Ý nghĩa chữ Tết

Tác giả bài viết: PGS TS Sử học Nguyễn Mạnh Hùng
(Viện trưởng Viện nghiên cứu Việt Nam học)

     Dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa với nền văn minh lúa nước vốn có những ngày Lễ Tết truyền thống, những ngày Lễ hội dân gian đầy ý nghĩa và vui tươi. Từ Tết cơm mới cuối vụ mùa, cho đến Lễ Tết đi săn, Lễ Tết ra xuân vào hè như Tết mưa giông, Tết Đoan ngọ… Đó là cả cuộc hành trình lễ hội kéo dài. Đặc biệt để tiễn mùa Đông, tổ tiên Việt Nam đã ăn Tết Cả, tức là Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó còn có Tết Thượng nguyên, Tết Trung nguyên, (rằm tháng bảy) của Phật Giáo và Tết Trung thu (rằm tháng tám) của trẻ em…

    Theo tục lệ cổ truyền, ngày tế Tổ, nếu là xuân lấy Tết mồng ba tháng ba, nếu là hè lấy Tết mồng năm tháng năm, nếu là thu lấy Tết Trùng dương, nếu là đông lấy Tết đông chí. Tất cả sự tính toán này đều căn cứ vào sự chuyển đổi thời tiết trong năm, căn cứ vào nông lịch phương Đông.

     Mỗi Lễ, mỗi Tết đều có nguồn gốc riêng và trong những ngày Lễ Tết ấy, người Việt Nam đều có cúng lễ lớn hay nhỏ, hoặc ở địa phương, hoặc trong cả nước. Trong đời sống riêng và chung, Henri Oger lại chia nhỏ ra thành 11 tiểu mục, trong đó có: phù phép và bói toán, phép trị liệu dân gian, tranh dân gian, trò chơi và đồ chơi, Tết và lễ hội.

     Riêng đối với Tết và lễ hội mà chúng ta bàn đến Henri Oger đã cho ta thấy những bản vẽ sống động và phong tục tập quán trong một giai đoạn lịch sử đã qua, giai đoạn thực dân nửa phong kiến, mà hầu hết những hình ảnh này đã không còn trong xã hội chúng ta ngày nay nữa.

     Tết cả Việt Nam, hay còn gọi là Tết Nguyên đán – Tết bắt đầu vào ngày mồng một tháng giêng Âm lịch – là ngày lễ hội truyền thống lớn của dân tộc Việt Nam.

     Nếu muốn biết dân tộc Việt Nam có tục ăn Tết tự bao giờ thì thật khó có cơ sở trả lời chính xác. Song chắc chắn rằng những tục lệ ấy đã có từ những thế kỷ xa xưa, từ thời Lý, Trần, Lê… và mang ý nghĩa nhân sinh của nền văn hoá Đại Việt Thăng Long thuở trước.

     Đó là những ngày đánh dấu mùa màng kết thúc. Mọi người được rảnh tay nghỉ ngơi để chào đón một mùa xuân mới, một chu kỳ mới đầy hứa hẹn sau một năm làm việc vất vả. Đến ngày này, dù ai trăm công nghìn việc, dù ai bôn ba nơi đất khách quê người cũng nôn nao trở về sum họp gia đình, gặp lại thân bằng quyến thuộc, chăm sóc bàn thờ tổ tiên (hình 1).

Hình 1: Bàn thờ tổ tiên

     Chữ Tết ngày nay đã được một số nước sử dụng – như là một thứ “lễ” hết sức độc đáo của dân tộc Việt Nam – mặt nào đó có khác biệt với những nước trong khu vực (Nhật, Hàn Quốc…) và chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cố truy nguyên chữ “Tết” để đẩy về với nguồn gốc của nó là “Lễ Tiết” của Trung Quốc – Tết do Tiết đọc “trệch” đi. Cách giải thích này phát triển rộng ra – nghe khá thú vị – như “Tết nhất” trong câu nói quen thuộc: “Tết Nhất đến nơi” cũng do đọc trại đi từ 2 âm Hán Việt “Tiết – Nhựt” (có nghĩa là ngày Tết). Đáng chú ý hơn nữa là cụm từ “Ngày tư Ngày tết” trong đó chữ tư và Tết cũng xuất phát từ 2 chữ Hán Việt là “Tiết tự”. “Tự” là thứ tự của năm, mùa, ngày, tháng. Vậy “Tiết tự” là theo thứ tự tính toán thời gian ấy mà đặt ra các loại hình “Tết”1.

     Cuộc sống nông nghiệp cổ truyền của dân tộc Việt Nam luôn phải đối phó với thiên tai, bão lụt… đó là chưa nói đến chiến tranh giặc giã… Do đó, muốn chuẩn bị ăn một cái Tết vui vẻ và chu đáo, người Việt Nam phải biết lo toan mọi thứ. Sự lo toan này ít được các nhà nghiên cứu Việt Nam học chú ý đến vì nó ẩn nấp trong cuộc sống hàng ngày. Nay dưới mắt nhà nghiên cứu H.Oger mọi việc phải được lôi ra trưng bày.

1. Lo gà qué, bánh trái

     Trước khi vào nhà, ta còn đứng ngoài ngõ ngắm nhìn cảnh vật chung quanh. Chuẩn bị đón Tết cũng vậy, chúng ta hãy thong thả, không sốt ruột, phải biết chờ đợi, biết thưởng thức những ngày sắp bước vào ngày hội lớn ấy một cách thật trang trọng.

     Trước hết, chúng ta hãy theo Henri Oger đến thăm một gia đình gọi là làm ăn có dư dả. Không phải để xem họ trang hoàng hay sắm sửa được gì mà chính là xem cái chuồng gà, nuôi vịt hay nuôi lợn (hình 2). Đối với người Việt Nam, nói là ăn Tết ba ngày nhưng hầu như là đã chuẩn bị gần cả năm. Con gà, con lợn… phải lo nuôi từ bây giờ để vào ngày cận Tết chúng lớn là vừa. Tết chúng lớn là vừa. Đối với những nhà có điều kiện gói bánh chưng thì cũng ngay từ đầu tháng chạp đã lo mua gạo nếp, đậu xanh… để sẵn. Thậm chí đến những chiếc lá để gói bánh – như lá dong chẳng hạn – những chiếc lạt để buộc bánh chưng, bánh giò… cũng phải lo liệu trước, không đợi cận Tết mới sắm. Họ lo như thế nào? Như những nhà có vườn cây, quanh năm góp nhặt những tàu lá rụng, cắt lấy mà tước mỏng, quấn lại lên bếp để Tết mà gói giò!

Hình 2: Cái vây nuôi lợn 

     Đối với việc chuẩn bị cho nồi bánh chưng – thứ bánh không thể thiếu trong 3 ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Bánh chưng đòi hỏi phải có hai chất liệu chính: đó là gạo nếp và thịt lợn. Ở nông thôn Miền Bắc, trong số mấy sào ruộng hạn hẹp của gia đình dùng để trồng lúa – thường được trích ra vài miếng để cấy lúa nếp (hình 3).

Hình 3: Gieo Mạ

    Nhưng phải nếp cái hoa vàng, nếp cái thơm ngon hạt sóng đều, khi đồ xôi cúng thì mới dẻo. Thịt gói bánh phải là thịt lợn vỗ từ tháng 7, tháng 8. Có nhà lại lo xa hơn – thả lợn ngay từ vụ lúa chiêm mới kịp béo cả tạ khi giáp tết.

     Ở nông thôn Miền Bắc, có nhiều nhà quanh năm làm thợ, chạy chợ hay mua bán… nên thiếu người chăm chút cho đám ruộng, cho con lợn nên đã phải họp nhau 5, 7 nhà mà lập hội như Hội: (ngôn ngữ thường dùng khi trước là “đánh đụng” tức là chung nhau mổ một con heo) bánh chưng,“Hội giò”. Chủ hội đứng ra thu tiền ít nhiều tùy theo yêu cầu của từng nhà để lo nuôi lợn, cấy lúa hay đong gạo. Như vậy đến Tết, Hội giải quyết đủ gạo, lợn để gói bánh, gói giò cho các thành viên trong Hội (hình 4). Còn đối với các vật liệu khác như đỗ xanh, lá dong thì có thể được phân công cho thành viên khác.

Hình 4: Gói giò

     Tục lệ trên được diễn biến tùy lúc, tùy nơi mà ta có thể mô tả cụ thể hơn như sau. Hàng năm, cứ khoảng 20 tháng Chạp, các Hội giò, bánh bắt đầu gọi nhau mổ lợn, xẻ thịt, đong gạo, chia đỗ xanh, chia lá.

2. Lo chợ búa

     Henri Oger cho ta xem một cái Chợ Lớn tuy chưa phải là chợ Tết. Trên cột chợ có ghi quê quán của nghệ nhân: “Gia Lộc huyện, Thạch Khôi tổng. Thanh Liễu xã, Nguyễn Văn Đảng”. Bên phải là hàng cá, hàng rau, dưới đây là các bà bán tương hay đội thúng đi bán. Bên trái là các hàng thịt, hàng nồi, hàng lược, hàng miến….

    Vào những ngày cuối năm, phố xá mỗi ngày một nhộn nhịp thì chợ mỗi lúc một thêm đông. Dân gian bảo : “Đông như chợ Tết”! Thật chẳng ngoa! Song cái nhôn nhịp của những ngày vào Tết không chỉ thấy ở người lớn mà còn ở cả trẻ con. Đứa lớn, đứa bé kéo nhau đi chợ phiên ngày Tết  cuối năm.

ói gì thì nói, chợ cũng vẫn là nơi để mọi người đến mua sắm, Henri Oger cho ta xem bức ảnh một bác nhà quê đi mua đồ (hình 5). Chúng ta đừng chú ý đến cái ô bác kẹp nách mà nhìn đôi tay bác đang cầm thứ gì …

Hình 5: Nhà quê đi mua đồ

     Và cạnh đây là vợ chồng nọ cũng chỉ mua các thứ vặt vãnh mà thôi.

     Đi chợ Tết ngoài những người chỉ đi chơi để thưởng thức cảnh chợ vui ngày Tết hay để kháo nhau, bình phẩm – còn những người phải lo mua sắm.

     Tuỳ từng nhà, tuỳ hoàn cảnh và tuỳ từng tầng lớp trong xã hội cũng như tuỳ tuổi tác hay giới tính mà việc mua sắm có khác nhau. Còn cụ bà lo mua trầu, vỏ, cau, vôi, hương hoa, bánh trái, vàng mã, ngoài việc thăm chợ, thăm giá cả. Các cụ ông, trước hết phải để ý đến tác phong chững chạc trong bộ áo dài, quần ống sớ trắng hồ lơ, khăn xếp với đôi chân đi giầy Gia Định mà chúng ta sẽ có dịp trông thấy tận mắt sau này. Khác với cụ bà, cụ ông lo đôi liễn mới, một chai rượu nếp cái thơm ngon, một gói chè hương ướp sen thơm mát và đôi cây mía làm “gậy ông vải” để dựng trên bàn thờ.

    Đối với các cô gái thì cái gương, cái lược, chiếc khăn tay hay tấm vải lụa làm khăn vấn thắt lưng, đặc biệt là sợi dây xà tích bạc là những thứ đáng sắm sửa nhất khi mon men kín đáo, tới các sạp hàng tạp hoá. Đó là chưa kể bó mùi già và nắm rễ hương bài để tắm gội Tất niên. Còn trẻ con – phải nói là ồn ào nhất – như ong vỡ tổ. Đi với ông bà hay bố mẹ chỉ thấy cười nói, chỉ trỏ, đòi mua thứ này, đòi sắm thứ kia, toàn là quà bánh hay đồ chơi: Một con tò he bằng bột nhuộm có đoạn sậy lưỡi gà thổi kêu ra “tò he! tò he!” nghe vui tai song chẳng mấy chốc lại chán bèn cho vào mồm nhai nuốt lúc nào chẳng rõ. Hoặc chúng đòi cho bằng được mấy món bằng sành: nào là cái nồi, cái niêu, cái bếp lò, nào là con rùa hay ông phỗng…

3. Lo những mối ân tình

    Thật ra, sửa soạn cho Tết để đón chào năm mới, không phải chỉ lo các thứ lỉnh kỉnh như mọi ngày mà còn sắm sửa cho những mối ân tình, những quan hệ thâm sâu.

     Con cháu khi đã ra ở riêng, dù xa xôi cách trở, cũng tìm về lo liệu biếu Tết cho ông, bà, cha mẹ nhiều ít tuỳ hoàn cảnh sinh sống. Nếu dư dả thì của ngon vật lạ, nếu nghèo túng thì cũng phải có thứ gì nhỏ làm quà. Nếu ông bà, cha mẹ sống cảnh giàu sang có khi con cháu đưa đến một cành đào, hai chậu cúc, hay vài củ thuỷ tiên có khi chỉ có một cối pháo cũng đủ làm cho đấng sinh thành hài lòng. Ngoài bổn phận con cháu, còn bổn phận học trò. Dù bây giờ có trở thành ông nghè, ông cống bia đá có đề tên thì ông học trò cũng phải nhớ về thăm thầy cũ.

     H. Oger đã không bỏ sót những hình ảnh đẹp đẽ nói trên mà còn có thể tô đậm nét cho ngày về thăm thầy cũ ấy với một chút quà nhỏ mọn. Phải chăng, ký hoạ bên đây là chính anh học trò đang “mang gạo, vịt lễ ” để đi Tết? (hình 6).

Hình 6: Mang gạo, vịt lễ

     Không chỉ học trò biết nghĩ đến thầy mà chàng rể còn phải tưởng đến nhạc gia. Thậm chí người được vợ hay chồng cũng phải có gì cho kẻ mai người mối. Rồi con bệnh – dù bệnh tình qua khỏi đã lâu – cũng vẫn nhớ ơn thầy lang, thầy thuốc xem mạch bốc thuốc khi ốm đau. Đến như anh em, họ hàng cũng như bè bạn, muốn giữ mối tình thân thuộc bằng hữu cũng lo ít quà Tết dù chỉ gọi là. Như thế: “Có đi có lại mới toại lòng nhau”. Nhưng cũng không thể quên được mối quan hệ xóm giềng. Người đời thường nói : “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Đặc biệt, nếu ai có mối ân tình luôn luôn canh cánh bên lòng thì ngày tư, ngày Tết là một dịp để tỏ lòng chung thuỷ với người đã cứu giúp mình trong lúc hoạn nạn, khó khăn.

     Là một viên chức trong bộ máy cai trị của Pháp, H.Oger thừa hiểu rằng bọn quan quyền luôn hoạnh hoẹ dân chúng đủ điều. Cho nên bức ký hoạ “đi biếu” (hình 7) có thể làm cho nhà nghiên cứu trẻ tuổi này nghĩ ngay đây là cảnh thứ dân đi biếu Tết quan lại để có ngày cây cục việc này, việc nọ.

Hình 7: Đi biếu

    Riêng đối với học trò hay còn gọi là nho sinh phải làm lễ tạ trường, sửa tuần hương, gói chè, bầu rượu… rồi cùng tề tựu tại nhà thầy – nơi đây thường cũng là trường học

    Các môn sinh phải xin phép thầy bày lễ vật, thắp hương để làm lễ gia tiên nhà thầy rồi xin cầu chúc cho thầy được dồi dào sức khoẻ, cho gia đình thầy được bình an vô sự và xin được thầy sang năm cho tiếp tục học để nghe truyền giảng đạo lý thánh hiền.

     Tục biếu Tết đã được tu sĩ Jean Koffler mô tả vào thế kỷ 18 (1740 – 1755) khi nói đến “Tết Đàng Trong” như sau:

     “Vào đầu năm tại đây, người ta có tục biếu quà cho nhau. Đồ biếu là lợn, gà, trứng, cam, các loại bánh kẹo. Thường là người dưới biếu người trên, quan lại biếu nhà chúa, lính biếu người chỉ huy, nguời ốm biếu thầy thuốc, giáo dân đi tết các cha đạo, học trò đi Tết thầy, đầy tớ Tết chủ”.

4. Lo nợ nần

    Khi nghiên cứu kỹ thuật của người Việt Nam qua các ngành nghề truyền thống, H. Oger có chú ý đến những cử chỉ, hành động trong việc đi, đứng, nằm, ngồi… như bức ký hoạ ngồi bó gối (hình 8) mà ta trông thấy ở đây.

Hình 8: Ngồi bó gối

     Nếu đúng tư thế này xảy ra trong ngày cận Tết thì không ai mà không chạnh lòng xót xa liên tưởng đến cảnh khốn cùng, nợ nần chồng chất, không biết chạy vạy đâu cho ra. Mà không chua xót sao được khi cái cảnh: “Réo như réo nợ ngày Tết” luôn ám ảnh mãi trong đầu người dân nghèo, khố rách, áo ôm.

     Theo tục lệ Việt Nam thời đó, cứ mỗi năm mãn chạp thì lo liệu tính toán sổ sách nợ nần đâu ra đó rồi mới yên tâm ăn Tết ? Nếu ai có tiền cho vay cũng phải lo đòi. Còn các con nợ cũng phải lo thanh toán cho nhà chủ, không để dây dưa sang năm1 nhỡ người ta hỏi đến thì “giông”. “Giông” là mắc phong long, gặp điều xấu, xui xẻo kéo dài. Ta thường nghe nói: “Đầu năm ra ngõ gặp gái thì giông cả năm”.

     Nhưng túng thế cũng phải liều, có loại con nợ đến 30 Tết chưa kịp trả, liền bỏ trốn chờ lúc giao thừa mới mò về. Sáng mùng một nhà chủ đến đòi, nếu cam phận có khi đành chịu mang xấu, bằng không còn mắng lại nhà chủ vì không biết kiêng cho mình

     Có lẽ H. Oger chưa thấy loại người lì lợm nói trên mà lại gặp con nợ thuộc loại biết điều : “đi khất nợ” (hình 9) với mâm thủ lợn ngất ngưởng trên đầu con sen trông sang ra phết còn mình vẫn thong dong chiếc quạt cầm tay. Trong khi đó người chủ từ trong căn nhà ngói đứng ngó ra. Nếu nhìn kỹ ta thấy trước nhà này có trang trí hai chữ : “Phú quý”.

Hình 9: Đi khất nợ

     Người Việt Nam có câu :

“Khôn ngoan đến cửa quan mới biết,

Giàu khó ba mươi Tết mới hay”.

     Ngay cả Nguyễn Công Trứ – con người khi công danh còn lận đận cũng đã thấm thía cảnh nợ nần:

“Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa,

Sáng mồng một, rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà”.

___________
1. Theo PHẠM ĐÌNH TÂN Tiết Lễ Việt Nam mùa Xuân Niên lịch văn chương Tinh Việt – Xuân Mậu Tuất – Xuất bản tại Sài Gòn – 1958, tr.55.

1. Theo ALEXANDRE DE RHODES, Relazion del Tunchino Roma, 1650, tr. 108 – 109.

1. According to Alexandre De rhodes – Relazion del Tunchino – Roma, 1650, pp. 108-109.

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

     Ghi chú: Hình ảnh minh họa bài viết đã được Ban Tu thư thanhdiavietnamhoc.com chuyển thể sang tone màu sepia.

(Visited 3 times, 1 visits today)