Vai trò của VIỆT NAM trong CẤU TRÚC KHU VỰC ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG (Phần 1)

THE ROLE OF VIETNAM IN THE STRUCTURE
OF THE INDO – PACIFIC

ThS. TRẦN HÙNG MINH PHƯƠNG
(KHXH&NV, ĐHQG -HCM)

1. Đặt vấn đề

     Ngày nay, trật tự thế giới toàn cầu tại các khu vực đang dần được thay đổi, nhất là tại khu vực Đông Nam Á nói riêng và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung – khu vực hiện nay đang được thể hiện bởi một Trung Quốc đang trỗi dậy. Sự trỗi dậy của quốc gia này đã có tác động làm gia tăng vấn đề an toàn an ninh đối với từng quốc gia ASEAN nói riêng và tổ chức ASEAN nói chung, các quốc gia lo lắng hoặc không tin tưởng (hoặc cả hai) về một thế giới do Trung Quốc thống trị.

     Từ mối đe dọa mới tại khu vực Đông Nam Á, các quốc gia ASEAN đã bắt đầu có những thay đổi rõ rệt, từ việc tuân thủ hoặc hoàn toàn không quan tâm đến việc duy trì cấu trúc toàn cầu cũng như cấu trúc khu vực sau Chiến tranh lạnh sang xây dựng một trạng thái cấu trúc hoàn toàn khác trước đây. Sự thay đổi cấu trúc này là đương nhiên trong các trạng thái quy phạm được đưa ra bởi các nhà lãnh đạo quốc gia về luật pháp quốc tế cho sự an toàn của đường biển hay đường sắt xuyên quốc gia và đã dẫn đến một nhóm quốc gia có sức mạnh quyền lực cứng và mềm tác động mạnh như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia. Bốn quốc gia này, trải rộng trên khắp toàn cầu với các nguồn sức mạnh khác nhau về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự và giờ đây tạo thành hạt nhân cho chiến lược “Free and Open Indo-Pacific – FOIP” (“Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do – rộng mở”) mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề cử.

     An ninh ở các khu vực đang thay đổi nhanh chóng, nhất là ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Khu vực này không chỉ là nơi nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, mà còn là nơi gia tăng nhanh các chi phí quân sự và khả năng phát triển xây dựng lực lượng hải quân, về cạnh tranh gay gắt nguồn tài nguyên thiên nhiên và là điểm nóng chiến lược nguy hiểm nhất. Người ta thậm chí có thể nói rằng khu vực này đang giữ chìa khóa an ninh bảo mật toàn cầu. Việc sử dụng ngày càng tăng thuật ngữ “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” – đề cập đến tất cả các nước giáp với các đại dương Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương – chứ không phải là “Châu Á – Thái Bình Dương”, nhấn mạnh tầm quan trọng tuyến đường hàng hải ngày nay. Đại dương châu Á ngày càng trở thành một đấu trường cạnh tranh về tài nguyên, quân sự và sự tác động ảnh hưởng của các cường quốc đối với các quốc gia trong khu vực.

     Không có gì ngạc nhiên khi nhà nghiên cứu Lemke và Tammen nhận định rằng “ngày nay chỉ có Trung Quốc là một thách thức tiềm năng đối với Mỹ” (Lemke, D và Tammen, R 2001, tr.7). Nhận thức này cũng đã được phản ánh xác thực trong Quadrennial Defense Review do Lầu Năm Góc tiến hành vào năm 2006, trong đó xác định Trung Quốc chính là đối thủ cạnh tranh với Mỹ:

     Trong số các cường quốc mới nổi và Trung Quốc, Trung Quốc có tiềm năng lớn nhất để cạnh tranh quân sự với Mỹ và các công nghệ quân sự đột phá có thể vượt qua thời gian để bù đắp lợi thế quân sự truyền thống của Mỹ. (US 2006, Quadrennial defense review, Washington: Department of Defense, tr.29)

     Chiến lược của Mỹ nhằm xây dựng sức mạnh quân sự của riêng mình (người giữ thăng bằng nội bộ) và tìm kiếm đồng minh và đối tác (người giữ thăng bằng bên ngoài) trên khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

     Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là cường quốc gia tăng đáng kể và duy nhất ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và trên thế giới, bên cạnh đó còn phải kể đến Ấn Độ, một quốc gia tương tự theo đuổi sự trỗi dậy theo hướng kinh tế trong hệ thống quốc tế hiện nay. Đối mặt với hai cường quốc đang trỗi dậy Trung Quốc và Ấn Độ, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khi đó đã đưa ra một nhận định, đánh giá về sự khác biệt quan trọng, đó là:

     Trung Quốc, trong khi vươn lên cùng với Ấn Độ, đã làm rất ít trách nhiệm, đôi khi khai thác trật tự dựa trên luật lệ quốc tế […] Điều đó có ý nghĩa hoàn hảo rằng Mỹ – tại thời điểm này – nên tìm cách xây dựng dựa trên thế mạnh nền tảng của những năm hợp tác của chúng tôi với Ấn Độ. Đã đến lúc phải tăng gấp đôi đối tác dân chủ vẫn đang tăng – và tăng có trách nhiệm – trong 100 năm tới […] Đặc biệt Ấn Độ-Thái Bình Dương – cần Mỹ và Ấn Độ có quan hệ đối tác mạnh mẽ (Tillerson R., 2017).

2. Việt Nam trong cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

     2.1. Tiếp cận cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

     Khái niệm cấu trúc “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” xuất hiện vào khoảng năm 2010 như là một khuôn khổ khu vực cho diễn ngôn chiến lược của Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ B. Obama, và trở thành một thuật ngữ khu vực quan trọng cho bài diễn văn chính thức của Mỹ vào năm 2017 dưới thời Tổng thống Donald Trump. Có hai lý do cho sự thay đổi gần đây trong ngôn ngữ chiến lược, một là yếu tố kinh tế – địa lý và hai là yếu tố địa chính trị. Sự thay đổi kinh tế địa lý là do khối lượng thương mại chung, bao gồm các dòng thương mại đặc biệt quan trọng giữa hai đại dương Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Sự thay đổi địa chính trị là để làm cho sự trỗi dậy của Trung Quốc, và kể cả Ấn Độ trong khu vực. Trong khi đó, Mỹ đã là cường quốc hàng đầu ở Thái Bình Dương kể từ năm 1945 và tiếp tục là một cường quốc nổi bật ở Ấn Độ Dương kể từ những năm 1980. Bây giờ Mỹ, Nhật Bản và Úc đang phải đối mặt với sự quyết đoán của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương; trong khi ở Ấn Độ Dương, Mỹ và một cường quốc đang trỗi dậy là Ấn Độ phải đối mặt với sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc. Không có gì đáng ngạc nhiên, trước thách thức này của Trung Quốc, Mỹ đã xây dựng một cấu trúc chiến lược, đó là cấu trúc Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (David Scott, 2018, tr.19-43).

     Trong chuyến viếng thăm gần đây ở châu Á, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giới thiệu cho thế giới cái nhìn đầu tiên về chiến lược địa chính trị của Mỹ. Cả hai cuộc họp tại Việt Nam, ở hội nghị thượng đỉnh hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương và tại cuộc họp trước đó với Thủ tướng Shinzo Abe tại Nhật Bản, ông đã nói về thuật ngữ “Ấn Độ Dương” thay vì “Châu Á-Thái Bình Dương”, thuật ngữ được sử dụng thường xuyên nhất (www.washingtonpost.com, 14/11/2017). Thuật ngữ mới làm thay đổi bản đồ tư duy đã chiếm ưu thế kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và từ khi chính sách “cải cách và mở cửa” của Trung Quốc ra đời trong những năm 1980. Thuật ngữ “Châu Á-Thái Bình Dương” đã viện dẫn đến hình ảnh về một cộng đồng các mối quan tâm gắn kết với Mỹ với Đông Á. Thuật ngữ “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, như Tổng thống Donald Trump đã sử dụng, như ngụ ý nêu lên một cấu trúc mới trong đó hai quốc gia Ấn Độ và Mỹ, cùng với các quốc gia khác ở châu Á như Nhật Bản và Australia đặc biệt là sự tham gia ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.

     Trong một bài diễn văn vào ngày 18 tháng 10 năm 2017, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã tuyên bố rõ ràng: “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương – bao gồm toàn bộ Ấn Độ Dương, Tây Thái Bình Dương và các quốc gia bao quanh họ, sẽ là địa bàn quan trọng trên thế giới trong thế kỷ 21”, và tuyên bố. “Mỹ và Ấn Độ ngày càng trở thành đối tác toàn cầu với sự hội tụ chiến lược ngày càng tăng. Người Ấn Độ và người Mỹ không chỉ chia sẻ mối quan hệ dân chủ. Chúng tôi chia sẻ một tầm nhìn về tương lai” (Gurpreet S. Khurana, 2017).

     Đứng phía sau thuật ngữ “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” là sự phát triển kinh tế và an ninh trong khu vực trải dài toàn bộ tuyến hàng hải châu Á, từ vùng duyên hải Đông Phi đến Đông Bắc Á. Thuật ngữ “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” nhắc đến sự gia tăng phát triển của Ấn Độ vào đầu thế kỷ 21: sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng của nó trong những năm 1990 và sau đó là chương trình vũ khí hạt nhân và sự hiện diện quân sự đang gia tăng ở Ấn Độ Dương. Trong cuộc đối thoại Shangri La năm 2009, cựu lãnh đạo hải quân Ấn Độ, Đô đốc Arun Prakash, nhấn mạnh sự mâu thuẫn về khái niệm trong thuật ngữ “Châu Á – Thái Bình Dương”: “Là người Ấn Độ, mỗi khi tôi nghe thuật ngữ châu Á – Thái Bình Dương, tôi cảm thấy thuật ngữ này có vẻ bao gồm Đông Bắc Á, Đông Nam Á và các đảo ở Thái Bình Dương, và nó chấm dứt ở eo biển Malacca. Nhưng còn có cả một thế giới phía tây eo biển Malacca” (www.washingtonpost.com, 14/11/2017).

     Vào tháng 3 năm 2018, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Australia, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Julie Bishop tuyên bố “ASEAN là trái tim của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Sự đề cập nhiều lần khái niệm “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” cùng với những động thái chủ động tiếp cận ASEAN và các nước ASEAN cho thấy Australia đang nỗ lực đẩy mạnh gia tăng cam kết của mình lên phía Bắc và nhằm biến tầm nhìn chiến lược này thành hiện thực. Trong một diễn biến khác cũng trong tháng 3/2018, Tổng thống Indonesia khơi dậy những tranh luận lớn khi cho rằng “sẽ là điều tốt nếu Australia gia nhập ASEAN” (Nguyễn Nhật Huy & Sơ Nguyên, 2018).

     Cấu trúc “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” đã giúp khắc phục khái niệm trước kia bằng cách kết hợp Ấn Độ vào các vấn đề của châu Á hàng hải, mặc dù “Ấn Độ” là viết tắt của Ấn Độ Dương, chứ không phải Ấn Độ. Đó là một sự khác biệt đáng kể bởi vì khu vực Ấn Độ Dương là một tuyến hàng hải quan trọng cho dầu và khí đốt, thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế của các quốc gia ven biển Thái Bình Dương về phía tây. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dẫn đến sức mạnh quân sự, mối liên kết này thể hiện sự tổn thương đến chiến lược của Bắc Kinh và là một cơ hội để ngăn chặn sự bá chủ của Trung Quốc.

     Bốn cường quốc về kinh tế, quân sự đóng vai trò quan trọng nhất trong việc hình thành cấu trúc khu vực “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Mỹ. Đó là nhóm “Đối thoại an ninh bốn bên” (còn gọi là nhóm “Bộ tứ,” hay “Tứ giác kim cương”) được hình thành từ năm 2007 do sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Cấu trúc “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” đã nhấn mạnh sự ưu việt về sức mạnh hải quân khu vực và đảm bảo rằng Ấn Độ (cùng với Indonesia, Nhật Bản và Mỹ) có khả năng đóng vai trò chính trị không chỉ ở trong khu vực Ấn Độ Dương (Dennis Rumley, Timothy Doyle & Sanjay Chaturvedi, 2012). Quan điểm của các nước này về “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” mặc dù rất gần với nhau nhưng không hoàn toàn giống nhau. Mỹ cho rằng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là khu vực trải từ bờ Tây nước Mỹ tới bờ Tây Ấn Độ thì Nhật Bản lại có tham vọng hơn khi mở rộng tới tận bờ Đông của châu Phi. Bên cạnh đó, Ấn Độ có quan điểm tương tự Nhật Bản; còn cách định nghĩa về khu vực này của Australia về cơ bản giống Mỹ. Có một đặc điểm chung của các quốc gia là: Về quan điểm, định nghĩa về cấu trúc khu vực “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” là khác nhau, cả 4 quốc gia đều ủng hộ và nhấn mạnh vai trò trung tâm của Ấn Độ với một chiến lược mới. Ấn Độ là quốc gia có nhiều tiềm năng và trách nhiệm an ninh trong cấu trúc khu vực mới được định hình này (Nguyễn Nhật Huy & Sơ Nguyên, 2018).

     Tuy Ấn Độ không phải là nước lớn nảy sinh những ảnh hưởng mang tính toàn cầu có tính quyết định đối với các quốc gia xung quanh như Trung Quốc, nhưng Ấn Độ là một trong những cường quốc đang phát triển có ý nghĩa tiêu biểu nhất ở châu Á. Từ sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, vai trò của Ấn Độ có ý nghĩa chính trị quan trọng. Ấn Độ cũng có thể tận dụng vị trí địa lý của mình để cản trở việc tiếp cận vịnh Bengal và Ấn Độ Dương của các quốc gia khác. Với sự hỗ trợ của Mỹ, Ấn Độ có thể biến đổi đảo Andaman và Nicobar thành căn cứ quân sự để giám sát các hoạt động quân sự trong khu vực. Chính điều này sẽ khai thác lợi thế tự nhiên của Ấn Độ, cản trở khả năng mở rộng phạm vi của Trung Quốc và củng cố lợi ích của Ấn Độ trên toàn khu vực, và không yêu cầu Ấn Độ phải gánh vác các gánh nặng cho hoạt động phi thực tế ở các khu vực xa xôi.

     Một trong những điều chỉnh chiến lược lớn của Ấn Độ là “Chính sách hướng Đông” (Look East policy) bắt đầu từ năm 1992 trong đó ASEAN là trung tâm để Ấn Độ vươn ra Thái Bình Dương. Trong lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Ấn Độ năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã từng nhấn mạnh ASEAN là “hạt nhân” trong chính sách “Hành động hướng Đông” (Act East policy) của Ấn Độ và là trung tâm “giấc mơ” về một thế kỷ châu Á, với những đặc điểm là hợp tác và liên kết (www.narendramodi.in). Trong quá trình đó, từ đối tác đối thoại, ASEAN và Ấn Độ đã trở thành đối tác chiến lược. Hai bên đã nâng cấp quan hệ đối tác trên nhiều nền tảng thông qua 30 cơ chế. Với mỗi thành viên ASEAN, Ấn Độ có mối quan hệ ngoại giao, kinh tế và an ninh ngày càng phát triển. Hai bên đã chung tay hợp tác để bảo vệ vùng biển chung an toàn. Dòng thương mại và đầu tư lớn mạnh giữa hai bên ASEAN và Ấn Độ ngày càng gia tăng. ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ, và Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ bảy của ASEAN. Khoảng 20% vốn đầu tư nước ngoài của Ấn Độ đổ vào ASEAN (tuoitre.vn, 2018).

     Mặc dù Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương là khu vực truyền thống được xem là các vùng nước riêng biệt, Ấn Độ và Mỹ ngày càng nhận định khu vực này như là một phần của một khu vực liền kề duy nhất. Chiến lược Hàng hải của Mỹ (2015), đánh dấu khu vực là “Ấn – Á -Thái Bình Dương”, trong khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi trong tuyên bố chung gần đây của họ là “Ấn Độ Dương”. Ấn Độ và Mỹ có chung một cách nhìn trong việc nhận định tầm quan trọng trong cấu trúc khu vực “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Nó sẽ làm gia tăng khả năng các cường quốc này thúc đẩy các tiêu chuẩn và cấu trúc tự do như thị trường tự do, luật pháp và giải quyết tranh chấp có chủ ý không chỉ diễn ra trên đại dương mà còn vượt ra ngoài đại dương. Bên cạnh đó, chính do tính năng động về kinh tế và nhân khẩu học của khu vực cùng với tầm quan trọng của các tuyến đường biển “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” đối với việc di chuyển các luồng thương mại và năng lượng toàn cầu.

     Cả Ấn Độ và Mỹ đã công khai hợp tác chiến lược Ấn Độ – Mỹ trong khu vực (Lê Thị Hằng Nga, 2018, tr.186). Hiện nay, quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ là quan hệ đối tác chiến lược (từ năm 2010). Hợp tác hàng hải mạnh mẽ giữa hai nước chỉ bắt đầu sau trận sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004, đó chính là minh chứng sức mạnh ngày càng tăng của Hải quân Ấn Độ. Tuy nhiên, Ấn Độ nói chung không phải là một đối tác chủ động, và trên thực tế thường từ chối các đề nghị hợp tác từ Mỹ. Trong một số trường hợp, Ấn Độ quan tâm đến sự nhạy cảm của Trung Quốc. New Delhi đã bác bỏ nhiều yêu cầu của Hải quân Mỹ về việc neo đậu tàu tại quần đảo Andaman một phần vì Trung Quốc “không hài lòng” về sự hiện diện của Mỹ tại Ấn Độ Dương. Còn về phía Mỹ, đã bác bỏ quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương, từng được coi là nền tảng kinh tế của chiến lược châu Á của mình, và Mỹ bị phân tâm bởi sức mạnh của Liên bang Nga ở châu Âu và Trung Đông, và cuộc chiến tranh còn đang tiếp diễn ở Afghanistan.

     Không còn nghi ngờ rằng một cơ chế an ninh tồn tại trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, xu hướng quân sự quanh khu vực không phải là sự phát triển của lực lượng vũ trang với mục đích xâm nhập và chiếm đóng các quốc gia láng giềng. Theo nghĩa này, những thách thức an ninh chung trong khu vực có thể được tóm tắt như sau: Một, là sự phát triển quân sự của Trung Quốc, bao gồm cả dự định và ý định của nó. Trung Quốc đã cố gắng tận dụng “cơ hội chiến lược” để “tăng trưởng hòa bình”. Nó nhấn mạnh các khía cạnh phi quân sự của quyền lực quốc gia toàn diện của nó, áp dụng cách tiếp cận ba hướng đặt ra các lĩnh vực bất đồng với các nước láng giềng, tập trung vào sự tự tin – xây dựng các biện pháp để thúc đẩy quan hệ, và tham gia hội nhập kinh tế và hợp tác đa phương (C. Fred Bergstern, Bates Gill, Nicholas R. Lardy & Derek Mitchell, 2006, tr.120); Hai, từ quan điểm của Trung Quốc, quân đội Trung Quốc nói chung là kém phát triển và không được cung cấp. Do đó, hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc liên quan đến cả việc chuyển đổi tư duy chiến lược và sự gia tăng các vấn đề về khả năng quân sự. Thay vào đó, nó sẽ giúp Trung Quốc thiết lập sức mạnh của mình trong khu vực như là một thứ quyền lực chi phối. Trung Quốc từng bước, từng bước một tiến tới chiếm vị thế khống chế Đông Nam Á (D.V.Mosiakov, 2016, tr.280); Ba, những giải thích của Trung Quốc không thuyết phục được các quốc gia trong khu vực. Thực tế, một số nước láng giềng của Trung Quốc đã thay đổi nhận thức khi nhìn Trung Quốc như một người bạn đầy quyền lực cạnh tranh với các mục tiêu, bao gồm cả kế hoạch có liên quan đến chủ quyền quốc gia của họ (Ernest Z. Bower, 2011). Một số quốc gia trong khu vực đã bắt đầu tìm kiếm sự hình thành một liên minh cân bằng để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, và điều này, được giải thích bởi Thomas Christensen, chính là kết quả từ chính sách của Trung Quốc được thông qua vào cuối những năm 1990 (Thomas Christensen, 2011).

     Trung Quốc đã thực hiện sáng kiến trong việc xây dựng một khu vực Ấn – Á – Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Chiến lược của nó bao gồm nhiều mặt. Trung Quốc đã làm xói mòn tính tự trị chính trị của các nhóm quốc gia khu vực, sử dụng đòn bẩy kinh tế để tạo ra sự khác biệt giữa các thành viên ASEAN, phủ nhận không gian chiến lược cho Ấn Độ thông qua các dự án kinh tế như Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan và sử dụng Bắc Triều Tiên để hạn chế ảnh hưởng của Nhật Bản và Mỹ ở Đông Á. Ngoài ra, Trung Quốc đã sử dụng các tổ chức như Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á, các dự án xây dựng và tài
chính liên quan đến Sáng kiến vành đai và con đường và các hiệp định thương mại như Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực để tạo ra một mạng lưới hạ tầng và chiến lược phụ thuộc trên toàn khu vực. Mạng lưới này bao gồm các cảng ở Malaysia, Sri Lanka, Tanzania và Pakistan; các dự án dầu khí ngoài khơi Myanmar; và một căn cứ quân sự ở Djibouti (một quốc gia ở Đông châu Phi).

     Chiến lược của Trung Quốc ngày càng đặt quốc gia này vào việc thực hiện và thực thi trong một vùng trải dài từ Đông Á đến Đông Phi. Chiến lược của Trung Quốc đã động chạm đến chiến lược mà Mỹ và Ấn Độ xây dựng bắt nguồn từ Ấn Độ Dương – Châu Á – Thái Bình Dương. Mối nguy hiểm từ Trung Quốc đã trở thành động lực thúc đẩy chiến lược hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ. Tuy nhiên, để quan hệ đối tác Mỹ – Ấn Độ đối đầu với Bắc Kinh một cách hiệu quả, hai nước phải có những hành động sáng tạo để hợp tác cùng nhau, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng. Trung Quốc, trong vòng năm năm qua đã không ngừng đẩy biên giới của Trung Quốc vào vùng biển quốc tế, bằng cách xây dựng các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông. Quân sự hóa các tiền đồn này, xem như một kẻ lữ hành di chuyển đến phần còn lại của thế giới – bây giờ đã chuyển trọng tâm sang Ấn Độ Dương. Trung Quốc đã thành lập căn cứ quân sự hải ngoại đầu tiên ở Djibouti, gần đây có cảng chính từ một công ty đặt trụ sở tại Dubai, liên lạc trực tiếp đến Trung Quốc. Hơn nữa, Trung Quốc đang có kế hoạch mở một căn cứ hải quân mới bên cạnh cảng Gwadar của Pakistan do Trung Quốc kiểm soát. Và Bắc Kinh đã cho thuê một số hòn đảo ở Maldives, nơi đó được thiết lập xây dựng một đài quan sát biển để cung cấp dữ liệu dưới mặt đất hỗ trợ việc triển khai các tàu ngầm tấn công hạt nhân và tàu khu trục tên lửa đạn đạo hạt nhân ở Ấn Độ Dương (Brahma Chellaney, 2018).

     Tóm lại, Trung Quốc đã thay đổi cảnh quan chiến lược của khu vực chỉ trong những năm gần đây. Nếu các cường quốc khác không bước vào để đối phó với những thách thức hơn nữa đối với tình trạng lãnh thổ và hàng hải, thì năm năm tiếp theo có thể càng củng cố lợi thế chiến lược của Trung Quốc. Kết quả có thể là sự gia tăng của một trật tự cấp khu vực do Trung Quốc lãnh đạo, dựa trên các quy tắc mà hầu hết các nước trong khu vực đều phải chấp nhận. Với khả năng kinh tế của khu vực, điều này sẽ tạo ra những rủi ro đáng kể cho thị trường toàn cầu và an ninh quốc tế. Trung Quốc đã sử dụng lịch sử để biện minh cho những nỗ lực của mình nhằm thay đổi tình trạng lãnh thổ và hàng hải trên Biển Đông. Tất cả các tranh chấp của Trung Quốc với 11 quốc gia láng giềng đều dựa trên những tuyên bố lịch sử, chứ không dựa vào lẽ phải của luật pháp quốc tế.

     Ấn Độ và Mỹ cần phải có một cách tiếp cận ngoại giao và phát triển cho khu vực đó là cung cấp các lựa chọn thay thế đáng tin cậy cho các dự án Trung Quốc; cả hai quốc gia không thể áp dụng các chiến lược khác nhau ở phía đông và phía tây của Ấn Độ Dương, hoặc cả hai phải thúc đẩy các dự án hấp dẫn về lý thuyết nhưng thiếu về tài chính và ngoại giao. Các thông báo gần đây về các dự án khu vực như Ấn Độ – Châu Á, và hành lang kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã hồi sinh và sáng kiến New Silk Road, được các quốc gia trong khu vực đồng tình. Đó là điều cần thiết để đảm bảo rằng các dự án này tiếp tục nhận được sự hỗ trợ đầy đủ từ các quốc gia, và tạo ra sự phối hợp giữa các quốc gia trong khu vực nhằm góp phần vào sự phát triển khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

     Ngoài ra, Ấn Độ phải thay đổi các mối quan hệ chính trị trong khu vực với các nước như Nepal, Sri Lanka, Maldives và các thành viên ASEAN để dự báo ảnh hưởng của nó vào Ấn Độ Dương. Ấn Độ đã ký Hiệp định khung hợp tác kinh tế toàn diện với ASEAN tại Hội nghị Thượng đỉnh Bali năm 2003, trong đó có kế hoạch thiết lập một khu vực Tự do hoá thương mại giữa Ấn Độ và ASEAN trong vòng 10 năm (Tôn Sinh Thành, 2017, tr.143). Ấn Độ đã cung cấp cho các nước láng giềng các dự án cơ sở hạ tầng bền vững và các ưu đãi kinh tế mạnh mẽ, và các giải pháp thay thế. Những nỗ lực này sẽ có nhiều khả năng thành công hơn nếu Mỹ, Nhật Bản hỗ trợ họ về mặt ngoại giao và thông qua hợp tác đầu tư trong các dự án kinh tế. Không có biện pháp nào dễ thực hiện; họ sẽ phải đối mặt với những hạn chế về tài nguyên, sự đối lập chính trị và cạnh tranh chiến lược. Việc góp phần xây dựng khu vực pháp lý, kinh tế và quân sự của khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương là rất lớn. Nếu không có chính sách táo bạo từ Mỹ và Ấn Độ, câu trả lời sẽ là Trung Quốc (Samir Saran & S. Paul Kapur, 2018). Đối với những quốc gia mới bắt đầu hình thành cấu trúc quan hệ như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Mỹ cần nhanh chóng trong việc thể chế hóa “Đối thoại an ninh tứ giác” để họ có thể phối hợp tốt hơn các chính sách và mở ra cơ hội hợp tác rộng hơn với các đối tác quan trọng khác như Việt Nam, Indonesia và Hàn Quốc.

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ IV với chủ đề Những vấn đề giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam trong thế giới ngày nay.
NXB: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh – 2019 (từ  trang 1322 đến trang 1336)

Trích dẫn: Khoa Việt Nam học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

     Mời xem tiếp:

VAI TRÒ của VIỆT NAM trong CẤU TRÚC KHU VỰC ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG (Phần 2)

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

(Visited 20 times, 1 visits today)