Bữa ăn “NĂM VỐ” cuối cùng – Tập 3: THƯỢNG BỒ ĐỀ – HẠ LÀM VỒ

Qua bài viết về “Bữa ăn Năm vố” nhưng chưa thấy gì là “Năm vố” cả. Trước hết tôi xin giải thích cái từ “Năm vố”- Đây là cả một “sự nghiệp lớn” của các nhà nghiên cứu “ngôn ngữ học đường phố lang thang Sài Gòn” thuộc tầm cỡ “tiến sĩ giấy!” chứ chả chơi!. Hồi đó, theo các người anh em công nhân già kể lại- hãng Ba Son khi nấu cơm trưa cho thợ ăn, cái phần còn dư lại được chủ Tây cho lấy riêng. Nghĩa là, nếu thợ chỉ ăn 200 phần là đủ mà còn dư ra 15 phần thì nhà thầu được quyền bán ra bên ngoài với giá rẻ.

Đây là dịp anh em xích lô, anh em phụ bến tàu – trong số đó có anh em “băng bù”- Băng bù là một loại “Cu li” – tên gọi đầy đủ là “Cu li băm bù” (Cooli de bambou). Đây là giới “culi” chuyên môn khuân vác giỏ tre, giỏ cần xé. Nghề “băng bù” cũng là nghề mà bà con lao động nghèo khổ mong ước cho con cái lớn lên chọn được nghề làm “cu li băng bù”.

Cái tên gọi dành cho các phần ăn dư ra với giá rẻ ấy được quý ông Tây, bà Đầm gọi là Rabiau (từ điển Pháp – Việt – Đào Đăng Vỹ có giải thích từ này). Nhưng đối với từ “Rabiau” thì tại sao lại được dân gian dịch là “Năm Vố”- Điều này lại cần phải đi tìm nguồn tư liệu khác. Dân gian có câu: “Thượng Bồ Đề- Hạ Làm Vồ”. Cây Bồ Đề và cây Làm Vồ là hai loại cây anh em hay ít ra cũng cùng họ hàng thuộc họ Phicus (có nhựa mũ). Hai cây này trông bề ngoài ít ai phân biệt vì chỉ có lá cây là có chỗ khác nhau. Cây Bồ Đề có lá hình trái tim, đuôi lá cụt, mặt lá sáng, dày, bóng. Cây Làm Vồ có lá cũng hình trái tim mà đuôi lá lại dài gấp đôi, mặt lá không sáng. Cây Bồ Đề là loại cây quý được Đức Phật chọn làm chỗ ngồi dưới gốc để tu thiền. Do đó, gần đây phía đối tác Ấn Độ khi sang Việt Nam làm ăn – họ tặng cho phía Việt Nam một chiếc lá Bồ Đề lộng kính- nói là lấy ra từ cây Bồ Đề nơi Đức Phật ngồi. Còn cây Làm Vồ là cây mọc hoang để cho Ma Quỹ ở. Đây là loại cây để làm các đồ vật không giá trị như làm guốc xuồng – loại guốc dành cho đàn ông. Còn làm guốc cho đàn bà thì dùng cây trâm, cây cao su. Trước đây loại guốc này nổi tiếng nhất tại Sài Gòn là guốc Đa Kao. Nhưng cây Bồ Đề mọc ở đâu tại Việt Nam? Cây Bồ Đề – cũng theo các nhà “lang thang trên đường phố Sài Gòn” kể lại-. Trước đây, vào thập niên 1950, Đại Đức Ananda từ Ấn Độ đã đem cây Bồ Đề – chiết ra từ cây Bồ Đề mà Đức Phật từng ngồi để đưa đến Việt Nam-. Có người nói đưa đến từ Tích Lan -. Ngoài Bắc, Ngài cho một cây trồng ở chùa Quán Sứ (?). Ở miền Trung, Ngài cho trồng ở chùa Từ Đàm Huế (?). Còn ở miền Nam trồng ở chùa Linh Sơn (?) (đường Cô Bắc) – nay đã chết. Một cây thứ 4 được trồng ở Châu Đốc (?) (Núi Sam). Cây Bồ Đề được trồng ở xứ cực nóng. Còn ở Việt Nam- Đông Nam Á chỉ có cây Làm Vồ.

1. Lá cây Làm Vồ (Ficus Rumphii) bên trái. 2. Lá cây Bồ Đề (Ficus Religiosa) bên phải. (Ảnh: luukhamhung.blogspot.com)

Các nhà “dịch thuật dân gian cư ngụ lang thang trên đường phố Sài Gòn” bèn dịch chữ Ra-bi-ô thành “Làm Vồ” nhưng dân Nam Bộ hay đánh số để định danh nên chuyển từ “Làm Vồ” thành “Năm Vố”. Hiện tượng ngôn ngữ này thường xuất hiện ở đồng bằng Nam Bộ như gọi tên: Năm trật buá, anh Hai Lúa, anh Tám Sat-ne, anh Ba Tàu (người Hoa), xà bông Cô Ba, đồ Năm Vố (đồ lạt soong), món ăn Năm Vố, bưởi Năm Roi, anh Bảy Cà ri (Ấn Độ) ….

Món ăn “Năm Vố” tức là “toàn đồ ăn do Tây đặt hàng – chánh hẫu con nai vàng”. Nhưng không phải là ăn “cả đời” mà ăn cho đến chiều tối hôm đó. Đó là ngày giỗ thằng con bà phụ bếp. Bao nhiêu món ăn ngon “Năm Vố” bà dọn ra cho bọn chúng tôi -là những thực khách quen thuộc- phần lớn là nhóm lao động phu phen, quyét đường, quyét chợ, đào đường đào cống, xích lô, đánh giày, bán báo, kể cả nhóm ăn xin… cũng sáp vô, thỉnh thoảng có một vài anh công chức hạng quèn hay gát dan cũng tìm đến. Còn mấy anh công chức – loại tiểu tư sản- đi làm có đeo “cà la quách” là ghé vô cái quán “Bà Cả Đọi” để được ngồi trên cái đi-văng ăn nên mâm nên bát. Còn đồ “Năm Vố” của chúng tôi được Bà đổ vào cái nồi to rồi cho khuân qua bên kia đường Hai Bà Trưng, chui vào con hẽm để “nhậu”- tránh ngồi ăn lổm ngổm như cái chợ chồm hổm làm mất vẻ “mỹ quan” của đất “Sài thành hoa lệ” dễ mà mắc tội danh: “công xúc tu sĩ”.

Riêng chỉ có tôi là “vị khách” hơi đặc biệt vì chiếm trọn tình thương của Bà bếp. Nên món “Năm Vố” hôm đó có món đặc biệt mà Bà dành riêng cho tôi – lại có thêm mấy lời tâm sự. “Con biết không, đồ năm vố là đồ ăn dư thừa của khách- thay vì đẩy ra cho đám ăn xin thì chủ nhà hàng cho Bà để Bà nuôi heo. Nhưng nuôi heo uổng quá!- toàn đồ ngon. Bà để dành cho anh em. Bà cho toàn thức ăn dư vào cái nồi to để làm món đồ “xà bần” , rồi nấu cho nóng lại như nấu cám heo”. Cho nên, khách ăn gì trong ngày hôm đó thì anh em cũng ăn no đủ như họ. Hôm nay, riêng con! Bà dành cho một miếng bít tết nhỏ là do một ông khách sang trọng ổng nhai mãi không nuốt được, ổng bèn nhả ra và nhổ một bãi nước bọt vào đĩa. Rồi! kêu “bồi” đến mắng một tràng tiếng Tây “mẹt xà lù”- chê miếng thịt còn sống, dai như dẻ rách. . Bà mừng quá! Lấy riêng ra cho lên chảo, cho thêm tiêu, thêm tỏi để cho con ăn riêng! ”.

Lúc đó, cổ họng tôi như bị ai bóp. Tôi ôm bụng, ói ra ngay tại chỗ cái gì đã ăn. Mặt tái xanh. Anh em hốt hoảng nói là tôi “bị trúng gió”. Rồi có ai đó lấy ra cái lọ dầu nhị thiên đường bôi vào bụng tôi, cổ họng tôi, hai màng tang của tôi. Rồi cũng có người bắt gió cho tôi. Và kể từ đó, tôi ra đi. Cho đến khi bất chợt một chú xích lô gặp tôi dọc đường rượt theo tôi để vội vã báo tin Bà bếp đã mất vì hao mòn sức khỏe. Khi Bà mất Bà có nói với người chung quanh là vì Bà đã mất luôn một đứa con thứ hai- không biết nó bỏ Bà đi đâu (?) từ cái bữa ăn tối hôm đó! Nên Bà không muốn sống làm gì nữa!.

Truyện đã đăng trên Sài gòn giải phóng, số 12056 (03/01/2011).

Nguyễn Mạnh Hùng

(Visited 28 times, 1 visits today)