VĂN HÓA ỨNG XỬ của VIỆT NAM với PHÁP trong nửa đầu thế kỷ XIX

BEHAVIORAL CULTURE OF VIETNAM TO FRANCE
IN THE FIRST HALF OF THE 19TH CENTURY

ĐINH THỊ DUNG
(Tiến sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM)

DẪN NHẬP

     Lịch sử văn hóa là tấm gương phản chiếu lịch sử, để chúng ta soi vào đó nhìn thấy những bài học cho thực tại và nhận thức rõ hơn về bản sắc văn hóa của một dân tộc, trong đó lịch sử ngoại giao là một trong những lĩnh vực tiêu biểu, nhất là lịch sử ngoại giao của một quốc gia như Việt Nam thường phải ứng xử với những nước lớn hơn mình rất nhiều.

     Trong lịch sử Việt Nam, triều Nguyễn là triều đại gây nhiều tranh cãi học thuật vì những ứng xử nội trị và ngoại giao đều trong những bối cảnh phức tạp và nhạy cảm về chính trị. Tuy vậy, từ góc nhìn văn hóa, có thể thấy Việt Nam dưới triều Nguyễn trong nửa đầu thế kỷ 19 là một quốc gia phong kiến độc lập và vững mạnh, trong đó những ứng xử trong hoạt động ngoại giao của triều Nguyễn góp phần quan trọng. Ứng xử ngoại giao của triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ 19 vừa thể hiện truyền thống ứng xử của dân tộc, vừa góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của dân tộc trong tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ 19.

     Trong bài viết này, chúng tôi tập trung nghiên cứu văn hóa ứng xử của Việt Nam nửa đầu thế kỷ 19 chủ yếu được phản ánh thông qua hoạt động ngoại giao Việt Nam với Pháp (đại diện cho văn hóa phương Tây), trong giai đoạn Việt Nam bắt đầu tiếp xúc sâu và toàn diện hơn với phương Tây. Từ văn hóa ứng xử của Việt Nam thời kỳ biến động này dễ dàng nhận diện những vấn đề của truyền thống văn hóa ứng xử của Việt Nam, đặc biệt là văn hóa ứng xử với môi trường xã hội, qua đó, nhận diện những bài học kinh nghiệm thiết thực cho ngoại giao và ứng xử trong quan hệ quốc tế hiện đại.

1. Văn hóa ứng xử của nhà nước phong kiến Việt Nam nhìn từ đặc điểm bối cảnh lịch sử đầu thế kỷ 19

     Đầu thời cận đại, những tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là bước tiến trên lĩnh vực giao thông vận tải, đã giúp con người thuận lợi hơn trong vấn đề chinh phục được các khoảng cách. Các nước tư bản Âu – Mỹ đã có điều kiện hơn trong những hành trình thám hiểm, buôn bán và mở rộng phạm vi thế lực sang châu Á. Trong quá trình tìm kiếm thuộc địa để đáp ứng nhu cầu phát triển nội tại của chủ nghĩa tư bản, các nước tư bản Âu – Mỹ đã chú ý tới nhiều khu vực, trong đó có Đông Nam Á.

     Quan hệ đầu tiên giữa Việt Nam và các nước phương Tây là quan hệ buôn bán trao đổi. Việc buôn bán đã bắt đầu khởi sắc từ thế kỷ 16, 17 nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế giữa các nước, các khu vực, vùng miền. Đến thế kỷ 17 người Pháp mới hiện diện tại Việt Nam lúc chiến tranh Trịnh – Nguyễn đang diễn tiến. Cho tới thế kỷ 18, những hiểu biết về nhau giữa hai nước Việt Nam và Pháp còn chưa nhiều. Phương Đông và phương Tây vẫn còn xa lạ với nhiều khác biệt từ sự phát triển, con đường phát triển, văn hóa…, chưa có những quan hệ tương giao, phát triển.

     Việt Nam cuối thế kỷ 18 đang ở trong bối cảnh nội chiến, Nguyễn Ánh bị đặt vào tình thế phải chiến thắng Tây Sơn hoặc bị tiêu diệt. Tình thế buộc vị chúa Nguyễn này cầu viện các thế lực bên ngoài. Trong tình hình cấp bách Nguyễn Ánh đã gặp cái phao “cứu hộ” là Giám mục Pigneau – Bá Đa Lộc. Những hứa hẹn giúp đỡ của Bá Đa Lộc đáp ứng được nguyện vọng khẩn thiết của Nguyễn Ánh tạo ra những liên hệ ràng buộc giữa cá nhân Nguyễn Ánh với Bá Đa Lộc.Từ đó bắt đầu cho một quan hệ cá nhân giữa Nguyễn Ánh và người Pháp, về sau này từ quan hệ cá nhân đã chi phối cả quan hệ ngoại giao Việt – Pháp cũng như góp phần làm nên những đặc điểm trong văn hóa ứng xử với Pháp của vua Gia Long thời kỳ đầu thế kỷ 19.

     Khi xác lập mối quan hệ với người Pháp, Nguyễn Ánh vì mục đích trước mắt là lợi dụng thực lực và kỹ thuật quân sự phương Tây để phục hồi quyền lực cho họ Nguyễn và kết thúc nội chiến ở Việt Nam. Vì mục tiêu quyền lợi của dòng tộc và tình thế trước mắt quy định, Nguyễn Ánh đã có thể không lường hết được hậu quả của những ràng buộc trong quan hệ với Pháp sau này. Mối liên hệ với Pháp của Nguyễn Ánh đã khởi đầu một bi kịch của cá nhân Nguyễn Ánh, cũng như làm nên đặc điểm văn hóa “lưỡng xử” của những vị vua đầu triều Nguyễn trong suốt lịch sử Việt Nam cận đại.

2. Đặc điểm văn hóa ứng xử Việt Nam qua quan hệ ngoại giao với nước Pháp đầu thế kỷ XIX

     – Văn hóa ứng xử mang tính truyền thống của phương Đông Cho đến đầu thế kỷ 19, Việt Nam chưa tham gia nhiều vào các quan hệ quốc tế. Ngoài quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam tập trung phát triển những mối quan hệ của mình với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Quan hệ với bên ngoài của Việt Nam thời Nguyễn, nhìn một cách tổng quát, phần nào biểu hiện được văn hóa ứng xử truyền thống Việt Nam. Đó là sự thận trọng và ít quan tâm kết nối quan hệ với các quốc gia ngoài khu vực, đặc biệt là với các nước “Tây dương” (phương Tây). Triều Nguyễn Việt Nam định hướng văn hóa ứng xử thân thiện hòa hiếu của mình với các đối tượng là các nước trong khu vực và chủ yếu với Trung Hoa. Tính truyền thống trọng lân bang trong quan hệ ngoại giao Việt Nam không chỉ là một đặc điểm trong văn hóa ứng xử của Việt Nam, mà còn biểu hiện như là một nét bản sắc ứng xử điển hình trong quan hệ quốc tế của Việt Nam thời đó.

     Đầu thế kỷ 19, triều Nguyễn vẫn nhất quán với truyền thống văn hóa ứng xử theo nguyên tắc tự hào bên trong và tự tôn với bên ngoài – “trong thì xưng đế ngoài thì xưng vương”. Trong quan hệ với Trung Quốc thái độ của Việt Nam là nhún nhường chịu phận “chư hầu”, tôn xưng Trung Quốc là “Thiên triều” nhằm đảm bảo sự bình yên trong quan hệ Việt – Trung. Văn hóa ứng xử này xuất phát từ nhận thức ứng phó với môi trường xã hội vì sự an ninh của đất nước. Ngoài ra, đối với Việt Nam, Trung Quốc còn là nước láng giềng “đồng văn” với nhiều giá trị văn hóa nổi trội để Việt Nam tiếp nhận và làm phong phú hơn lịch sử văn hóa của mình. Tình hình trên tạo nên đặc điểm văn hóa ứng xử với bên ngoài của Việt Nam là luôn xác định hòa hiếu, thân thiện với các lân bang. Phần lớn ứng xử của Việt Nam với các nước trong khu vực đều ít nhiều chịu sự tác động từ quan hệ Việt – Trung. Với quan niệm trọng Đông, e ngại Tây, nên với Pháp hay bất kỳ nước phương Tây nào với những khác biệt văn hóa so với phương Đông, thì ứng xử đầu tiên của Việt Nam là đề phòng: “Tiên vương kinh dịch việc nước, không để người Hạ lẫn với người Di, đó thực là cái ý đề phòng từ lúc việc còn nhỏ. Người Hồng Mao gian giảo trí trá, không phải nòi giống ta, lòng họ hẳn khác,…” (Đại Nam thực lục chính biên, Đệ nhất kỷ, q.24).

     Từ nhận thức phân loại quan hệ nặng trong – nhẹ ngoài khu vực, đưa đến văn hóa ứng xử theo truyền thống ngoại giao phong kiến phương Đông như trên, điều này đã tạo nên màu sắc văn hóa ứng xử đặc biệt của nhà nước Việt Nam với bên ngoài. Trong mối quan hệ với nước Pháp chúng ta có thể bước đầu nhận diện thêm những đặc điểm phái sinh của văn hóa ứng xử của Việt Nam.

    – Văn hóa ứng xử mang tính thận trọng

    Các vua đầu triều Nguyễn nhận thức rõ vấn đề đe dọa độc lập của quốc gia và vương triều có khả năng đến từ nước Pháp, nhưng vào thời điểm đầu thế kỷ 19 đã không thể “trở mặt” để giải quyết được dứt khoát mối quan hệ với những người Pháp đã từng giúp đỡ mình, vì vậy vua Gia Long đã chọn một cách ứng xử “hai mặt” nhiều toan tính để định hướng “lối thoát” sau này trong quan hệ với nước Pháp. Theo chúng tôi, đây là một cách ứng xử rất khéo léo, phản ánh sự uyển chuyển linh hoạt trong ứng xử đồng thời vẫn nguyên tắc, có trường hợp thái độ của Việt Nam được coi là khá cứng rắn với nước Pháp.

     Vua Gia Long là người khá am hiểu phương Tây nên nhận thức rõ những khác biệt văn hóa Đông Tây và chênh lệch trong tương quan so sánh lực lượng giữa Việt Nam và Pháp. Đó là lý do ông luôn có thái độ ứng xử phù hợp và về cơ bản là “tử tế” theo từng thời điểm với Pháp. Đầu thế kỷ 19, khi phần lớn các nước phương Đông đều trở thành thuộc địa hay phụ thuộc các nước tư bản phương Tây, thì thái độ của Gia Long với các nước phương Tây nói chung, nước Pháp nói riêng, là thận trọng, không có những ưu tiên để tạo nên nguyên cớ can dự vào Việt Nam của bất kỳ nước nào, đúng như Cao Huy Thuần nhận định: “Ông vẫn giữ gìn không thắt chặt các mối liên lạc chính thức có vẻ là các cam kết chính trị với chính phủ phương Tây để khỏi sa vào những lỗi lầm dẫn đến số phận của Ấn” (Cao Huy Thuần, 1996, tr.50). Một nền hòa bình khó khăn vẫn luôn là ưu thế và ưu tiên trong chọn lựa so với chiến tranh. Điều này đã lý giải cho văn hóa ứng xử đặc biệt với Pháp của vua Nguyễn trong đầu thế kỷ 19.

    Với những người Pháp đã giúp mình khôi phục quyền lực và thống nhất đất nước, vua Việt Nam luôn tôn trọng và biệt đãi. Ông cho phép người Pháp truyền giáo, buôn bán,…nhưng khi cần thiết Gia Long vẫn né tránh một cuộc tiếp xúc chính thức. Tháng 3 năm 1816 vua Pháp cử A. de Kergariou hy vọng gặp được vua Việt Nam, “ Kergariou không yêu cầu gì khác hơn là áp dụng hiệp ước 1787 đã chết non khi mới lọt lòng, và việc cắt nhường Côn Đảo. Gia Long rất cẩn thận không chịu tiếp kiến” (Cao Huy Thuần, 1996, tr. 51). Dù có lý giải cho chuyến đi của mình chỉ là “báo cho mọi người biết chế độ vương chính trùng hung ở Pháp của Louis 18 hơn là có một công dụng thiết thực nào” (Nguyễn Triều Vân, 1969, tr.142), nhưng Kergariou cũng đã không thành công trong cuộc vận động ngoại giao này.

     Dù nhận định đúng tầm quan trọng mối quan hệ với phương Tây và Pháp nhưng vào thời điểm đó, Việt Nam không có giải pháp nào hợp lý hơn ngoài việc chối từ mọi sự hợp tác chính thức. Văn hóa ứng xử của Gia Long phản ánh nhận thức vấn đề “hiểm họa phương Tây”. Cũng có thể hiểu được sự thận trọng dè chừng đó đến từ nhiều nguyên nhân, và có thể từ thực tế lịch sử các nước trong khu vực bị thua thiệt trong quan hệ với phương Tây. Thái độ ứng xử tạo khoảng cách không thiết lập sự tin cậy cũng đến từ khác biệt văn hóa, từ truyền thống quan hệ ngoại giao của phương Đông,… Từ khá sớm người Pháp cũng nhận thấy cư xử “hai mặt” của Nguyễn Ánh-Gia Long. Năm 1792, giáo sĩ Lelabousse đã biết là “không bao giờ vua sẽ theo Kito giáo, một tôn giáo mà ông biết khá rõ. Ông thích châm chọc và giễu cợt nhiều điểm trong giáo lý Kito, nhưng không bao giờ nói trước mặt Giám mục Pigneau” (Trương Bá Cần, 1992, tr. 35).

     Gia Long nhận thức rõ về người Pháp và các thừa sai nhưng không thể cự tuyệt ngay với Pháp. Ông lựa chọn hạn chế tối đa những cuộc tiếp xúc ngoại giao chính thức với các nước tư bản Âu – Mỹ kể cả với nước Pháp, tuy vậy trong ứng xử với người Pháp đã giúp mình thì Gia Long luôn thể hiện truyền thống văn hóa trọng tình nhớ ơn của người Việt. Theo tác giả Nguyễn Phan Quang,“Gia Long đã tiến hành êm đẹp chủ trương hai mặt này, êm đẹp đến mức nhiều người đương thời và cả sau đó nghĩ rằng đường lối ngọai giao của Gia Long là thân Pháp” (Nguyễn Phan Quang, 1995, tr.116-117). Chủ trương hai mặt cũng phản ánh văn hóa ứng xử nước đôi của Việt Nam đối với Pháp trong giai đoạn đầu triều Nguyễn.

    – Văn hóa ứng xử với tính truyền thống trọng tình nhưng nguyên tắc. Ứng xử luôn có khoảng cách và thái độ đưa ra dựa trên nền tảng lợi ích quốc gia Do Gia Long từng tiếp xúc và hiểu rõ người Pháp nên thái độ ứng xử của Gia Long theo chúng tôi là hợp lý như tôn trọng Kito giáo, đối xử tốt với những người Pháp mà ông biết. Bên cạnh đó ông cũng am hiểu khoa học kỹ thuật, sức mạnh của phương Tây. Đó là những yếu tố làm nên ứng xử vô cùng thận trọng trong tiếp xúc với Pháp, dù muốn hay không Gia Long cũng đã nhận sự giúp đỡ của những người Pháp nên ông luôn biệt đãi số người này. Sau năm 1802 số người này chỉ còn 4 người. Trừ Despiaux là thầy thuốc, còn Chaigneau, Vannier, Forsant được phong chức Chưởng cơ (võ quan cao cấp, hàm nhị phẩm, có 50 lính hầu). Năm 1809, Forsant qua đời, số lượng người Pháp hiện diện trong guồng máy chính trị nhà Nguyễn rất không đáng kể, và không thể tạo ra một ảnh hưởng nào.

    Nhà vua của Việt Nam mềm mỏng, linh hoạt trong mọi tiếp xúc; trong một vài trường hợp ông rất cứng rắn, kiên quyết từ chối mọi yêu cầu phi lý của Pháp (như yêu cầu của Pháp đòi thực hiện hiệp ước Versailles 1787, mà phía Pháp đã không thi hành ngay từ khi ký).

     Văn hóa ứng xử của Việt Nam đối với Pháp được phản ánh qua đường lối ngoại giao có định hướng “không quan hệ chính thức với phương Tây”. Đường lối ngoại giao này được hoạch định và thực thi từ bối cảnh lịch sử của đất nước, tình hình của khu vực chịu áp lực và sự uy hiếp của tư bản Âu – Mỹ. Gia Long đã nêu rõ mục tiêu của Việt Nam: “Nhất định không để người ngoại quốc bành trướng ảnh hưởng của họ ở Việt Nam” (Nguyễn Thế Anh, 1971, tr.259).

     Gia Long kiên định lập trường không thiết lập quan hệ chính thức Việt – Pháp, nhưng với những liên hệ đã có với nước Pháp trước đó, ông đã cố gắng thể hiện một sách lược ngoại giao mang tính “lưỡng xử”, dung hòa và cố gắng giữ khoảng cách an toàn giữa Việt Nam và những người Pháp hiện diện trên đất nước Việt Nam. Đường lối trị nước của ông hoàn toàn độc lập, không hề bị chi phối và chịu ảnh hưởng bởi người Pháp tại triều. Toàn cảnh chính trị – ngoại giao thời Gia Long đã toát lên một tinh thần ứng xử tinh tế nhẹ nhàng đầy cẩn trọng, ông cảnh báo với người kế vị: “Hãy biết ơn người Pháp, nhưng đừng bao giờ để họ đặt chân vào triều đình của con” (Bonhoure, 1900, tr.60).

     Thực tế khi Gia Long không chọn con hoàng tử Cảnh kế vị ngai vàng cũng đã thể hiện thái độ ứng xử từ do dự sang dứt khoát của ông đối với người Pháp. Đó cũng là câu trả lời của Gia Long cho vấn đề định hướng quan hệ Việt – Pháp khi truyền ngôi lại cho hoàng tử Đảm (vua Minh Mạng). Minh Mạng là người rất tinh thông, tôn sùng Nho học và không có nhiều thiện cảm với người Pháp. Quyết định của Gia Long đã làm sụp đổ mọi hy vọng của phần lớn giáo sĩ Pháp ở Việt Nam từ thời Bá Đa Lộc. Theo nguyên tắc nối dõi thì ông phải truyền ngôi cho con hoàng tử Cảnh, nhưng ông đã chọn hoàng tử Đảm (vua Minh Mạng). Trước quyết định đó của Gia Long không chỉ các đại thần trong triều thắc mắc mà những người phương Tây như Louvet, Buttingger… cũng không đồng tình. Theo Louvet, “chưa bao giờ vua Gia Long lại thiếu linh cảm bằng cái ngày ông quyết định một sự lựa chọn như vậy.” (Nguyễn Phan Quang, 1995, tr. 117).

     Đây chính là sự lựa chọn người có khả năng thực hiện đường lối chính trị cơ bản, và thống nhất trong thái độ ứng xử đối với Pháp, thực tế thì con của Hoàng tử Cảnh ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng của người Pháp. Chính Minh Mạng trong giai đoạn mới lên ngôi vẫn đi theo định hướng văn hóa ứng xử đối với nước Pháp: “vẫn có ơn cũ, nếu khước ngay đi, e không phải ý đãi người xa,…” (Nguyễn Thế Anh, 1971, tr. 264). Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn trước sức ép của phương Tây, Minh Mạng đã vội vã thay đổi cách ứng xử với Pháp. Ông tuyệt giao với người Pháp và các thừa sai, cấm đạo Thiên Chúa.

     Gia Long nhận thức sâu sắc nguy cơ đến từ phương Tây, nhưng vị vua Việt Nam không thể có một chính sách nhanh nhạy thích ứng với tình hình mới. Việc mà ông làm được với một sự cố gắng chỉ là: duy trì quan hệ bình thường với người Pháp, nước Pháp. Trong 20 năm trị vì, văn hóa ứng xử của Gia Long với người Pháp trên cương vị lãnh đạo đất nước mang màu sắc ôn hòa, tử tế và kìm chế người Pháp từ nhà buôn, giáo sĩ hay người đại diện cho vua Pháp đến Việt Nam. Vua Gia Long đã làm được việc là quân bình được mọi thế lực ủng hộ ông và “ngoài Bá Đa Lộc, hầu như không có một người ngoại quốc nào được coi trọng hơn một tướng lãnh bậc trung” (Nguyễn Duy Chính, 2011, tr. 33).

     Nhưng dù có khéo léo che đậy sự dè chừng, cảnh giác người Pháp của ông bằng ứng xử ôn hòa khôn khéo, thì người Pháp cũng nhận thấy “nhà vua không nói cái mà nhà vua nghĩ, nhà vua rất khôn khéo và luôn có những lối thoát” (P. Boudet, 1942, tr. 73).

    Gia Long đã né tránh được những cam kết thắt chặt ngoại giao chính trị với Pháp. Vannier, một người Pháp được Gia Long phong sắc Nhất phẩm vĩnh viễn, cũng nhận xét: “Thật là vô ơn cái vị chúa ấy đã chịu ơn người Âu bao nhiêu nhất là người Pháp… Ông Chaigneau và tôi đã chán Nam Kỳ lắm rồi,… ” (Những người bạn cố đô Huế (B.A.V.H), 1998, tr.198).

     Phương hướng ngoại giao “không quan hệ chính thức với phương Tây” với văn hóa ứng xử “nước đôi”, “bằng mặt không bằng lòng” với người Pháp của Gia Long, tuy mang tính chất bảo thủ, nhưng sâu xa chúng tôi cũng nhận thấy có yếu tố hợp lý. Với phương cách ứng xử đó, Việt Nam đã duy trì quan hệ bình thường với Pháp, nhưng tránh được những ký kết chính thức giữa hai nhà nước, những ký kết mà theo Gia Long, có thể gây nguy hại cho an ninh quốc gia.

3. Những hệ quả

     Do bối cảnh lịch sử quy định và do sự khôn khéo linh hoạt trong văn hóa ứng xử với Pháp nên thời Gia Long quan hệ Việt – Pháp chưa có khó khăn, mâu thuẫn gì để dẫn đến xung đột cho dù mối quan hệ này cũng bị vấn đề thương mại và tôn giáo chi phối:

     – Về thương mại, so với thời trước thì trao đổi buôn bán quốc tế có phần khởi sắc hơn. Việt Nam thời Gia Long hoạt động buôn bán với thương nhân nước ngoài khá sôi nổi, thương nhân có thể tới thông thương ở mọi hải cảng ở Việt Nam “với điều kiện phải tới Hội An hay Đà Nẵng làm xong thủ tục nhập cảng đã” (Nguyễn thế Anh, 1971, tr.254).

     Như vậy, có thể thấy Việt Nam chưa thật sự “hạn thương” và Gia Long vẫn ứng xử bình thường, không phân biệt đối xử với các thương nhân châu Âu. Đối với các thương gia đến từ phương Tây, “chính phủ Việt Nam đã không gây trở ngại mà lại tiếp đãi tử tế, kể cả trong những trường hợp mà chính phủ bị phiền lòng vì họ nữa” (Nguyễn thế Anh, 1971, tr.260).

     Những ứng xử của người đứng đầu quốc gia là vua Gia Long đã phản ánh văn hóa ứng xử hợp lý, chừng mực, không quá khích trên tinh thần tôn trọng các nước đến làm ăn buôn bán.

     – Về vấn đề tôn giáo, việc du nhập của Kito giáo vào Việt Nam là một cuộc “đụng đầu văn hóa” và sự du nhập Kito giáo sẽ đưa đến hai xu hướng ứng xử căn bản của Việt Nam là tiếp nhận và chối từ. Tình hình khu vực và thế giới cuối thế kỷ 18 cho phép chúa Nguyễn chọn con đường tiếp nhận tôn giáo này với các ý đồ chính trị. Thời chúa Nguyễn Phước Thuần năm 1774 đã có sắc lệnh ân xá cho giáo dân. Quan hệ giữa các giáo sĩ phương Tây và họ Nguyễn ở Đàng Trong đã được cải thiện. Nguyễn Ánh cầu viện Bá Đa Lộc, gởi con mình sang Pháp làm tin,… Chúng tôi nhất trí với nhận định của tác giả Cao Tự Thanh về thời điểm này: “Những người làm chính trị để truyền giáo và truyền giáo để làm chính trị ấy đã thật sự tham gia vào nội chiến cuối thế kỷ 18 ở Việt Nam” (Cao Tự Thanh, 1996, tr.78).

     Gia Long đã có tính toán hợp lý, ông đã có thời gian khá dài cộng tác với một giám mục người Pháp, nên chắc chắn ông hiểu rõ hơn ai hết những “cú shock mang tên văn hóa” đến với người Việt khi tiếp xúc với Kitô giáo và những người đi truyền đạo. Trong tình thế vừa mới nhờ sự giúp đỡ của người Pháp xong, Gia Long chưa thể cấm đạo và làm mất lòng người Pháp ngay lập tức được, nhưng qua điều lệ Hương đảng cho các xã dân ở Bắc Hà, ông cũng tỏ rõ được ứng xử của mình đối với đạo Thiên Chúa: “Từ nay về sau, dân các tỉnh, xã nào có nhà thờ Gia Tô đổ nát thì phải đưa trình quan trấn mới được tu bổ lại, còn việc dựng nhà thờ mới đều cấm chỉ” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 1963, tr.168). Tuy nhiên, để bảo đảm sự bình yên trong quan hệ với nước Pháp, Gia Long cố gắng đứng ngoài việc chống đối đạo, ông muốn “làm người trọng tài không thiên vị để lấy lòng cả giáo sĩ lẫn nho sĩ” (Cao Tự Thanh, 1996, tr.93).

     Gia Long là mẫu hình của văn hóa ứng xử mang tính dung hòa trong quan hệ với Pháp, nhưng luôn có thái độ rõ ràng cương quyết và cứng rắn từ chối mọi yêu cầu từ phía nhà nước Pháp,… Hướng giải quyết của Gia Long trong những năm ở ngôi vua là dàn xếp ổn thỏa quan hệ với người Pháp, dễ dãi tạo điều kiện cho thương nhân Pháp làm ăn. Với đạo Thiên Chúa, ông đề nghị theo hướng tiếp xúc giao lưu và có biến đổi cho phù hợp với văn hóa bản địa là: “đạo này nên dung nạp thêm lễ tục thờ cúng tổ tiên” (Phan Khoang, 1971, tr.82).

     Ông yêu cầu các tín đồ Thiên Chúa giáo nên gần gũi với dân chúng bên lương hơn nữa, Gia Long nói với giám mục Pháp: “lưu ý điều đó và cho phép các tín đồ Thiên Chúa giáo gần gũi thần dân của tôi hơn nữa” (P. Boudet, 1942, tr. 21).

     So với các nước phương Đông cùng bối cảnh lịch sử, vua Gia Long, với quan hệ “đặc biệt” đã có từ trước với người Pháp, đã hoạch định một đối sách và thái độ với nước Pháp mang tính nhu hòa, uyển chuyển hơn. Điều này giúp Gia Long rất nhiều trong việc ổn định đất nước sau một thời gian dài nội chiến. Ông đã tranh thủ được môi trường quốc tế hòa bình để củng cố và xây dựng đất nước. Về cơ bản, đó là sự lựa chọn đúng đắn với văn hóa ứng xử phù hợp với lợi ích quốc gia dân tộc vào thời điểm ấy.

     Đến triều vua Minh Mạng, do đặc điểm tình thế nên Minh Mạng đã có những điều chỉnh cần thiết trong ứng xử mang tính bắt buộc trong nội trị và ngoại giao. Những chính sách đối ngoại trên các lĩnh vực của Minh Mạng phản ánh ứng xử có tính chất cứng rắn hơn. Vấn đề “hạn thương” và “sát đạo” dưới triều Minh Mạng đã ảnh hưởng rất nhiều đến quan hệ quốc tế, cũng như các quan hệ trong nước (quan hệ Lương – Giáo). Tuy nhiên, đây cũng là tình hình chung của nhiều nước châu Á trong chủ trương “bế môn tỏa cảng” và “tỏa quốc” của mình.

     Cuối thời Minh Mạng, ông đã có dự tính “mở cửa” Việt Nam, thể hiện một thay đổi trong nhận thức ứng xử. Đầu tiên, Minh Mạng nghiên cứu tình hình hoạt động của những nước tư bản Âu – Mỹ tại châu Á. Ông cử nhiều phái đoàn đi ra nước ngoài nghiên cứu tình hình khu vực, các chính sách của Anh, Hà Lan,… đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á và các phái đoàn đó kiêm luôn nhiệm vụ mua hàng hóa, vật dụng ở châu Âu về phục vụ cho việc quân nhu ở triều đình. Minh Mạng sau đó còn cử sứ đoàn sang Anh và Pháp nhằm mục đích thương thuyết và thiết lập quan hệ chính thức với hai nước này. Tuy nhiên, vì nhiều lý do vua Minh Mạng đã không thành công trong việc thực hiện hóa mục tiêu này.

     Văn hóa ứng xử Việt Nam mang tính cứng rắn hơn với người Pháp dưới triều vua Thiệu Trị và Tự Đức. Thực tế thì vua Thiệu Trị có ứng xử nhân nhượng hơn trong vấn đề truyền giáo. Điều đó tạo nên một sự lạc quan với tình hình trong nước. Tuy nhiên, với sức mạnh quân sự của mình và ưu thế sau thắng lợi ở Trung Quốc, thực dân Pháp tăng cường sức ép và bắt đầu can thiệp quân sự vào Việt Nam, kết thúc thời kỳ ứng xử mang tính chất hòa hoãn giữa Việt Nam và Pháp.

4. Kết luận

     Văn hóa ứng xử của Việt Nam với Pháp trong nửa đầu thế kỷ 19 là cách mà triều Nguyễn bước đầu giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quan hệ với Pháp trước đó. Có thể thấy, những ứng xử đó thể hiện được truyền thống văn hóa ứng xử linh hoạt, uyển chuyển của Việt Nam trong đối ngoại nói chung, đối với những thế lực mạnh hơn nói riêng. Thời Nguyễn còn thể hiện sự mềm dẻo, khéo léo trong quan hệ với những ứng xử vừa nguyên tắc, vừa có ơn nghĩa với nước Pháp và người Pháp.

     Tuy nhiên, cuối cùng Việt Nam vẫn để mất nước vào tay thực dân Pháp. Vì vậy, khảo sát văn hóa ứng xử của Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ 19, những thành công hay thất bại từ ứng xử đó vẫn có thể tìm thấy những bài học lịch sử cho ứng xử thời hiện đại. Bài học về sự khéo léo trong ứng xử và bài học về sự mạnh dạn thay đổi cách ứng xử cho phù hợp với xu thế phát triển tất yếu khách quan của lịch sử của nước ta đầu thế kỷ 19:

     – Ứng xử xa lánh với Pháp và phương Tây trong tình huống lịch sử trên là hợp lý, nhưng triều Nguyễn Việt Nam cần tìm hiểu kỹ phương Tây, đặc biệt là nên có bộ phận nghiên cứu về phương Tây. Dưới triều vua Minh Mạng có Tứ dịch quán của triều Nguyễn nhưng chỉ dạy bốn thứ tiếng (Bồ Đào Nha, Vạn Tượng, Xiêm La, Mã Lai). Triều đình Huế cũng cho lập các công quán, chủ yếu để tiếp sứ giả các nước phương Đông còn sứ thuộc các nước phương Tây không được lưu ngụ,…

     – Bài học về chậm chạp trong đổi mới ứng xử theo thời cuộc đã tạo ra dư luận quốc tế không thuận lợi cho những phái đoàn ngoại giao dưới triều vua Minh Mạng.

     – Bài học về việc không lắng nghe ý kiến quần thần. Phan Thanh Giản khi đi sứ ở Pháp về đã tâu xin vua Tự Đức: thực tình hòa hảo với Pháp, giao lưu mua bán với các nước, cho dân mình du học, sửa đổi việc trong nước để dân khôn sáng thì nước nhà mới hùng cường. Vua Tự Đức đã không nghe.

     Xét toàn cảnh chính trị của đất nước đầu thế kỷ 19 chúng ta có thể nhận thấy, trong đầu thế kỷ 19 nhận thức của phần lớn tầng lớp phong kiến thống trị Việt Nam còn bị hạn chế, chưa bắt kịp nhịp điệu của vận hội mới. Triều Nguyễn đã loay hoay trong các phương cách nhằm bảo vệ vương quyền và đất nước. Văn hóa ứng xử mang tính “tự vệ” “đóng cửa” về chính trị – ngoại giao là một nội dung mang tính chất tương đồng ở phần nhiều các quốc gia phong kiến châu Á. Điều đó đã tạo nên một sự thụ động trong ngoại giao và tình trạng trì trệ bảo thủ chung của phương Đông. Các vua đầu triều Nguyễn đã không thể vượt qua những hạn chế do giai cấp và thời đại ràng buộc. Giai cấp phong kiến đứng đầu Việt Nam như vậy cũng không thể tìm ra được một hướng đi mới, trong quan hệ quốc tế lúc đó nhằm bảo đảm độc lập dân tộc và lợi ích an ninh quốc gia.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đào Duy Anh (1992). Việt Nam văn hóa sử cương. TP Hồ Chí Minh: Khoa Sử ĐHSP.

2. Nguyễn Thế Anh (1970). Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ. Sài Gòn: Lửa Thiêng xuất bản.

3. Nguyễn Thế Anh (1971). Kinh tế và xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn. Sài Gòn: Lửa Thiêng xuất bản.

4. Nguyễn Thế Anh (1995). Sứ bộ Miến Điện phái đến Đại Nam năm 1823: Vài nhận xét về thế ngoại giao trong bán đảo Đông Dương đầu thế kỷ 19. Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ. Sở Khoa học Công nghệ – Môi trường Thừa Thiên-Huế, số 2.

5. Trần Văn Giàu (1958). Sự khủng hoảng của chế độ phong kiến nhà Nguyễn trước 1958. Huế: Văn hóa, Cục Xuất bản, Bộ Văn hóa.

6. Thái Nhân Hòa (chủ biên) (1995). Phạm Phú Thứ với tư tưởng canh tân. Hội KHLS TP Hồ Chí Minh.

7. Huy Vũ – Hữu Hợp (3/1988). Cái gì của nhà Nguyễn hãy trả cho nhà Nguyễn. Kỷ yếu Hội nghị khoa Học.

8. Những vấn đề văn hóa – xã hội thời Nguyễn, Tập 1 (1992), Tập 2 (1995). Khoa học Lịch sử, Viện Khoa học Xã hội, Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh.

9. Những người bạn cố đô Huế (B.A.V.H) (1998), T.1, T.2, T.3, T.4, T.5, T.6, T.7. Huế: Thuận Hóa.

10. Quốc triều chánh biên toát yếu (1971). Sài Gòn: Nhóm nghiên cứu Sử Địa xuất bản.

11. Quốc sử quán triều Nguyễn (1963). Đại Nam thực lục chính biên, Tập 1, Tập 2, Tập 3, Tập 4. Hà Nội: Sử học.

12. Quốc sử quán triều Nguyễn (1973). Đại Nam thực lục chính biên, Tập 5 đến Tập 38. Hà Nội: Khoa học xã hội.

13. Quốc sử quán triều Nguyễn (1994). Minh Mệnh chính yếu, Tập 1, Tập 2, Tập 3. Huế: Thuận Hóa.

14. Cao Huy Thuần (1996). Đạo Thiên Chúa và chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam. Luận án tiến sĩ quốc gia, KHCT Đại học Paris – Christianisme et colonialism au Vietnam 1807 – 1914, Đại học Paris.

15. Nguyễn Triều Vân (1969). Việt Nam và Tây Phương (cuộc tiếp xúc từ năm 1784 đến năm 1820). Tiểu luận cao học sử. Đại học Sài Gòn, Đại học Văn khoa.

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ IV với chủ đề Những vấn đề giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam trong thế giới ngày nay. ISBN: 978-604-73-7135-8. NXB: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh – 2019 (từ  trang 1116 đến trang 1124)

Ban Tu thư (thanhdiavietnamhoc.com)

(Visited 71 times, 1 visits today)