GS.TS LÊ HUY BẮC*
Việt Nam học là ngành nghiên cứu có phạm vi bao quát rất rộng, bao gồm tất cả mọi thứ có liên quan đến đất nước, con người, văn hóa Việt Nam từ cổ chí kim. Hiện ở Việt Nam, giới nghiên cứu và giảng dạy vẫn chưa thống nhất cách tiếp cận Việt Nam học, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa và công nghiệp 4.0 hiện nay, Việt Nam học sẽ đi theo hướng nào?
1. Việt Nam học trong liên kí hiệu văn hóa
Nếu nghiên cứu toàn cầu hóa về văn hóa thì giải cấu trúc (Derrida) và liên văn hóa (hoặc liên kí hiệu văn hóa) (1) là hai trong những hướng khả dụng nhất hiện nay. Toàn cầu hóa đặt con người và quốc gia trong mối quan hệ tương tác bất khả kháng. Thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đâu chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế – văn hóa hai nước mà còn lan rộng ra tất cả các nước trong khu vực lân cận và thậm chí là cả phạm vi toàn cầu. Một con đập Trung Quốc đắp trên sông Mê Kông cũng ảnh hưởng đến việc băng tan ở Bắc cực. Một nhà máy hạt nhân nổ ở Nga cũng ảnh hưởng đến vùng rừng Amazon xa xôi… Con người trong kỉ nguyên công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo đã tạo ra một quyền năng giao tiếp vô bờ bến. Người sống ở hai nửa bán cầu vẫn có thể “gặp gỡ” qua smartphone của nhiều hãng sản xuất. Còn việc đi lại, thì chỉ trong khoảng mười mấy tiếng bằng máy bay thương mại, con người có thể có mặt ở bất kì đâu trên địa cầu. Mọi khoảng cách không gian dường như bị xóa bỏ. Một kiểu người mới ra đời mà sự hiện diện gần giống như là siêu nhân trên màn hình. Có nghĩa con người vượt qua được các giới hạn mà trước đây chỉ tồn tại trong tưởng tượng, chẳng hạn “người bay” Franky Zapata cưỡi ván bay gắn động cơ do ông chế tạo, vượt 35 km của eo biển Dover trong vòng 20 phút. Rào cản ngôn ngữ càng ngày càng thoái lui vì các công cụ dịch trực tuyến như Google có thể giúp con người hiểu được những nét cơ bản nhất của cuộc thoại hay văn bản bất kì. Xem thế liên kí hiệu văn hóa đã trở nên phổ biến và không thể tránh. Những thành tựu khoa học đã tạo tiền đề kết nối và con người bỗng nhiên thấy rằng mọi thứ trên trái đất đều liên quan nhau và liên quan đến bản thân họ một cách diệu kì. Mỗi người là một liên kí hiệu và mỗi nền văn hóa cũng đều là một liên kí hiệu. Vì lẽ đó, việc giáo dục đất nước học cũng phải biến chuyển theo xu thế liên kí hiệu đó.
Nguyên tắc liên kí hiệu văn hóa đòi hỏi việc nghiên cứu căn tính hoãn lại, nhường quyền ưu tiên cho những nghiên cứu liên kí hiệu, vốn là cách nghiên cứu không cốt chỉ ra những khác biệt, đặc thù, mà nhằm chỉ ra những tương tác, tiếp biến. Ngày nay, khái niệm công dân toàn cầu đã trở nên phổ biến. Con người quốc gia tuy vẫn rất quan trọng nhưng tầm ảnh hưởng của căn tính quốc gia trong những cái nhìn cực đoan đã bộc lộ nhiều điểm yếu của nó mà giải pháp lại chính là các “liên”, nối kết toàn cầu. Người Nhật được xem là biểu tượng của tinh thần lao động và ý chí sắt đá mang tính kỉ luật cao. Những gì người Nhật đóng góp cho nhân loại là miễn bàn. Nhưng bởi cố khẳng định giá trị dân tộc, người Nhật tự đưa mình vào cái bẫy suy thoái nòi giống. Họ mải lao động căng thẳng với cường độ cao trong khoảng thời gian dài để làm ra được nhiều giá trị Nhật đến mức gần như lãng quên những chuyện đời thường như khoái lạc xác thịt, vốn là sự đam mê của nhiều dân tộc lười biếng, nên tỉ lệ sinh của họ vì thế suy giảm nghiêm trọng, dẫn đến sự mất cân đối trong độ tuổi lao động. Việc già hóa dân tộc đã tạo nên sự mất cân bằng ở nhiều lĩnh vực, không riêng gì tuổi lao động mà còn khả năng hưởng thụ các giá trị vật chất, tinh thần. Nhiều ngôi làng ở Nhật không có bóng người, nhiều khu cư dân vắng vẻ đã trở thành vấn đề lớn của một quốc gia hùng cường. Chẳng lẽ những ngôi biệt thự, những tòa cao ốc nguy nga lại không thể tìm thấy hơi ấm con người? Để vượt qua điều đó, chính phủ Nhật phải “nhập khẩu” nhân lực, chấp nhận sự di dân (giới hạn trong các nhóm lao động có kĩ năng nghề) từ các quốc gia láng giềng, tạo nên một sự “liên nhân” khu vực ở quy mô rộng và da dạng.
Sự suy yếu nguồn nhân lực sẽ luôn là một chỉ báo quan trọng cho sự xuống dốc về mặt hưng thịnh mà dân tộc nào cũng có nguy cơ đối mặt. Còn nhớ vào thế kỉ 19, khi Thiên hoàng Minh Trị (1852-1912) hướng người Nhật sang phương tây để hòa trộn huyết thống, sản sinh ra một thế hệ ưu việt trên đất nước mặt trời mọc, thì không biết Nhật hoàng có nghĩ đến ngày hôm nay, nhân lực Nhật lại suy thoái đến mức đáng báo động. Đấy cũng là bài học mang tầm chiến lược về con người trong việc lên kế hoạch sinh sản và phân phối lao động cho nhiều quốc gia hiện tại, trong đó có Việt Nam. Như thế nếu ở đầu chu kì, người dân Nhật liên huyết thống với phương Tây, thì ở chặng cuối của chu kì, người dân Nhật lại mở rộng cương thổ với các nước châu Á để phát triển nguồn nhân lực.
Hiện tượng người Hàn Quốc di dân sang Việt Nam cũng tạo nên một dạng liên kí hiệu văn hóa đặc thù. Người Hàn sang Việt Nam trước hết là vì môi trường sản xuất. Việt Nam là quốc gia không chỉ cung cấp nguồn nhân công rẻ mà còn là thị trường tiêu thụ tiềm năng. Thêm nữa các yếu tố khác như việc e ngại chiến tranh với Triều Tiên, thiếu phụ nữ để kết hôn, hay môi trường sống ở Việt Nam an toàn,… cũng là những nhân tố khiến sự gia tăng người Hàn ở Việt Nam ngày một nhiều. Điều đó đã mở ra một thị trường dạy tiếng Việt cạnh tranh rầm rộ trên toàn quốc cả ở Việt Nam cũng như ở Hàn. Có thể nói, trong lịch sử dựng nước, chưa bao giờ tiếng Việt lại được xem trọng như lúc này. Hai quốc gia có người học tiếng Việt nhiều nhất là Trung Quốc và Hàn Quốc. Người Trung Quốc học tiếng Việt không chỉ vì chuyện kinh tế làm ăn mà ắt hẳn còn có những toan tính sâu xa khác. Trong khi đó, người Hàn thì có vẻ “lành” hơn, chí ít thì họ vẫn cho thấy cái mục tiêu có thể chấp nhận là hai bên cùng có lợi. Nhưng cho dẫu có “dữ” hay “lành” thì cái việc ngôn ngữ của một quốc gia được quốc gia khác quan tâm học thì đó là điều đáng mừng, vì qua đó, giá trị của một dân tộc được khẳng định, cho dù nếu không ý thức và cảnh giác được tác hại thì cái điều đáng mừng đó chẳng mấy chốc sẽ trở thành một nỗi lo vô bờ hay một hiểm hoạ không thể nào cứu vãn.
Hiện tại chúng ta đang có khoảng hai triệu người sống ở Hoa Kỳ và khoảng ngần ấy người nữa sống ở châu Âu (chủ yếu là Nga), Australia và khoảng 100 nước trên thế giới. Điều đáng buồn là, nếu người Hàn quốc, Trung Quốc đến Việt Nam học tiếng chủ yếu là để thống trị, họ sẽ là những ông chủ hay là các nhà quản lí mà người Việt sẽ là kẻ làm thuê, bị nô dịch ngày trên chính quê hương mình, thì ngược lại, người Việt học tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Trung,… đa phần không để làm ông chủ mà chỉ là cu li, người làm thuê, có thân phận dưới đáy. Mới hay, cũng là học ngoại ngữ, nhưng cái cách học ngoại ngữ của người Việt lại thấp cơ và bi đát vô cùng. Học tiếng người ta để tự nguyện làm nô dịch cho họ chỉ vì vì kém khả năng sáng tạo công nghệ và vì đồng tiền, mưu sinh…
Mới hay, một nước nghèo mà lại đi liên văn hóa với các cường quốc thì cái sự liên văn hóa đó đa phần chỉ mang lại tủi nhục. Đây là mặt trái của toàn cầu hóa mà nhiều nhà nhân văn cực lực phản đối. Để thoát khỏi điều này, chúng ta cần phải học, cần phải duy dưỡng, chiếm lĩnh những đỉnh cao tri thức về công nghệ, và cả về các giá trị nhân văn. Thêm nữa, việc tổ chức lao động của các nước nghèo luôn có vấn đề và điều đó giải thích vì sao càng ngày họ càng nghèo. Dân tộc Việt Nam không hề thua kém các nước khác về chất xám và khả năng chinh phục đỉnh cao tri thức. Nhưng mỗi khi học thành tài, họ không có được cơ sở vật chất trong nước để phát huy tài nghệ nên lại phải đi làm thuê ở nước ngoài. Cái chất xám mà họ có được là nhờ cha ông vun đắp, nhưng cái lợi nhuận từ chất xám đó mà ra thì lại được đem trao cho nước khác, những quốc gia có nguồn lực và khả năng tổ chức lao động đúng đắn. Đương nhiên là người làm thuê cũng được hưởng phần, nhưng cái phần đó lại vô cùng ít so với công sức thực sự bỏ ra. Họ cũng làm lợi cho nhân loại, nhưng cái “nhân loại” đó không là quê hương, bản quán mà là một nơi chốn xa xôi.
Sự tương tác giáo dục đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Nước Nga thịnh vượng thời Pie Đại đế (1672-1725) là nhờ vào việc ông ta cất công đi nhiều nơi ở châu Âu để học những điều tiến bộ truyền bá về trong nước. Việc một quốc gia, tự phát hay tự giác, đi học tập nước ngoài thì cũng đều mang lại những kết quả nhất định. Thời cách mạng công nghiệp 4.0, hiện tượng du học ở Việt Nam diễn ra với tốc độ chóng mặt. Chỉ tính riêng ở Mỹ, con số du học sinh người Việt vài năm trở lại đây đã lên đến khoảng 25.000 người. Con số này chiếm gần một phần tư số lượng du học sinh Việt ở nước ngoài. Theo ước tính từ các cấp có thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì hằng năm chúng ta chi tiêu cho du học khoảng 3-4 tỉ USD. Đây là số tiền thất thoát rất lớn đối với một nước nghèo như Việt Nam. Thêm nữa, đáng báo động là nguồn nhân lực “chất lượng cao” này rất dễ bị mất khi sinh viên tốt nghiệp tìm việc làm hay định cư ở nước ngoài. Người Việt du học chủ yếu là các ngành khoa học tự nhiên và kinh tế, những ngành dễ kiếm việc và có thể cho thu nhập cao. Công nghệ vốn là cái ta đang thiếu và thế giới đang chuộng. Trong khi đó, người nước ngoài đến ta không thể học công nghệ vì đây là lĩnh vực ta chẳng có gì để nói, mà chỉ học tiếng, qua đó để làm quản lí, nếu có khác thì chỉ có đôi người quan tâm đến văn hóa mà thôi.
Thử làm phép so sánh cụ thể, chúng ta sẽ thấy một vấn đề bất cập trong “liên giáo dục” nữa là, theo “Thông cáo báo chí” của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) thuộc Đại sứ quán Hoa kì (2) vào ngày 14/11/2018 tại Hà Nội, thì số lượng du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ lên đến 24.325 sinh viên trong năm 2017-2018, tăng 8,4 % so với năm trước. Ở chiều ngược lại, trong năm học 2016-2017, Việt Nam đã đón 1.147 sinh viên đến từ Hoa Kỳ, tăng 13,3 %. Như thế, sự “thâm hụt cán cân giáo dục” giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã xấp xỉ 20 lần. So sánh này cho thấy việc liên văn hóa trong thời buổi công nghiệp 4.0 bất cập đến nhường nào. Những quốc gia lạc hậu về công nghệ, kinh tế chưa phát triển thì có nguy cơ trở thành nạn nhân của những cường quốc có công nghệ cao. Công nghệ đẻ ra lợi nhuận, không nắm được công nghệ thì không những chúng ta chảy máu chất xám mà còn tự biến mình thành một dân tộc tự nguyện nô lệ cho một trật tự mới của những quốc gia tiên tiến.
Bảng thống kê dưới đây sẽ cho chúng ta thấy rõ thêm điều đó (3) được gọi là liên văn hóa, hay nghiên cứu văn hóa, hay dạy học tiếng Việt trong Việt Nam học, nhìn từ góc độ này mới nghe chua chát làm sao. Chúng ta, những người làm công tác Việt Nam học vô tình, hay trong một guồng quay không thể cưỡng, đã cung cấp cho thế giới bên ngoài công cụ để nô dịch đồng bào. Đấy là khía cạnh tiêu cực không thể tránh của liên văn hóa trong bối cảnh toàn cầu. Nhưng, như đã phân tích, những lợi ích và mặt tích cực mà người Việt nhận được quả không hề ít. Nhờ việc người nước ngoài xây dựng nhà máy ở Việt Nam, gia tăng các dây chuyền công nghệ, mà trình độ sản xuất của người Việt đã phát triển vượt bậc. Nhờ sự cách tân không ngừng về công nghệ mà tay nghề lao động và tư duy của người Việt cũng tiến bộ theo. Nhờ học hỏi mà chúng ta đã sản xuất được ô tô, điện thoại di động và nhiều sản phẩm công nghệ khác. Đấy là tiền đề cho sự trỗi dậy, về mặt lí thuyết, mà chúng ta có thể hi vọng trong tương lai không xa.
Đã rõ, thời nào, dân tộc nào muốn hùng cường thì cũng đều phải vươn ra bên ngoài, “liên” với các dân tộc khác. Một dân tộc tự đóng kín, thì đồng nghĩa với tự diệt. Tuy nhiên, những hòa trộn huyết thống hay “liên” đến mức cực đoan thì tất cũng xảy ra thảm họa. Các cuộc chiến tranh thế giới từ Aleksandre Đại đế, đến Thành Cát Tư Hãn, đến Hitler đều là hiện tượng cực đoan dân tộc. Một khi mở rộng cương thổ bằng bạo lực, thì hoặc giả là bị đồng hóa bởi các dân tộc có nền văn hóa cao hơn (Mông Cổ trước Trung Quốc), hoặc là bị thất bại do tinh thần dân tộc của các quốc gia bị áp bức trỗi dậy (Trung Quốc trước Việt Nam). Như thế, các dân tộc hay cường quốc trong liên kí hiệu văn hóa, đều lần lượt tự hoặc bị giải cấu trúc, để ra đời một cấu trúc khác, có tính ưu việt hơn, rồi đến lượt nó cũng sẽ bị giải cấu trúc. Động thái đó cứ tiếp diễn mãi.
Nguồn: Bài đã trình bày tại Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề:
“Khu vực học – Việt Nam học: Định hướng nghiên cứu và đào tạo” ngày 05/11/2019
tại Viện Viện Nam học và Khoa học Phát triển – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ảnh đại diện: Ban Tu Thư vietnamhoc.net thiết lập tone màu ảnh: Nocturnal.
Mời xem tiếp:
VIỆT NAM HỌC trong GIẢI CẤU TRÚC và LIÊN KÍ HIỆU VĂN HÓA (Phần 2)
Việt Nam Học
(https://vietnamhoc.net)