mới đang được hình thành khiến cục diện thế giới biến đổi và đã tạo ra những thuận lợi lẫn thách thức cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, việc nhìn nhận những vấn đề về văn hóa – xã hội của các quốc gia hiện nay và tác động đến Việt Nam là rất cần thiết cho công tác ngoại giao.
Từ khóa: văn hóa – xã hội, quan hệ quốc tế, sức mạnh mềm.
ABSTRACT
In international relations, not only military strength and economic strength can create a strong position for a country, but the role of culture has also shown its importance. However, after the Cold War in 1991, the order of the two poles of lanta collapsed. The order of a new world was formed changing the world scene and at the same time creating both advantages and challenges for developing countries including Vietnam. Therefore, the acknowledgement of cultural and social matters of countries and their effects on Vietnam is necessary for foreign affairs in general.
Keywords: cultural and social, international relations, soft power.
x
x x
1. Xu hướng giao lưu và liên kết, thúc đẩy sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trong quan hệ quốc tế
Văn hóa có vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại và có mối gắn kết hữu cơ với lợi ích quốc gia của một đất nước, cũng như giữ vai trò và vị trí quan trọng trong quan hệ của các quốc gia. Trong xu thế toàn cầu hóa, văn hóa trở thành một công cụ ngoại giao cũng như một nhịp cầu không thể thiếu trong xây dựng và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia. Có thể thấy rằng văn hóa của các dân tộc trên thế giới hiện nay hết sức đa dạng do sự chi phối của môi trường tự nhiên, của các điều kiện đặc thù về kinh tế, chính trị, xã hội… Bất cứ một dân tộc nào muốn tồn tại và phát triển cũng phải đẩy mạnh giao lưu văn hóa vì một nền văn hóa đóng kín tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng lạc hậu và kém phát triển. Giao lưu và liên kết văn hóa nhằm mục đích tăng cường hiểu biết, thúc đẩy hợp tác, củng cố tình hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới nhằm tạo ra sức mạnh để chung tay bảo vệ hòa bình, ngăn ngừa chiến tranh, chống khủng bố, bạo lực, ma túy, tệ nạn mua bán phụ nữ và trẻ em… chính là điều các quốc gia rất quan tâm trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, do tình hình phát triển kinh tế – xã hội giữa các nước và khu vực không đều nên sự cạnh tranh lẫn mâu thuẫn giữa các nước và các khu vực ngày càng gay gắt. Vì vậy, giao lưu và liên kết ở các mức độ khác nhau trên nhiều lĩnh vực nhằm phát triển về mọi mặt luôn là mục tiêu mà các quốc gia hướng tới. Theo báo cáo của nhóm chuyên gia thuộc UNESCO thì “Tương lai của nhân loại không thể được mô tả như là sự thống nhất mà không có đa dạng hay đa dạng mà không có thống nhất. Thách thức đối với tất cả những người đương thời là xây dựng một thế giới như vậy và trên tất cả là thách thức đối với những nền văn hóa làm cơ sở cho thế giới quan và hệ giá trị của họ.” (Laszlo, 2001, tr.232).
Không thể đồng hóa các nền văn minh đa dạng thành một nền văn minh duy nhất, vì thế, chúng ta nên duy trì sự đa dạng của các nền văn hóa và cần thúc đẩy giao lưu giữa các nền văn hóa khác nhau nhằm gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau. Đối thoại – giao lưu giữa các nền văn hóa không chỉ là lựa chọn và hấp thu những khác biệt về văn hóa của nước khác mà còn làm phong phú cho từng lĩnh vực của các nền văn hóa khác nhau cũng như bảo vệ các giá trị và sự đa dạng văn hóa của mỗi quốc gia trong quan hệ quốc tế. Trong tác phẩm “Sự va chạm của các nền văn minh”, tác giả đã cho rằng các xung đột tiềm tàng trong tương lai sẽ được châm ngòi bằng yếu tố văn hóa chứ không phải kinh tế hay hệ tư tưởng, và chiến tranh trong tương lai sẽ là xung đột giữa các nền văn minh (Huntington, 2003). Tuy nhiên, trong quá trình giao lưu có thể sẽ làm gia tăng mâu thuẫn giữa các nước đang phát triển với các cường quốc dẫn đến sự bất ổn định của nền kinh tế trên thế giới ngày càng lớn. Biểu hiện rõ nét của thực trạng đó là sự leo thang liên tục của giá dầu, giá lương thực, sự suy yếu của đồng đô-la Mĩ và sự xung đột giữa văn minh Hồi giáo với văn minh phương Tây. Đặc biệt, từ khi Mĩ phát động cuộc chiến tranh với Iraq thì hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức khủng bố được mở rộng và từ đây đã dẫn đến các xung đột, đặc biệt về văn hóa giữa các quốc gia ngày càng trở nên sâu sắc (Lưu Thúy Hồng, 2015, tr.125).
2. Văn hóa – xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay
Văn hóa là giá trị tổng thể vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong tiến trình của lịch sử. Ngoài ra, văn hóa còn là một hệ thống có giá trị mở và không ngừng phát triển trong thời đại ngày nay. Vì “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 1996, tr.110). Trong quan hệ quốc tế đương đại, khi toàn cầu hóa và khu vực hóa phát triển mạnh mẽ thì bản sắc văn hóa có nguy cơ bị đồng hóa. Thách thức này không chỉ là một vấn đề đơn thuần mà còn liên quan đến nhiều vấn đề khác trong cộng đồng quốc tế, vì bản sắc văn hóa là một trong những nền tảng tạo nên giá trị quyền lực mềm của các nước (Lưu Thúy Hồng, 2015, tr.123). Mặc dù có sự giao lưu giữa các nền văn hóa trong quá trình hội nhập, song bản sắc văn hóa dân tộc không bao giờ bị mất đi. Nhiều học giả đã quan niệm toàn cầu hóa do giao lưu và tương tác văn hóa đem lại, như: “Toàn cầu hóa văn hóa sẽ không đẻ ra một thứ văn hóa duy nhất và độc tôn cho toàn thế giới; và cũng không hề làm tiêu biến các nền văn hóa dân tộc khác, mà trái lại, nó lấy tính đa dạng của các nền văn hóa dân tộc làm cơ sở phát triển” (Chen Gang & Li Linhe, 2001, tr.4-7). Toàn cầu hóa hiện đang làm thay đổi kết cấu của không gian toàn cầu và làm cho toàn bộ xã hội, văn hóa phát sinh những biến đổi to lớn. Điều này khiến cho các quốc gia phải có chiến lược phát triển văn hóa cho phù hợp với xu thế mới: “Toàn cầu hóa đang làm suy yếu lực hướng tâm văn hóa của các nhà nước dân tộc, ngay cả các cường quốc kinh tế cũng không thể tránh khỏi” (Liu Zhongmin, 1999, tr.8), “Do vậy, các quốc gia cần phải cấu trúc lại xã hội để không làm thay đổi kết cấu văn hóa vốn có.” (Wang Fengzhen, 2000, tr.1-5). Một số nhà nghiên cứu khác cho rằng “Toàn cầu hóa đang tạo ra sự thay đổi bản sắc văn hóa dân tộc của các quốc gia và sự thay đổi này có thể làm mai một đi những biểu trưng, tín ngưỡng, quan niệm về giá trị đã bắt rễ sâu trong lịch sử dân tộc của các quốc gia đó.” (Birjukova, 2001, tr.13).
Trong quá trình tồn tại và phát triển, những quốc gia vừa và nhỏ xem việc bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc là một hình thức an ninh chiến lược, quyết định sự tồn vong của cả nhà nước lẫn dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa. “Họ đẩy văn hóa lên thành quyền lực mềm của chính trị quốc tế, làm nảy sinh ý thức về chủ quyền văn hóa. Bảo vệ văn hóa cũng tức là bảo vệ chủ quyền quốc gia” (Liu Zhongmin, 1999, tr.10). Tuy nhiên, mối tương quan của văn hóa – xã hội trong quan hệ quốc tế đã tạo nên sự đa dạng về văn hóa nhưng lại chứa đựng nhiều yếu tố tiêu cực như: mâu thuẫn dân tộc, phân tranh tôn giáo và chủ nghĩa khủng bố, nhiều cuộc xung đột quốc tế hiện nay đang nhuốm màu sắc của sự đụng độ văn hóa như các cuộc tranh chấp giữa Syria – Iraq, Palestine – Israel, và India – Pakistan… Vì thế, việc đối thoại trong hòa bình, tôn trọng lẫn nhau giữa các nền văn hóa, bảo tồn tính đa dạng văn hóa có thể hóa giải được các cuộc tranh chấp giữa các quốc gia trên. “Đối thoại giữa các nền văn hóa, các nền văn minh là hòn đá tảng của lời giải toàn cầu cho mọi cuộc xung đột và bạo lực, đặc biệt là cho những gì dựa trên chủ nghĩa cuồng tín và tính cố chấp.” (Kofi Annan, 2002, tr.10). Qua những phân tích trên, chúng ta có thể thấy những tác động của toàn cầu hóa đến đời sống văn hóa các nước là một trong các yếu tố thúc đẩy các quốc gia đẩy mạnh ngoại giao văn hóa. Bên cạnh mục đích cơ bản nhất là quảng bá nền văn hóa dân tộc ra thế giới thì một trong những mục tiêu của các nước trong thúc đẩy ngoại giao văn hóa, nhất là các nước nhỏ, chính là để khẳng định vị trí nền văn hóa của mình trong đời sống chính trị – văn hóa thế giới cùng với bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc trước tác động của toàn cầu hóa. Ngoài ra, việc xây dựng những chiến lược nhằm định hình một bản sắc văn hóa mới, phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước, đáp ứng được những đòi hỏi của thời đại là mục tiêu của nhiều quốc gia hướng tới trong giai đoạn hiện nay.
3. Ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Thế kỉ XXI là thời kì công nghệ số phát triển vượt bậc chi phối ngày càng nhiều đến văn hóa – xã hội lẫn kinh tế của các quốc gia và đóng vai trò quan trọng trong việc rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa các nước trên thế giới. Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho rằng: “Chúng ta đang tiến tới một cuộc cách mạng công nghệ, công nghiệp làm thay đổi cơ bản lối sống, phong cách làm việc và cách thức giao tiếp. Xét về phạm vi, mức độ và tính phức tạp, sự dịch chuyển này không giống với bất kì điều gì mà con người từng trải qua.” “Những thay
đổi này sẽ sâu sắc đến mức chưa bao giờ trong lịch sử lại có một thời điểm con người đứng trước cùng lúc nhiều cơ hội lẫn rủi ro như thế. Mối quan ngại của tôi là các lãnh đạo chính trị và kinh doanh có thể sẽ giữ lối tư duy quá cổ hủ hoặc quá ám ảnh với việc các đột phá công nghệ sẽ thay đổi tương lai loài người như thế nào” (Schwab, 2015). Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã ảnh hưởng sâu sắc đến bản chất an ninh quốc gia và quốc tế, ảnh hưởng đến cả bản chất của các cuộc xung đột, làm gia tăng các nguy cơ đối với an ninh của các quốc gia như: an ninh mạng, tội phạm mạng, khủng bố xuyên biên giới… Các cuộc xung đột hiện nay ở khu vực và các quốc gia, ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình, giữa bạo lực và phi bạo lực ngày càng trở nên phức tạp hơn.
Ngoài ra, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động đối ngoại giữa các quốc gia nói chung và ngoại giao văn hóa nói riêng trở nên dễ dàng hơn. Những kết nối, hội họp của các lãnh đạo của các nước và các tổ chức quốc tế sẽ thuận tiện và nhanh chóng hơn thông qua thư điện tử và các mạng xã hội.
Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đã góp phần cải thiện trình độ dân trí của các nước nhất là các quốc gia phát triển làm gia tăng nhu cầu tìm hiểu về giá trị văn hóa – xã hội của các quốc gia khác. Nếu như năm 1995 có 528 triệu lượt người đi du lịch nước ngoài trên toàn thế giới thì năm 2013 là 1087 triệu lượt người. (UNWTO, 2014)
Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ khiến cho các lí luận trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và kĩ thuật thay đổi mà hàng loạt lí thuyết về xã hội và con người cũng buộc phải thay đổi theo. Tuy nhiên, để làm được điều này, mỗi quốc gia cần phải có một tầm nhìn toàn diện mang tính toàn cầu về những thuận lợi và khó khăn do khoa học công nghệ mang đến nhằm định hình lại môi trường kinh tế, xã hội, văn hóa và con người của mình để góp phần phát triển đất nước (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương và Tổ chức Liên Hiệp Quốc, 25/11/2016).
4. Những tác động đến Việt Nam
Khi cục diện văn hóa – xã hội của thế giới và khu vực luôn diễn biến phức tạp thì Việt Nam buộc phải đối diện với những cơ hội và thách thức đan xen nhau. Điều quan trọng là chúng ta cần phải nhận diện rõ mọi cơ hội lẫn thách thức nhằm tìm ra những giải pháp biến cơ hội thành hiện thực, giảm thiểu hoặc hóa giải các thách thức đó. (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2006, tr.56)
Kinh tế, tăng trưởng kinh tế của nước ta còn phụ thuộc nhiều vào việc khai thác tài nguyên, chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học và công nghệ, lao động có kĩ năng. Chất lượng và tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn thấp so với tiềm năng và chênh lệch khá xa so với các nước trong khu vực. Chúng ta vẫn chưa thực sự hình thành được những ngành công nghiệp nền tảng và những ngành công nghiệp mũi nhọn. Sản xuất công nghiệp có xu hướng phụ thuộc ngày càng lớn vào đầu tư nước ngoài và nhập khẩu. Các ngành dịch vụ chất lượng cao chậm phát triển, khả năng cạnh tranh thấp, chưa thực sự hỗ trợ cho phát triển công nghiệp và nông nghiệp. Trong khi đó, nền nông nghiệp còn lạc hậu, nhiều nơi vẫn là sản xuất nhỏ, dựa trên hộ gia đình là chủ yếu. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lại lao động nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa kém hiệu quả. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội còn chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối và lạc hậu. Tiến trình đô thị hóa thiếu quy hoạch cùng với những hạn chế trong quản lí quy hoạch khiến cho các thành phố lớn quá tải.
Trình độ công nghệ lạc hậu lẫn thiếu năng lực sáng tạo, năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực kém khiến cho khả năng cạnh tranh hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Chuyển dịch cơ cấu lao động không đều, lao động dư thừa trong khu vực nông nghiệp và nông thôn.
Xã hội, khi cục diện kinh tế – xã hội của thế giới liên tục thay đổi do toàn cầu hóa, và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã ảnh hưởng không ít đến Việt Nam, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp đã làm gia tăng tình trạng thất nghiệp do tinh giản biên chế hoặc do doanh nghiệp phá sản và đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự phân hóa giàu nghèo tạo ra sự phân tầng của xã hội. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng tệ nạn xã hội và là một trong những thách thức đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập. Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển giao lưu kinh tế quốc tế, các hoạt động tội phạm có yếu tố nước ngoài cũng gia tăng mạnh mẽ, như: buôn bán phụ nữ và trẻ em, rửa tiền, vận chuyển và buôn bán các loại ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại… Có thể thấy cơ cấu xã hội trước những biến động phức tạp và khó lường của khu vực và thế giới như đã nêu trên đã làm cho sự phân tầng, phân hóa xã hội trở thành yếu tố tiêu cực đối với sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.
Văn hóa, trong quá trình toàn cầu hóa, việc đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc là mối lo chung của các nước đang phát triển. Văn hóa và ngôn ngữ của các nước lớn sẽ tác động không ít đến đời sống văn hóa của các nước nhỏ (bao gồm cả Việt Nam) như một học giả Nga đã nhận định: “Toàn cầu hóa đang giáng một đòn mạnh vào các dân tộc ít người. Vấn đề là ở chỗ, do quá trình hội nhập mạnh mẽ mà có sự đứt gãy các truyền thống và tập quán cũ, chức năng giao tiếp của các dân tộc nhỏ giảm mạnh. Trên thực tế, các ngôn ngữ này chỉ còn sử dụng trong sinh hoạt, giao tiếp thường ngày. Thế hệ trẻ không thích nói tiếng mẹ đẻ. Điều đó dẫn đến chỗ cùng với thời gian, lớp trẻ hoàn toàn từ bỏ thứ tiếng của cha ông mình. Do đó, dần dà cả văn hóa của dân tộc nhỏ bé cũng sẽ biến mất, vì ngôn ngữ là yếu tố quan trọng nhất của văn hóa” (Bjaznova, 2005, tr.7).
Qua đó, chúng ta thấy rằng sự tiếp thu thiếu chọn lọc văn hóa ngoại lai sẽ làm tha hóa văn hóa dân tộc. Cùng với những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường sẽ làm cho văn hóa ngày càng tuột dốc, kéo theo sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức dẫn đến lối sống vị kỉ, bạo lực chi phối xã hội kèm theo sự xuống cấp của vai trò giáo dục, định hướng thẩm mĩ làm cho tính nguyên bản của văn hóa có nguy cơ bị phá vỡ, ảnh hưởng đến sự phát triển của con người và đất nước trong tương lai. Nhưng mặt tích cực của sự đa dạng về văn hóa trên thế giới đã tạo ra sự cân bằng về văn hóa giữa các quốc gia. Chính vì vậy, tất cả các quốc gia đều có thể sử dụng văn hóa của mình như công cụ của quyền lực mềm cho các hoạt động ngoại giao, nhằm đạt tới ba mục đích là an ninh, phát triển kinh tế và tăng cường ảnh hưởng.
Chính trị, tình hình thế giới gần đây biến động phức tạp, các nước lớn cạnh tranh gay gắt để mở rộng ảnh hưởng. Sự nổi lên của các vấn đề an ninh phi truyền thống đe dọa quá trình phát triển bền vững, đặt các nước, đặc biệt là Việt Nam và các nước nhỏ đứng trước rất nhiều khó khăn. Sự thiếu hụt nghiêm trọng các nguồn lực phát triển, nhất là các nguồn tài nguyên thiên nhiên; mâu thuẫn giữa tăng trưởng kinh tế với nhu cầu năng lượng, bùng nổ dân số và bảo vệ môi trường ngày càng nổi rõ. Trong khu vực, tình hình xâm phạm và tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đang diễn biến phức tạp, tạo ra những thách thức nghiêm trọng đối với công cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ cũng như duy trì môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước.
Với những khó khăn, thách thức do sự biến đổi không ngừng của cục diện văn hóa – xã hội trên thế giới hiện nay, để hội nhập với quốc tế, chúng tôi cho rằng cần triển khai thực hiện các nội dung sau: i) Đổi mới tư duy và phương thức đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; ii) Hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; iii) Phát triển khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; iv) Chủ động hội nhập quốc tế để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia; và v) Cải cách toàn diện hệ thống quản trị quốc gia.
Sự liên kết với các cộng đồng quốc tế giúp Việt Nam tăng cường vị thế và uy tín trên các diễn đàn quốc tế, mở ra nhiều cơ hội giúp chúng ta chủ động đối phó với những thách thức trong các tiến trình hợp tác khu vực và quốc tế nhằm mục tiêu phát triển đất nước. Để đương đầu với mọi khó khăn, chúng ta cần phải có những chính sách cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả khi tham gia các hợp tác song phương và đa phương trên các diễn đàn quốc tế.
Đối với văn hóa – xã hội, cần ưu tiên giáo dục, phát triển con người, đổi mới quá trình đào tạo tay nghề, trang bị kĩ năng cũng như đổi mới hệ thống giáo dục, đào tạo phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động trong khu vực và thế giới. Cùng với thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Việc tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan điều phối, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ chung của cộng đồng cần phải được quan tâm, giám sát thường xuyên. Cuối cùng là tiếp tục tăng cường các hoạt động thông tin truyền thông nhằm nâng cao nhận thức chung cho cán bộ tại các bộ, ngành từ trung ương tới địa phương, đặc biệt là nhận thức của người dân về cộng đồng văn hóa – xã hội nhằm phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Đẩy mạnh nâng cao năng lực thực thi hội nhập quốc tế; tăng cường xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, có tri thức, kiến thức, kĩ năng hội nhập và kĩ năng nghề; đồng thời, các cơ quan, hiệp hội cần đổi mới quản lí để phù hợp tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ, đào tạo nghề, gắn với yêu cầu hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay.
Qua các phân tích nêu trên, chúng ta thấy rằng hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo của các quốc gia trong quan hệ quốc tế hiện nay. Chính những nhân tố này đã làm cho chính sách đối ngoại của các quốc gia cần phải được điều chỉnh và hoàn thiện hơn nữa. Trong bối cảnh đó, Đại hội lần thứ XII của Đảng có ý nghĩa rất quan trọng, là Đại hội đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đây là vận hội lớn của đất nước sau 30 năm đổi mới, là thời điểm để chúng ta đổi mới mạnh mẽ hơn trong tư duy; hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nỗ lực cải cách hệ thống quản trị quốc gia một cách toàn diện và sâu sắc; chủ động hội nhập quốc tế để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bjaznova. (2005). Toàn cầu hóa và các giá trị dân tộc, Tài liệu phục vụ nghiên cứu của Viện Thông tin Khoa học xã hội, số TN 2005-37.
Birjukova, M. A. (2001). Toàn cầu hóa: sự liên kết và phân hóa các nền văn hóa, Viện Thông tin Khoa học xã hội, số 84 & 85.
Chen Gang, Li Linhe. (2001). Tư duy biện chứng về quan hệ giữa toàn cầu hóa và bản địa hóa văn hóa, Viện Thông tin Khoa học xã hội, số 70.
Đảng Cộng sản Việt Nam. (1996). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia.
Đảng Cộng sản Việt Nam. (2006). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia.
Lưu Thúy Hồng. (2015). Ngoại giao đa phương trong hệ thống quan hệ quốc tế đương đại. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia.
Huntington, S. (2003). Sự va chạm với các nền văn minh. Hà Nội: NXB Lao động.
Kofi Annan. (2002). Đối thoại giữa các nền văn minh. Viện Thông tin Khoa học xã hội, số 60.
Laszlo, E. (2001). The Multicultural Planet, Beijing: Social Sciences Literature Publishing House.
Liu Zhongmin. (1999). Về mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị quốc tế. Tài liệu phục vụ nghiên cứu, Viện Thông tin Khoa học xã hội, số 48.
Schwab, K. (2015). The Fourth Industrial Revolution: What It Means and How to Respond, Foreign Affairs.
UNWTO. (2014). Tourism Highlights: 2014 Edition, United Nations World Tourism Organization, Madrid.
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương và Tổ chức Liên Hiệp Quốc, (25/11/2016). Tài liệu Hội thảo Khoa học. Hà Nội.
Wang Fengzhen. (2000). Toàn cầu hóa, xã hội công dân, chủ nghĩa dân tộc. Tài liệu phục vụ nghiên cứu, Viện Thông tin Khoa học xã hội, số 50.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư Phạm TP. Hồ Chí Minh, Tập 16, Số 5 (2019): 165-172
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Vai trò của quyền lực mềm quốc gia trong quan hệ quốc tế hiện nay và những tác động đến Việt Nam (Tác giả: Nguyễn Thái Giao Thủy) |