Xác định diện mạo Thành phố BUÔN MA THUỘT: Từ góc nhìn BẢN SẮC ĐÔ THỊ – Phần 1

DEFINING THE FACE OF BUON MA THUOT CITY:
FROM THE PERSPECTIVE OF URBAN IDENTITY

TS. ĐẶNG HOÀNG GIANG
(Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HN)

1. Đặt vấn đề

     Trong các thập niên gần đây, song song với xu hướng hội nhập, liên kết giữa các vùng miền, quốc gia, khu vực thì vấn đề bản sắc địa phương cũng được thảo luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn trong nước và quốc tế. Bản sắc địa phương được xem là cơ sở quan trọng tạo nên lợi thế so sánh giữa các vùng miền. Bởi lẽ đô thị là trung tâm của các địa phương hoặc tự thân nó đã là một loại địa phương đặc biệt nên các thảo luận về bản sắc địa phương không tách rời chủ đề bản sắc đô thị.

     Ở Việt Nam, quá trình Đổi mới (Renovation) đã góp phần hồi sinh các đô thị cũ và tạo nên hàng trăm đô thị lớn nhỏ với nhiều hạng mục kiến trúc hiện đại nhưng dấu ấn riêng của các đô thị lại trở nên mờ nhạt hoặc biến mất (Phạm Thúy Loan, 2015). Các đô thị vùng cao cũng không phải là một ngoại lệ. Mặc dù được xây dựng trên các không gian địa lý – nhân văn tương đối đặc trưng, các đô thị vùng cao chưa thể hiện được dấu ấn độc đáo, riêng biệt. Nếu so sánh cảnh quan và kiến trúc của các đô thị vùng cao từ Bắc vào Nam, người quan sát sẽ có một cảm giác “na ná”, “hao hao”, “quen quen”. Chẳng hạn, ngoài sự sai biệt về quy mô, thật khó nhận ra sự khác nhau giữa thành phố Lạng Sơn (vùng Đông Bắc Bộ) với các đô thị Kon Tum, Pleiku hay Gia Nghĩa (Tây Nguyên). Có thể nói, làm thế nào để định hình bản sắc của các đô thị đang thực sự là câu hỏi lớn đặt ra cho các nhà quản lý trung ương, địa phương và giới kiến trúc, xây dựng ở Việt Nam.

     Trong hệ thống đô thị vùng cao Việt Nam, Buôn Ma Thuột chiếm một vị trí rất nổi bật. Khoảng hai thập niên gần đây, dựa vào các tài nguyên sẵn có, cộng với sự kích thích của các chính sách Đổi mới trong nước và xu hướng toàn cầu hóa, Buôn Ma Thuột đã từng bước vươn lên trở thành đô thị hạt nhân của vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, các thành tích ấn tượng về tăng trưởng kinh tế và tốc độ đô thị hóa không che dấu được một thực tế khác: Buôn Ma Thuột đang yếu về bản sắc đô thị. Không phải ngẫu nhiên mà trong các bản Quy hoạch và Điều chỉnh quy hoạch đô thị gần đây của thành phố (đã được UBND tỉnh Đắk Lắk và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), vấn đề xác lập bản sắc đô thị đã được nêu lên như một mục tiêu hàng đầu. Bản sắc đô thị là gì? Bản sắc đô thị của Buôn Ma Thuột đang ở trong tình trạng như thế nào? Bài viết này sẽ lần lượt trả lời những câu hỏi có tính thời sự ấy.

2. Khái niệm bản sắc đô thị

     Trước thập niên 1960, vấn đề bản sắc (Identity) không được đề cập đến trong lĩnh vực thiết kế đô thị của thế giới – vốn đang chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi chủ nghĩa hiện đại (Modernism). Chủ nghĩa hiện đại đưa ra các giải pháp không gian mang tính “mô hình hóa”, được xem là lời giải chung, hiệu quả, có thể áp dụng mọi chỗ mọi nơi, bỏ qua hoàn toàn những khác biệt về địa điểm và văn hóa giữa các đô thị. Trong Chủ nghĩa hiện đại, không có khái niệm bản sắc vùng miền và nơi chốn. Quan điểm thuần công năng này trên thực tế đã bộc lộ rất nhiều bất cập, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của con người. Trong bối cảnh đó, khoảng đầu những năm 1960, một lĩnh vực nghiên cứu đa ngành về “nhận thức môi trường” (environmental perception) đã hình thành và phát triển ở các nước phương Tây, đóng góp cho nhân loại một khối lượng tri thức đáng kể về cách thức và quy luật cảm thụ không gian của con người. Thông qua các công trình nghiên cứu rất có giá trị của Kevin Lynch, Edward Relph, Yi-fu Tuan …, trong lĩnh vực đô thị học và thiết kế đô thị đã xuất hiện một loạt các thuật ngữ như: “place’, ‘sense of place”, “spirit of place”, “place’s identity”, “genius loci”, “authetic place” hay các khái niệm đối ngược như “placelessness”, “lost of place”, hay các khái niệm mở rộng như “invented place” (Phạm Thúy Loan, 2015). Các khái niệm này đều có liên quan đến khái niệm trung tâm của bài viết này: bản sắc đô thị.

     Theo cách định nghĩa của Edward Relph về bản sắc của một nơi chốn (identity of place), thì bản sắc đô thị là những đặc điểm nội tại, nổi trội và đặc sắc của một đô thị, có thể nhận biết và cảm nhận được bởi số đông, giúp chúng ta phân biệt được đô thị này với những đô thị khác. Mặc dù sự cảm nhận của mỗi người về một nơi chốn thường mang tính
chủ quan và có thể khác nhau, nhưng những gì thuộc về bản sắc phải là những điểm chung, được số đông đồng cảm, ghi nhận. Bản sắc của một đô thị được tạo nên bởi ba thành tố quan trọng:

     – Môi trường không gian (không gian tự nhiên và không gian kiến trúc);

     – Văn hóa của các nhóm hay của cộng đồng sống trong không gian đô thị;

     – Ý nghĩa và cảm nhận mà con người gán cho không gian đó. Sự cảm nghiệm càng mạnh mẽ, sâu sắc và càng có sự tương đồng giữa các cá thể khác nhau thì bản sắc của đô thị càng nổi rõ (Edward Relph, 1976).

3. Phương pháp nghiên cứu

     Để phục vụ mục tiêu nghiên cứu, bài viết trước hết sử dụng phương pháp nghiên cứu tài liệu, nhất là các nghiên cứu hoặc các đồ án quy hoạch xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột được thực hiện trong những năm gần đây. Trong nhóm tài liệu này, tác giả tập trung khai thác thông tin từ hai tài liệu quan trọng: bản Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Buôn Ma Thuột – tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025 do các chuyên gia đến từ Viện Kiến trúc và Quy hoạch Xây dựng (Bộ Xây dựng) và Đại học Quốc gia Singapore đồng thiết kế vào năm 2014 và báo cáo Nghiên cứu chiến lược phát triển tỉnh Đắk Lắk và thành phố Buôn Ma Thuột do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) dự thảo vào năm 2010. Nguồn thông tin thứ cấp được tác giả sử dụng để giới thiệu các vấn đề mang tính tổng quan về thành phố Buôn Ma Thuột. Nhằm đảm bảo tính cập nhật thông tin, trong một số trường hợp, khi sử dụng báo cáo của JICA (ra đời cách đây 8 năm), tác giả có bổ sung các thông tin thực địa để so sánh, đối chiếu.

     Bên cạnh phương pháp nghiên cứu tài liệu, bài viết còn dựa vào nguồn thông tin thực địa do tác giả tiến hành thu thập ở Buôn Ma Thuột trong khoảng thời gian từ 2010 – 2016. Trong thời gian thực địa, tác giả tập trung nghiên cứu ba buôn Ê Đê với nhiều nét tương đồng và dị biệt về vị trí địa lý, cơ cấu dân số, cơ cấu nghề nghiệp, cơ cấu tôn giáo và mức sống (xem bảng 1)

(Visited 46 times, 1 visits today)