Vào đầu thế kỷ XX, khoa học kỹ thuật công nghệ bắt đầu phát triển, đặc biệt là sự bùng nổ về văn hóa, du lịch đã dẫn đến yêu cầu giao lưu giữa các nền văn hóa với nhau bằng bưu ảnh hết sức phổ biến. Năm 1882, con người đã phát minh ra nhiếp ảnh và đến năm 1886 các ấn phẩm được in trực tiếp lên giấy bằng kỹ thuật in mới.
Những bưu ảnh được ra đời vào lúc này đã khắc phục khoảng cách địa lý, đáp ứng nhu cầu của xã hội và dường như khoảng cách ấy đã được thu hẹp chính nhờ những tấm ảnh được in trên các bưu thiếp.
Vào những năm đầu thế kỷ XX, bưu ảnh phát triển như một cơn sốt ở rất nhiều nước Đông Dương trong đó có Việt Nam. Cuộc khởi nghĩa Đề Tám có thể là một trong những chủ đề được bưu ảnh khai thác đầu tiên ở Việt Nam (Bộ sưu tập này hiện nay chúng tôi đang lưu trữ). Ngoài ra, các công trình của người Pháp xây dựng như: Khai thác than ở Hòn Gai, nhà máy xi măng Hải Phòng, cầu Doumer (Long Biên), cầu Tràng Tiền (Huế), các bến cảng Hải Phòng, Sài Gòn, những đồn điền ở Tây Nguyên và nhiều công trình kiến trúc ở Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ Lục Tỉnh cũng đã được các nhà nhiếp ảnh khai thác để đưa vào bưu ảnh… Đặc biệt, những bưu ảnh có bút tích ghi lại những sự kiện lịch sử luôn có giá trị về mặt không gian và thời gian. Những nét đa dạng về văn hóa như: những lễ hội dân gian các vùng miền, sinh hoạt chợ búa, cảnh quan kiến trúc ở các đô thị lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn…hay hình ảnh các vị vua đầu triều như Duy Tân, Tành Tái, Hàm Nghi luôn là những hình ảnh sống động, là nguồn tư liệu quý cho ngành lịch sử nước nhà.
Lịch sử bưu ảnh cũng ghi nhận đầu những năm của thế kỷ XX ở Việt Nam mới xuất hiện những bưu ảnh do người Việt chụp và ấn hành, tiêu biểu là bộ ảnh hơn 20 bức về đám tang của cụ Phan Châu Trinh ở Sài Gòn. Những bưu ảnh này giúp cho chúng ta ngày nay hiểu biết và góp phần nhận thức lịch sử một cách trung thực hơn, đặc biệt là lịch sử thời cận đại.
Theo Việt Nam qua bưu ảnh xưa do tạp chí Xưa & Nay – Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam ấn hành năm 2000: “Do nhiều hoàn cảnh khác nhau- việc lưu trữ các loại hình bưu ảnh ở Việt Nam có thể không còn nhiều như ở Pháp, nhưng vẫn có thể tìm thấy trong sưu tập của Viện Viễn Đông Bác Cổ (Tư viện thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam), trong các cơ quan lưu trữ Trung ương và chắc chắn cũng còn có nhiều nhà sưu tập tư nhân…”
Là người sở hữu con số hàng nghìn bức bưu ảnh mà chúng tôi sưu tập được trong hơn 20 năm qua, phần lớn là còn “con tem chết” và những dòng chữ ghi phía sau của người gởi khi mới đặt chân đến Đông Dương hay đã và đang cư trú tại một nơi nào đó ở xứ sở Việt, Lào, Campuchia để chuyển đến cho người thân đang ở Pháp hay đâu đó trên toàn thế giới. Những “con tem chết” và các dòng chữ nói trên đã làm tăng giá trị của bưu thiếp lên nhiều lần và dưới góc nhìn của những nhà sưu tập chuyên nghiệp, chúng tôi vẫn mong được tạp chí Xưa&Nay tiếp tục đưa ra giới thiệu với công chúng bằng nhiều hình thức như đã từng tổ chức triển lãm (Hà Nội xưa; Hà Nội, Huế, Sài Gòn; Cần Tơ xưa; Kiên Giang xưa; Sài Gòn qua bưu ảnh, Đà Lạt xưa…) hoặc in sách để phổ biến rộng rãi.
Vừa qua, trong nghìn năm lịch sử Tăng Long, chúng ta đã phát hiện nhiều nguồn sử liệu để lại trên giấy viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, đó là những tư liệu quý, là di sản của dân tộc; còn với những bưu thiếp được in trên giấy cứng bằng phương pháp chụp ảnh có lời gửi gắm thông tin phía sau cũng là nguồn sử liệu có giá trị đóng góp cho ngành lịch sử nước nhà thêm phong phú.
Những bưu ảnh, hình ảnh được giới thiệu trong cuốn sách này được chọn lựa từ trong hơn 1.000 bưu ảnh mà chúng tôi đang sở hữu. Qua những bức ảnh này cho thấy sự chuyển mình của đời sống chính trị, xã hội ở Việt Nam cách nay hơn 1 thế kỉ – cùng với sự thay đổi của các đô thị theo thời gian đã giúp chúng ta nhận thức sự biến đổi ấy có ý nghĩa trong đời sống hiện tại.
Tạp chí Xưa & Nay
Nhà xuất bản Thời Đại
Chủ biên
PGS TS Sử học NGUYỄN MẠNH HÙNG
Trân trọng giới thiệu.